Hàng năm, UNESCO nhóm họp một lần để phê duyệt hai danh mục di sản: 1/ danh mục di sản phi vật thể cần được bảo vệ cấp thiết (Liste du patrimoine culturel nécessitant une sauvegarde urgente), tức là danh mục các di sản mà các cộng đồng liên quan cũng như các quốc gia thành viên xem như phải có biện pháp bảo tồn ngay để các di sản này không bị mai một hoặc bị phá hoại và 2/ danh mục di sản phi vật thể tiêu biểu của nhân loại (Liste représentative du patrimoine culturel immatériel de l’humanité) là danh mục các di sản biểu hiện sự đa dạng văn hóa nhằm làm cho dân chúng có ý thức hơn về tầm quan trọng của nó. Theo Cécile Duvelle, Trưởng Phòng Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO: “Danh mục tiêu biểu (liste représentative) không nhằm vinh danh những loại hình văn hóa xuất sắc nhất thế giới. Điều duy nhất chúng ta quan tâm, đó là tầm quan trọng chủ quan của hoạt động văn hóa có liên quan đối với cộng đồng đang bảo tồn và lưu giữ nó.” Phương thức ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu khác với phương thức Danh mục di sản thế giới (Liste du patrimoine mondial), bao gồm các di sản có một “giá trị văn hóa toàn cầu đặc biệt.”
Người dịch tiếng Pháp (bởi UNESCO sử dụng tiếng Pháp như ngôn ngữ chính thức), khi đối diện với từ représentatif thường phải nghĩ tới việc lựa chọn giữa ba khả năng dịch:
- Đại diện (thay mặt, “lấy tư cách của người khác hoặc của một tổ chức nào đó” theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên)
- Biển diễn, diễn cảnh.
- Tiêu biểu (nghĩa là “cái nêu và cái mốc để người trông nhìn vào” theo từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh)
Như vậy, theo ngữ cảnh và theo nguyên tác, chúng ta không thể dịch “représentatif” thành “đại diện” được bởi đơn giản chúng ta không thể thay mặt nhân loại, lấy tư cách của nhân loại. Chúng ta cũng không thể dịch thành “biểu diễn” hay “diễn cảnh” vì tính từ này đi với danh từ “liste” (danh sách, danh mục), không ai nói là danh mục biểu diễn cả. Chỉ còn cách dịch cuối cùng (“tiêu biểu”) là khả dĩ, bởi văn hóa phi vật thể được vinh danh trong trường hợp này đúng là “cái nêu và cái mốc để người trông nhìn vào” hay “hình ảnh cụ thể qua đó có thể thấy được đặc trưng rõ nét nhất của một cái gì có tính chất trừu tượng hơn, bao quát hơn, chung hơn (thường nói về cái tốt đẹp)” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên).
Vậy chúng ta không nên dịch (hoặc nói tắt) “Di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản tiêu biểu của nhân loại” thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Từ “đại diện” ở đây không những không đúng mà còn làm mất đi giá trị của những di sản được vinh danh.
Nhưng mà sự thể đã rồi?