Người xứ Nghệ

Nguyễn Đổng Chi - Nhà văn, nhà khoa học

Trong tâm trí bạn đọc chúng ta, có lẽ không mấy ai không quen biết Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Đó là một bộ sách dày 5 tập, lần lượt ra mắt độc giả trong 25 năm, từ 1958 đến 1982, và trong 25 năm đó, sự xuất hiện lần lượt của từng tập đã gây hứng thú, hơn thế nữa, gây những tình cảm đẹp đẽ cho nhiều người, từ trẻ em đến người lớn. Bộ sách đó cũng được trích dịch ra nhiều thứ tiếng từ Âu sang Á: Nhật, Đức, Nga, Pháp... Tác giả bộ sách quen biết đó là Giáo sư Nguyễn Đổng Chi([1]), nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng, cũng là một nhà sử học, nhà khảo cổ học, nhà Hán học, nhà dân tộc học, và nhà văn... mà ngòi bút có mặt trên văn đàn đã 50 năm nay. Với 70 tuổi đời nhưng tinh thần còn rất tráng kiện, Nguyễn Đổng Chi đã ra đi một cách quá đột ngột trong ngày 20-7-1984, khi sức khỏe và sức làm việc của ông còn sung mãn, gây bàng hoàng sửng sốt không riêng cho người thân thuộc và hết thảy những ai quen biết ông. Còn nhớ ngày 6 tháng Giêng năm nay, nhân sinh nhật 70 tuổi của mình, trước các bạn bè cũ, các bạn văn cũng như các đồng chí cùng hoạt động với ông thời tiền khởi nghĩa, trong đó có người viết bài này, ông có đọc một bài ca trù tự vịnh mà mấy câu mở đầu nay đọc lại cứ tưởng như một lời báo trước, một sự linh cảm:

 

          Đổng Chi nhất lão,

          Mới ngày nào còn lơ láo biết chi chi;

          Cho đến nay đầu nhuốm bạc, gân đang suy,

          Cười một tiếng: “Cổ lai hy không mấy chốc”.

Cuộc đời Nguyễn Đổng Chi là cuộc đời một người cầm bút phong phú, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, và cũng là một cuộc đời đầy hoạt động. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ông là con thứ ba của cụ Nguyễn Hiệt Chi, tức Đầu xứ Thuận, biệt hiệu Mộng Thương, tác giả Sách mẹo tiếng Nam, Hán văn tân giáo khoa thư nhiều tập, Hán văn tân giáo pháp, Ba Xã địa dư... và nhiều thơ, văn khác, một nhà giáo có uy vọng. Học trò cụ nay còn lại đều là những bậc thức giả đáng kính – như các ông Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, Phạm Thiều... – vẫn thường nhắc đến đức độ của cụ. Nguyễn Hiệt Chi từng có chân sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết là nơi tập trung khá nhiều chí sĩ yêu nước buổi đầu thế kỷ. Năm 1910, trước lúc xuất dương tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau năm 1945) có ghé lại Phan Thiết dạy ở trường này một thời gian, và một trong những học trò của Ông là người anh trai đầu của Nguyễn Đổng Chi, tức Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, Thứ trưởng Bộ Y tế hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đổng Chi còn có người chú ruột là Nguyễn Hàng Chi, người cầm đầu phong trào Duy tân và Chống thuế ở Nghệ-Tĩnh. Tuy học rất giỏi, ông đã kiên quyết tẩy chay thi cử và cùng bạn bè tổ chức vụ phá trường thi Hà Tĩnh (1906) trong một cuộc khảo hạch để được miễn thuế thân mà ông cho là làm hèn hạ con người. Nguyễn Hàng Chi cũng là người thanh niên đầu tiên cắt “búi tó” ở trong vùng với một bài thơ tự trào cũng bằng thể ca trù:

           Hàng Chi ơi hỡi Hàng Chi,

          Cõi trần hồ dễ như mi trọc đầu...

Năm 1908, Nguyễn Hàng Chi tổ chức nông dân các huyện kéo vào tỉnh thành Hà Tĩnh chống thuế, ông bị Pháp bắt và xử tử.

Nguyễn Đổng Chi sinh ra ở Phan Thiết, nhưng lại lớn lên giữa những ngày sôi động và dồn dập phong trào cách mạng ở Nghệ-Tĩnh. Vào những năm 1931-1932, mới 17 tuổi, đang học trung học, nhưng ông đã muốn tự mình làm một cái gì để thử thách nghị lực của mình. Nhân gặp một người làm thuốc rong có môn thuốc bó xương gia truyền đến chữa bệnh cho bà nội, ông đã cặm cụi học cách chế thuốc “gịt” chữa bong gân gãy xương của người đàn bà không quen biết này và táo bạo ra Vinh mở... “Bình Ân dược phòng”. Ông còn lần mò đi chợ Vinh nhiều buổi, tìm hiểu các hàng đồ tre chạm rất tinh tế của người vùng Nghi Lộc và sau đó mở hiệu chạm đồ tre gửi đi bán các nơi để cổ động hàng mỹ nghệ của đất nước. Rồi ông mở “Kho sách bạn trẻ” tự mình viết, dịch, phóng tác các loại “sách hồng” của nước ngoài, cho ra mắt những cuốn Chí quả quyết, Tài trẻ nước Nam, Một nhà tan họp, Vườn xuân bạn trẻ, Tìm ra châu Mỹ nhằm giáo dục nghị lực cho thiếu niên. Ông lại mở “Mộng Thương Thư trai” ở làng quê, cho nhiều người đến đọc, để phổ cập những tư tưởng tiến bộ trong nhân dân.

Dần dần, lớn hơn ít nữa, ảnh hưởng của các phong trào khởi nghĩa Yên Bái, Xô-viết Nghệ Tĩnh, Mặt trận Dân chủ thấm sâu trong ông. Khi được theo người anh lên làm Y sĩ ở Buôn Mê Thuột và Kon Tum, Nguyễn Đổng Chi đã có dịp chứng kiến tấm gương của các tù nhân chính trị bị đày ải nơi đây, và mối quan hệ giữa hai ông với họ nảy nở nhanh chóng. Một người trong số các chiến sĩ đó sau ngày được tha về sẽ là con rể của gia đình cụ Hiệt Chi. Trở về Hà Tĩnh, Nguyễn Đổng Chi gặp gỡ các bạn trong phong trào Mặt trận Dân chủ, ông lao vào hoạt động tích cực hơn. Ông tổ chức ra “Phường Tập phúc”, một hình thức “hội kín” biến tướng. Bị mật thám Hà Tĩnh đe dọa về việc này nhưng ông không lùi bước. Cùng một vài thanh niên yêu nước trong vùng như Nguyễn Chung Anh, Đặng Giá, Nguyễn Đổng Chi đã ra Hà Nội (1942), lấy cớ đi đọc sách ở Trường Viễn Đông bác cổ, tìm gặp Nguyễn Đắc Giới (tức Thôi Hữu) để bắt liên lạc với Mặt trận Việt minh. Năm 1943, các anh trở về Hà Tĩnh tổ chức cơ sở đầu tiên của Mặt trận Việt minh ở tỉnh. Lúc này một người tù cách mạng là Chu Huệ đã vượt ngục Buôn Mê Thuột ra Hà Tĩnh, tìm đến để phối hợp hoạt động. Phong trào cứu quốc từ đây càng phát triển một cách vững chắc. Cuối năm đó bị địch khủng bố, một số anh em bị bắt, nhưng Nguyễn Đổng Chi vẫn giữ vững mối liên hệ với các bạn còn lại. Đến cuối 1944, tổ chức được phục hồi, sau cuộc họp ở chân núi Hồng Lĩnh, Đoàn Thanh niên cứu quốc đã gặp gỡ ông Nguyễn Hiền từ Huế cử ra, lại liên lạc được với ông Nguyễn Tạo từ Tổng bộ Việt minh về lập căn cứ Tràng Sim, xây dựng phong trào ở Nghệ-Tĩnh. Cùng các anh em trong Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nguyễn Đổng Chi hăng hái dấn mình vào mọi hoạt động cách mạng trong vùng, và khi có lệnh Tổng khởi nghĩa, ông đã tham gia lãnh đạo cướp chính quyền huyện Can Lộc vào một ngày sớm nhất trong tỉnh: 15-8-1945([2]).Hồi tưởng lại việc này, ông viết những câu thật sảng khoái:

          Chân non Hồng nhóm họp dăm bảy bạn anh hào,

          Dẫn quần chúng dám tấn công vào Can Lộc.

