Thực ra, vấn đề trên đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và cho đến nay - tính tích cực về mặt pháp lý, tính nhân văn về giáo dục đạo đức, tính khoa học về mặt cấu trúc xã hội của điều luật QIL hoàn toàn được ghi nhận.
QIL đang phải chịu áp lực không nhỏ từ những ý kiến phản đối. Thống kê qua nhiều phản hồi cho thấy có hai “cơ sở” để “chưa” chấp nhận. Một số cho rằng do “điều kiện dân trí thấp”, một số khác lại nói rằng nếu áp dụng QIL, các tội phạm chây ì, ngoan cố trong khoảng thời gian ‘chờ” luật sư, sẽ tạo điều kiện cho các đồng phạm bỏ trốn, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, ảnh hưởng đến xã hội nên phải “hy sinh cái nhỏ cho cái lớn”(?).
Vế thứ nhất về “điều kiện dân trí thấp” là một thông tin đã quá quen, quen đến mức nó đã trở thành “đáp án chính thức” cho mọi nan đề về quản lý, lãnh đạo. Tại sao những người có ý kiến đó không nghĩ rằng như thế nào là thấp? Bao giờ thì dân trí sẽ cao? Nếu không thay đổi theo hướng tiến bộ, nhân văn thì dân trí làm sao cao nổi bởi ‘dân trí’ đâu có thể tự sinh, tự dưỡng? Vế thứ hai của vấn đề thực chất là một sự phản logic tai hại: Nếu nói rằng đối tượng “chờ luật sư” sẽ làm khó khăn cho việc điều tra tức hàm ý mặc định rằng có thể khai thác nhanh, có kết quả ngay tức thời bằng… nhục hình(!) Nếu đã chây ì, ngoan cố, không dùng nhục hình làm sao có thể có kết luận nhanh để chứng tỏ nghiệp vụ xét hỏi khá, “năng lực chuyên môn” cao? Mặt khác, kinh nghiệm điều tra tội phạm trên thế giới cho thấy việc khai thêm thực ra chỉ là làm rõ hơn, cụ thể hơn các đối tượng liên quan chứ trên thực tế, nếu giám sát tốt trước khi bắt đối tượng (đã điều tra cả mạng lưới trước khi thực hiện việc bắt giữ) chủ chốt thì các nghi phạm liên quan khó có thể tẩu thoát.
Ý kiến ủng hộ việc ban hành càng nhanh càng tốt điều luật về QIL chiếm đa số gần như tuyệt đối trong dư luận vì các căn cứ phản biện đã nói trên đây và, nhất là, nó phù hợp với xu hướng tiến bộ, nhân đạo của toàn thể loài người – bởi QIL là một bước tiến dài của việc tôn trọng quyền con người trong một xã hội thượng tôn pháp luật, văn minh.
Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh là, nghi can (có nghĩa vẫn là người vô tội trước khi bị tòa tuyên án) là thành phần đặc biệt bị kỳ thị trong xã hội, rất cần được pháp luật bảo vệ, che chở. Quan niệm cố hữu cho rằng đã bị bắt là có tội đã phó mặc hoàn toàn số phận của nghi can vào cách nghĩ, cách làm chủ quan của người điều tra xét hỏi. Không phải tự nhiên mà án oan sai của nước ta nhiều như thế, oan lụy xót xa đến thế.
Mặt khác, các cán bộ của cơ quan điều tra bị áp lực rất lớn từ đòi hỏi “hoàn thành nhiệm vụ”, phá án nhanh” nên rất dễ lạm dụng quyền lực, thiếu tỉnh táo, dễ mắc sai phạm khi hành vi không bị kiểm soát (vụ án 6 công an dùng nhục hình làm chết người ở Phú Yên là một trong những vụ điển hình), dẫn đến sự xúc phạm nhân phẩm, thể xác của bị can.
Điều tiếp theo phải lượng định kỹ càng: Vấn đề nhân quyền là đòi hỏi bức thiết của xã hội ta nói riêng, toàn thế giới nói chung bởi tôn trọng con người như là thực thể thiêng liêng – bất kể địa vị xã hội và năng lực của mỗi cá nhân, là sự phản ánh đầy đủ nhất bản chất tốt đẹp của chế độ. Nguyên tắc của một cấu trúc lành mạnh thật ra rất giản dị: Đó là xã hội được tổ chức sao cho mọi hành vi và ý đồ lạm dụng của quyền lực được giảm tới mức thấp nhất, quyền con người được đảm bảo ở mức cao nhất.
Không thể có được từ dân lòng tin, sự an lành nếu hàng ngày báo chí cứ liên tục đưa tin về việc công dân bị thương tích, bị chết “bất ngờ”(?) ngay tại các cơ quan công quyền. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng sự lạm dụng quyền lực đang là điều… có thật. Nguy hại hơn, nếu không có các chế tài nghiêm khắc, hiệu quả, thói kiêu binh, tự tung tự tác sẽ làm xói mòn sự ổn định của thể chế…
Những thay đổi có tính đột phá không bao giờ là điều dễ dàng. Thế nhưng, ý nghĩa của sự đổi thay có giá trị đặc biệt vì đây là lúc xã hội nước ta đòi hỏi phải có những chuyển biến mạnh mẽ. Nếu QIL được thiết lập, chắc chắn nó sẽ tạo ra hiệu ứngdây chuyền: Khi quyền con người được tôn trọng và đề cao đúng như nó cần phải có, rất nhiều giá trị nhân văn sẽ được cộng hưởng, lan tỏa, làm cho quan hệ giữa con người với con người trong xã hội trở nên hài hòa và tốt đẹp hơn…