Một trí thức đầy hoài bão, giàu nghị lực và tự trọng dân tộc
Tôi thân với GS Nguyễn Văn Tuấn từ cuối thập kỷ 90, khi tham gia diễn đàn VNSA của lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Tôi cũng là người đầu tiên giúp anh Nguyễn Văn Tuấn đăng bài trong nước, lúc đầu đăng bài trên các báo Tiền phong, Tia Sáng, Sức khoẻ và Đời sống, tranh luận với GS Nguyễn Cảnh Toàn trên báo Nhân Dân về giáo dục từ xa...Sau đó anh đã tự in nhiều sách trong nước. Nhưng, trong các sách xuất bản trong nước anh Nguyễn Văn Tuấn đều ghi cám ơn tôi.
Trên Diễn đàn VNSA anh Nguyễn Văn Tuấn lúc đó đang dạy ở Ohio Hoa Kỳ đã chia sẻ nhiều bài viết uyên bác, tâm huyết về đất nước, về các vấn đề học thuật được chúng tôi rất tâm đắc. Thỉnh thoảng anh gửi thiếp cho tôi. Khoảng cuối thập kỷ 90, GS Nguyễn Văn Tuấn có viết một lá thư rất dài kể cho tôi về quá trình vượt biên và vươn lên quyết liệt ở nước ngoài. Từ một lần bị xúc phạm, coi thường khi anh làm ở nhà ăn của trường Đại học, anh đã quyết chí phấn đấu cho một mục đích: Phải đứng trên bục giảng của ngôi trường này, để kẻ đã miệt thị xúc phạm người Việt biết rằng nó đã đánh giá sai.
Anh đã thành công trong một hành trình đầy hoài bão và nghị lực mà không phải ai cũng có thể làm theo. Anh cũng đóng góp đáng kể cho sự nghiệp đấu tranh đòi bồi thường cho nạn nhân thuốc độc da cam. Khi về Hà Nội anh có đến nhà tôi lần đầu cùng TS Vũ Thanh Ca. Năm ngoái anh về tôi đang đi làm phim xa nên khi anh gọi tôi không về gặp được. Tôi luôn tự hào vì có một người bạn như GS Nguyễn Văn Tuấn, vui vì đã là cầu nối đầu tiên để tâm huyết và trí tuệ của anh ngày càng được nhiều người biết đến trong các bài viết và cuốn sách anh xuất bản trong nước. Tuy nhiên, có những bài viết cụ thể như bài viết này tôi không hoàn toàn đồng ý với anh.
Ý tưởng khai sáng cao hơn hệ thống diễn giải nó
GS Nguyễn Văn Tuấn giải thích rằng, sở dĩ ông coi việc đăng ký bản quyền các ý tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là không hay vì “Lí do là ông chỉ nói thế thôi, không như tài liệu của UNESCO giải thích rõ ràng ý nghĩa của 4 trụ cột giáo dục, Chủ tịch HCM cũng chẳng giải thích thêm ý của ông là gì. Vậy thì làm sao có thể nói những phát ngôn đó là “triết lí giáo dục” được.” Theo Giáo sư, từ một ý tưởng được phác thảo sơ sài thành một “triết lí” hay một “ý thức hệ” là một con đường dài: “Chắc chắn là ông có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được. Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông.”
Ở đây, GS Nguyễn Văn Tuấn có vẻ chuyển đổi khái niệm, nâng tầm “ý tưởng, tư tưởng giáo dục” thành “Hệ tư tưởng” đồ sộ, có hệ thống kiểu như chủ nghĩa Marx với những bộ sách dày. Gíao sư có vẻ đồng nhất minh triết kiểu phương Đông với hệ thống lý thuyết logic kiểu phương Tây và lấy tiêu chí của hệ thống lý thuyết này để đo minh triết. Mặt khác, Giáo sư lấy tiêu chuẩn lập luận logic chứng minh khoa học để làm tiêu chí đo giá trị khai sáng trong tư tưởng và ý tưởng. Thực ra, cái quan trọng nhất của khai sáng là đưa ra ý tưởng. Các nhà tư tưởng không cần phải diễn giải ý tưởng của mình thành bài thành sách với những lập luận khoa học logic để chứng minh mà ý tưởng của họ vẫn có giá trị khai sáng cho cộng đồng, nhân loại. Như Phật và các bậc hiền giả Đông Tây nhiều khi chỉ nêu ý tưởng, các học trò của họ thuyết minh diễn giải theo tinh thần hệ thống mà họ đã truyền trong nhiều lần giảng đạo.
Thuyết minh diễn giải là cấp độ thấp hơn, không mang tính phát kiến. Không thể cho rằng chỉ các công trình logic hệ thống về Thiền như bộ “Thiền luận” của DT.Suzuki là xứng đáng mang bản quyền trí tuệ Thiền hơn các văn bản thực hành hay diễn giải của các Thiền sư trong suốt hàng ngàn năm truyền đạo và hành đạo. Đó chỉ là một công trình hệ thống hoá và phiên dịch văn minh văn hoá cho người mang tư duy phương Tây hiểu được bản chất và cốt tuỷ của Thiền. Nó không có bản quyền về ý tưởng Thiền mà chỉ có bản quyền về cách diễn giải, tiếp cận Thiền tông.
Những câu nói về giáo dục của Hồ Chí Minh là những câu nói đầu tiên mang tư tưởng về giáo dục của riêng Hồ Chí Minh mà sau này UNESCO lặp lại, dù vô tình hay có tham khảo, để triển khai từ cách tiếp cận mang tính hệ thống hoá, giải trình chi tiết. Vì thế, bản quyền ý tưởng vẫn thuộc về Hồ Chí Minh. Cũng như tôi đã chứng minh trong bài viết về vụ chặt cây đăng trên “Văn hoá Nghệ An”, Hồ Chí Minh là người đầu tiên trong nhân loại đưa ra ý tưởng phát động trồng cây theo tinh thần cải thiện môi trường và làm kinh thần kinh tế Phật giáo từ năm 1955. Hai mươi năm sau, một học giả người Anh là Sumakher mới viết sách “Nhỏ là Đẹp” bàn về kinh tế Phật Giáo và phát động phong trào mỗi người “Trồng một cây” sau đó lan rộng thành phong trào “Hoà bình xanh” khắp phương Tây. Mặc dù Shumakher có viết sách thành hệ thống lập luận dẫn đến việc phát động trồng cây, nhưng Hồ Chí Minh vẫn là người đầu tiên đưa ra ý tưởng phát động trồng cây thường niên trong cộng đồng dân tộc với giải pháp và kế hoạch rõ ràng mà 20 năm sau Shumakher phát động rộng rãi ở tầm thế giới. Vì thế, nếu đăng ký bản quyền tư tưởng phát động trồng cây rộng rãi thì phải đăng ký cho Hồ Chí Minh chứ không phải cho Shumakher.
Còn nếu bây giờ có những nhà nghiên cứu diễn giải các tư tưởng minh triết đó của Hồ Chí Minh ra thành hệ thống lập luận kiều “Thiền luận” hay các văn bản của UNESSCO, thì họ cũng chỉ đóng vai trò như DT.Suzuki khi viết “Thiền luận” hay như các đệ tử của các Giáo chủ viết lại lời thầy thành kinh sách và viết các công trình biện giảng ý tưởng của thầy thôi!