          Cờ ứng nghĩa đầu tiên sao vàng tung bay sáng rực

          Tiếng reo hò hả nỗi nhục non sông...

Những ngày này dường như ở trong Nguyễn Đổng Chi đã có hai con người cùng gắn bó làm một: con người cách mạng và con người văn hóa. Say mê, xông xáo, ông dồn hết sức trẻ vào hoạt động, với niềm mong muốn chân thành xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đổng Chi ra Vinh nhận công tác văn hóa, tuyên truyền. Ông làm Trợ bút báo Kháng địch (1945), Chủ bút báo Truyền thanh (1946) rồi Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An (1946). Ít lâu sau ông được điều động sang Ban Kinh tài của Trung Bộ và ra Hà Nội công tác. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan ở Hà Nội lần lượt tản cư, Nguyễn Đổng Chi tình nguyện ở lại gia nhập Đội tự vệ khu Bảy Mẫu và chiến đấu ở các khu phố chợ Hôm, Nhà máy Diêm, chợ Đuổi, Nhà thương Cống Vọng([3]), Trường bay Bạch Mai... cho đến cuối tháng Hai 1947 mới cùng rút với các chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Trở về lại khu IV, ông sẵn sàng nhận bất kỳ công việc gì mà trên giao phó, từ việc đi trồng trẩu tại Nông trường Bà Triệu (Nghĩa Đàn), đến công tác Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu ủy IV, cho đến Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới Liên khu IV...

Còn nhớ, thời kỳ ở Nông trường Bà Triệu, ông phụ trách thanh niên. Đêm đêm ông đã đi ngựa hàng chục cây số vào các làng bản trong rừng dạy bình dân học vụ cho đồng bào Mường. Một mình một cây súng hai nòng, đội thêm một chiếc đèn săn, đêm nào như đêm ấy ông hăng hái đi sâu vào những cánh rừng âm u của vùng đất đỏ Phủ Quỳ nhiều thú dữ, đôi khi sau buổi dạy học còn đem về một con cầy, con mèo rừng, có lần cả một con hoẵng. Ông được kết nạp Đảng vào cuối năm 1947, cũng tại nơi rừng núi này([4]). Những năm tháng hoạt động sôi nổi trên đây đã nung nấu trong ông ý muốn cầm bút ghi lại cuộc kháng chiến của dân tộc, và vào mấy năm sau, khi đã trở về công tác ở vùng xuôi Nam Đàn, ông bắt tay thực hiện. Ban ngày làm việc văn phòng, nhưng đêm đến, với một ngọn đèn dầu lạc con con, ông ngồi ghi lại câu chuyện một Tiểu đội tự vệ khu Nam Hà Nội đã luồn qua các lỗ đục tường, quấy rối tiêu hao các đồn bốt địch trong thành phố. Ông đã sống với tất cả cảm xúc bồng bột, say đắm của một người “trong cuộc”, và cuốn truyện Gặp lại một người bạn nhỏ giàu tính chất tự truyện của ông, là những bức ký họa sinh động về những người dân Thủ đô thuở ấy, rất say sưa, dũng cảm, đánh giặc bằng mọi hình thức, không hề tiếc thân mình, nhưng đó cũng là một tập hợp phần nào còn luộm thuộm, phức tạp: có người là dân nghèo, là sinh viên, tiểu tư sản, có người là thợ nhà máy, là đầu bếp, có những chị buôn bán nhỏ ở chợ Hôm, lại có cả những tay “anh chị” quen chuyện “khoét vách trèo tường”... Họ đã đem vào cuộc kháng chiến những tính cách khác nhau, họp thành một tập thể đông đảo, nửa tự giác nửa tự phát, và tạo nên cái màu sắc đầy hoạt động vừa lãng mạn, nhiều vẻ, vừa rất đỗi “Hà thành”.

Còn nhớ những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, khi tiếng súng bùng nổ ở Thủ đô thì tại Hà Tĩnh, nhóm Thanh niên cứu quốc Can Lộc chúng tôi thường tìm về làng quê Nguyễn Đổng Chi để trao đổi tình hình chiến sự và hỏi thăm tin tức về ông. Rồi đột ngột đầu tháng Ba 1947, ông từ ngoài Bắc trở về, người đen xạm nhưng rất vui, kể những chuyện mà mình sống thực: về những cái lỗ đục tường, những ụ chướng ngại vật, về đêm nổ súng cả thành phố đột nhiên tắt ngấm điện và mỗi người đều trong tâm trạng nôn nao đến nghẹt thở trước giờ phút lịch sử trọng đại; rồi những trận cầm cự với xe tăng giặc Pháp, những trận đánh tầng lầu, những chuyến đi du kích, những cái xác người rịn nước dựng đứng trong hẻm, những vụ trấn áp “Việt gian” đến rợn gáy, những lần quần nhau suốt đêm giữa nó và mình... Bản tính điềm đạm ông rất tiết kiệm lời, nhưng chính vì thế càng gây hứng thú cho chúng tôi, nhất là cái sự thật giản dị chứa bên trong câu chuyện, nó có một khả năng lay động người khác rất mạnh, giúp người ta hình dung tất cả không khí rừng rực của Hà Nội chiến đấu, mà tin tức và báo chí lúc bấy giờ chỉ nói được một phần.

Ấy thế mà khi bản thảo Gặp lại một người bạn nhỏ của Nguyễn Đổng Chi hoàn thành, chúng tôi lại bị ngạc nhiên một lần nữa. Không phải vì câu chuyện ông viết tỉ mỉ, mạch lạc hơn, mà chính là vốn sống phong phú của ông lần này đã được chắt lọc, kết tinh lại, nâng lên thành nghệ thuật nhưng mặt khác vẫn giữ được nguyên một câu chuyện kể nóng hổi, chân chất hồn nhiên. Theo tôi, đó chính là dấu hiệu của một người cầm bút chân chính, biết sử dụng đúng chỗ mặt mạnh của ngòi bút sáng tạo của mình.

