Diễn đàn

Đừng quá lời với giáo sư Trần văn Giàu

 Giáo sư Trần Văn Giàu, “người thầy của những người thầy”, được nhiều thế hệ nhà giáo, nhà khoa học và chính trị tôn trọng và nể phục. Tuy nhiên, có một “khảo cứu” của ông Trần Xuân An (TXA) đã không ngại ngần bới móc và phê bình quá lời đối với một vài chi tiết trong cuốn sách của giáo sư viết từ năm 1956.

Cuốn sách “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa - khảo luận về một vài khía cạnh sử học (Nxb Thanh Niên, 2006) có một khảo luận trích đoạn "Chống xâm lăng" (như là một cách đối thoại với GS. Trần Văn Giàu), ngay từ đầu ông TXA đã "chỉnh" Giáo sư Trần Văn Giàu bằng một lý thuyết:

"Chúng tôi không dám vin vào những câu khiêm tốn trong lời nói đầu (viết vào năm 1956) của GS. Trần Văn Giàu ở bộ sách Chống xâm lăng để nghĩ rằng GS. không phải là nhà sử học, mà chỉ là một người học sử để làm công tác tuyên huấn của Đảng, trong hoàn cảnh thực dân Pháp thống trị, người có học lại chỉ học sử Pháp và rất mù mờ về quốc sử. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mạo muội nhận định: Quan điểm mác-xít – lê-nin-nít, GS. đã vận dụng một cách khá máy móc, không xét đến tính lịch sử – cụ thể. Lẽ ra, phần kiến thức sử học phải tuyệt đối khách quan, còn phần liên hệ (rút ra bài học từ lịch sử cho hiện tại và bản thân) vẫn bảo đảm mục đích yêu cầu tuyên huấn, nếu cần thiết phải tuyên huấn. Phải chân thực về lịch sử, tuyên huấn mới có sức thuyết phục, tức thời trước mắt và bền vững lâu dài! Ngoài việc vẫn bồi dưỡng lòng căm thù giặc ngoại xâm và tay sai, nên khẳng định ý thức không có gì quý hơn độc lập, tự do và nền dân chủ mới (xã hội chủ nghĩa đích thực), hơn là bôi nhọ chế độ phong kiến trong lịch sử, một hình thái chính trị tự bản chất đã quá lỗi thời, một đi không trở lại" (tr. 132).

Nghiên cứu khoa học thì cái đúng và cái chưa đúng trong các hoàn cảnh cụ thể đều cần được xem xét một cách khách quan, đúng mực. Ông TXA đi phê bình cuốn sách GS Trần Văn Giàu viết năm 1956 với những hạn chế về tư liệu để chỉ ra cái thiếu sót tất yếu thì nào có khó gì, nhưng sao TXA lại không tiếc lời, đến "chỉnh" giáo sư cả về lí luận như chúng tôi đã trích dẫn?

Ông TXA dám "nhắn nhủ" GS. Trần Văn Giàu nên đọc sách của ông viết về Nguyễn Văn Tường, bởi..."Với các cuốn sách của chúng tôi, mong rằng sẽ góp phần nhỏ để chấm dứt tình trạng người nói xuôi kẻ nói ngược rất rắc rối, tà tâm, học phiệt, và khá vớ vẩn!" (tr. 161). Nếu được như thế, ông TXA đã là bậc thầy của giới nghiên cứu đang "xuôi ngược".

Thực tế, ông TXA chủ yếu dựa trên những kết quả nghiên cứu mới về Nguyễn Văn Tường để phê bình những quan điểm đánh giá có phần thiếu sót của GS. Trần Văn Giàu. Liệu những “thiếu sót” của GS Trần Văn Giàu đến mức độ nào mà ông TXA viết:

"GS. Trần Văn Giàu cố ý không biết đến sự đánh tráo nhân vật trong vè Thất thủ Thuận An, mặc dù trong Đại Nam liệt truyện đã ghi rõ: Nguyễn Trọng Hợp là người xé chăn vải trắng, viết lên đó chữ “Âu” để đầu hàng Pháp, chứ không phải là Nguyễn Văn Tường! Nghiêm trọng nhất là GS. lại cố ý không biết tới hai bức mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về cho Nguyễn Văn Tường và hoàng tộc sau cuộc Kinh Đô Quật Khởi (05.7.1885)!… Sao GS. lại phớt lờ đi tinh thần đấu tranh khẳng khái của Nguyễn Văn Tường trước kẻ thù đã thắng trận, với tên tay sai cơ hội Nguyễn Hữu Độ mà cả Hạnh Thục ca cũng ghi nhận? Chẳng lẽ GS. cố tình quên cả bản án cáo thị của De Courcy, De Champeaux và cả bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh về Nguyễn Văn Tường...

Chúng tôi đã gián tiếp tranh luận, đính chính lại những gì GS. Trần Văn Giàu cố tình quên, cố ý sai lệch, hoặc thiếu sót, với tinh thần dân chủ trong học thuật.

