Theo ông, tại sao Chính phủ lại ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 trong khi Nghị định 56/2006/NĐ-CP mới ban hành được 4 năm và việc thực hiện Nghị định này chưa phải là thật tốt, thậm chí một bộ phận không nhỏ công dân của chúng ta chưa nắm được những thông tin về các nội dung của Nghị định trên (Nghị định 56/2006/NĐ-CP)?
Đúng là Nghị định 56/2006/NĐ-CP mới ban hành được 4 năm và việc thực hiện Nghị định này chưa phải là thật tốt, thậm chí một bộ phận không nhỏ công dân của chúng ta chưa nắm được những thông tin về các nội dung của Nghị định này. Nhưng theo tôi, việc ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 là thật sự cần thiết bởi 3 lý do sau:
- Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh tách và sát nhập các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Trong đó có việc tách bộ phận quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản từ Bộ VHTT trước đây sát nhập vào Bộ BCVT thành Bộ TTTT, trong Nghị định 56/2006/NĐ-CP có mục 1,2 của Chương II quy định hình thức và mức phạt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản. Vì vậy cần có Nghị định mới để thay thế Nghị định 56/2006/NĐ-CP để tạo thống nhất trong quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
- Ngày 13/5/2009, Chính phủ ban hành Nghị định Số 47/2009/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định này ra đời đã bãi bỏ các điều 44,45,46 và 47 của mục 7, chương II của Nghị định 56/2006/NĐ-CP.
- Ngày 6/11/2009, Chính phủ ban hành Nghị định Số 103/2009/NĐ-CP về ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng thay thế Nghị định Số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/1/2006 của Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, bãi bỏ Chỉ thị 17/2005/CT-TTg ngày 25/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường và trong Nghị định 103/2009/NĐ-CP quy định các nội dung hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nhiều điểm mới so với Nghị định 11/2006/NĐ-CP. Nghị định 56/2006/NĐ-CP được ban hành là trên căn cứ của quy định về các nội dung hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá của Nghị định 11/2006/NĐ-CP.
So với Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006 thì Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 có gì khác về quan điểm nhận thức và điều khoản cụ thể?
Tôi thấy sự khác nhau của 2 Nghị định thể hiện trước hết ở bố cục, thể thức văn bản: Nghị định 56 bao gồm: 5 chương, 77 điều, Nghị định 75 bao gồm: 4 chương, 52 điều. Còn về điểm mới của Nghị định 75 so với Nghị định 56 là ở phạm vi điều chỉnh: Nghị định 75 chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực văn hoá (trừ mảng quyền tác giả, quyền liên quan) còn Nghị định 56 điều chỉnh lĩnh vực văn hoá và thông tin. Còn lại các quy định như về đối tượng áp dụng, nguyên tắc xử phạt, thời hiệu, hình thức xử lý vi phạm hành chính cơ bản giống nhau.
Theo ông điểm mới nhất của Nghị định 75/2010/NĐ-CP so với Nghị định 56//2006/NĐ-CP là gì?
Điểm mới của Nghị định 75/2010/NĐ-CP là đa số các hành vi vi phạm đều tăng mức tiền phạt so với Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6-6-2006; hình thức xử phạt chính bằng tiền có mức thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 40.000.000 đồng (trước đây thấp nhất là 30.000 đồng và cao nhất là 30.000.000 đồng) như tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (trước đây phạt tiền từ trên 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng); sản xuất phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực phạt tiền từ trên 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (trước đây phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng); mua, bán, cho thuê băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung cấm với số lượng từ 100 bản trở lên phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (trước đây phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng)...
Nghị định cũng quy định sẽ phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi: tự tiện thêm bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép công diễn gây hậu quả xấu; mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tự tiện thay đổi trang phục khác với trang phục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt và cho phép.
Đặc biệt, trong Nghị định nói rõ sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với các hành vi: Cho người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke; say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, vũ trường, nơi hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng khác.
Bên cạnh đó, Nghị định 75/2010/NĐ-CP cũng bổ sung và quy định chi tiết hơn một số hành vi vi phạm như trong việc tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp; phát hành, dán nhãn kiểm soát băng đĩa... tạo hành lang pháp lý cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa.
