Rõ ràng, quan điểm đường lối phát triển văn hóa nói chung, đầu tư phát triển văn hóa nói riêng của nhà nước ta là đúng đắn, phù hợp và cần thiết cho văn hóa, và, cho phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện vẫn còn những bất cập, không phù hợp, không có kết quả, hiệu quả cần có, gây lãng phí tiền của, thời gian, thậm chí tạo ra các bất bình, phản ứng của người dân và dư luận. Nhiều công trình văn hóa - nghệ thuật được đầu tư nhiều tiền của nhưng không đem lại các giá trị tư tưởng, thẩm mỹđáng có. Nhiều tượng đài quá xấu; Nhiều phim, nhiềuvở diễn quá dở; Nhiều công trình văn hóa như nhà hát, nhà bảo tàngbỏ trống; Nhiều công trình tưởng niệmđồ sộnhưng không tạo được sự quan tâm của cộng đồng; Nhiều chương trình nghiên cứu “đầu voi đuôi chuột”, đầu tư nhiều nhưng kết quả ít…Những trường hợp này không phải là hiện tượng cá biệt mà có ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều địa phương trong cả nước.
Có nhiều nguyên nhân tạo nên hiện tượngnói trên,từ nhận thức chưa thấu đáo, còn đơn giản về văn hóa và đầu tư cho văn hóa đến suy nghĩ nông cạn về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, văn hóa với môi trường tự nhiên và xã hội; Từ chú trọng quy mô đầu tư các công trình mà không đề cao yêu cầu tạo ra giá trị tư tưởng và thẩm mỹđến“tư duy nhiệm kỳ”, cốt làm lấy được để đánh bóng tên tuổi cá nhân, và “hội chứng dự án”với nhiều toan tính tư lợi, thậm chí tham nhũng; Từ tâm lý sĩ diện hão đến căn bệnh hình thức, khoa trương, giả dối; Từ hạn chế năng lực sáng tạo đến yếu kém khả năng quản lý…
Để nền văn hóa phát triển đúng quy luật, bền vững, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, với sự vận động của thời đại, nhất thiết phải khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả và có nhiều di hại nói trên. Muốn làm được điều đó, phải có một hệ thống các điều kiện và biện pháp, giải pháp đồng bộ, liên hoàn từ nhận thức đến hành động mà trong đó con người, cụ thể là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, trí thức, văn nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, phải ở vị trí trung tâm chứ không phải đồng tiền. Theo đó, thứ nhất, phải đổi mới đội ngũ, xây dựng và nâng cao trình độ chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm văn hóa để nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, cụ thể là nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư văn hóa. Thứ hai, phải đổi mới cơ chế quản lý và đầu tư cho văn hóa trên nguyên tắc đề cao giá trị, đáp ứng sự phát triển bền vững, phong phú và hiện đại của nền văn hóa, tôn trọng và khuyến khích sáng tạo, loại bỏ các dấu hiệu và tàn dư tiêu cực xấu xa trong quản lý và thực hiện đầu tư văn hóa.
Đất nước còn nghèo, không thể đầu tư cho văn hóa theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ”. Nhiều tiền chưa hẳn đã tạo nên được những giá trị văn hóa cần có, đáng có, có thể có, nếu không có năng lực sáng tạo, và, rơi vào tay những kẻ kém cỏi, tham lam./.