Đất Nghệ

Danh xưng Nghi Lộc qua các thời kỳ

VHNA: Ngày 22/11/2009, Viện Sử học phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) tổ chức cuộc Hội thảo khoa học "Xác định danh xưng Nghi Lộc" tại Hà Nội. Trong cuộc Hội thảo này, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu và thảo luận 2 nội dung chính: Xác định danh xưngNghi Lộc trong tiến trình lịch sử và năm ra đời của đơn vị hành chính cấp huyện Nghi Lộc[1]. Để cung cấp thông tin cũng như những kết quả nghiên cứu qua cuộc Hội thảo này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết tổng hợp của NCV. Lê Quang Chắn (Viện Sử học).

 
I. Nghi Lộc là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nghệ An, nằm sát thành phố Vinh trên tọa độ từ 18040' đến 18055' vĩ độ Bắc và từ 105028' đến 105045' kinh độ Đông. Phía bắc giáp 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu, phía nam giáp thành phố Vinh và 2 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn; phía Đông giáp biển và huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh); phía tây giáp huyện Đô Lương[2].
Qua hàng ngàn năm cai trị của các tập đoàn phong kiến Trung Quốc; tiếp đó là các triều đại phong kiến Việt Nam, địa danh và diên cách của huyện Nghi Lộc luôn có sự thay đổi, biến động qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Thời Hùng Vương, đất nước ta ngày nay được chia thành 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và bộ Văn Lang là chỗ nhà vua đóng đô. Vùng đất Nghệ An xưa là bộ Cửu Chân[3]; nhưng cũng có tư liệu cho rằng: Nghệ An thời Hùng Vương là thuộc bộ Việt Thường[4].
 1. Nghi Lộc thời Bắc thuộc
Năm Canh Thìn (221 Tr.CN), Tần Thủy Hoàng thôn tính các nước chư hầu, thống nhất lãnh thổ Trung Quốc. Đến năm Đinh Hợi (214 Tr.CN), nhà Tần cho đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Cả vùng đất An Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đều thuộc đất Tượng Quận. Dưới thời cai trị của nhà Triệu (207 - 111 Tr.CN), Nghệ An thuộc quận Cửu Chân (bao gồm bộ Cửu Chân, Hoài Hoan và Việt Thường thời Hùng Vương).
Khoảng niên hiệu Nguyên Đỉnh (116 - 111 Tr.CN), nhà Hán cho tách 5 huyện: Tỵ Ảnh, Lư Dung, Tây Quyển, Tượng Lâm và Chu Ngô đặt làm quận Nhật Nam; còn 7 huyện là Tư Phố, Cư Phong, Đô Bàng, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết và Vô Biên thì vẫn thuộc quận Cửu Chân. Điều này phù hợp với ghi chép của sách Tiền Hán thư địa lý chí: 7 huyện của quận Cửu Chân là Tư Phố, Cư Phong, Đô Bàng, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Công và Vô Biên. Sách Hậu Hán thư quận quốc chí cung cấp thêm: Đến niên hiệu Kiến Vũ (25 - 56) đời vua Hán Quang Vũ Đế, đã bớt đi hai thành là Dư Phát và Đô Bàng, nên chỉ còn 5 thành: Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên[5]. Như thế, địa bàn huyện Nghi Lộc thuộc huyện nào của quận Cửu Chân thời Hán chưa xác định rõ.
Dưới thời cai trị của nhà Ngô[6], theo Đào Duy Anh, Giao Châu có 6 quận: Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình, Cửu Chân, Cửu Đức và Nhật Nam. Quận Cửu Đức có 7 huyện: Cửu Đức, Hàm Hoan, Nam Lăng, Dương Thành, Phù Linh, Khúc Tư và Đô Hào[7]. Trong khi đó, nhà sử học Đặng Xuân Bảng cho biết, Giao Châu thời Ngô, mà cụ thể là dưới đời vua Ngô Tôn Hiệu (hay Ngô Tôn Hạo) có 7 quận: Giao Chỉ (14 huyện), Tân Hưng (6 huyện), Vũ Bình (7 huyện), Cửu Chân (7 huyện), Nhật Nam (5 huyện), Hợp Phố (6 huyện) và Cửu Đức. Quận Cửu Đức có 8 huyện: Cửu Đức, Nam Lăng, Dương Thành, Phù Linh, Tư Khúc, Phố Dương[8], Vấn Đô, cùng với huyện Hàm Hoan đời Hán[9]. Mặc dù có ghi chép khác nhau về một vài số liệu (6 quận - 7 quận, 7 huyện - 8 huyện, Khúc Tư - Tư Khúc, Đô Hào - Vấn Đô, Phố Dương), nhưng đều có một điểm chung quan trọng là: Xuất hiện thêm huyện mới (Dương Thành) trong một quận mới (Cửu Đức).
Khi Tấn Vũ Đế (265 - 290) đánh được nước Ngô, các đơn vị hành chính của Giao Châu "đều theo như cũ, nhưng sửa lại đổi tên... huyện Dương Thành quận Cửu Đức làm huyện Dương Toại"[10]. Sự kiện lịch sử đó xảy ra trong niên hiệu Thái Khang (280 - 289), khi Dương Thành được đổi thành Dương Toại. Tiếp sau đó, nhà Tấn lại chia đất ra đặt thêm huyện Phố Dương. Sách Tấn thư Địa lý chí chép: Quận Cửu Đức khi đó có 8 huyện là: Cửu Đức, Hàm Hoan, Nam Lăng, Dương Toại, Phù Linh, Khúc Tư, Phố Dương và Đô Hào[11].
Đến niên hiệu Đại Minh (457 - 464) đời vua Hiếu Vũ Đế (454 - 464), nhà Lưu Tống (420 - 479), tuy dồn huyện Dương Toại quận Cửu Đức vào huyện Phố Dương, nhưng theo Lưu Tống châu quận chí thì quận Cửu Đức đã tăng lên 12 huyện là: Phố Dương lệnh, Dương Viễn lệnh, Cửu Đức lệnh, Hàm Hoan lệnh, Đô Thái lệnh, Tân An lệnh, Nam Lăng trưởng, Việt Thường trưởng, Tống Thái trưởng, Tống Xương trưởng và Hy Bình trưởng[12]. Sách Thái Bình hoàn vũ ký cho biết thêm: Phố Dương ở phía đông bắc Hoan Châu (Cửu Đức), gần với Hàm Hoan. Căn cứ vào đó, học giả Đào Duy Anh cho rằng, huyện Hàm Hoan thời Lưu Tống tương ứng với miền các huyện Anh Sơn, Quỳ Châu, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu ngày nay và, từ đó ông suy đoán: Huyện Phố Dương và Dương Toại là miền Nghi Lộc và Nghi Xuân[13].   
Dưới thời trị vì của nhà Nam Tề (479 - 502), vua Tề Cao Đế (479 - 482) đã dồn 3 huyện Dương Toại, Phù Linh và Khúc Tư thành 2 huyện Việt Thường và Tây An. Điều này có thể hiểu rằng, huyện Dương Toại đã được sáp nhập vào huyện Việt Thường, quận Cửu Đức, vì học giả Đào Duy Anh cũng khẳng định: Quận Cửu Đức thì so với đời (Lưu) Tống, nhà Tề đã bỏ đi các huyện Dương Toại, Tống Thái, Tống Xương, Hy Bình. Như vậy, theo Nam Tề châu quận chí, quận Cửu Đức lúc này có 7 huyện là: Cửu Đức, Hàm Hoan, Phố Dương, Nam Lăng, Đô Hào, Việt Thường và Tây An[14].
Đến đời nhà Lương (502 - 557), huyện Phố Dương vẫn được giữ nguyên như dưới đời Ngô và đời Tấn; nhưng năm Phổ Thông thứ 4 (523), vua Lương Vũ Đế đã "tách Cửu Đức ra làm Đức Châu, lại đặt làm hai huyện là An Viễn, Tây An" và Đức Châu tiếp tục được đổi làm Hoan Châu vào năm Khai Hoàng thứ 18 (598) đời vua Tùy Văn Đế.
Sang thời nhà Tùy (558 - 617), "niên hiệu Đại Nghiệp thứ 1 (605) đời vua Tùy Dạng Đế (605 - 618) tiếp tục đổi Hoan Châu làm quận Nhật Nam, gồm 8 huyện: Cửu Đức (lỵ sở của quận), Hàm Hoan, Phố Dương, Việt Thường, An Viễn, Quảng An, Kim Ninh, Giao Cốc"[15]. Riêng huyện Giao Cốc, sách Tùy địa lý chí chép là Giao Hợp, sách Nghệ An ký chép là Văn Cốc.
