Góc nhìn văn hóa
Hồ Chí Minh với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Mặc dù đã gần 80 năm trôi qua nhưng tầm vóc ý nghĩa lịch sử và bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị. Một Đảng vô sản chân chính mới 15 tuổi và chỉ khoảng 5.000 đảng viên đã lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đó là một trong những trang sử vàng chói lọi, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên trước kia và cả hiện nay vẫn có người đưa ra luận điệu như Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may của Việt Minh. Chưa dừng lại ở đó, có người còn trắng trợn cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là một hành động nhanh tay cướp lấy chính quyền khi bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống… Tuy cách diễn đạt có khác nhau nhưng “họ” đều thống nhất về mục đích là bóp méo lịch sử một cách đáng sợ. Họ đều cắt xén, xuyên tạc lịch sử, lấy một số hiện tượng không tiêu biểu quy thành bản chất, lập luận một cách ngụy biện, rút ra kết luận không dựa vào các sử liệu tin cậy. Luận điệu của họ thể hiện một cách nhìn phi lịch sử với dụng ý xấu nhằm phủ nhận công lao to lớn của Đảng, của quần chúng yêu nước, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám, nhất là những cống hiến xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Lịch sử càng lùi xa, chính là điều kiện tốt để chúng ta chiêm nghiệm, minh chứng rõ hơn, đầy đủ hơn về nguyên nhân và kết quả, về sự tác động của yếu tố chủ quan và khách quan đối với thành công của cuộc Cách mạng vĩ đại này. Thực tế lịch sử đã cho thấy, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi lớn nhưng ít đổ máu, ngoài yếu tố khách quan thuận lợi còn có những điều kiện chủ quan đóng vai trò quyết định, đó là sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo về lực lượng cách mạng, dự báo thời cơ và nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa, giành chính quyền dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên có một yếu tố mà từ rất sớm nhiều người đã biết, đó là việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đưa ra những dự báo thiên tài về chiều hướng phát triển và sự thành công của cách mạng Việt Nam. Những dự báo này có vai trò hết sức quan trọng đối với cách mạng Việt Nam trong việc xác định kẻ thù, chỉ ra mục tiêu nhiệm vụ và phương pháp đấu tranh, nhất là quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng.
Thứ nhất, sớm đưa ra những dự báo chính xác về xu hướng phát triển của cách mạng thế giới.
Tháng 9 năm 1940, trước những diễn biến mới của tình hình thế giới, với niềm tin vào sự thắng lợi của phe dân chủ, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận định: Đồng minh chiến thắng. Vì vậy, ngay sau khi về nước (28/01/1941), Người đã tích cực cùng với Đảng và các đoàn thể tập trung chuẩn bị mọi mặt cho sự phát triển của Cách mạng trong thời kỳ mới. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Đảng ta nhận định: Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công.
Đây là nhận định rất chính xác về xu hướng phát triển của cách mạng thế giới và Việt Nam, nhưng lại được đưa ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp, không có lợi cho phe dân chủ. Chúng ta biết rằng, vào thời điểm cuối năm 1940 và đầu năm 1941, phe phát xít do Đức Quốc xã đứng đầu đang rất hung bạo, mở rộng phạm vi xâm lược ra một vùng rộng lớn ở châu Âu, uy hiếp trực tiếp đối với Liên Xô và nhiều nước dân chủ khác ở khu vực châu Á, phần lớn lãnh thổ của Trung Hoa đã bị phát xít Nhật làm chủ. Đây chính là thời điểm phát xít Nhật mở rộng phạm vi chiến tranh sang khu vực Đông Dương, quân Nhật đã tràn qua biên giới từ Long Châu (Trung Quốc) vào Việt Nam qua ngả Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Sau khi Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) kết thúc ít ngày, cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nhân dân Liên Xô chống lại sự xâm lược của phát xít Đức diễn ra. Song, Người luôn vững tin rằng, Liên Xô sẽ đánh bại kẻ thù. Trong hồi ký có tựa đề Bác Hồ được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2000, đồng chí Vũ Anh có kể lại, Bác phân tích tình hình quần chúng, địa hình và khí hậu của Liên Xô rồi kết luận: Ngày xưa, quân Napoleon chinh phục khắp châu Âu cũng bị bại trận khi đánh Nga. Nay Liên Xô là Cộng sản, tổ chức rất cao, chế độ rất tốt, quần chúng rất giác ngộ, nhất định sẽ đánh bại và tiêu diệt được phát xít.
