Diễn đàn

Phát triển văn hoá đối thoại và nâng cao trình độ dân chủ

 

Quốc hội vừa rồi đã biểu quyết chưa thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc-  Nam do Chính phủ đệ trình. Đây là một quyết định khó khăn của Quốc hội và các đại biểu. Thế nhưng với quyết định này, Quốc hội đã khẳng định quyền lực tối cao của cơ quan lập pháp đối với vận mệnh của đất nước và sự trưởng thành của văn hoá đối thoại của chúng ta.

Dự án đường sắt cao tốc của Chính phủ đã giành được sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của mọi tầng lớp nhân dân và của nhiều cơ quan nhà nước, kể cả lập pháp và hành pháp. Đối thoại, tranh luận về dự án này đã diễn ra ở trong phòng họp Quốc hội và lan rộng ra mọi lúc, mọi nơi trên khắp cả nước và cả trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Giới trí thức, các nhà chuyên môn, các nhà kinh tế, các nhà chính trị, giới báo chí là những người hăng hái đối thoại nhất. Mọi người tham gia đối thoại đều xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Đây không phải là sự tranh chấp quyền lực và quyền lợi mà là một cuộc đối thoại nhằm đi đến thống nhất về một tầm nhìn và một quyết sách lớn để phát triển đất nước. Để đi đến đích có thể có nhiều con đường. Đối thoại là nhằm xác định được con đường ngắn nhất, ít đèo dốc và ít nguy hiểm nhất. Chính phủ đã lắng nghe Quốc hội, Quốc hội đã lắng nghe Chính phủ, lắng nghe giới trí thức và báo chí, lắng nghe tiếng nói của nhân dân trên cơ sở các phản biện khoa học để đi đến quyết định. Quyết định này đã thể hiện và khẳng định sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của cả đất nước. Đó là thắng lợi lớn của chúng ta trên bước đường phát triển. Quyết định về một dự án không phải là tất cả nhưng nó đã thể hiện trình độ lập pháp, trình độ dân chủ của một nhà nước pháp quyền. Và sâu xa, quyết định này thể hiện tính chất và sự trưởng thành về  văn hoá đối thoại của chúng ta. Trong quá trình đối thoại các ý kiến đã được tôn trọng, lắng nghe để từng bước mọi người cùng tiếp cận những lý lẽ có cơ sở khoa học nhất, có lợi nhất cho đất nước. Các ý kiến đối thoại đã thuyết phục nhau chứ không phải tranh giành nhau phần thắng. Nguyên lý “Người nói có kẻ nghe” của cha ông đã được thấm nhuần trong các quan hệ lớn của đất nước. Trong một nhà, trong một nước mà mọi người còn tôn trọng và lắng nghe nhau, tin tưởng nhau là đang còn phúc, còn có cơ phát triển. Đã không còn nghe nhau, tin tưởng nhau, chờ đợi nhau thì sự rạn nứt, đổ vỡ là điều rất có thể.
Trên đường phát triển của đất nước sẽ có nhiều vấn đề lớn bằng và lớn hơn nhiều dự án đường sắt cao tốc. Trách nhiệm quyết định vận mệnh đất nước của Quốc hội sẽ vô cùng to lớn và nặng nề. Để có được quyết định đúng đắn, nhất thiết phải tập hợp được tình cảm, trách nhiệm, ý chí, trí tuệ của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân. Mọi quyết sách đều phải được xác lập trên cơ sở tôn trọng và đảm bảo lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân, tôn trọng các cơ sở khoa học và thực tiễn của vấn đề. Bởi vậy, phát triển văn hoá đối thoại, nâng cao trình độ dân chủ là điều chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh ở mọi lúc, mọi nơi nhằm củng cố và phát triển khối đoàn kết, đồng thuận toàn dân tộc, phát huy cao độ ý chí và trí tuệ toàn dân tộc để bảo vệ và xây dựng đất nước.
                                                                                               

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443773

Hôm nay

224

Hôm qua

2307

Tuần này

21586

Tháng này

218947

Tháng qua

112676

Tất cả

114443773