Nhà Đường, niên hiệu Trinh Quán (627 - 649), lại tiếp tục cho đổi quận Nhật Nam thành Hoan Châu. Năm Kỷ Mão (679), nhà Đường bắt đầu cho đặt An Nam Đô hộ phủ, thống trị 12 châu, trong đó Hoan Châu thống lĩnh 4 huyện là Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường và Hoài Hoan[16]. Trong khi đó, sách Đường thư địa lý chí chép: Nhật Nam quận Hoan Châu (hạ) là Phủ Đô đốc thống trị 4 huyện: Cửu Đức (trung, hạ), Phố Dương (hạ), Việt Thường (hạ) và Hoài Nam (hạ). Đặng Xuân Bảng cũng dẫn từ sách Đường thư: "Sơn Châu có đồn Phố Dương" và cho rằng, vùng đất đó nay (tức là những năm thập kỷ 70 của thế kỷ XIX) là đất hai phủ Anh Sơn và Diễn Châu[17].
Khi khảo cứu về huyện lỵ của huyện Phố Dương, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã tổng kết rằng: "Huyện này ở phía đông phủ Giao Châu. Đời Tam quốc, nước Ngô đặt làm huyện Dương Thành. Thời Tấn, năm Thái Khang thứ 2 (281), đổi là huyện Dương Toại. Lại chia đặt ra huyện Phố Dương, đều thuộc quận Cửu Đức. Đời Tống theo như thế. Sau năm Đại Minh, huyện Dương Toại dồn vào huyện Phố Dương. Đời Tề, đời Lương theo như thế. Đời Tùy, huyện ấy thuộc vào Đức Châu, lại thuộc về Hoan Châu. Đời Đường vẫn để như cũ"[18].
Xét cho cùng, trong gần 1.000 năm Bắc thuộc, danh xưng và diên cách của huyện Nghi Lộc (ngày nay) có nhiều thay đổi: Từ huyện Dương Thành (thời Ngô) đến Dương Toại, Phố Dương (thời Tấn, Lưu Tống) và Phố Dương (thời Nam Tề, Lương, Tùy, Đường) của quận Cửu Đức (thời Ngô, Tấn, Lưu Tống, Nam Tề), Đức Châu - Hoan Châu (thời nhà Lương) và quận Nhật Nam (thời nhà Tùy, Đường).
2 - Nghi Lộc từ thời Đinh đến thời Trần - Hồ
Theo chính sử: Mùa Xuân năm Giáp Tuất thứ 5 (974), nhà vua (tức Đinh Tiên Hoàng đế) định lệ, chia nước làm 10 đạo. Sang thời Tiền Lê, vào tháng 3, mùa Xuân năm Nhâm Dần, niên hiệu Ứng Thiên thứ 9 (1002), Lê Đại Hành Hoàng đế "định luật lệnh, chọn quân lính, chia tướng hiệu làm hai ban, đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu"[19]. Tuy nhiên, cụ thể các đạo, lộ, phủ, châu của thời Đinh và Tiền Lê ra sao thì không rõ ràng. Bởi thế cho nên, huyện Nghi Lộc khi đó thuộc đơn vị hành chính nào, tư liệu không cung cấp đầy đủ.
Tháng 12 năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (đầu năm 1011), vua Lý Thái Tổ đã cho "đổi 10 đạo làm 24 lộ; châu Hoan, châu Ái làm trại"[20]. Vùng đất Nghệ An ngày nay thuộc vùng đất của trại châu Hoan. Năm Bính Tý, niên hiệu Thông Thụy thứ 3 (1036)[21], vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) đã "cho đặt hành dinh ở châu Hoan, đổi tên châu ấy làm Nghệ An"[22]. Đây là danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên trong chính sử của nước ta, nhưng về các phủ, lộ, châu của Nghệ An thời Lý không thể xác định được.
Nhà Trần, tháng 2 năm Nhâm Dần (1242), "chia trong nước làm mười hai lộ. Các lộ đều đặt hai viên An phủ sứ, Chánh và Phó, để giữ việc cai trị. Ở xã và sách, thì đặt chức Đại, Tiểu tư xã: Ngũ phẩm trở lên làm quan Đại tư xã, lục phẩm trở xuống làm quan Tiểu tư xã, hoặc có người kiêm hai ba bốn xã. Lại đặt chức Xã chính, Sử giám gọi là Xã quan. Làm sổ kê hết số hộ khẩu: Con trai, người lớn tuổi là Đại hoàng nam, người nhỏ tuổi là Tiểu hoàng nam; người 60 tuổi là hạng lão, già hơn nữa gọi là long lão". Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chua rằng: Mười hai lộ: Sử cũ không chép rõ, nhưng căn cứ những tài liệu ghi chép từ trước, thì thấy các lộ: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Hoàng Giang, Diễn Châu. Lại có phủ, châu, trấn như Tân Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Lạng Giang. Có lẽ quy chế nhà Trần, những phủ, châu, trấn thì thống thuộc cả vào lộ. Nghệ An khi đó không phải là lộ, mà chỉ là cấp phủ, vì rằng năm Quý Sửu (1313) "Chiêm Thành thường bị người nước Tiêm sang cướp, nhà vua hạ lệnh cho An phủ sứ là Đỗ Thiên Thữ đi kinh lược hai lộ Nghệ An và Lâm Bình để cứu viện"[23]. Phan Huy Chú cũng chép: "Nhà Trần buổi đầu cũng theo như thế, gọi Nghệ An là phủ"[24].
Tháng Giêng năm Ất Mão (1375)[25], khi đặt lại các lộ, phủ ở Hoan Châu, Diễn Châu và Lâm Bình, đã cho "đổi Hoan Châu làm lộ Nhật Nam và các lộ Nghệ An Nam, Bắc, Trung; đổi Diễn Châu làm lộ Diễn Châu, phủ Lâm Bình làm phủ Tân Bình"[26]. Tuy nhiên, địa giới các lộ Nhật Nam và Nghệ An Nam, Bắc, Trung ra sao, cũng không thể khảo được.
Đến tháng 4, năm Đinh Sửu (1397), vì Hồ Quý Ly muốn dời kinh đô vào Thanh Hóa, nên cho đổi các lộ, các phủ làm trấn: Thanh Hóa làm Thanh Đô trấn, Quốc Oai lộ làm Quảng Oai trấn, Đà Giang lộ làm Thiên Hưng trấn, Nghệ An lộ làm Lâm An trấn, Trường Yên lộ làm Thiên Quan trấn, Diễn Châu lộ làm Vọng Giang trấn, Lạng Sơn phủ làm Lạng Sơn trấn, Tân Bình phủ làm Tân Bình trấn[27].
Thời nhà Hồ, tháng 2 năm Quý Mùi (1403), Hán Thương cho đổi Thanh Đô trấn làm phủ Thiên Xương, Diễn Châu làm phủ Linh Nguyên, hợp với Cửu Chân và Ái Châu, gọi là Tứ phụ. Không rõ phủ lộ Nghệ An khi đó ra sao, chỉ biết rằng, khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, cha con Quý Ly, Hán Thương cùng nhiều đại thần nhà Hồ đều bị bắt ở núi Cao Vọng và cửa biển Đan Thai.
Như vậy, căn cứ theo những sử liệu trên, thì các lộ, phủ, châu, huyện của Nghệ An thời Lý, Trần, Hồ không được ghi chép cụ thể.
Trong khi đó, một số tư liệu về địa chí lại cho rằng: Trước thời thuộc Minh (mà cụ thể là thời Trần - Hồ), huyện Nghi Lộc có tên là Tân Phúc[28]. Học giả Đào Duy Anh có nhận định: "Phủ lộ Nghệ An (thời Trần - Hồ) có huyện Nha Nghi, huyện Phi Lộc, huyện Đỗ Gia, huyện Chi Na, huyện Tân Phúc, huyện Thổ Du, huyện Tế Giang, huyện Thổ Hoàng"[29]. Hơn nữa, một số tài liệu địa chí thời Nguyễn lại viết rằng: Chân Lộc, đời xưa gọi là Nghi Chân[30], thời thuộc Minh gọi là Chân Phúc. Đặc biệt, tác giả Bùi Dương Lịch viết: Chân Phúc là Nghi Chân thấy trong sách Dã lục và có chú rằng: Dã lục: Tên sách (cũng có thể là tên tắt của một quyển sách mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng từng dùng nó làm tài liệu). Ngày nay có lẽ không còn[31].
Vậy, từ thời Đinh, Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Hồ, huyện Nghi Lộc ngày nay có tên là Tân Phúc, Nghi Chân? Và, huyện Tân Phúc, Nghi Chân xuất hiện từ khi nào? Với tình hình tư liệu hiện nay, chưa có cơ sở để giải đáp thỏa đáng!
3 - Nghi Lộc thời thuộc Minh
Dẫn tư liệu từ Đường thư địa lý chíNguyên Hòa chí, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cho rằng: Cuối nhà Trần, năm thứ 4 niên hiệu Vĩnh Lạc (tức năm 1405), đặt Giao Chỉ Bố chính tư, 15 phủ, 36 phân hạt châu, 181 huyện, 5 trực lệ châu, 29 phân hạt huyện. Trong đó, Nghệ An phủ lĩnh 4 châu: Hoan Châu, Nam Tĩnh, Trà Lung, Ngọc Ma và 13 huyện: Nha Nghi, Cổ La, Phi Lộc, Thổ Du, Yết Giang, Chân Phúc, Cổ Xã, Thổ Hoàng, Đông Ngạn, Thạch Đường, Kỳ La, Bàn Thạch, Hà Hoa[32].