Có ý kiến cho rằng trong Nghị định 75/2010/NĐ-CP có nhiều quy định không phù hợp với truyền thống dân tộc và thực tiễn của đời sống văn hoá cộng đồng hiện nay, như việc lên đồng có mê tín dị đoan với không mê tín dị đoan; cấm đốt hàng mã nơi công cộng nhưng không cấm đốt nơi khác, tại sao không cấm tận gốc là sản xuất hàng mã; làm thay đổi yếu tố gốc của di sản văn hoá; tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung, giá trị lịch sử văn hoá, di sản văn hoá phi vật thể v.v…Và rất nhiều các chi tiết, các quy định khác…. Ông có bình luận gì về các ý kiến này?
Theo tôi suy nghĩ, đó là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất như là cấm và xử phạt các hoạt động hầu đồng. Tại các cuộc hội thảo do Bộ VH, TT&DL chủ trì, nhiều đại biểu cho rằng, bản thân hầu đồng không phải là mê tín dị đoan, nó là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời. Nổi bật trong hoạt động này là nghệ thuật hát chầu văn. Vấn đề là hiện nay, có nhiều người lợi dụng hầu đồng biến tướng thành các hình thức mê tín dị đoan. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, hầu đồng chính là một hành vi mê tín dị đoan, gây nhiều phức tạp trong đời sống văn hóa - xã hội. Ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín thật khó phân định rạch ròi.. Theo các nhà văn hóa thì hầu đồng (hầu bóng) là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông đồng bà cốt, để phán truyền, ban phúc cho các tín dân. Phục vụ cho nghi lễ quan trọng này, người ta đã sáng tạo ra một hình thức lễ nhạc gọi là Hát văn. Nhiều nhà nghiên cứu suy đoán rằng Hát văn có xuất xứ sớm nhất khoảng cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, muộn nhất cũng vào khoảng từ cuối thế kỷ XVI. Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh thì, lên đồng là hoạt động văn hóa đáng quan tâm. Việc xử phạt hay cấm các hoạt động này cần có sự xem xét, cân nhắc kĩ. Cần phân biệt được đâu là hầu đồng theo tín ngưỡng, đâu là hình thức mê tín dị đoan. Ngày nay hầu đồng đã bị lợi dụng, biến tướng thành những hoạt động mê tín dị đoan, gây tốn kém tiền của. Các cơ quan chức năng nên có cách quản lý chặt chẽ chứ không nên cấm hẳn. Trong trường hợp bị lợi dụng, biến tướng thành các hành vi mê tín dị đoan thì nên phạt nặng để răn đe.
Vậy, việc đốt vàng mã?
Theo tôi việc đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, nơi công cộng khác (điểm c, khoản 1, điều 18), phải quy định rõ hơn thế nào là lễ hội. Một nhóm người tập trung lại và cùng nhau thực hiện một nghi lễ nào đó thì có được coi là lễ hội không? Tôi cho rằng, ngay một gia đình, một dòng tộc tập họp nhau lại để tiến hành một nghi lễ nào đó với tổ tiên đó cũng là lễ hội rồi, vậy thì cấm đốt vàng mã, đồ mã ở lễ hội làng, vùng, cả nước, còn loại thờ cúng mang tính gia đình thì sao?
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2010 nhưng cho đến hiện nay theo chúng tôi được biết thì ngoài Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/8/2010 của Bộ VH,TT&DL, ngành Văn hoá cũng như các cơ quan tư pháp chưa có phổ biến, tuyên truyền gì về Nghị định này, kể cả Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL nữa. Liệu khi tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định này có phải là một sự đánh úp cộng đồng không?
Theo tôi dùng từ “đánh úp” ở đây là không đúng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và Nghị định 75/2010/NĐ-CP được tiến hành theo đúng quy trình Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi ban hành việc tuyên truyền, phổ biến sẽ được tiến hành theo từng cấp từ TƯ cho đến cơ sở, theo các kênh khác nhau như: Bộ VH,TT&DL tổ chức tập huấn các Sở VH,TT&DL tỉnh, thành. Sở VH,TT&DL tổ chức tập huấn cho các Phòng VH&TT các huyện, thành, thị. Phòng VH&TT tổ chức tập huấn xuống tận xã, phường, thị trấn….