Với nhãn quan chính trị sắc bén và tầm nhìn chiến lược, tinh thần lạc quan của người vô sản, trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, nhất là tương quan lực lượng và sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, Người đã đưa ra tiên lượng chính xác về thành công của phe dân chủ, ngay cả khi kẻ thù đang cường thịnh nhất. Thực tiễn lịch sử đã diễn ra đúng như những tiên tri huyền diệu đến kỳ lạ của Hồ Chí Minh. Trên phạm vi quốc tế, dù cho Liên Xô và phát xít Đức đã có Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, nhưng Đức vẫn tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941 và cuối cùng Đức đã thua trận, đầu hàng Đồng minh vào ngày 09/5/1945. Sau đó là một loạt các nước như: Rumani, Bungari, Nam Tư... cũng được giải phóng và đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, nhận định đúng về các mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù.
Là một người Cộng sản chân chính, Hồ Chí Minh luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản, trong đó, có vấn đề về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù. Trên thực tiễn, dù chúng có chung mục tiêu là chống phá cách mạng nước ta nhằm đạt được những lợi ích nhưng giữa chúng lại có những mâu thuẫn không thể điều hòa.
Ở Việt Nam, thời kỳ này đã xuất hiện hai kẻ thù chính của dân tộc, đó là phát xít Nhật (vào Việt Nam từ tháng 9/1940) và thực dân Pháp. Bề ngoài, chúng có vẻ chung sống “hòa bình” với nhau, nhưng mỗi kẻ thù đều có một âm mưu riêng; vì vậy, chúng thường đấu tranh với nhau rất quyết liệt. Trước những diễn biến mới này, Hồ Chí Minh đã phân tích tình hình và đưa ra dự đoán chính xác về mối quan hệ giữa các kẻ thù trực tiếp mà cách mạng Việt Nam phải đánh đổ. Người nhận định: “Hiện nay, đế quốc Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương không khác gì hai con gà trống nhốt chung chuồng. Trước sau, chúng cũng chọi nhau. Tất có con bị thương nặng, có còn què. Lúc đó ta bắt mới dễ. Làm cách mạng phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mới chắc thắng”[1]. Người còn cho rằng: Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập. Cùng với đó là các mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội Việt Nam với kẻ thù của dân tộc cũng được đẩy lên đỉnh điểm khi dân ta bị mấy tầng áp bức, bóc lột của kẻ thù.
Dựa vào những nhận định tác động về mâu thuẫn của kẻ thù, về mâu thuẫn của Nhân dân Việt Nam với kẻ xâm lược mà Đảng và Hồ Chí Minh đã trù liệu mọi việc một cách chủ động, chính xác. Vì vậy, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 6/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương đã họp mở rộng ngày 09/3/1945 quyết định ban hành Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Chỉ thị được phổ biến rộng rãi vào ngày 12/3/1945. Trong Chỉ thị có đoạn viết: Hai con chó đế quốc không thể ăn chung một miếng mồi béo như Đông Dương. Tàu, Mỹ sắp đánh vào Đông Dương. Nhật phải hạ Pháp để trừ cái họa bị Pháp đánh sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ.
Như vậy, những nhận định của Hồ Chí Minh về mâu thuẫn của kẻ thù và diễn tiến trong lịch sử là hoàn toàn trùng khớp. Việc nhận định đúng về xu hướng phát triển của cách mạng thế giới và âm mưu của kẻ thù dân tộc trong giai đoạn này là cơ sở rất quan trọng để Hồ Chí Minh đưa ra những nhận định thiên tài về thành công của cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, đưa ra những tiên đoán thiên tài về thời cơ và thời điểm thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Vào tháng 6 năm 1940, tại Côn Minh - Trung Quốc, sau khi nghe tin Thủ đô Paris của Pháp bị quân Đức chiếm đóng. Chính phủ thân Đức do Vichy được thành lập, Hồ Chí Minh đã phân tích về tình hình thế giới, trong nước, nhất là những diễn biến ngay trong nội bộ nước Pháp và Người đưa ra nhận định: Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ vào lúc này là có tội với cách mạng. Do nhận định đúng và tiên lượng sớm những gì sẽ diễn ra, nên Người đã cùng các đồng chí của mình chủ động, khẩn trương tìm đường về nước để trực tiếp chỉ đạo phong trào.