An Nam cương vực bị lục cho biết: Năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1406), dẹp yên An Nam, thu được 48 châu phủ, 168 huyện. Nhà Minh đặt nước ta làm Giao Chỉ và sắp xếp lại các đơn vị hành chính, với 15 phủ, 39 châu, 181 huyện. Phủ Nghệ An thân lĩnh 8 huyện: Nha Nghi[33], Phi Lộc, Cổ Đỗ, Chi La, Chân Phúc, Kệ Giang (Yết Giang), Thổ Hoàng và Thượng Sán (Thổ Du). Đặng Xuân Bảng cho biết thêm: "Có 8 huyện trực thuộc phủ Nghệ An (nay là đất Anh Sơn, Đức Thọ) là: Nha Nghi (có núi Bá Liệt, nay là nay là Nga Sơn), Chi La (sau dồn vào Nga Nghi, nay là La Sơn), Thổ Du (có núi Thiên Nhận, sau dồn là Nga Nghi, nay là Thanh Chương), Kệ Giang (có sông Kệ, sau dồn vào Thạch Đường, sông Kệ nay là sông Lam), Cổ Đỗ (vốn là Đỗ Gia đổi ra, có núi Quan Môn, nay là Hương Sơn), Thổ Hoàng (có núi Cẩn, núi Bổng, núi Trà Bái, sau dồn vào Cổ Đỗ, nay cũng là đất Hương Sơn), Chân Phúc (có núi Lập Thạch, nay là Chân Lộc), Phi Lộc (nay là Thiên Lộc)[34]. Cùng đó, "lấy Nam Tĩnh, Hoan Châu thuộc vào phủ Nghệ An" và đến năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1414), phủ Nghệ An quản lĩnh thêm 2 châu nữa là Trà Lung và Ngọc Ma.
Như vậy, phủ Nghệ An thời thuộc Minh có 4 châu (Nam Tĩnh, Hoan Châu, Trà Lung và Ngọc Ma), 16 huyện (Nha Nghi, Phi Lộc, Cổ Đỗ, Chi La, Chân Phúc, Kệ Giang, Thổ Hoàng, Thượng Sán; Khả Hoàng, Trại Thạch, Hà Hoa, Kỳ La; Thạch Đường, Đông Ngạn, Lộ Bình và Sa Nam).
Cũng trong năm Vĩnh Lạc thứ 5, nhà Minh cho đổi tên một số phủ, huyện, châu ở Giao Chỉ. 4 phủ, 6 châu và 27 huyện được đổi tên khi đó, chỉ có một châu (Nhật Nam thành Nam Tĩnh) và 1 huyện (Đỗ Gia thành Cổ Đỗ) của phủ Nghệ An... còn các phủ, huyện khác đều theo như cũ. Tiếp đó, ngày Bính Thìn, tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 17 (1418) "Phủ Nghệ An thì 2 huyện Chi La, Thổ Dũ ở phủ Nghệ An dồn vào huyện Nha Nghi, huyện Thổ Hoàng dồn vào huyện Cổ Đỗ, huyện Chân Phúc dồn vào Hoan Châu, huyện Kệ Giang dồn vào huyện Thạch Đường. Huyện Bàn Thạch ở châu Nam Tĩnh dồn vào châu ấy, huyện Kỳ La dồn vào huyện Hà Hoa. Huyện Đông Ngạn ở Hoan Châu dồn vào châu ấy"[35].
Tóm lại, các nguồn tư liệu về địa chí đều cho rằng: Thời thuộc Minh, đổi làm huyện Chân Phúc. Tuy nhiên, việc đổi từ huyện Tân Phúc (trước đó) thành huyện Chân Phúc (dưới thời thuộc Minh) diễn ra vào thời gian nào, thật khó có thể tra cứu và giải quyết tường tận!
4 - Nghi Lộc thời Lê
Khi Bình Định vương Lê Lợi tiến quân ra Đông Đô, đã chia đất nước ta làm 4 đạo. Khi đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, tháng 3 năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ chia cả nước thành 5 đạo (Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo và Hải Tây đạo) và cho các phủ, huyện, lộ, trấn thuộc vào các đạo ấy. Khi đó, phủ Nghệ An cùng với Thanh Hóa, Tân Bình và Thuận Hóa thuộc Hải Tây đạo.
Tháng 6 năm Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước thành 12 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô[36]. Đến tháng 3 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông tiếp tục định số phủ, huyện, châu cho 12 đạo thừa tuyên. Thừa tuyên Nghệ An có 9 phủ, 27 huyện, 3 châu[37].
Sách Thiên Nam dư hạ lục chép: Phủ Đức Quang quản lĩnh 6 huyện:
1. La Sơn: Sách Dư địa chí (tr. 232) và Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 72) đều ghi: Có 13 xã, 1 thôn, 2 trại; sách Đại Việt địa dư toàn biên (tr. 156) và Phương Đình địa dư chí (tr. 150) đều ghi: Có 24 xã;
2. Thiên Lộc: Sách Dư địa chí (tr. 232) và Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 72) đều ghi: Có 37 xã, 1 trang; sách Đại Việt địa dư toàn biên (tr. 156) và Phương Đình địa dư chí (tr. 150) đều ghi: Có 26 xã;
3. Nghi Xuân: Sách Dư địa chí (tr. 232), Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 72), Đại Việt địa dư toàn biên (tr. 156) và Phương Đình địa dư chí (tr. 151) đều ghi: Có 26 xã;
4. Hương Sơn: Sách Dư địa chí (tr. 232) và Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 72) đều ghi: Có 34 xã; sách Đại Việt địa dư toàn biên (tr. 156) và Phương Đình địa dư chí (tr. 151) đều ghi: Có 31 xã;
5. Thanh Chương: Sách Dư địa chí (tr. 232) và Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 72) đều ghi: có 34 xã, 8 thôn, 33 trang, 9 sách, 3 sở, 1 trại, 1 vạn, 1 tuần, 3 nguyên; sách Đại Việt địa dư toàn biên (tr. 156) và Phương Đình địa dư chí (tr. 151) đều ghi: Có 32 xã, 6 sách;
6. Chân Phúc: Sách Dư địa chí (tr. 232) và Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 72) đều ghi: 37 xã, 8 thôn, 1 sở; sách Đại Việt địa dư toàn biên (tr. 156) và Phương Đình địa dư chí (tr. 151) đều ghi: Có 26 xã.
Trong Bản đồ Hồng Đức (được vẽ năm 1490) cũng ghi rõ huyện Chân Phúc thuộc phủ Đức Quang, Thừa tuyên Nghệ An. Huyện Chân Phúc có 37 xã, 8 thôn, 1 sở[38].
Trải qua các thời kỳ nhà Mạc (1527 - 1597), Lê Trung hưng (1533 - 1788), danh xưng huyện Chân Phúc vẫn được giữ nguyên. Trong sự kiện dấy quân của Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An vào tháng 8 năm Bính Ngọ (1786), sử gia Nguyễn Thu (1799 - 1855) viết: "Khi quay về Nghệ An, Chỉnh chỉ có 30 tên thủ hạ, không dám rời lên thuyền. Người Nghệ An nghiến răng căm giận, mưu tính dấy quân, hẹn ngày đánh Chỉnh. Chỉnh sợ hãi cuống quít, không biết xoay sở ra sao. Nguyễn Khuê, em rể Chỉnh, bày mưu khuyên Chỉnh truyền hịch đi các nơi, mộ lấy dân quân bản địa; nhưng không ai hưởng ứng. Chỉnh bèn sai người, đêm đến đi cướp ấp bên cạnh, bắt được hai người hương trưởng, đem chém, bêu đầu khắp các ấp khác. Bấy giờ, một huyện Chân Phúc thảy đều vâng mệnh lệnh"[39]. Hơn nữa, trong các tư liệu về khoa bảng khi chép về Nguyễn Khuê (1738 - ?) - người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất (1787), đời vua Lê Mẫn Đế - là người xã Đặng Xã, huyện Chân Phúc[40].
Bên cạnh đó, dưới thời Lê Trung hưng, có một sự kiện liên quan đến địa danh huyện Chân Phúc, đó là vào tháng 9 năm Đinh Hợi (1767), khi chúa Trịnh Sâm cho hợp lại hoặc bỏ bớt một số phủ, huyện: "Trịnh Sâm lấy cớ rằng, nhân dân trong nước điêu tàn hao hụt, nếu đặt nhiều quan chức chỉ phiền nhiễu cho dân, nghĩ thay đổi tệ tập ấy, bèn bàn định thi hành việc hợp lại hoặc bỏ bớt gồm 4 phủ, 29 châu huyện. Những phủ và châu huyện này đều cho phủ huyện tiếp cận tùy tiện kiêm lý". Theo đó, Nghệ An có 1 phủ và 1 huyện: Phủ Anh Đô (nay đổi Anh Sơn) kiêm lý phủ Diễn Châu; huyện Nghi Xuân kiêm lý huyện Chân Phúc (nay đổi Chân Lộc)[41]. Điều đó, có nghĩa là huyện Chân Lộc sẽ do huyện Nghi Xuân kiêm lý và đều trực thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An.