Lúc bấy giờ ở vùng tự do khu IV ít có điều kiện để gửi một tập bản thảo dày ra Việt Bắc mà không bị thất lạc, nên viết xong Gặp lại một người bạn nhỏ, Nguyễn Đổng Chi chỉ có thể hội họp số ít bạn bè quen biết công tác ở gần, để nghe đọc và bình phẩm cuốn truyện của ông([5]). Trong cuộc họp ở cái thị trấn Sa Nam nhỏ nhắn này vào cuối năm 1949, có cả một thầy giáo dạy văn Trường cấp II Tân dân trong huyện. Chúng tôi đã bàn cãi rất nhiều về thể loại của cuốn sách: không biết nên gọi nó là “truyện” hay “ký”, bởi vì hồi ấy chúng tôi cứ nghĩ muốn gọi được là “truyện” thì phải có một cốt truyện hư cấu với nhiều tình tiết phong phú và giằng nối chặt chẽ với nhau, với những nhân vật có vận mệnh gắn liền với diễn biến của cái cốt kể trên. Tiếp thu ý kiến của anh em, Nguyễn Đổng Chi đã sửa lại chút ít – và vào năm 1957, khi sách được Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản, như để thuyết minh thêm tính cách đặc thù của tác phẩm, tác giả đã ghi một dòng phụ đề ở dưới tên sách: Ký sự kháng chiến Thủ đô. Nhưng giờ đây, đọc lại Gặp lại một người bạn nhỏ mới ngày càng nhận rõ hơn những ý kiến đơn giản hồi đó của chúng tôi. Quả là trong các thể loại tiểu thuyết khác nhau, có loại tiểu thuyết với những cốt truyện hấp dẫn, màu mè, bắt người ta phải tập trung sự chú ý vào đấy. Nhưng cũng có loại tiểu thuyết mà cốt truyện chỉ là yếu tố phụ – mà sự có mặt của từng mảng sống xù xì đưa vào tác phẩm mới làm nên sức mạnh chủ yếu của nó. Viết về đề tài Hà Nội kháng chiến trong một khoảng thời gian rất ngắn và diễn ra mãnh liệt như trong những ngày cuối năm 1946 đầu năm 1947 ấy, Nguyễn Đổng Chi đã biết chọn một thể loại thích hợp cho việc khai thác đề tài, cũng phù hợp với bút pháp của mình. Ông đã dùng thể truyện - ký, nhằm giữ được đến mức tối đa chất liệu thực vô cùng quý của mảng sống mà ông từng chứng kiến, nắm bắt. Ông không muốn uốn nắn, đẽo gọt, làm mất đi cái hồn của nó là bản sắc lịch sử. Bản sắc lịch sử ấy hiện ra từ trong dáng dấp, ngôn ngữ, hành vi của nhân vật, từ không khí của toàn câu chuyện được tạo nên bởi nhiều chi tiết có thực mà tác giả dựng lại, và cả từ phong cách ngôn ngữ của người dẫn truyện – cũng là ngôi thứ nhất trong truyện – nó khiến người ta liên tưởng tới ngôn ngữ kể chuyện “tưng tửng” mà rất giàu suy nghĩ của Rơmac (Erich-Maria Remaque) trongPhía Tây không có gì lạ (À l’Ouest rien de nouveau). Và tất cả những yếu tố đáng kể ấy, hợp lại, đã giúp người viết tạo thành một bức tranh chính xác, như được đẽo bằng những nhát rìu sắc mà thô, về hình ảnh của một Hà Nội anh hùng, đã sống, đã chiến đấu, đã dũng cảm hy sinh, trong những ngày một đi không trở lại. Theo tôi nghĩ, đó chính là một trong những yếu tố hấp dẫn của Gặp lại một người bạn nhỏ, một thể loại tiểu thuyết mà giá trị lại là ở chỗ, người đọc không được phép hồ nghi rằng đây là chuyện bịa.

Dĩ nhiên, không vì thế mà Nguyễn Đổng Chi bỏ qua việc khắc họa tính cách, điều mà tiểu thuyết bao giờ cũng đòi hỏi. Tuy mới là phác họa, tính cách các nhân vật đã hiện lên khá rõ, được ông theo dõi khá chu đáo, từ quá trình hình thành nên cuộc đời, nghề nghiệp, sở trường, cốt tính của mỗi con người, cho đến con đường riêng mà mỗi người đi đến với cách mạng. Đấy là những Hân, Giáp, bác Phiêu, anh Lai, cô Môn, Linh rỗ, lão Hoa “anh chị”, và nhất là nhân vật “tôi” vừa là người dẫn truyện, lại vừa đóng vai trò nhân vật tự truyện – một mạch quan trọng thứ hai của tác phẩm. Tất cả, mỗi nhân vật là một lối sống, với ngôn ngữ, cá tính, không ai giống ai. Chúng góp thêm vào cái khí hậu lịch sử rất thực của cuộc kháng chiến Thủ đô. Giá thử ngày trước, sau cuộc họp góp ý của chúng tôi, Nguyễn Đổng Chi đã không vững vàng mà đem gọt đi tất cả, rồi nhào nặn lại, rồi “hư cấu”, tưởng tượng nên một câu chuyện tình yêu gắn với lý tưởng, gắn với chiến đấu... gì gì đấy, thì cuốn sách sẽ mất mát đi bao nhiêu là tài liệu sống và cái cốt truyện “có truyện” đó sẽ nhạt biết chừng nào. Càng nghĩ lại càng thấy ông quả là một nhà văn có bản lĩnh.

Nhưng thực ra, không phải Gặp lại một người bạn nhỏ là cuốn sách chững chạc đầu tiên của Nguyễn Đổng Chi về văn nghệ. Từ những năm 1934 đến 1935, khi đang làm phóng viên cho các tờ báo Thanh-Nghệ-Tĩnh tuần báo,Tiểu thuyết thứ Hai,Bạn trẻ, ông đã có dịp thử thách năng khiếu sáng tác của mình. Cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội Yêu đời (1935), gồm hai truyện vừa của ông đã được giải thưởng của báo Tiểu thuyết thứ Hai. Đặc biệt, trong phong trào Mặt trận Dân chủ, ông đã để lại được một tập văn xuất sắc. Đó là tập phóng sự Túp lều nát([6]) gồm 13 chương, phơi bày không chút thương xót bộ mặt đểu cáng, quỷ quyệt, những thủ đoạn cướp bóc tinh vi cũng như hèn hạ của đám tổng lý, cường hào. Ông không chỉ khuôn câu chuyện của bọn chúng lại trong phạm vi đình làng. Ông dựng chân dung của chúng một cách đa diện, từ việc bóp nặn dân đen, việc cho vợ con khoác áo rách rưới, đội tên những người dân trong sổ đinh của làng để đi lĩnh chẩn... cho đến những việc tranh nhau một hộp thuốc lá cũ, chiếc bít-tất thủng... khi đến tiễn quan Tây “rời hạt mình đi nhậm chức nơi khác” và đứng ngoài cửa sổ tình cờ thấy quan vứt ra. Chỗ đặc sắc là tập phóng sự của Nguyễn Đổng Chi hầu hết đều là chuyện “người thật việc thật” ở trong vùng Nghệ-Tĩnh. Đây cũng vẫn là chỗ, theo tôi, làm nên cái sở trường, cái đặc điểm của phong cách sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đổng Chi: ông không lìa xa những mẫu người có thật mà mình đã gặp, mà chỉ làm cho chúng nổi đậm hơn lên, bằng vào khả năng tạo dựng của mình. Chương sách cuối là một tấn bi kịch đẫm máu: một người nông dân ở Vạn Phần (Diễn Châu) bị áp bức đến quẫn kế, đã phải làm cái việc phản ứng tự phát và liều lĩnh, “mạng đổi mạng” với một viên Chánh tổng, gần giống như truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao viết mấy năm sau. Việc in tập sách này đã làm cho tác giả bị mật thám Hà Tĩnh gọi vào chất vấn, làm phiền nhiễu không chỉ một hai lần. Không những mật thám đe dọa, làm phiền, mà ngay cả một số địa chủ, hào lý ở Hà Tĩnh cũng khó chịu với ông, kể cả những người bà con thân thích, vì Nguyễn Đổng Chi đã đưa chuyện của họ công khai lên mặt giấy mà không... “xin phép”. Nguyễn Đổng Chi có kể cho chúng tôi nghe, bản thân ông cũng không giữ được một bản in nào cả. May sao, ngày mới chân ướt chân ráo trở lại Hà Nội cuối năm 1954 để công tác ở Ban Nghiên cứu Văn sử địa, còn ở nhờ nhà một người bạn công nhân trong một túp lều tranh ở xóm Thanh Nhàn (Ô Đống Mác) một lần Trưởng ban Trần Huy Liệu mời đến nhà, rút tặng một cuốn sách mà ông cất giữ rất trân trọng, và nói: – “Biết anh đang tạm phải ở lều tranh, nhưng xin tặng lại anh một “túp lều” của chính anh mà không có ngôi nhà nào sánh được, và tôi đã giữ nó trong nhiều năm nay”. Nguyễn Đổng Chi vội cầm lấy và mở tờ giấy bọc bìa ra: Đúng là cuốn Túp lều nát do ông vẽ bìa, in năm 1937. Đối với nhà sử học Trần Huy Liệu, từ sau những sự việc đó, ông vẫn coi là người mà mình chịu ơn “tri ngộ”([7]).

