Diễn đàn

Doanh nhân hay con buôn?

                                                                        

Theo ông Giản Tư Trung - chuyên gia giáo dục, Viện trưởng Viện IRED và Hiệu trưởng Trường PACE - trong giới làm ăn của quốc gia nào cũng có 3 nhóm người khác nhau: Doanh nhân, trọc phú và con buôn.

“Không phải ai cũng là doanh nhân. Phải có văn hóa mới là doanh nhân nếu không thì nó lại thành “trọc phú” hoặc là “con buôn” rồi”. Bởi “Doanh nhân phải là những người kiếm tiền mà không làm hại đến ai, không lừa gạt ai và sản phẩm của họ có thể đem lại những giá trị cho người tiêu dùng”, ông Trung khẳng định.

Theo định nghĩa trên của chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung thì làm doanh nhân đích thực không phải dễ.  Thế cho nên danh hiệu cao quý, đẹp đẽ này không thể tùy tiện để gắn vào bất cứ ai làm nghề kinh doanh.

Vài chục năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước, tầng lớp doanh nhân Việt ngày càng khẳng định được vị trí của mình trên thương trường trong và ngoài nước. Đó là điều đáng tự hào.

Trong trào lưu chung ấy, những từ “trọc phú”, “con buôn” dần ít xuất hiện, dù cách đây ba bốn chục năm nó trở nên phổ biến trong xã hội Việt Nam thời bao cấp, khi mà giới “doanh nhân” đích thực chưa thể ra đời bởi sự trói buộc của cơ chế vận hành nền kinh tế bao cấp.

Nhưng “trọc phú” đặc biệt là “con buôn” xuất hiện trong đời sống xã hội lúc bấy giờ lại gắn liền với thái độ kỳ thị của mọi người. Có lẽ nó xuất phát từ cung cách làm ăn, khi con buôn bắt tay với cán bộ thương nghiệp, mậu dịch viên tuồn hàng ra chợ đen để thao túng thị trường, móc túi người tiêu dùng; trong lúc cán bộ viên chức xếp hàng chờ cả buổi đến lượt mình thì bỗng nhận được thông báo từ tấm biển viết nguệch ngoạc mà mậu dịch viên vừa trương ra: “Hết hàng”! Họ còn được gọi bằng những biệt danh khác, thật hình tượng: Phe, phe phẩy, gian thương.

Bước sang thời kỳ đất nước đổi mới, mở cửa, kinh tế phát triển, từ con buôn “chết” dần trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Xã hội nhìn nhận tầng lớp buôn bán nhỏ lẻ không còn nặng tính hồ nghi “buôn gian bán lận”.

Thế rồi bỗng dưng một ngày giữa tâm bão đại dịch nCovy này, “con buôn” bỗng dưng “tái xuất giang hồ”. Bóng ma ám ảnh xã hội một thời bất ngờ xuất hiện trên mạng xã hội. Một vài tờ báo chính thống gọi đích danh họ - những nhà buôn thuốc Tây và vật dụng y tế bất lương - là con buôn.

Bởi họ đã trục lợi từ mạng sống của đồng bào khi hàng triệu người đang phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập của đại dịch nCovy.

Một chiếc khẩu trang thường ngày có giá rẻ như bèo, chỉ từ một đến hai ngàn đồng một cái bỗng dưng được họ - những nhà buôn vẫn được gọi là doanh nhân ấy - đẩy giá tăng vọt lên mười, mười lăm ngàn, thậm chí 50.000 đồng. Một lọ nước rửa tay khô cũng bị họ đẩy giá lên gấp 3, 4 lần giá gốc.

Họ đã không từ một thủ đoạn vô liêm sỉ nào để chặt chém đồng bào mình, những người vẫn thường được họ leo lẻo “tôn vinh” là “thượng đế”. Họ găm hàng, đầu cơ, phớt lờ cả luật pháp chứ chưa nói đến đạo đức kinh doanh.

Tại chợ thuốc lớn nhất Hà Nội là Hapulico, sau khi bị lực lượng chức năng xử phạt nhiều quầy thuốc ở đây bán khẩu trang y tế gấp hàng chục lần giá gốc, thì ngay lập tức ngày hôm sau, gần như cả chợ thuốc này đồng loạt treo biển "không bán khẩu trang, đừng hỏi".

Một chủ tài khoản facebook trong nhóm “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội”, ngang nhiên đăng lời kêu gọi: “Tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ nhà nước lo, miễn phí hay bán giá như trước thì nhà em không làm được rồi... Sân bay bán 350k/10 cái khẩu trang y tế 4 lớp mà chẳng quản lý thị trường nào vào đập, cứ nhà thuốc nhỏ lẻ bị úp. Vậy nên chúng ta chung sức không nhập, không bán nhé”.

Hành vi trục lợi của họ thật bất lương, trái với đạo đức kinh doanh, trái với lời thề Hippocrates mà bất cứ ai khi bước chân vào ngành Y, Dược đều phải thuộc nằm lòng. Chưa đủ, cay cú khi bị chính quyền xử lý, họ phản ứng tiêu cực, coi thường kỷ cương phép nước. Họ đã quên, đã giẫm đạp lên những phẩm giá của người thầy thuốc được nhân loại vun đắp từ bao đời nay.

Lừa gạt để trục lợi giữa lúc đại dịch Corona thì quả thực là giết người không dao. Những nhà thuốc thất đức ấy bị đồng tiền chi phối, lóa mắt. Họ đâu có biết rằng, giúp đồng loại phòng trách được dịch bệnh cũng chính là cách tốt nhất để tự cứu mình. Lưỡi hái tử thần của nCovy chẳng hề phân biệt ai.

Để đánh giá là doanh nhân hay là con buôn người ta không nhìn vào quy mô mà người ta nhìn vào cách kiếm tiền của họ, chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung cho hay.

Bởi thế, họ - những nhà buôn đeo danh Thiện Tâm, Nghĩa Phúc, Ngọc Tâm, Bình An,… nhưng lại kiếm tiền bằng lừa gạt, hại người - không thể là doanh nhân. Họ đích thị vẫn là con buôn!

Với bản chất cố hữu đó, thật khó để mong đợi ở họ một chút văn hóa doanh nhân gọi là.

Nguồn tham khảo: https://pace.edu.vn/so-tay-doanh-tri/ChiTiet/674/phan-biet-doanh-nhan-troc-phu-con-buon-2?term_taxonomy_id=33

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443747

Hôm nay

2305

Hôm qua

2333

Tuần này

21560

Tháng này

218921

Tháng qua

112676

Tất cả

114443747