Có thể nói, trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, vua Lê Thánh Tông là người đầu tiên tiến hành sắp xếp và san định các đơn vị hành chính từ cấp thừa tuyên đến các phủ, huyện, châu và xuống tận cấp hành chính cơ sở (xã, thôn, trang, sách, sở, động). Và, cũng lần đầu tiên, ông cho "định bản đồ trong cả nước" thành một bản đồ chung, thống nhất trong một thời gian dài, đó là bản đồ Hồng Đức. Chính vì lẽ đó, địa danh và địa giới huyện Chân Phúc xuất hiện trên bản đồ Hồng Đức là một sự kiện lịch sử quan trọng.
5 - Nghi Lộc thời Tây Sơn
Dưới thời Tây Sơn, vì vua Quang Trung cho xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc, nên trấn Nghệ An được đổi thành Trung Đô. Cũng có một thời gian, Nghệ An được gọi là trấn Nghĩa An, vì trong sách Tây Sơn bang giao lục có nhắc tới danh xưng này.
Trong bức thư gửi cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vào tháng 3 năm 1788, vua Quang Trung có viết: “Nhớ buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, Quả cung đã từng mở xem bản đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thật là chỗ đẹp để đóng đô vậy”[42]. Sách Hoàng Lê nhất thống chí có bổ sung: “Vua Quang Trung cho rằng, Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch, ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng toà lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái hòa hai dãy hành lang để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng trung đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng”. Ngày nay, căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, Phượng Hoàng Trung Đô nằm ở khoảng giữa núi Mèo (núi Kỳ Lân) và núi Quyết (núi Phượng Hoàng)[43].
Điều đó có nghĩa là, huyện Chân Phúc có một vị trí địa - chính trị rất quan trọng - nơi đặt Phượng Hoàng Trung Đô của nhà Tây Sơn. Bởi thế cho nên, huyện Chân Phúc được đổi tên thành huyện Chân Lộc, bởi 2 lẽ:
Thứ nhất, do kiêng húy thân phụ của Hoàng đế Quang Trung là Hồ Phi Phúc. Trong phần "Trung chi II họ Hồ" của Hồ tông thế phả cho biết: Hồ Sĩ Anh (Hồ Thế Anh) sinh Hồ Thế Viêm; Hồ Thế Viêm sinh Hồ Phi Khang; Hồ Phi Khang sinh 5 con trai là Hồ Phi Phú, Hồ Phi Thọ, Hồ Phi Trù, Hồ Phi Huống và Hồ Phi Phúc; Hồ Phi Phúc sinh 3 con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng chép: "Đời Tây Sơn kiêng chữ Phúc (chữ họ của các chúa Nguyễn), đổi là Chân Lộc"[44].
Thứ hai, do kiêng tránh với Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc. Trong phần viết về nhân vật Bùi Dương Lịch, sách Nghệ An ký cho biết: "[Nguyễn] Huệ vào điện yết kiến [vua Lê], trình bày ý tôn phù chính thống của mình, xin triệu tất thảy văn võ bá quan về kinh chầu hầu. Lấy thóc ở kho Hữu Viên đem phát chẩn cho những quân dân trong kinh kỳ vừa mắc nạn binh lửa. Các giấy tờ báo cáo với người trong nước đều dùng dấu "Ngự tiền chi bảo". Duy quân lệnh của Tây Sơn thì dùng riêng dấu "Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc""[45]. Từ sự kiện này, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ đã khẳng định: "Như vậy, chữ Phúc trong tộc danh Nguyễn Phúc trở thành một từ nói về kẻ thù địch của triều Tây Sơn. Các địa danh có chữ Phúc vì vậy đều phải đổi để kiêng tránh"[46].
Việc nhà Tây Sơn đổi tên huyện Chân Phúc thành Chân Lộc cũng được các bộ địa lý học khẳng định. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chua rằng: "Chân Lộc (Chân Phúc cũ) là tên đặt từ đời Tây Sơn (1778 - 1801)"[47]. Như vậy, cả chính sử lẫn các tài liệu địa chí đều không cho biết thời gian cụ thể của việc đổi tên đó.
6 - Nghi Lộc thời Nguyễn
Ngay sau khi vương triều Nguyễn được thiết lập, ngày Canh Tuất tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long đã cho thống kê toàn bộ các trấn, phủ, huyện trong cả nước nhằm kiểm soát và kiện toàn các đơn vị hành chính, "tất cả có 14 trấn, 47 phủ, 187 huyện, 40 châu. Trấn Nghệ An có9 phủ (Đức Quang, Diễn Châu, Hà Hoa, Anh Đô, Trà Lân, Quỳ Châu, Trấn Ninh, Lâm An, Ngọc Ma) và 18 huyện (Hương Sơn, Nghi Xuân, Thanh Chương, La Sơn, Chân Lộc, Thiên Lộc, Đông Thành, Quỳnh Lưu, Kỳ Hoa, Thạch Hà, Nam Đường, Hưng Nguyên, Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn, Thúy Vân, Trung Sơn"[48]. Đến tháng 5 năm Giáp Tý (1804), trấn thành Nghệ An được chuyển từ xã Dũng Quyết sang xã An Trường.
Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, vào đầu thế kỷ XIX, huyện Chân Lộc là 1 trong 6 huyện của phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Trong đó, huyện Chân Lộc có 4 tổng, 66 xã, thôn, phường, sở, trang, vạn:
1. Tổng Thượng Xá có 21 xã, thôn, phường: Hạ Xá, Điền Xá, Hương Quan, Phú Ích, Thịnh Trường (thôn Đông Chử, thôn Xuân Tịnh, thôn Kỳ Mạnh), Thiêm Lộc, thôn Bào Ổ, thôn Võng Nhi thuộc xã Áng Độ, trang Mai phụ, Vạn Lộc, Áng Độ, Thượng Xá, Hảo Hợp (thôn Thu Lũng, thôn Thận Trung, thôn Hương Đinh, thôn Bào Thủy, thôn Hoa Duệ, thôn Làng Ngoại, giáp Lập Thạch).
2. Tổng Ngô Trường có 17 xã thôn, phường, sở: Phan Xá (thôn Phan, thôn Xuân Liễu, thôn Bảo Đài), Xuân An (thôn An Toàn, thôn Thượng Xá, thôn Trung Ngũ, thôn Mỹ Hậu), sở Đức Quang, thôn Tứ thuộc xã Ngô Xá, Chân An, Dũng Quyết (thôn Thượng, thôn Hạ), An Trường, Giáp Am, An Lưu, phường Thủy Cư.
3. Tổng Kim Nguyên có 11 xã, thôn, phường, vạn: Kim Nguyên, Cẩm Trường, Kỳ Phúc, thôn Kim Khê thuộc xã Cao Xá, Thịnh Hoa, Trí Trai, Thược Dược, phường Võng Nhi, Kim Khê (thôn Thượng, thôn Trung), vạn Trại Trai.
4. Tổng Đặng Xá có 17 xã, thôn, trang: Đặng Xá (thôn Bào Chiêm, thôn Hoàng Cam), Đặng Điền (thôn Hoàng Cam, thôn Bào Chiêm, thôn Thủy Đạc), Hải Côn, Lộc Hải, Đông Hải (thôn Cổ Đan, thôn Bảo Lân, thôn Cổ Bái, thôn Chính Vĩ, thôn Bảo An), Lộc Thọ, Kinh Dương, trang Liễu Cù, Lộc Châu, Nam Sơn[49].
Tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1822), cho đổi "phủ Đức Quang ở Nghệ An làm phủ Đức Thọ, phủ Anh Đô làm phủ Anh Sơn" và đến tháng 12 năm Bính Tuất (1826), huyện Chân Lộc và Thanh Chương được lệ vào phủ Anh Sơn vì "trước phủ Đức Thọ thống hạt 6 huyện (La Sơn, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thanh Chương, Chân Lộc) mà Anh Sơn chỉ có 2 huyện (Nam Đường, Hưng Nguyên), nhiều ít không đều nhau. Vua sai trấn thần hiệp đồng với quan kinh phái là Đỗ Phúc Thịnh xem kỹ địa thế mà chia lại, lại chọn chỗ nào đường sá đi lại vừa đều thì dời xây phủ lỵ hai phủ"[50].
Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, tỉnh Nghệ An vẫn thống trị 9 phủ (Anh Sơn, Diễn Châu, Tương Dương, Quỳ Châu, Lạc Biên, Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Trấn Định, Trấn Biên) và 29 huyện là Nam Đường, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Chân Lộc, Đông Thành, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Vĩnh Hoà, Trung Sơn, Thuý Vân, Liên Huyện, Khâm Huyện, Tương Dương, Hội Nguyên, Quảng Huyện, Xôi Huyện, Mộc Huyện, Xa Hổ, Sầm Tộ, Khang Huyện, Cát Huyện, Cam Linh, Thâm Nguyên, Yến Sơn, Mộng Sơn, Man Soạn, Mang Lạn, Cam Môn, Cam Cát. Và, đến năm Mậu Tuất (1838), huyện Chân Lộc trở thành thủ phủ của phủ Anh Sơn.