Sau khi về nước (28/01/1941), Người đã cùng Trung ương Đảng bổ sung, hoàn chỉnh quá trình chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với các mạng Việt Nam, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Thời gian này, Người đã liên tiếp dự báo chính xác về thời điểm thành công của Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Gần đây, các cán bộ làm nhiệm vụ sưu tầm của Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã tìm thấy một bài thơ được cất giữ cẩn thận trong ống bương của một ngôi nhà sàn ở gần Pác Bó. Ông chủ ngôi nhà là một trong những Hội viên cứu quốc trước đây. Bài thơ đó có tên Lịch sử nước ta, do chính Người viết vào cuối năm 1941, được Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản vào tháng 2 năm 1942 và được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản vào năm 2015. Bài thơ được lãnh tụ Hồ Chí Minh viết với 236 câu theo thể thơ lục bát, rất dễ thuộc, dễ hiểu. Nội dung bài thơ ca ngợi những trang sử vẻ vang của dân tộc từ thời Hồng Bàng dựng nước đến năm 1942 khi tác phẩm ra đời, ca ngợi sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, các anh hùng tiêu biểu. Mở đầu bài thơ, Người viết “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”; nhưng điều vô cùng đặc biệt lại được Người thể hiện ở phần cuối, sau diễn ca lịch sử là phần phụ lục, Người ghi những năm quan trọng, cuối cùng là tiên lượng thiên tài: Năm 1945 - Việt Nam độc lập.
Tiên đoán của Hồ Chí Minh trong bài thơ, Việt Nam độc lập vào năm 1945, được Người đưa ra trước 4 năm so với thời điểm Cách mạng Tháng Tám thành công sau này. Một điều rất thú vị nữa, lời tiên đoán này không chỉ được thể hiện trong bài thơ nổi tiếng nêu trên, mà còn được Người nhắc lại nhiều lần trong các cuộc trò chuyện hay trao đổi công việc với các cộng sự của mình vào thời điểm đó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại: “Trời tối, trong hang rất lạnh, phải đốt lửa sưởi suốt đêm. Không có đèn, nên buổi tối ít khi làm việc. Anh em thường ngồi quây quanh đống lửa nghe Bác nói chuyện. Một lần, Bác nhắc lại những cuộc chiến tranh lớn, những cuộc cách mạng từ trước đến nay, rồi Bác phỏng đoán độ bốn, năm năm nữa, chiến tranh sẽ tới bước quyết định, và lúc đó là một cơ hội rất tốt cho cách mạng nước ta. Khuya khuya, mọi người ngủ chung cả trên sàn. Những cành cây ngổn ngang dưới lưng, nằm vừa đau, vừa lạnh. Có lần, Bác viết một cuốn “Lịch sử Việt Nam” bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm từ trước đến nay. Bác viết vào cuối trang mục lục: Việt Nam độc lập năm 1945. Anh em người nói sớm, kẻ nói muộn. Bác nghe trao đổi chỉ nói: Để rồi xem”[2].
Đồng chí Lê Quảng Ba, người được Bác giao nhiệm vụ phụ trách việc in tập “Lịch sử Việt Nam” kể lại: “Tôi nhớ lại, cuốn sử Việt Nam tóm tắt bằng thơ do đích thân Hồ Chủ tịch viết cuối năm 1941 tại Pác Bó, Phần ghi những năm quan trọng của các thời kỳ, Người đề rõ: Việt Nam độc lập năm 1945. Chúng tôi thắc mắc không dám in, đưa bản thảo cho Bác xem lại. Bác xem rồi bảo: Được, cứ thế in. Nửa tin nửa ngờ, sau khi in xong tập thứ nhất, chúng tôi lại đưa Bác soát lại. Bác vẫn nhắc như lần trước; Được rồi, cứ thế in. Điều dự kiến đó đã trở thành hiện thực, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố trước thế giới: Việt Nam độc lập”[3].
Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: Sau khi về nước vào tháng 9/1944, được nghe báo cáo về Nghị quyết khởi nghĩa vũ trang của liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã đề ra trước đó, Người nhận định: Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Nhận định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vận mệnh của cách mạng Việt Nam lúc đó, vì khởi nghĩa Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) do không suy xét kỹ, chưa thấy xu thế phát triển chung của phong trào cả nước đã vội vàng phát động khởi nghĩa để kẻ thù đàn áp và gây tổn thất nhiều cho cách mạng. Do chưa hội tụ đủ các điều kiện chín muồi, nên Người đã quyết định hoãn chủ trương phát động khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng. Cùng với đó, Người “còn vạch ra một hướng đi phù hợp, đúng đắn cho phương pháp đấu tranh trong thời điểm then chốt của lịch sử dân tộc”[4].