Ngoài cuốn Túp lều nát, cũng trong năm 1937, Nguyễn Đổng Chi còn cho ra mắt bạn đọc cuốn Mọi Kontum([8]) viết chung với người anh ruột Nguyễn Kinh Chi từ một vài năm trước. Đây là một công trình điều tra dân tộc học, đánh dấu cái thiên hướng nghiên cứu khoa học của Nguyễn Đổng Chi. Toàn bộ tài liệu trong tập sách đều được hai tác giả ghi chép trong những ngày sống ở Kon Tum. Sách vừa là một cuốn địa lý học lịch sử, khảo sát đất đai, cương vực, kinh tế, chính trị tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ, vừa là một chuyên khảo dân tộc học, tìm hiểu các tộc người cộng cư ở đây, nguồn gốc chủng loại của họ, và phong tục tập quán, bao gồm “thân thể tâm tính, triết lý tín ngưỡng, thiên văn địa lý, hương thôn giao tế, gia tộc cư xử, sinh tử giá thú, sĩ nông công thương, du hý mỹ thuật([9])... rất tỉ mỉ. Điều lạ là ngay từ bấy giờ, quan điểm của các tác giả đã rất tiến bộ, chẳng hạn ở đầu sách, họ đã giải thích rằng từ mọi vốn bắt nguồn từ từ tơmoi – có nghĩa là người khách – quen dùng trong đồng bào thiểu số, chứ không có ý gì là khinh miệt([10]). Hoặc họ xác nhận dân tộc Ba-na (Bahnar) giàu tinh thần yêu nước, đã dám nói với chính các tác giả rằng, từ khi có “người Pha-lang” (Pháp) đến thì “con Mọi sướng mà cực”, vì “bị làm đường, nộp thuế, mất cả sự tự do”([11]). Các tác giả còn nhấn mạnh: “Tục lệ của họ (người Mọi) chẳng những không mọi rợ chút nào mà lại có nhiều điều còn thuần túy hơn ta kia”([12]). Và quả thực, tinh thần chủ đạo nghiêm túc này đã làm cho cuốn sách vượt lên trên các loại sách ghi chép “chuyện lạ đường rừng” vốn không hiếm gì vào thời ấy. Điều đáng lạ nữa là tập sách còn dành một phần cuối để ghi những tục ngữ, câu đố và truyền thuyết dân gian gắn với tín ngưỡng của đồng bào Thượng, chứng tỏ ngay từ cuốn sách đó, xu hướng nghiên cứu văn hóa dân gian tổng hợp đã sớm định hình trong Nguyễn Đổng Chi. nhà dân tộc học người Pháp Condominas, trong một dịp sang thăm Việt Nam, vẫn còn nhắc đến cuốn sách trên với thái độ kính trọng.

Sau các cuốn Túp lều nát,Mọi Kontum, một phần cũng vì tránh mật thám quấy rầy, Nguyễn Đổng Chi ra Hà Nội một thời gian rồi về ở hẳn nông thôn cặm cụi đọc sách. Cũng theo người em ruột kể lại([13]) thì đây là thời kỳ anh học chữ Hán một cách hệ thống với một người chú họ là nhà nho Nguyễn Lợi, người đã từng dịch Thoái thực ký vănGiới Hiên thi tập. Ông học chữ Hán với quyết tâm nghiên cứu đến nơi đến chốn vốn văn hóa thành văn cổ truyền, để chống lại quan niệm xem thường di sản tinh thần của cha ông, của một số người tự xưng là “Tây học”. Vốn là người táo bạo, nhất là còn ở tuổi thanh niên, Nguyễn Đổng Chi đã biểu thị quyết tâm học chữ Hán bằng một hành vi có vẻ cực đoan: ông cạo trọc đầu, để tóc trái đào, để khỏi phải giao du, vui chơi, do nhu cầu tất nhiên của tuổi trẻ. Và cứ thế, ông vừa học, vừa hoàn thành bộ sách dày Việt Nam cổ văn học sử([14]), nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trong gần năm thế kỷ đầu thời phong kiến tự chủ, nhằm khẳng định nền văn hóa mang bản sắc riêng của người Việt so với văn hóa Trung Hoa. Cuốn sách ra đời được nhiều người chú ý. Việc tác giả lần đầu tiên đưa dòng văn học chữ Hán của cha ông vào văn học sử, hơn nữa lại dám khẳng định tinh thần “quyết đánh” của Hội nghị Diên Hồng là đặc trưng cơ bản nhất, chi phối lâu dài sự phát triển của văn học Việt Nam: “Đánh có nghĩa là tiến bộ và tiến bộ mãi mãi... lịch sử tư tưởng, văn học Việt Nam trước, nay và sau có thể tóm tắt bằng một chữ ấy vậy”, trong điều kiện bị o ép đến ngột thở dưới chế độ thực dân phát-xít lúc ấy, đã làm cho không ít người bỡ ngỡ lạ lùng. Trần Văn Giáp viết lời tựa, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng viết lời bạt, các học giả Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai viết giới thiệu, phê bình, tuy không nhắc đến luận điểm rất “bạo” này nhưng ít nhiều đều tỏ rõ thiện cảm với tác giả. Ngày nay bình tĩnh xét lại phải nói những luận điểm đó so với đương thời không phải chỉ có ý nghĩa tiến bộ mà thôi, mà còn là một cống hiến mới mẻ, có giá trị gợi mở về lý luận. Nhà sử học Văn Tân kể rằng, bấy giờ ông đang ở tù và cùng một số chiến sĩ cách mạng khác đang rất bực bội trước cuốn Hai Bà Trưng bôi nhọ lịch sử của Nguyễn Tế Mỹ. Cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi xuất bản đã chiếm được cảm tình sâu sắc của ông và các đồng chí vì nó xác định rõ, dân tộc ta vừa có một tinh thần quật cường lại vừa có một truyền thống văn hóa quý báu mà chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, cộng đồng, là linh hồn cốt tủy. Mấy năm trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đổng Chi còn viết một số công trình khác: Hát dặm Nghệ Tĩnh([15]), nghiên cứu tổng hợp từ đặc trưng đến hình thức diễn xướng, cho đến việc điều tra tiểu sử, sinh hoạt, giao du... của các nghệ nhân dân gian, xung quanh loại hình dân ca cổ truyền “hát giặm” của vùng Nghệ-Tĩnh; Đào Duy Từ, nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp đắp thành xây lũy, và văn nghiệp của một con người lừng tiếng vốn xuất thân từ “con hát” (cuốn này được giải khuyến khích của Học hội Pháp-Việt Alexandre de Rhodes cùng với Lều chõng của Ngô Tất Tố); Việt Nam cổ văn học sử, Tập II và III([16]) nghiên cứu những tác giả tiêu biểu nhất của thời đại Lý, Trần, Hồ. Cả hai cuốn sách sau đều chưa kịp in thì cách mạng nổ ra. Hiện nay, một trong hai bản thảo trên còn được lưu giữ ở Viện Sử học.