Dưới đời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), Chân Lộc là huyện thống hạt thuộc phủ Anh Sơn của tỉnh Nghệ An, với 4 tổng, 81 xã, thôn, phường:
1. Tổng Yên Trường: 26 xã, thôn: Xã Vĩnh Yên, xã Yên Trường (gồm các thôn sau: Trung Mỹ, Đông Yên, Yên Thịnh, Nam Khang, Yên Vinh), xã Xuân Yên (gồm các thôn sau: Yên Duệ, Yên Xá, Trung Mỹ, Mỹ Hậu), xã Phan Xá (gồm các thôn sau: thôn Phan, Bảo Đài, Xuân liễu), xã Đức Lân (gồm các thôn sau: Ngô Trường, Ngô Xá, Giáp văn Chấn, Yên Đại), thôn Ân Hậu, xã Lộc Đa, xã Yên Dũng (gồm các thôn: thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Đức Mỹ), xã Đức Thịnh, xã Đức Quang, xã Yên Lưu, phường Thuỷ Cư.
2. Tổng Đặng Xá, 18 xã, thôn: Xã Lộc Châu, xã Lộc Hải, xã Lộc Thọ, xã Chân Dương, xã Hải Côn, xã Đặng Điền (gồm các thôn: Phú Vinh, Văn Trạch, Phượng Cương), xã Đặng Xá (gồm các thôn: Hương Cam, Mỹ Chiêm), xã Đông Hải (gồm các thôn: Cổ Đan, Cổ Bái, Bảo Lộc, Bảo Lân, Chính Vĩ), xã Nam Sơn, xã Đặng Yên, xã Hải Yến.
3. Tổng Thượng Xá, 24 xã, thôn, phường: Xã Thượng Xá, xã Mỹ Xá, xã Văn Xá, xã Thiêm Lộc, thôn Xuân Tình, thôn Đông Chử, thôn Kỳ Trân, xã Phú Ích, thôn Hương Đình, thôn Hương Qua, thôn Thu Lũng, thôn Thận Trung, thôn Yên Trạch, thôn Yên Lương, thôn Yên Duệ, giáp Lập Thạch, thôn Hương Quan, xã Kim Ổ, xã Vạn Lộc, thôn Tân Lộc, xã Mai Hương, xã Mai Bảng, xã Xuân Áng, phường Đức Võng.
4. Tổng Kim Nguyên, 13 xã, thôn, phường: Xã Kim Nguyên, xã Cẩm Trường, xã Kỳ Phúc, xã Chân Lạc, xã Cao Xá, Ngọc Lân, xã Trí Thuỷ, thôn Lộc Mỹ, thôn Kim Thượng, thôn Kim Trung, xã Thịnh Mỹ, xã Trung Hậu, phường Võng Nhi.
Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng về huyện Chân Lộc thời kỳ này: "Huyện lỵ đặt ở địa phận 2 xã Kim Nguyên, Cẩm Trường, xung quanh là ruộng mạ, mỗi chiều dài 30 trượng, chu vi 120 trượng. Có một cửa ở mặt tiền. Huyện hạt phía đông giáp biển, phía tây giáp huyện Hưng Nguyên, phía nam giáp giang phận huyện Nghi Xuân, phía bắc giáp huyện Hưng Nguyên. Đông tây cách nhau 25 dặm. Nam bắc cách nhau 42 dặm. Nhân số các hạng: 7.158 người (trong đó binh đinh: 666 người). Ruộng đất công tư và ruộng muối các hạng hiện nộp thuế: 12.330 mẫu 9 sào 7 thước 6 tấc 3 phân 1 ly. Trong đó: Ruộng và ruộng muối các hạng: 8.868 mẫu 5 sào 8 thước 7 tấc 5 phân 6 ly. Đất: 3.462 mẫu 3 sào 13 thước 8 tấc 7 phân 5 ly[51].
Đến đời vua Thành Thái (1889 - 1907), huyện Chân Lộc được đổi tên thành Nghi Lộc, vì kiêng húy chữ Chân của vua cha Dục Đức[52].
Phần chú giải sách Dư địa chí (tr. 622), Nghệ An ký (tr. 41), Cương mục (tập II, tr. 147), Đất nước Việt Nam qua các đời (tr. 197) đều viết: Năm Thành Thái thứ nhất (1889), đổi huyện Chân Lộc thành huyện Nghi Lộc. Riêng phần chú thích của sách Đồng Khánh địa dư chí (tập II, tr. 1245) viết: Đầu đời Thành Thái (1890), đổi Chân Lộc làm Nghi Lộc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tuy nhiên, thời điểm cụ thể của việc đổi tên từ Chân Lộc thành Nghi Lộc là như vậy? Trong tác phẩm Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh của tác giả Dương Tử Mỹ (chép trong Việt thi) vịnh về cảnh đẹp núi sông của Nghệ Tĩnh, tác giả mô tả 8 cảnh đẹp về núi, 3 cảnh đẹp về sông hồ của huyện Chân Lộc. Bên dưới địa danh Chân Lộc, tác giả chua một dòng Thành Thái niên cải vi Nghi Lộc, tức là huyện Chân Lộc đổi thành huyện Nghi Lộc vào đời vua Thành Thái (1889 - 1907), nhưng không rõ là năm nào. Cũng trong sách này, tác giả cho biết huyện Hưng Nguyên đổi thành phủ Hưng Nguyên và huyện Thiên Lộc đổi thành huyện Can Lộc trong khoảng thời Thành Thái.
Tham khảo trong Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, in năm Quý Tỵ, niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1893), khi chép về khoa thi Hương năm Tân Mão (1891), trường Nghệ An lấy đỗ 20 người, trong đó có nhắc đến 3 người (thuộc huyện Chân Lộc) đỗ Cử nhân là Vũ Xuân Doanh (người xã Mỹ Xá, huyện Chân Lộc), Nguyễn Văn Quang (người xã Cổ Đan, huyện Chân Lộc) và Nguyễn Viết Tạo (người xã Kim Khê, huyện Chân Lộc)[53]. Như vậy, cho đến năm 1891, địa danh Chân Lộc vẫn còn được sử dụng trong văn bản khoa cử. Đến khoa thi Giáp Ngọ (1894), địa danh huyện Nghi Lộc mới xuất hiện khi chép về Cử nhân đỗ khoa này là Vũ Đình Dương (người xã Lộc Thọ, huyện Nghi Lộc); Nguyễn Phạm Độ (người xã Hảo Hợp, huyện Nghi Lộc)[54].
Như vậy, qua việc nghiên cứu các văn bản chữ Hán và lệ kiêng húy thời Thành Thái, thì thời điểm địa danh huyện Chân Lộc đổi thành huyện Nghi Lộc diễn ra vào năm Giáp Ngọ (1894).
7. Nghi Lộc thời thuộc Pháp
Năm 1884, thực dân Pháp thiết lập nền cai trị trên toàn cõi nước ta. Chúng chia cả nước thành 3 kỳ, trong đó huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) thuộc xứ Trung Kỳ - xứ "bảo hộ" của thực dân Pháp.
Năm 1899, địa giới của huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên có sự điều chỉnh: Tổng Yên Trường (trước thuộc huyện Nghi Lộc) được cắt sang huyện Hưng Nguyên; tổng Vân Trình (trước thuộc huyện Hưng Nguyên) được chuyển sang huyện Nghi Lộc và các làng xã phía đông bắc của sông Cấm được hợp thành thành một tổng mới - tổng La Vân. Tư liệu của Tòa Công sứ Nghệ An cho biết: Trước năm 1945, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) có 5 tổng, 79 xã:
1. Tổng La Vân có 5 xã: La Vân, La Nham, Hải Thanh, Đông Ngàn, Trung Kiên;
2. Tổng Thượng Xá có 26 đơn vị hành chính: Tri Thủy, Lộc Mỹ, Đức Vọng, Xuân Áng, Thượng Xá, Mỹ Xá, Văn Xá, Vạn Lộc, Tân Lộc, Yên Lương, Mai Bảng, Mai Lĩnh, Yên Trạch, Thu Lũng, Khánh Duệ, Long Trảo, Xuân Đình, Lập Thạch, Bảo Trì, Văn Trung, Đông Quan, Kim Ổ, Thiêm Lộc, Xuân Tình, Đông Trữ, Kỳ Trân;
3. Tổng Đặng Xá có 15 đơn vị: Phu Ích, Phượng Cương, Yên Lạc, Văn Trạch, Mỹ Chiêm, Song Lộc, Nghi Hòa, Tân Hợp[55], Nam Sơn, Chính Vỹ, Cổ Đan, Cổ Bái, Lộc Thọ, Phú Lợi, Hải Côn, Phú Hòa;
4. Tổng Kim Nguyên có 17 đơn vị: Ân Hậu, Đức Hậu, Yên Đại, Phan Thôn, Xuân Liễu, Kim Chi, Kim Cẩm, Kỳ Phúc, Cao Xá, Xã Đoài, Yên Giáo, Yên Lạc, Kim Khê Thượng, Kim Khê Trung, Vọng Nhi, Ngọc Liễn, Trung Hậu;
5. Tổng Vân Trình có 16 đơn vị: Tam Đa, Yên Lãng, Phương Tích, Mỹ Yên, Hà Thanh, Tụy Anh, Xuân Mỹ, Vân Trình, Mỹ Hòa, Phú Trạch, Tràng Đề, Mậu Lâm, Mỹ Lâm, Cổ Văn, Cổ Lãm, Đông Quỹ[56].
Địa giới này của huyện Nghi Lộc được giữ nguyên cho đến trước Cách mạng Tháng 8 - 1945 thành công.
 