Trong giới sử học, giới nhà văn Nam, Bắc, 1954 - 1975, và cả trước đó cũng như sau này, mặc dù có nhiều lời khen chê, thậm chí dựng đứng chuyện bịa để căn cứ vào đó mà chỉ trích thậm tệ, nhưng chưa có ai viết về Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) một cách xuyên tạc bằng lối đảo ngược sự thật lịch sử như Phan Bội Châu (thực ra là do Lương Khải Siêu!). Nói gọn hơn, chỉ mỗi tác giả Việt Nam vong quốc sử viết ngược như vậy!". (tr. 108-109). Đã nói "thực ra là do Lương Khải Siêu", sao lại chỉ trích Phan Bội Châu?

Có cần phải nặng lời như những chỗ tôi đã bôi đen trên không? Liệu GS. Trần Văn Giàu, một giáo sư đầu ngành lại nhỏ nhen đến “cố ý”, “cố tình”, “phớt lờ” những chi tiết với mục đích gì?

Bên cạnh đó, ông TXA luôn có những nhận định thái quá, theo chúng tôi là thiếu cơ sở thực tế. Ông An viết: “Tất nhiên chúng tôi cũng đã phê phán luận điệu trong bài viết “Một kinh đô phù du: Tân Sở” (1914) của H. de Pirey và trong hai bài viết “Pháp đánh chiếm kinh thành Huế” (1920) và “Cái chết của Nguyễn Văn Tường, cựu phụ chính An Nam” (1823) của Delvaux, là đầy thù hận, thiếu trung thực… Rất tiếc là hiện nay nhiều người, trong chừng mức nào đó, còn bị nhiễm độc từ ba bài viết vừa nêu của hai cố đạo vốn là linh mục quản hạt tại Quảng Trị này! Và, xin vô phép được nêu câu hỏi: Phải chăng GS. Trần Văn Giàu cũng phần nào bị “ảnh hưởng” các chi tiết xuyên tạc (vốn là thủ đoạn khích tướng, li gián của Pháp), bởi luận điệu của hai cố đạo ấy, mà chúng tôi đã lược bỏ? Chúng tôi cũng xin vô phép ngờ rằng các tác giả trong Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập) cũng ít nhiều chưa thoát khỏi “định kiến” do các bài báo của H. de Pirey, Delvaux nói trên gây ra? Thảo nào GS. Trần Văn Giàu còn gọi tên giám mục tả đạo vốn mang bản chất thực dân thâm độc, cuồng bạo Puginier là “ông”!” (Tr. 154).

Ông TXA  “vô phép” nêu câu hỏi nhưng thực chất để ám chỉ GS. Trần Văn Giàu đã bị ảnh hưởng bởi những bài viết trên là một sự quy kết thiếu cơ sở. Bên cạnh đó, ông TXA cho rằng “các tác giả trong Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập) cũng ít nhiều chưa thoát khỏi “định kiến” do các bài báo của H. de Pirey, Delvaux nói trên gây ra? Cũng là một nhận định phiến diện.

Sách Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập) được ông An nói tới là của của một tập thể tác giả do 3 giáo sư Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm và Lê Mậu Hãn chủ biên, hiện được sử dụng phổ biến trong các trường đại học, đã tái bản trên 10 lần và được đánh giá cao. Lẽ nào tập thể tác giả này đã bị “ảnh hưởng” và không thoát khỏi định kiến? Khoa học lịch sử Việt Nam sau gần 1 thế kỉ không thoát khỏi “định kiến” hay sao ?

Hãy lưu ý rằng tại hội nghị "Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường" tổ chức tại Tp HCM ngày 20.6.1996, kết luận: "Nguyễn Văn Tường là người thực tâm yêu nước. GS Trần Văn Giàu cũng đã từ bỏ ý kiến đánh giá trước đây của mình và thừa nhận Nguyễn Văn Tường là đại quan yêu nước dưới triều Nguyễn" (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6.2003, tr. 90).

Việc lên tiếng từ bỏ ý kiến của GS. Trần Văn Giàu ngay trong hội nghị khoa học có ý nghĩa rất lớn trong chặng đường nghiên cứu về nhân vật Nguyễn Văn Tường, đánh dấu sự thay đổi nhận thức về nhân vật lịch sử này.

Phải mất 40 năm sau cuốn sách của giáo sư xuất bản (1956-1996), giới sử học mới có cách đánh giá khách quan hơn về nhân vật Nguyễn Văn Tường (trong đó có GS Trần Văn Giàu). Là một nhà khoa học lớn, giáo sư đã từ bỏ những đánh giá trước đây có phần sai trái, điều đó thể hiện ông không hề bảo thủ trong nghiên cứu, sao đến 10 năm sau (2006) vẫn còn có người đưa ra để phê phán quá lời. Tại sao ông TXA không thấy hay cố tình không thấy được sự vận động biện chứng trong quá trình tiếp cận chân lý sử học của GS. Trần Văn Giàu?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440544

Hôm nay

2139

Hôm qua

2309

Tuần này

2448

Tháng này

215718

Tháng qua

112676

Tất cả

114440544