     Bên cạnh những công trình nghiên cứu văn học, Nguyễn Đổng Chi cũng có dịp thử thách mình trên địa hạt lịch sử. Vài năm đầu sau cách mạng, ông lập Nhà xuất bản Ngàn Hống, và viết các cuốn Phạm Hồng Thái, Lược sử các cuộc cách mạng trên thế giới... Cuốn sách sau gồm nhiều tập (mới ra được 3 tập) nhưng chỉ là viết lại từ tài liệu của nước ngoài, để giới thiệu với công chúng của nước Việt Nam mới các phong trào cách mạng đã diễn ra khắp Âu, Mỹ, Á, Phi. Nhưng cuốn sách trước, ký tên Bạch Hào, tuy rất mỏng lại là một tài liệu đáng giá: đó là kết quả một chuyến đi thực tế của các anh em trong tòa báo Truyền thanh về tận làng quê nhà chí sĩ Phạm Hồng Thái, làng Xuân Nha, một làng nhỏ và rất nghèo nằm sát bờ sông Lam mà dòng nước của con sông hung dữ mùa lũ lụt cứ xói dần, xói vào đến nghĩa địa, làm phơi ra cả những chiếc quan tài chôn sát bờ sông([17]). Tất nhiên, cũng phải sau hòa bình lập lại 1954, ra Hà Nội công tác tại Ban Nghiên cứu Văn sử địa trung ương, Nguyễn Đổng Chi mới có điều kiện phát huy hết năng lực để có tiếp những công trình sử học, khảo cổ học bề thế. Cùng các tác giả khác, ông cho ra mắt 5 tập Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam([18]) khổ lớn do ông đảm nhiệm viết một phần văn học dân gian và toàn bộ mảng văn học chữ Hán, là phần di sản cổ văn mà bạn đọc đông đảo bấy giờ chưa biết gì mấy, vì chưa mấy cuốn được dịch. Bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam ít nhiều vượt lên những bộ văn học sử trước đó không phải chỉ vì độ dày, sự phong phú của các chương mục, mà còn ở phương pháp và quan điểm, trong đó có quan điểm coi văn học chữ Hán là một thành phần quan trọng của văn học dân tộc. Và nếu trước đó một năm, đọc Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam([19]) người đọc đã có một ý niệm khá rõ về tiến trình lịch sử văn học xuyên suốt  nhiều thế kỷ viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt, thì đọc đến bộ Sơ thảo... người ta lại hiểu thêm rất nhiều vẻ đẹp trong tư duy thẩm mỹ của cha ông, thông qua một hình thức ngôn ngữ – chữ Hán – được coi là điển phạm của phương Đông suốt hàng nghìn năm, cũng như vai trò của ngôn ngữ Hy - La trong văn học Trung đại châu Âu vậy. Có thể nói, chỉ với Nguyễn Đổng Chi, lần đầu tiên bạn đọc mới thật sự tiếp xúc với cái hay của những tập thơ đặc sắc của thế kỷ XV như Ức Trai tập (Nguyễn Trãi), Chuyết Am tập (Lý Tử Tấn), Lã Đường di cảo (Thái Thuận), Cưu Đài tập (Nguyễn Húc), Châu Khê tập (Nguyễn Bảo)... hoặc nụ cười lạc quan của Ninh Tốn, cái “tôi” cận đại trong tình yêu vợ say đắm của Ngô Thì Sĩ, tâm sự u hoài của Trần Danh Án, thái độ hãnh tiến của Đặng Trần Thường, “tiếng nói trữ tình bi phẫn” của Cao Bá Quát, tinh thần “khoa ngọn đuốc vào chốn tối tăm oan khốc trong lũy tre xanh” của Nguyễn Hàm Ninh... cho đến cả nét đặc sắc khác nhau trong những tập truyện truyền kỳ của nhiều thời đại, như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Lan Trì kiến văn lục, Công dư tiệp ký, Sơn cư tạp thuật... mà không phải đến nay đã được dịch và giới thiệu tất cả. Nhận xét của Nguyễn Đổng Chi bao giờ cũng gọn gàng mà làm bật ra cái mới, cái lý thú của tác phẩm. Đó là công lao phát hiện của một người đi đầu([20]).

     Nguyễn Đổng Chi cũng nghiên cứu sâu vấn đề nông dân trong lịch sử nước ta. Với nhiều nguồn tư liệu xác thực, ông trình bày các kiến giải độc đáo về sở hữu ruộng đất của làng xã, quan hệ nhà nước và làng xã, quan hệ thân tộc và các biện pháp tương trợ trong làng xã Việt Nam dưới thời Trung đại... Đặc biệt ông còn ứng dụng phương thức sản xuất châu Á để tìm hiểu quy luật vận động của các phong trào nông dân trong lịch sử từ xa xưa cho đến gần đây. Công trình Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân trong xã hội Việt Nam thời phong kiến của ông hoàn thành cuối những năm 60 có những đề xuất mới mẻ trong việc giới thuyết khái niệm “phong trào nông dân” và “khởi nghĩa nông dân” cũng như trong những kiến giải cụ thể về một số vấn đề có ý nghĩa cốt lõi mà phong trào nông dân trong vòng mười thế kỷ đặt ra cho người viết sử đương đại: 1. Những cuộc nổi dậy của nông dân Việt Nam có hay không có nội dung giai cấp; 2. Ý thức dân tộc và tình cảm yêu nước của nông dân Việt Nam; 3. Đấu tranh nông dân và vấn đề ruộng đất; 4. Phương thức đấu tranh vũ trang cùng nghệ thuật khởi nghĩa của nông dân; 5. Mối liên hệ giữa những cuộc nổi dậy của nông dân với tôn giáo tín ngưỡng; 6. Vai trò thức tỉnh quần chúng của những người tiểu trí thức; 7. Tác dụng lịch sử của phong trào nông dân hay là phong trào nông dân và vấn đề thay thế lẫn nhau giữa các triều đại phong kiến. Ý kiến của Nguyễn Đổng Chi nhiều lúc tưởng chừng vượt ra khỏi những “khuôn vàng thước ngọc” về quan điểm đấu tranh giai cấp – chẳng hạn theo ông, sự thức tỉnh của tinh thần đấu tranh chống áp bức ở đây trước tiên là từ thành phần tiểu tư hữu có ít nhiều hiểu biết, chứ không phải do người nông dân cùng khổ nhất – khiến cho bộ sách sau khi sửa chữa đã được Viện trưởng Trần Huy Liệu ký duyệt vào ngày 18-12-1968, ghi rõ “Có thể xuất bản” và cho chuyển sang nhà xuất bản để in, vậy mà cuối cùng vẫn bị ngay một vài nhân vật thuộc phái “dè dặt” trong Viện đề nghị giữ lại sửa tiếp, vì họ cho rằng, cứ có áp bức ắt có đấu tranh, mà đấu tranh thì người nghèo khổ nhất phải là lực lượng đi đầu, đơn giản là thế cần gì phải phân tích quá sâu, rất dễ có nguy cơ... “rời xa kinh điển”. Tuy vậy, sau khi đọc các bản góp ý, chính tác giả cũng thấy “lời phản biện dù khó nghe nhưng bao giờ cũng có cái lợi là làm cho mình sáng suốt và thông minh hơn”, nên tuy vẫn giữ vững quan điểm, ông cũng tán thành hãy ngừng lại một thời gian cho ý tưởng thật chín. Kể từ 1968 đến 1984, ông đã viết lại cuốn sách hơn hai lần, và viết thêm một bộ Lịch sử phong trào nông dân thời Trung đại hai tập, có đến hơn nghìn trang. Tiếc thay, khi cuốn sách đã sửa thật ưng ý và Quyển I bộ thứ hai cũng đã xong trọn vẹn, đang dự định bàn cùng GS Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử học khi ấy, để cho xuất bản cùng một lúc, thì ông đột ngột từ trần. Với người viết bài này, ông từng tâm sự rằng, những gì đã đạt được tuy là kết quả nghiền ngẫm trong nhiều năm và có nhiều khám phá không giống người khác, song cũng chỉ mới là một cách nêu vấn đề và một giải đáp bước đầu, chưa thể gọi là dứt điểm được, những băn khoăn thao thức rất lâu của ông và của cả giới sử học trên một chủ điểm phải coi là trong yếu của lịch sử Trung cận đại và có thể kéo dài sang Đương đại: số phận người nông dân trong trường kỳ biến động của xã hội Việt Nam.