8. Nghi Lộc thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Cách mạng Tháng 8 - 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Cùng với những thay đổi về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, việc điều chỉnh địa giới hành chính từ xã, huyện đến tỉnh cũng được thực hiện.
Để ổn định nền hành chính quốc gia, Chính phủ đã ban bố quyết định giữ nguyên tên gọi các đơn vị hành chính cũ. Theo đó, Nghệ An là 1 tỉnh thuộc khu Trung Bộ. Cuối năm 1946, đất nước ta được chia thành 14 khu (chiến khu), Nghệ An thuộc khu 4. Khi cả nước chia thành 7 liên khu (từ đầu năm 1948 đến cuối năm 1958), Nghệ An thuộc Liên khu 4 với 1 tỉnh lỵ và 12 huyện.
Về các đơn vị cấp tổng, xã, tháng 5/1946, thực hiện sắc lệnh của Chính phủ và Nghị quyết hội nghị lần đầu tiên của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An[57], Huyện ủy Nghi Lộc đã tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong huyện. Cấp tổng - khâu trung gian giữa huyện và xã - bị xóa bỏ. Từ 79 xã dưới thời chính quyền thực dân phong kiến được sát nhập thành 24 xã mới:
1.   La Vân (vẫn giữ nguyên);
2.   La Nham (vẫn giữ nguyên);
3.   Đông Hải gồm: Hải Thanh, Đông Ngàn, Trung Kiên;
4.   Lữ Lĩnh gồm: Tri Thủy, Lộc Mỹ, Đức Vọng, Xuân Áng;
5.   Nguyên Xá gồm: Thượng Xá, Mỹ Xá, Văn Xá;
6.   Long Châu gồm: Tân Lộc, Vạn Lộc, Yên Lương, Mai Bảng, Mai Lĩnh, Yên Trạch;
7.   Hiến Hạp gồm: Thu Lũng, Khánh Duệ, Long Trảo, Văn Trung;
8.   Thuận Hợp gồm: Đông Quan, Kim Ổ, Thiêm Lộc, Lập Thạch, Bảo Trì, Phượng Cương, Xuân Đình;
9.   Thịnh Trường gồm: Xuân Tình, Kỳ Trân, Đông Chữ;
10.    Hợp Thái gồm: Yên Lạc, Yên Trạch, Mỹ Chiêm, Phú Ích;
11.    Ngư Phong gồm: Song Lộc, Tân Hợp, Nam Sơn, Chính Vị;
12.    Hải Yến gồm: Cổ Đan, Lộc Thọ, Cổ Bái, Phúc Lợi;
13.    Vạn Xuân gồm: Hải Côn, Phú Hòa;
14.    Kim Trường gồm: Ân Hậu, Đức Hậu, Yên Đại;
15.    Phan Xuân gồm: Phan Thôn, Xuân Liệu;
16.    Kim Phúc gồm: Kim Chi, Kim Cẩm, Kỳ Phúc;
17.    Kim Lộc gồm: Cao Xá, Xã Đoài, Yên Giáo, Yên Lạc;
18.    Kim Khê gồm: Kim Khê Thượng, Kim Khê Trung;
19.    Vọng Nhi gồm: Vọng Nhi, Ngọc Liễn, Trung Hậu;
20.    Thần Sơn gồm: Tam Đa, Yên Lãng, Xuân Mỹ, Vân Trình;
21.    Vạn Hòa gồm: Phương Tích, Mỹ Yên, Tụy Anh, Hà Thanh;
22.    Mỹ Thạch gồm: Mỹ Hòa, Phú Trạch, Tràng Đề;
23.    Lâm Kiều gồm: Mẫu Lâm, Mỹ Lâm;
24.    Văn Yên gồm: Cổ Văn, Cổ Lãm, Đồng Quỹ[58].
Một năm sau, tháng 4/1947, các đơn vị hành chính trong toàn huyện được sắp xếp lại cho phù hợp với thời kỳ chiến tranh. Từ 24 xã năm 1946 đã được gộp lại thành 13 xã mới. Sách Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc cho biết[59]:
1.   Yên Sơn gồm: La Vân, La Nham;
2.   Đông Hải (giữ nguyên);
3.   Xá Lĩnh gồm: Nguyên Xá, Lữ Lĩnh;
4.   Hợp Châu gồm: Thuận Hợp, Hiếp Lạp, Long Châu;
5.   Thịnh Trường (giữ nguyên);
6.   Ngư Hải gồm: Ngư Phong, Hợp Thái;
7.   Xuân Hải gồm: Vạn Xuân, Hải Yến;
8.   Trường Xuân (sau đổi thành Xuân Lộc) gồm: Kim Trường, Phan Thôn;
9.   Phúc Lộc gồm: Kim Phúc, Kim Lộc;
10.    Kim Đồng (sau đổi thành Thuận Hòa) gồm Kim Khê, Vọng Nhi;
11.    Thần Lĩnh gồn Thần Sơn, Vạn Hòa;
12.    Phúc Hòa gồm: Mỹ Thạch và xã Hải Nguyệt của huyện Hưng Nguyên cắt sang từ ngày 22/8/1948[60];
13.    Tam Thái gồm: Xuân Lâm, Văn Yên và xã Lộc Thành của huyện Yên Thành cắt sang từ ngày 10/8/1948[61].
Tiếp đó, tháng 6/1953, Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương đã cử đoàn cán bộ về chỉ đạo thực hiện thí điểm cuộc "Phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô" ở Nghệ An. Và, xã Tam Thái, huyện Nghi Lộc được chọn là một trong ba xã để thực hiện thí điểm. Nhằm mở rộng cuộc phát động trên, Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo việc chấn chỉnh lại bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và kèm theo đó là cải tổ các đơn vị hành chính cấp xã. Từ 13 xã trước, nay được chia thành 38 xã và thống nhất lấy chữ đầu tên huyện làm chữ đầu tên của xã:
1.   Xã Yên Sơn vẫn giữ nguyên và đổi tên thành xã Nghi Yên;
2.   Xã Đông Hải chia thành hai xã: Nghi Tiến, Nghi Thiết;
3.   Xã Hợp Châu chia thành sáu xã: Nghi Tân, Nghi Thủy, Nghi Thu, Nghi Khánh, Nghi Hương, Nghi Thạch;
4.   Xã Xá Lĩnh chia thành ba xã: Nghi Xá, Nghi Hợp, Nghi Quang;
5.   Xã Thịnh Trường chia thành hai xã: Nghi Trường, Nghi Thịnh;
6.   Xã Ngư Hải chia thành ba xã: Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Xuân;
7.   Xã Xuân Hải chia thành ba xã: Nghi Phúc, Nghi Thái, Nghi Thọ;
8.   Xã Xuân Lộc chia thành bốn xã: Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Kim;
9.   Xã Phúc Lộc chia thành bốn xã: Nghi Liên, Nghi Trung, Nghi Vạn, Nghi Diên;
10.    Xã Thuận Hòa chia thành ba xã: Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Hoa;
11.    Xã Thần Lĩnh chia thành hai xã: Nghi Phương, Nghi Hưng[62];
12.    Xã Phúc Hòa chia thành ba xã: Nghi Công, Nghi Mỹ, Nghi Kiều;
13.    Xã Tam Thái chia thành hai xã: Nghi Lâm và Nghi Văn[63].
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, địa bàn khu 4 phải hứng chịu những trận tập kích bằng không quân rất ác liệt. Trước tình hình đó, địa giới hành chính xã của huyện Nghi Lộc có một số điều chỉnh. Hai xã Nghi Hoa và Nghi Hải hợp nhất lại hành một xã lấy tên là Song Lộc; hai xã Nghi Phúc và Nghi Thọ hợp nhất lại thành một xã lấy tên là Phúc Thọ[64]. Để mở rộng quy hoạch phát triển của thành phố Vinh, ngày 26/12/1970 Thủ tướng Chính phủ quyết định sát nhập bốn xã của huyện Hưng Nguyên và xã Nghi Phú của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh[65].
9. Nghi Lộc từ năm 1975 đến nay
Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất. Trước yêu cầu của tình hình mới, Bộ Chính trị đã ra quyết định về việc hợp nhất các tỉnh nhỏ trên cả nước thành những tỉnh mới. Ngày 27/12/1975, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh[66]. Nghi Lộc vẫn là một huyện của tỉnh Nghệ Tĩnh.
