Diễn đàn

Hồ Chí Minh - Đại diện ưu tú của văn hóa xứ Nghệ và Thăng Long – Hà Nội

 
Một ngàn năm trước, mùa thu năm Canh Tuất (1010), với một cái nhìn xuyên suốt không gian và thời gian, Lý Công Uẩn đã chọn thành Đại La để dời đô từ Hoa Lư về đây và đổi tên là Thăng Long với khát vọng vươn cao bay xa của dân tộc Việt Nam. Cũng sau đó 20 năm, vua Lý đã khai sinh tên gọi Nghệ An cho miền đất biên viễn đấy nắng gió nhưng người dân hết mực kiên trung trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc ở phương Nam.

Thăng Long – Hà nội với xứ Nghệ đã chung một hành trình ngàn năm chẵn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Một ngàn năm xứ Nghệ là đất tiến và là đất lùi của của dân tộc Việt Nam. Từ đất này, người Việt Nam đã đi ra để có hình hài đất nước hôm nay. Tại đất này, vận nước những lúc gian khó nhất đã được hóa giải.

Người Thăng Long, người Việt Nam đã tạo dựng nên văn hóa Thăng Long sâu sắc, cao sang, hội đủ sự phóng khoáng và êm đềm của dòng Nhị Hà và cả vùng châu thổ Bắc Bộ. Và trên mảnh đất này, từ hơn một ngàn năm trước lại nay, bao đời người từ Khe Nước Lạnh đến Đèo Ngang đã chắt chiu mồ hôi và máu để tạo dựng nên một văn hóa xứ Nghệ phong phú,  độc đáo với nhiều giá trị đỉnh cao để góp phần thêu dệt nên văn hóa Việt Nam.
Một ngàn năm xứ Nghệ đã đồng hành cùng Thăng Long – Hà nội và cả nước. Một ngàn năm văn hóa Thăng Long – Hà Nội rạng ngời trên đất Nghệ và một ngàn năm người Nghệ đã chắt chiu và đóng góp tài hoa sáng tạo để cùng người kinh kỳ làm nên một văn hóa - văn hiến Thăng Long – Hà Nội. Một ngàn năm xứ Nghệ và Thăng Long – Hà Nội tương tác, giao lưu, giao thoa, tiếp nhận lẫn nhau, làm phong phú cho nhau, nâng cao tầm cho nhau để cùng phát triển trong dòng chung văn hóa Việt nam.
Một ngàn năm trước có một người con Thăng Long là Uy minh vương Lý Nhật Quang đã vâng mệnh vua cha là Lý Thái Tổ về vùng đất biên viễn xa xôi và nghèo khó này. Cái tình với nước với dân, cái tài cầm quân đánh giặc và chăm lo vỗ về dân chúng của chàng hoàng tử kinh thành Thăng Long đã góp phần quan trọng phát triển vùng đất này trở thành thành trì và là điểm tựa phát triển của đất nước ở phương Nam. Và gần một ngàn năm sau đó, từ Tân Trào trở về sau cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc thắng lợi, Hồ Chí Minh - một người Nghệ, đã theo gương người xưa định đô ở Hà Nội và mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp nhận được một cách sâu sắc tinh hóa văn hóa xứ Nghệ, văn hóa Thăng Long –Hà Nội, văn hóa Việt Nam làm tiền đề cho qúa trình thâu thái văn hóa nhân loại để trở thành kiến trúc sư của nền văn hóa Việt Nam hiện đại và tương lai. Hồ Chí Minh đã trở thành người đại diện ưu tú cho cả văn hóa xứ Nghệ và văn hóa Thăng Long – Hà nội hôm nay và ngày mai.
Một ngàn năm là hơn một ngàn thử thách để nâng tầm văn hóa xứ Nghệ, văn hóa Thăng Long – Hà Nội và văn hóa Việt Nam. Văn hóa là một dòng sông. Sông có thể cạn, có thể đổi dòng và có thể chảy mãi đến vô cùng. Ngẫm lại lịch sử một ngàn năm để hướng tới tương lai là điều cần thiết. Hãy bắt đầu kiến tạo tương lai từ hôm nay bằng trí tuệ kết tinh trong một ngàn năm qua để tiếp tục thăng hoa và phát triển văn hóa của Thăng Long _ Hà Nội và xứ Nghệ.
                                                          

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443579

Hôm nay

2137

Hôm qua

2333

Tuần này

21392

Tháng này

218753

Tháng qua

112676

Tất cả

114443579