     Nguyễn Đổng Chi vốn là con người chân chất, ông sống gần gũi với nhân dân lao động, và yêu họ với những tình cảm đôn hậu, xuất phát tự đáy lòng. Còn nhớ vào khoảng tháng Tư 1945, ít lâu sau đảo chính Nhật, nạn đói khủng khiếp bắt đầu bùng lên dữ dội ở Nghệ-Tĩnh. Nhìn những người chết đói nằm xám ngắt bên đường, và hàng đoàn người đói kéo đi lũ lượt, rũ rượi lếch thếch, lòng ai mà không thương. Nhóm Thanh niên Cứu quốc Can Lộc được lệnh tổ chức cứu đói. Chúng tôi vừa lo xây dựng những nhà trẻ mồ côi, chuyển các em còn sống sót từ vùng biển lên vùng trên, vừa lo đi quyên góp thóc gạo để cứu tế. Nguyễn Đổng Chi là một người kiên trì và hăng hái nhất. Ông được phân công cùng tôi đi khắp các làng xã trong toàn huyện, tìm đến các nhà giàu để lạc quyên. Chỉ cần mang theo một cuốn sổ, để hễ thuyết phục được nhà nào quyên cúng bao nhiêu là ghi vào sổ, mời họ ký vào, hôm sau sẽ có những anh em khác đến thu nhận hiện vật. Ngày này qua ngày khác, từ sáng đến chiều, hai chúng tôi cứ đi bộ khắp mọi nẻo đường xa tăm tắp từ biển lên núi, để đến với những ngôi nhà tường cao, dậu kín, và đàn chó dữ, để nói mãi những lời lặp đi lặp lại mà không thấy nhàm, và để ghi chép cho đầy cuốn sổ, đầy bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng tôi làm việc, đi bộ liên miên mà không thấy mệt, cứ thoáng thấy bóng những đoàn người đói lê la khắp nơi là đã quên cả mệt.

     Một ngày nọ đến nhà Bát X. ở vùng Thượng Can. Nhà này nổi tiếng giàu nhất vùng, nhưng cũng nổi tiếng keo kiệt. Khi nghe chúng tôi trình bày, bà vợ Bát X. cũng làm bộ đói khổ, bảo chúng tôi: – “Nhà tôi cũng đang phải ăn cháo trừ bữa đây, lấy gì mà quyên với góp”. Cả hai anh em cùng bị bất ngờ, lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Nhưng Nguyễn Đổng Chi đã lên tiếng kịp thời: – “Nếu thế thì cũng xin cứ ghi tên vào danh sách và ký vào đây, để mai kia còn cho con cái đi lĩnh chẩn”. Nhà Bát X. mà lại đi lĩnh chẩn (!). Câu trả lời đầy vẻ châm biếm, trái hẳn với tính cách của ông thường ngày. Tôi chỉ biết mỉm cười để chia sẻ sự khoái trí ngầm với ông vì không ngờ ông lại “trả miếng” được nhanh như vậy. Còn bà Bát X. thì bị tẽn, im bặt, và cứ đứng ngớ ra không biết đối xử thế nào. Quả nhiên người con gái từ trong nhà chạy vội ra, xin nhận lời quyên góp, và phân trần rằng bà mẹ lỡ lời. Từ đấy tôi càng biết Nguyễn Đổng Chi là người rất yêu mến nông dân nghèo và vì họ, ông có thể trở thành người xông xáo, sắc sảo trong mọi hoạt động.

     Nguyễn Đổng Chi cũng là người biết nói chung một thứ ngôn ngữ với nông dân. Trong 50 năm quen biết và hoạt động chung với nhau, tôi chưa bao giờ thấy ông tỏ ra mình là “trí thức” khi sống cùng quần chúng. Không phải ông cố tập cái giọng “bình dân” như một vài người nào đấy. Có thể nói trong khi tiếp xúc với họ, ông vẫn không hề thay đổi cách nói năng, suy nghĩ, thậm chí vẫn giữ nguyên cả phong thái “con nhà” vốn có của mình. Vậy mà ông lại hòa nhập thoải mái được với người đang cùng mình đối thoại, y như đã biến thành một người nông dân thực thụ, một người “thợ cày” chất phác hiền lành. Mà sự cố gắng này ở ông chẳng phải là cái gì khó khăn hay kiểu cách. Đối với ai, ông cũng cởi mở hồn nhiên như thế, như cái bản tính đôn hậu vốn đã có ở trong ông. Tất nhiên, đây chính là kết quả của một quá trình rèn luyện lâu dài, gian khổ, cộng với quá trình sống nhiều ở nông thôn, hiểu biết người nông dân từ chân tơ kẽ tóc. Có khi ông cùng họ đi lao động cày bừa, cấy hái và cùng họ dự các buổi hát giặm, hát ví trong các mùa cấy gặt. Có những ngày rỗi rãi ông đã cùng anh em tổ chức các cuộc đi chơi đến các làng xã khác vừa để tìm xem phong cảnh, phát hiện các di tích lịch sử, tìm tòi các hòn đá, mảnh sành, mảnh bát, vừa để tìm hiểu sâu về đời sống nông dân. Chính những cuộc đi “điền dã” đó với cách sống giản dị của ông, đã từng bước tạo nên cái vốn và thúc đẩy ông đi vào nghiên cứu văn hóa dân gian mà rồi đây sẽ là nguồn yêu thích lâu bền nhất, là nơi ông có thể kết hợp hài hòa giữa tình yêu cách mạng và tình yêu văn hóa, tình yêu khoa học sâu đậm. Cùng với các nhà Folklore học có tên tuổi khác, ông đã đưa bộ môn này trở thành một khoa học xứng đáng với tên gọi của nó.

     Hơn hai mươi năm trước, trong một hội nghị khoa học của Viện Sử học, Nguyễn Đổng Chi đã đọc một bản báo cáo nổi tiếng: Vấn đề viết xã chí trên toàn miền Bắc, một yêu cầu cấp bách của công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương (1961). Bản tham luận được nhiều nơi và nhiều ngành văn hóa theo dõi, được nhân bản để tham khảo ở nhiều Ty, Sở Văn hóa, và đó cũng là gợi ý để sau này các bộ địa chí có tầm cỡ tỉnh, huyện hoặc xã lần lượt ra đời. Say mê văn hóa dân gian từ những ngày còn rất trẻ trong đó có tình cảm gắn bó với đời sống nông dân, với tâm hồn dân tộc, Nguyễn Đổng Chi đã viết lại Hát giặm Nghệ Tĩnh (3 tập, trong đó có một tập là chuyên luận, và hai tập là sưu tầm)([21]), chủ biênVè Nghệ Tĩnh (2 tập)([22]), viết Ca dao Nghệ Tĩnh([23]), Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (4 tập, 1962-1969, chưa in). Đặc biệt hai công trình nghiên cứu được nhiều người biết tiếng, cũng khẳng định uy tín nổi bật của ông trong nghiên cứu văn hóa dân gian, là Lược khảo về thần thoại Việt Nam([24]) và bộ sách 5 tậpKho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã nói ở trên([25]). Hệ thống thần thoại ở Việt Nam do những điều kiện nhất định, đã bị mai một nhiều. Làm cách nào để dựng lại cho hợp lý, không khiên cưỡng, bịa tạc? Nguyễn Đổng Chi đã tham khảo các trường phái thần thoại học châu Âu cũng như châu Á, nhưng ông không bắt chước họ một cách máy móc. Ông không vội dựng ra các đồ biểu, các cấu trúc rắc rối. Tuy vậy, đọc ông sẽ thấy ông đã khéo dẫn dắt để thần thoại Việt Nam được nhìn nhận như một hệ thống, tuy đã vỡ đi và chỉ là những mảnh còn sót lại nhưng vẫn mang bóng dáng của một hệ thống có bản sắc, trong quan hệ giao thoa phức hợp với các hệ thống thần thoại láng giềng, với thần thoại các dân tộc anh em. Sau khi sách của Nguyễn Đổng Chi in ra, một số cuốn đã lọt vào miền Nam và có một học giả Sài Gòn lấy gần như nguyên xi các luận điểm cũng như cả hệ thống truyện đã thành một kết cấu trọn vẹn của tác giả, để cho vào một cuốn sách của mình. Kết quả họ bị dư luận tố cáo, thậm chí bị đưa ra tòa án văn chương([26]).

Bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng được xây dựng trên một nguyên tắc gần giống với cuốn Lược khảo về thần thoại Việt Nam. Nguyễn Đổng Chi rất tâm đắc với anh em Grimm người Đức trong khi xây dựng hệ thống truyện cổ. Ông không hề sa vào quan điểm máy móc, đôi khi hiện đại hóa một cách lộ liễu, như vẫn thường thấy trong một số bộ cổ tích xuất bản những năm sáu mươi trở về trước. Và 200 truyện cổ mà ông tìm tòi, xây dựng, sàng đi lọc lại([27]), với một phong cách ngôn ngữ riêng, giản dị, truyền cảm, với sự khảo dị so sánh rất dày công kho tàng truyện cổ đồ sộ trên thế giới, có thể nói đúng là kho tàng mang rõ nét tâm hồn Việt Nam, kết tinh những gì tiêu biểu cho tư duy nghệ thuật tự sự dân gian Việt Nam, qua phong cách kể chuyện truyền cảm, sinh động, dí dỏm, mà nhiều nhà nghiên cứu folklore như Lê Văn Hảo, Vũ Ngọc Khánh, Tạ Phong Châu đều thống nhất đánh giá rất cao. Trong một bài giới thiệu hai tập I và II của bộ sách, trên tập san B.E.F.E.O, số 1-1964, Tiến sĩ dân tộc học Lê Văn Hảo đã viết: “Mặc dù chỉ mới công bố được một phần, phần thứ hai này của bộ sách đã có nhiều phẩm chất đáng lưu ý: trước hết là văn phong của tác giả trong khi kể chuyện, giản dị, linh hoạt, sôi nổi, lúc hóm hỉnh, lúc hiện thực, rất thích hợp với loại hình truyện kể. Về phương diện này phải thừa nhận sự ưu việt của Nguyễn Đổng Chi so với những tập truyện cổ của các tác giả đương đại khác. Ông có cái tư chất của một nhà văn biết ghi lại trung thành niềm hứng khởi, nét ngây thơ và sự cảm động của người kể chuyện và nhà thơ dân gian. Một số truyện, dưới ngòi bút của ông, đã trở thành những kiệt tác ngắn gọn và tinh khiết, ở đó sự hiện diện của chất thơ và chất hiện thực được hòa tan vào nhau trong một thể thống nhất (chẳng hạn: truyền thuyết về đá Bà Rầu, I, tr. 205-207; truyền thuyết về chim hít cô, I, tr. 80-82). Một số truyện khác lại tuyệt diệu ở sự trào lộng và tính cách hóm hỉnh, nó lộ ra từ những tình tiết có ý nghĩa châm biếm đối với một thực tế đầy sóng gió kịch tính, hoặc chen lẫn cả bi và hài (chẳng hạn: truyền thuyết giải thích cái nốt dưới cổ con trâu, I, tr. 136-138; truyền thuyết giải thích nguồn gốc ruộng Thác đao; truyền thuyết về người anh hùng nông dân Chàng Lía, II, tr.125-132)([28]). Hiểu biết sâu sắc tình cảm cộng đồng của người dân Việt nên trong phân loại truyện cổ, Nguyễn Đổng Chi còn khám phá ra một loại hình cổ tích lịch sử mà nhiều nước không có. Kể từ những năm 60, các giáo trình ở một số trường đại học trong nước đã đề cập và chấp nhận quan điểm phân loại truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi([29]), xác nhận nhiều ý kiến đúng đắn cũng như phương pháp trình bày của ông về đặc trưng, bản chất và tiến trình lịch sử của sự hình thành nên kho truyện phong phú đó([30]). Trên các tờ tạp chí nước ngoài, có những bài giới thiệu trang trọng về nó, thậm chí có tờ như B.E.F.E.O trong cùng một năm 1964, có hai bài giới thiệu([31]).

Rõ ràng sức làm việc dẻo dai không biết mệt và sự say mê tìm tòi phát hiện đã đưa Nguyễn Đổng Chi lên vị trí một nhà nghiên cứu khoa học xã hội có uy tín và một trong những nhà Folklore học bậc nhất của nước ta. Ngay từ giữa những năm 60, một công trình nghiên cứu dân tộc học của Sài Gòn cũng đã có những lời đánh giá nghiêm túc: “Phần đóng góp phong phú nhất vào dân tộc học Việt Nam sau 1955 có lẽ là sự nghiệp sưu tầm và nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi với những tác phẩm về Thần thoại, Cổ tích, Hát giặm Nghệ Tĩnh, những thiên khảo luận về tục lệ người Việt trong Tết nguyên đán và mùa xuân, về chế độ gia đình của người Việt Nam dưới thời Cổ đại...”([32]).

Nhưng Nguyễn Đổng Chi không chỉ là một học giả vùi đầu vào học thuật. Ông còn là một nhà khoa học tận tụy với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, không hề biết mệt mỏi là gì. Trước khi vấn đề quần đảo Hoàng Sa trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng, theo yêu cầu của trên, ông đã cặm cụi nghiên cứu các tài liệu và có bản tường trình đầy đủ về quần đảo Hoàng Sa, mảnh đất lâu đời nằm trong lãnh hải dân tộc, cũng có mặt từ lâu trong thư tịch chí Việt Nam (1970). Vào hai năm 1973-1974, theo yêu cầu của Phủ Thủ tướng, ông đã khoác áo quân nhân, luồn rừng, trèo núi, đi dọc biên giới phía Tây và phía Bắc Tổ quốc, ròng rã trong 18 tháng để hoàn thành bản điều tra khoa học về biên giới Việt Nam. Cũng từ 1968-1974, nhận lời đề nghị của Tổng cục Chính trị, ông thường xuyên viết những bài binh vận có lý có tình, viện dẫn các chứng cứ lịch sử sâu sắc, để đọc đều kỳ trên Đài tiếng nói Việt Nam. Sau giải phóng 1975, ông có mặt ngay trong Ủy ban Đổi tên đường phố Sài Gòn. Ban Hán Nôm cần có bước chuyển lên thành một cơ quan khoa học đĩnh đạc hơn, ông nhận lời đứng ra xây dựng nó và đề xuất một kế hoạch lâu dài cho một Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong Ủy ban Khoa học xã hội mà chính ông được cử làm Viện trưởng đầu tiên. Khi quê hương Nghệ-Tĩnh cần đến ông để biên soạn Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh, ông đáp ứng không chút ngần ngại. Chỉ trong ba năm 1981-1983, sau nhiều chuyến đi khảo sát thực địa giữa gió Lào và nắng gắt, bộ sách dày hơn 900 trang đã hoàn thành với sự phong phú về tài liệu mà như PGS Vũ Ngọc Khánh cho biết, người Chủ biên không những trực tiếp viết phần lớn nhất mà cũng tỏ ra chặt chẽ nghiêm khắc nhất trong khi thẩm tra, duyệt, và viết lại cho người khác. Ông còn hoàn thành phần lớn bộ Từ điển thuật ngữ văn hóa dân gian mà ông được Viện Văn hóa Dân gian giao trọng trách chủ biên. Ông cũng mơ ước được sớm bắt tay biên soạn Từ điển thư tịch Hán Nôm mà ông khởi sự khá lâu trước khi về làm Viện trưởng Viện Hán Nôm. Hàng kho phiếu tư liệu chồng chất trên bàn ông với đủ các loại mực khác nhau, kiểu giấy khác nhau... nói lên điều đó.