Ngày 4/4/1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành sắc lệnh về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn của hai huyện Yên Thành và Nghi Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh. Theo Sắc lệnh này, thị trấn huyện lỵ của huyện Nghi Lộc là thị trấn Quán Hành. Thị trấn Quán Hành được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên của 3 xã: Nghi Trung (26,15ha), xã Nghi Hoa (10,8ha) và xã Nghi Long (11,35ha). Tổng diện tích tự nhiên của thị trấn là 48,3 ha và 2.793 nhân khẩu. Địa giới thị trấn được xác định: Phía đông giáp xã Nghi Trung và xã Nghi Long, phía tây giáp xã Nghi Trung và xã Nghi Hoa, phía nam giáp xã Nghi Trung, phía bắc giáp xã Nghi Hoa. Sau đợt điều chỉnh địa giới lần này, xã Nghi Trung còn 851,08ha, xã Nghi Hoa còn 577,15ha diện tích tự nhiên. Trong khi đó, 2 xã Nghi Tân và Nghi Thuỷ cùng 82ha diện tích tự nhiên của xã Nghi Thu và 15ha diện tích của xã Nghi Hợp hợp thành thị trấn cảng và du lịch Cửa Lò. Thị trấn cảng và du lịch Cửa Lò (thời điểm 1986) có tổng diện tích tự nhiên là 249,58ha, 14.532 nhân khẩu và có vị trí: Phía đông giáp biển, phía tây giáp xã Nghi Quang, phía nam giáp các xã Nghi Hương, Nghi Thu và Nghi Khánh, phía bắc giáp xã Nghi Thiết. Xã Nghi Thu còn 316,57ha, xã Nghi Hợp còn 333,65ha diện tích tự nhiên[67].
Năm 1991, theo Quyết nghị của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá VIII, tỉnh Nghệ Tĩnh được tách ra làm hai đơn vị hành chính riêng là tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh Nghệ An lúc này gồm có 18 đơn vị hành chính, trong đó có huyện Nghi Lộc.
Ngày 29/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 113-CP về việc thành lập thị xã Cửa Lò trực thuộc tỉnh Nghệ An. Thị xã Cửa Lò được thành lập trên cơ sở thị trấn cảng và du lịch Cửa Lò và các xã Nghi Thu, Nghi Hưng, Nghi Hòa, Nghi Hải của huyện Nghi Lộc. Một phần đất (50ha diện tích tự nhiên) và dân (2.291 nhân khẩu) của xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc được sát nhập với đất đai và dân cư của thị trấn Cửa Lò để thành lập phường Nghi Tân. Sau khi điều chỉnh địa giới, xã Nghi Quang còn 509ha diện tích tự nhiên với số dân là 4.503 nhân khẩu. Như thế, huyện Nghi Lộc năm 1994 có 32 xã, thị trấn: Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Công, Nghi Mỹ, Nghi Phương, Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Xuân, Nghi Xá, Nghi Thạch, Nghi Phong, Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Hợp, Nghi Khánh và Thị trấn Quán Hành[68]. Diện tích tự nhiên của huyện Nghi Lộc là 38.313ha và số nhân khẩu là 167.538 người.
Ngày 10/4/2002, Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2002/CP về việc điều chỉnh địa giới xã Nghi Công thuộc huyện Nghi Lộc. Theo đó, xã Nghi Công được tách thành 2 xã Nghi Công Bắc (có diện tích tự nhiên là 1.500ha, dân số là 4.822 nhân khẩu) và Nghi Công Nam (có diện tích tự nhiên là 1.807ha, dân số là 5.718 nhân khẩu)[69]. Như vậy, tính đến năm 2002, huyện Nghi Lộc có tổng cộng 33 đơn vị hành chính.
Ngày 2/4/2007, Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã Nghi Trung, xã Nghi Long, xã Nghi Hoa, xã Nghi Diên để mở rộng thị trấn Quán Hành thuộc huyện Nghi Lộc. Theo đó, 174,23 ha diện tích tự nhiên và 1.532 nhân khẩu của xã Nghi Trung; 11,07 ha diện tích tự nhiên và 253 nhân khẩu của xã Nghi Long; 132,6 ha diện tích tự nhiên và 1.434 nhân khẩu của xã Nghi Hoa; 20,61 ha diện tích tự nhiên và 97 nhân khẩu của xã Nghi Diên về thị trấn Quán Hành. Như thế, thị trấn Quán Hành có 389,90 ha diện tích tự nhiên, 5.114 nhân khẩu và có địa giới: Phía đông giáp xã Nghi Trung và xã Nghi Long; phía tây giáp xã Nghi Diên và xã Nghi Hoa; phía nam giáp xã Nghi Trung; phía bắc giáp xã Nghi Long và xã Nghi Hoa. Sau đợt điều chỉnh này, xã Nghi Trung còn 783,58 ha diện tích tự nhiên và 7.756 nhân khẩu; xã Nghi Hoa còn 496,92 ha diện tích tự nhiên và 5.512 nhân khẩu; xã Nghi Long còn 658,17 ha diện tích tự nhiên và 6.812 nhân khẩu; xã Nghi Diên còn 689,44 ha diện tích tự nhiên và 6.991 nhân khẩu[70].
Ngày 17/4/2008, Chính phủ tiếp tục ra Nghị định số 45/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên để mở rộng thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An). Nghị định nêu rõ: Điều chỉnh 3.115,63 ha diện tích tự nhiên và 29.304 nhân khẩu của huyện Nghi Lộc (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã Nghi Kim, Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Ân); 626,91 ha diện tích tự nhiên và 9.138 nhân khẩu của huyện Hưng Nguyên (bao gồm toàn bộ diện tích và nhân khẩu của xã Hưng Chính; 174 ha diện tích tự nhiên và 3.043 nhân khẩu của xã Hưng Thịnh) về thành phố Vinh. Thành phố Vinh sẽ có 25 đơn vị hành chính[71], với 10.498,39 ha diện tích tự nhiên, 282.981 nhân khẩu và có địa giới: Phía đông giáp tỉnh Hà Tĩnh; phía tây và nam giáp huyện Hưng Nguyên; phía bắc giáp huyện Nghi Lộc. Sau đợt điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008, huyện Nghi Lộc còn 34.809,60 ha diện tích tự nhiên, 195.847 nhân khẩu và 30 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Yên, Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc, Nghi Hưng, Nghi Phương, Nghi Thuận, Nghi Hoa, Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Trung, Nghi Long, Nghi Quang, Nghi Phong, Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Xuân, Nghi Thạch, Nghi Đồng, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Khánh, Nghi Hợp, Nghi Xá, Nghi Thịnh, Nghi Mỹ, Nghi Trường và Thị trấn Quán Hành[72].
II. Tại cuộc Hội thảo khoa học "Xác định danh xưng Nghi Lộc" ngày 22/11/2009 tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu khoa học và các đại biểu tham dự đã thống nhất khẳng định: Trong tiến trình lịch sử, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đã trải qua nhiều danh xưng: Dương Thành, Dương Toại, Phố Dương, Tân Phúc, Nghi Chân, Chân Phúc, Chân Lộc và Nghi Lộc. Niên đại tuyệt đối ra đời của các danh xưng kể trên chưa được xác định cụ thể. Đối với danh xưng Nghi Lộc, trước đây một số ý kiến cho rằng: Danh xưng Nghi Lộc ra đời năm 1889, gắn với việc kỵ húy đời vua Thành Thái. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản chữ Hán và lệ kiêng húy thời Thành Thái, năm Giáp Ngọ (1894), địa danh Chân Lộc mới đổi thành Nghi Lộc.
Trong khi đó, năm ra đời của đơn vị hành chính cấp huyện Nghi Lộc được xác định là năm Kỷ Sửu (1469) là năm vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước, trong đó huyện Chân Phúc thuộc phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An làm năm kỷ niệm tiến trình lịch sử 540 năm xây dựng và phát triển của huyện Nghi Lộc ngày nay.
Đây là một bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất Nghệ An nói chung; của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc nói riêng, cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy./.
    