Ngoài ra việc tuyên truyền còn được thực hiện thông qua Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp từ TƯ đến cơ sở, trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Theo tôi trong quá trình tiến hành thanh tra, kiểm tra áp dụng Nghị định 75/2010/NĐ-CP từ ngày 1/9/2010 để xử lý vi phạm thì không thể gọi là “đánh úp” bởi Nghị định 75/2010/NĐ-CP về cơ bản là kế thừa của Nghị định 56/2006/NĐ-CP và Nghị định 75/2010/NĐ-CP còn là quy định về chế tài xử lý của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật điện ảnh, Luật Di sản văn hoá, Pháp lệnh Quảng cáo, Pháp lệnh Thư viện, Nghị định 103/2009/NĐ-CP…..
Theo ông thì cần làm gì để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị định 75/2010/NĐ-CP?
Theo tôi để triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả Nghị định 75/2010/NĐ-CP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị định 75/2010/NĐ-CP đến tận mọi người dân, thông qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và trong lĩnh vực hoạt động văn hoá nói riêng;
- Củng cố và kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hoá từ Bộ đến Sở và cán bộ làm công tác quản lý văn hoá của cấp huyện và xã đảm bảo vừa đủ số lượng, vừa tinh thông nghiệp vụ;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hoá, sự phối hợp nhịp nhàng và thường xuyên của các cơ quan chức năng, sự quan tâm phối hợp và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong công tác quản lý các hoạt động văn hoá;
- Ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hoá.
Theo ông cái khó nhất trong quá trình thực hiện Nghị định 75/2010/NĐ-CP là gì?
Theo tôi cái khó trong việc triển khai thực hiện Nghị định 75/2010/NĐ-CP hiện nay là việc áp dụng các nội dung chế tài sao cho chính xác, sát thực. Qua nghiên cứu một số điều trong nghị định tôi thấy việc áp dụng nó còn gặp khó khăn, ví dụ như: đối với các hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành băng đĩa chưa được phép lưu hành, trước đây NĐ 56 quy định về nội dung này chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nay, Nghị định 75 quy định phạt luôn cả người mua. Vì vậy, một trong những công việc của các cơ quan chức năng là không chỉ kiểm tra cửa hàng băng đĩa mà còn phải kiểm tra cả người mua. Đây là điểm đang gây nhiều sự nghi ngại. Có người còn đặt câu hỏi với việc phải “bắt tận tay, day tận mặt” mới có thể xử phạt, chẳng lẽ các cơ quan hữu quan phải “cắm chốt” ở mỗi cửa hàng bán băng đĩa một cán bộ xem ai mua gì để phạt? Còn về hành vi cấm người say rượu, bia vào phòng hát karaoke, vũ trường, thì “thế nào là say”?
Ông đã có suy nghĩ gì về cách khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định này?
Tôi nghĩ rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 75/2010/NĐ-CP chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Theo tôi, để khắc phục những khó khănnày, ngoài các giải pháp tôi đã nêu trên cần tập trung làm tốt một số việc sau đây:
- Thanh tra Sở VH,TT & DL cần tham gia các lớp tập huấn và nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật trong hoạt động văn hoá qua đó có những đề xuất, kiến nghị để Bộ VH,TT&DL có hướng dẫn cụ thể nhằm áp dụng Nghị định được chính xác, sát thực tế.
- Tập trung chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực văn hoá thường xuyên liên tục, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần ngăn ngừa và hạn chế các vi phạm trong hoạt động văn hoá.
- Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước trong hoạt động văn hoá nói chung và Nghị định 75/2010/NĐ-CP nói riêng đến tận các tổ chức, cá nhân.
Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng toàn thể cán bộ, công chức của Thanh tra ngành VH,TT&DL Nghệ An sẽ đoàn kết hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 75/2010/NĐ-CP trên địa bàn Nghệ An.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
PV (Thực hiện)