Cũng trong mạch tiên đoán này, ngay từ tháng 10/1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”[5]. Như chúng ta biết, ngay cả khi chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi vào hồi kết, các nhà lãnh đạo của một số nước lớn trong phe Đồng minh, nắm trong tay bộ máy chiến tranh khổng lồ, họp tại Tehran (năm 1943) vẫn dự tính rằng, phải đến năm 1946 mới có thể hoàn toàn đánh bại lực lượng phát xít, kết thúc chiến tranh; trong khi đó, Hồ Chí Minh lại đưa ra được dự báo chính xác về thời điểm thành công của cách mạng Việt Nam là năm 1945, và “điều đó đã trở thành một trong những điều ta chưa hiểu hết được về con người và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại gần sáu mươi năm của Bác”[6].
Trên cơ sở nhận định tình hình thế giới và khu vực, về bản chất của kẻ thù, Người đã dự đoán và đưa ra những chỉ thị kịp thời đối với phong trào cách mạng trong nước, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Điều này hết sức quan trọng, vì hành động đúng và hợp thời cơ sẽ giúp cách mạng phát triển thuận lợi; ngược lại, nếu hành động tùy tiện, thiếu cân nhắc, không xét đến tình hình chung, đến tổng thể sẽ làm cho phong trào gặp khó khăn. Điều này đã được Bác chỉ ra trong bài thơ “Học đánh cờ” trước đó, Bác viết: Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/Kiên quyết, không ngừng thế tiến công/Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Đây thực sự là những chỉ dẫn quý báu cho Đảng và các đồng chí lãnh đạo trong nhận định, đánh giá tình hình để đưa ra những quyết định phù hợp, giúp cho cách mạng tiến lên. Chính nhờ có các tiên đoán thiên tài về diễn biến của tình hình và thời điểm thành công của cách mạng Việt Nam, mà ngay từ rất sớm, Đảng và Hồ Chủ tịch đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho một cuộc cách mạng giải phóng. Trước hết, Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương Tám (5/1941), hoàn chỉnh quá trình chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam với chủ trương đặt nhiệm vụ, đánh đuổi đế quốc giành độc lập dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất; chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm. Cùng với đó, Đảng chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (Việt Minh) để tập hợp lực lượng đông đảo những người Việt Nam yêu nước, cùng đứng dưới lá cờ Mặt trận tham gia đấu tranh cách mạng; tập trung xây dựng, củng cố lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị gắn liền với xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh...
Đúng như nhận định của Người, khi thời cơ xuất hiện, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng phát động toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thành lập Chính phủ lâm thời với quyền lực thuộc về dân chúng số nhiều và ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 02/9/1945 trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam.
Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo đưa ra nhận định của mình về khả năng dự báo và vai trò to lớn của các dự báo thiên tài mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa ra. Chúng tôi xin lấy cảm nhận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò đặc biệt xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá về tài năng dự báo của Người thay cho lời kết của bài viết này: “Khi một sự việc đã xảy ra rồi, người ta thường dễ nhìn thấy những gì tất yếu đã dẫn dắt nó từ chỗ còn là khả năng đến chỗ trở thành hiện thực. Ta càng dễ nói một cách đơn giản: Đúng là nó phải xảy ra như thế, không thể khác được. Thực ra, trong lĩnh vực xã hội, trong cuộc đấu tranh giữa những con người có ý thức, mỗi đổi thay đều trải qua những quá trình diễn biến thường là hết sức phức tạp. Người lãnh đạo cách mạng phải tìm ra được quy luật chung và quy luật riêng của sự vật giữa một mớ hỗn độn những hiện tượng giả - thật khó phân, giữa vô vàn mối liên hệ chằng chịt, tất cả đều vận động phát triển không ngừng. Việc dự kiến chính xác, khoa học chiều hướng phát triển của sự vật, những tình huống lớn sẽ xảy ra trong tương lai vô cùng quan trọng trong công tác cách mạng. Thực tế cùng với thời gian sẽ là nhà kiểm nghiệm nghiêm khắc. Những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài”[7].
*Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
[1] A Voóc Hồ, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1977, tr.76.
[2] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr.46-47.
[3]A Voóc Hồ, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1977, tr.24.
[4] Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.145.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.538.
[6] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr.275.
[7] Võ Nguyên Giáp (1970), Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.36.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Hình như kiến gió cũng có linh hồn
Thống kê truy cập
114511023
222
2359
21397
217896
121356
114511023