 


[1] Về nội dung cụ thể của các tham luận khoa học, xem thêm: Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Xác định danh xưng Nghi Lộc", Hà Nội, 2009.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc, tập I (từ 1954 về trước), Nxb. Nghệ An, 1991, tr. 7.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, HN, 1998, tr. 75.
[4] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập I (phần Dư địa chí), Nxb. Giáo dục, HN, 2007, tr. 72 và Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Nxb. KHXH, HN, 2004, tr. 45.
[5] Phương đình Nguyễn Văn Siêu: Đại Việt địa dư toàn biên, Viện Sử học và Nxb. Văn hóa, HN, 1997, tr. 19.
[6] Nhà Ngô, tức nước Đông Ngô của thời Tam quốc (Đông Ngô, Bắc Ngụy và Tây Thục). Người đặt nền móng cho nhà Đông Ngô là Tôn Kiên (155 - 193) và người kết thúc nhà Đông Ngô là Ngô Tôn Hạo (264 - 280).
[7] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. VHTT, HN, 2005, tr. 78.
[8] Trong toàn bộ công trình Nghệ An ký, tác giả Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) đều chép là huyện Bồ Dương. Chữ Phố () và chữ Bồ () có tự dạng giống nhau.
[9] Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo, Nxb. VHTT, HN, 1997, 322.
[10] Sử học bị khảo, Sđd, tr. 328.
[11] Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd, tr. 22.
[12] Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd, tr. 24.
[13] Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr. 78.
[14] Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd, tr. 27.
[15] Nghệ An ký, Sđd, tr. 50.
[16] Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập I, Sđd, tr. 183 - 185.
[17] Nhận định đó cũng rất phù hợp, vì rằng vào những năm thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, huyện Chân Lộc - một phần đất của huyện Phố Dương thời Đường, đang trực thuộc phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (Sử học bị khảo, Sđd, tr. 371).
[18] Nguyễn Văn Siêu: Phương Đình địa dư chí, Nxb. VHTT, HN, 2001, 125 - 126.
[19] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, HN, 1993, tr. 230.
[20] Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập I, Sđd, tr. 287.
[21] Sách Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 72) chép sự kiện này xảy ra vào năm Thiên Thành thứ 3 (1030), trong khi đó, Nghệ An ký (tr. 52) chép năm Thiên Thành thứ 6 (1033).
[22] Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Sđd, tr. 258 và Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập I, Sđd, tr. 313.
[23] Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập I, Sđd, tr. 582.
[24] Lịch triều hiến chương loại chí, tập I (phần Dư địa chí), Sđd, tr. 72.
[25] Cùng sự kiện này, sách Nghệ An ký (tr. 52) chép xảy ra vào năm Long Khánh thứ 2 (1374), đời vua Trần Duệ Tông.
[26] Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. KHXH, HN, 1997, 471.
[27] Ngô Thì Sĩ: Việt sử tiêu án, Nxb. Thanh niên, HN, 2001, 309.
[28] Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi toàn tập (phần Dư địa chí), Nxb. KHXH, HN, 1976, tr. 622; Quốc sử quán triều Nguyễn: Đồng Khánh địa dư chí, tập II, Nxb. Thế giới, HN, 2003, tr. 1245 và Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 138.
[29] Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr. 130.
[30] Những ghi chú về huyện Nghi Xuân cho biết: Khi xưa cùng với Tân Phúc hợp làm một huyện là Nghi Chân, thời thuộc Minh lại tách ra làm huyện Nha Nghi, thời Lê đổi gọi là Nghi Xuân.
[31] Nghệ An ký, Sđd, tr. 55.
[32] Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd, tr. 49.
[33] Phủ Tân Bình thân lĩnh 3 huyện là Phúc Khang, Nha Nghi, Tri Kiến. Như thế, Nha Nghi đã là 1 huyện thuộc về phủ Tân Bình, lại thuộc về Nghệ An, có lẽ là chép nhầm, vì huyện Nha Nghi nay là huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).
[34] Sử học bị khảo, Sđd, tr. 389.
[35] Phương Đình địa dư chí, Sđd, tr. 76 - 77.
[36] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 411 và Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập I, Sđd, tr. 1024.
[37] Số liệu này chưa có sự thống nhất: Đại Việt sử ký toàn thư (tập II, tr. 437) chép: Thừa tuyên Nghệ An có 9 phủ, 27 huyện, 2 châu; Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập I, tr. 1073): 8 phủ, 18 huyện, 2 châu; Nghệ An ký (tr. 41): 9 phủ, 25 huyện, 2 châu; Sử học bị khảo (tr. 399): 9 phủ, 27 huyện, 2 châu; Đại Việt địa dư toàn biên (tr. 154) và Phương Đình dư địa chí (tr. 147) đều chép giống nhau: 9 phủ, 27 huyện, 3 châu.
[38] Hồng Đức bản đồ, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1962.
[39] Nguyễn Thu: Lê Quý kỷ sự, Nxb. KHXH, HN, 1974, tr. 54.
[40] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Thúy Nga: Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919), Nxb. Văn học, HN, 2006, tr. 647 và Nghệ An ký, Sđd, tr. 370.
[41] Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. KHXH, HN, 1997, tr. 312 và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr. 675 - 676.
[42] La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (phần Lịch sử), Nxb. Giáo dục, HN, 1998, tr. 1048.
[43] Bùi Dương Lịch có chú rằng: Núi Dũng Quyết ở xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc. Mạch từ núi Đại Hải chạy xuống đồng bằng đột xuất nổi lên trông xuống bến sông Yên Lạc. Phía Nam núi có động, cửa động có chùa Sơn Quang. Phía Tây núi có ngọn núi giống hình con thỏ, tục gọi là ngọn Con Mèo (Miêu Nhi Phong). Ngày nay thường gọi tắt là Núi Quyết. Ngọn Con Mèo gọi tắt là Núi Mèo, cũng có tên là núi Giang Miêu. Tương truyền nhà Tây Sơn đặt tên là núi Kỳ Lân khi cho xây dựng thành ở đấy (Nghệ An ký, tr. 158).
[44] Đồng Khánh địa dư chí, Sđd, tập II, tr. 1245.
[45]Nghệ An ký, Sđd, tr. 353 - 354.
[46] Điều này cũng đã xảy ra với các địa danh: Gia Phúc đổi thành Gia Lộc (Hải Dương), Phúc Lộc đổi thành Phú Lộc (Sơn Tây), Phúc Diễn đổi thành Phú Diễn (Hà Nội)... Xem thêm: Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ Húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, HN, 1997, tr. 109.
[47] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, tập II, tr. 147.
[48] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập I, Nxb. Giáo dục, HN, 2000, tr. 501.
[49] Dương Thị The, Phạm Thị Thoa: Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Nxb. KHXH, HN, 1981, tr. 100 - 101.
[50] Đại Nam thực lục, Sđd, tập II, tr. 564.
[51] Đồng Khánh địa dư chí, Sđd, tập II, tr. 1245 - 1246.
[52] Vua Dục Đức là vị vua thứ 5 của nhà Nguyễn. Trước đây, vì vua Tự Đức không có con, nên ông đã xin Ưng Ái làm con nuôi (năm 1869) và đổi tên thành Nguyễn Phúc Ưng Chân. Ông lên ngôi ngày 20/7/1883, nhưng chỉ tại vị được 3 ngày. Vua Dục Đức có 11 con trai - hoàng tử và 8 người con gái - công chúa.
[53] Cao Xuân Dục: Quốc triều Hương khoa lục (Bản chữ Hán, q. 4).
[54] Cao Xuân Dục: Quốc triều Hương khoa lục (Bản chữ Hán, q. 5).
[55] Ngày 25/5/1929, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định sát nhập hai làng Lộc Hải, Lộc Châu thành Song Lộc; nhập ba làng Mỹ Lộc, Xuân Dương, Hải Yên thành xã Tân Hợp.
[56] Trong khi đó, theo thống kê của Niên giám Pháp năm 1936, huyện Nghi Lộc có 5 tổng, 76 xã (Nguyễn Quang Ân: Việt Nam những thay đổi về địa danh và địa giới hành chính, Nxb. Thông tấn, HN, 2003, tr. 39).
   [57] Đại hội đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An họp tại đình làng Đại Xá (nay là xã Nghi Hợp) vào tháng 3 năm 1946. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Huyện ủy chính thức với 11 ủy viên và đồng chí Lê Huy Điệp được cử làm Bí thư.
   [58] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc, tập I, Sđd, tr. 156 - 158.
   [59] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc, tập I, Sđd, tr. 168.
   [60] Theo Sắc lệnh số 212-SL của Chủ tịch Chính phủ, thì sự kiện này diễn ra ngày 20/8/1948 (Việt Nam những thay đổi về địa danh và địa giới hành chính, Sđd, tr. 169).
   [61] Sắc lệnh số 75-SL của Chủ tịch Chính phủ cho biết: 2 xã của huyện Nghi Lộc là Lam Kiều (có số dân là 3200 người) và xã Lộc Thanh (có số dân là 1800 người) sát nhập với xã Hải Vân của huyện Hưng Nguyên (có số dân là 530 người) thành xã Tam Thái của huyện Nghi Lộc.
[62] Sau này, trích một phần đất hai xã này để lập thêm một xã mới là Nghi Đồng.
[63] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc, Sđd, tr. 208 - 209.
[64] Theo Quyết định số 201-NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
[65] Quyết định số 80-BT của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.
[66] Nghị quyết số 245-NQ/TƯ ngày 20/9/1975 và Nghị quyết Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ 2.
[67] Quyết định số 37-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
[68] Nghị định 113-CP của Chính phủ.
[69] Nghị định 40/2002/NĐ-CP của Chính phủ.
[70] Nghị định số 52/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
[71] Gồm các phường: Bến Thủy, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Đội Cung, Hà Huy Tập, Hồng Sơn, Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Phúc, Lê Lợi, Lê Mao, Quán Bàu, Quang Trung, Trường Thi, Trung Đô, Vinh Tân và các xã Nghi Phú, Hưng Lộc, Nghi Kim, Hưng Đông, Hưng Hòa, Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức, Hưng Chính.
[72]Nghị định số 45/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511964

Hôm nay

2290

Hôm qua

2337

Tuần này

22338

Tháng này

218837

Tháng qua

121356

Tất cả

114511964