Có thể nói Nguyễn Đổng Chi còn mang trong mình nhiều dự định khai phá bao nhiêu cái mới, cũng như tổng kết thành quả bao nhiêu điều hay mà ông đã một đời tích lũy:

          Thân tuy lão, đâu đã cam lão đại,

          Sổ về hưu vẫn ngần ngại chửa đăng tên;

          Hãy còn dan díu bút nghiên!

Mấy câu kết trong bài ca trù của ông đã nói đầy đủ phẩm chất hoạt động của con người ông. Nhưng có một điều ông không nói ra mà ai cũng thấy, và hôm nay, khi ông đã vĩnh viễn nằm xuống rồi thì càng thấy rõ hơn, đó là tấm lòng trung hậu của Nguyễn Đổng Chi đối với bạn bè, đồng nghiệp, cũng như sự tôn trọng thanh danh ngòi bút của mình. Nhũn nhặn, ít nói, gần như nhường nhịn người khác, và cũng ân cần giúp đỡ người khác chí tình([33]), có thể nói Nguyễn Đổng Chi là người không biết nghĩ xấu về một ai, cũng không hề biết nói dối trong học thuật. Đúng như GS Phạm Huy Thông từng viết: “Anh biết trọng nhân cách của ngòi bút, không nói những điều mình không biết, cũng không biết cách che giấu cái “không biết” của mình”([34]). Chính vì thế mà những điều ông viết ra ai cũng trọng và tin. Tâm hồn giản dị, không màng lợi danh, sự xa lạ với những gì hoa hòe, đao to búa lớn, luôn luôn thấm quyện trong phong cách sống cũng như trong ngòi bút của nhà học giả. Và nhìn vào sự nghiệp của ông, những giá trị sáng láng mà sự nghiệp đó để lại, ta khó phân biệt ra đâu là tiếng nói của nhà văn, một người sống hết mình vì công việc với cái say sưa của một nghệ sĩ, với tiếng nói khúc chiết, không ngừng tìm tòi phát hiện, cũng không ngừng dũng cảm phủ định mình, của một nhà khoa học chân chính. Và cả tiếng nói kiên định của một con người có tấm lòng trong sáng, có lối sống bình dị, có tình yêu sâu bền đối với cách mạng.

                                                                             Viết ngay sau ngày Nguyễn Đổng Chi từ trần,

                                                                                   inTạp chí văn học, số 4, tháng 7&8-1984.

                                                                                                                                                                                               N.C.A.

 


(*)Tác giả Hát ví Nghệ-Tĩnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Bộ Nội thương.

([1]) Nguyễn Đổng Chi được Nhà nước phong Phó giáo sư năm 1980, phong Giáo sư năm 1984.

 

([2])Về ngày khởi nghĩa này, sách Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh ghi ngày 16-8-1945, nhưng các thành viên trong Đội vũ trang khởi nghĩa đều nhớ đinh ninh là ngày 15-8-1945 tức 9 tháng Bảy Ất Dậu (phiên chợ Nghèn). Có lẽ việc điều chỉnh lịch gần đây đã tạo ra sự sai lệch tí chút trong cách ghi chép ngày lịch sử ấy. Xin xem thêm phần Niên biểu Nguyễn Đổng Chi cuối sách (BT).

 

([3]) Nay là Bệnh viện Bạch Mai.

 

([4]) Đến năm 1954, trong phong trào phát động Giảm tô và Cải cách ruộng đất đợt 5 ở Nghệ-Tĩnh, vì gia đình bị quy là địa chủ, Nguyễn Đổng Chi bị đưa ra khỏi Đảng (chú thích của NHC, con trai tác giả).

 

([5]) Ông có gửi một bản đánh máy cho GS Đặng Thai Mai, bấy giờ đang dạy Dự bị đại học ở Thanh Hóa. Trong thư trả lời, nhà học giả đánh giá cao câu chuyện thực, làm xúc động người đọc, nhưng cũng gợi ý nên bớt phần nhân cách hóa khẩu súng (chú thích theo NHC).

 

([6]) Nhà in Vương Đình Châu, Vinh, 1937.

 

([7]) Sau này, vào khoảng giữa những năm 90, chính ông Nguyễn Chung Anh nhân về thăm lại ngôi nhà của mẹ vợ ở Chợ Bộng (Hương Khê, Hà Tĩnh) lâu năm không lai vãng, có lục tìm ra được một số sách của NXB Ngàn Hống, như Phạm Hồng Thái, Bốn nhà cách mạng thế giới, Động vật đời tiền sử... trong đó lại có cả 1 cuốn Túp lều nát cũng in trong năm 1937 nhưng có lẽ là đợt in đầu tiên, có tính chất thăm dò, trước bản in mà GS Trần Huy Liệu lưu giữ, số lượng phát hành chắc rất ít, có đề Nhà in Vương Đình Châu nhưng không đề nơi in và ngày in, lại in trên nhiều loại giấy tiết kiệm, khổ không bằng nhau (chú thêm của NHC).

 

([8])Nhà in Mirador, Huế, 1937. Cuốn sách này chủ yếu do Nguyễn Kinh Chi đề xuất ý tưởng và phác thảo đề cương, sau đó cả hai người cùng hợp lực biên soạn (Chú thêm của NHC).

 

([9])  Mọi Kontum, “Cùng bạn độc giả”, Sđd; tr. VII. 

([10]) Mọi Kontum, Chú thích 1, Chương “Nhân dân”, Sđd;  tr. 5.

([11])Mọi Kontum, “Cùng bạn độc giả”,  Sđd; tr. VIII.

([12]) Mọi Kontum, “Cùng bạn độc giả”, Sđd; tr. VII. 

([13]) Tức Nguyễn Hưng Chi, tác giả Động vật đời tiền sử (1946), một thành viên trong Nhóm khởi nghĩa Can Lộc.

 

([14]) Hàn Thuyên xuất bản cục, H, 1942.

 

([15])      NXB Tân Việt, H, 1944. Sau này trong bản in lại có sửa chữa bổ sung, tác giả đã viết giặm thay cho dặm và ghi ở trang đầu: bỏ bản in lần thứ nhất..

 

([16])      Tập III soạn chưa xong.

 

([17])      Bạch Hào, Phạm Hồng Thái, Chương 1 “Trên bờ sông Lam”, NXB Ngàn Hống, Vinh, 1946; tr. 19.

 

([18])      NXB Văn sử  địa và NXB Sử học, H, 1957-1960.

 

([19])      Của nhóm Lê Quý Đôn, 3 tập, NXB Xây dựng, H, 1956-1957.

 

([20])      Thật ra, trong những giáo trình văn học Việt Nam giai đoạn Trung đại xuất bản trong những năm 60-80, nếu để ý, ta vẫn thấy ảnh hưởng khá rõ cách phân tích và nhận định của Nguyễn Đổng Chi trong bộ Sơ thảo, vì không phải thầy giáo đại học nào cũng thật sự biết cổ Hán ngữ, hơn nữa, cũng chịu khó tìm tòi vào nguyên bản, bởi đó là việc hết sức vất vả.

 

([21])      NXB Sử học, H, 1962-1963.

 

([22])      NXB Văn học, H, 1965.

 

([23])      Viết chung với Ninh Viết Giao, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, Vinh, 1985.

 

([24])      NXB Văn sử địa, H, 1956, in lại trong cùng năm.

([25])  NXB Văn sử địa, NXB  Sử học và NXB  Khoa học, NXB Khoa họcxã hội, H, 1958-1982.

 

([26]) Xem Đường Bá Bổn, Điểm sách “Việt Nam văn học toàn thư”, Tạp chí Văn hóa Á châu (Sài Gòn), số 18, tháng 9-1959, và xem Trà Linh, Về giải thưởng Sài Gòn 1973, Tạp chí văn học, số 2-1974.

 

([27])      Trong nhiều lần tái bản, tác giả có thay một số truyện này bằng một số truyện khác nhưng vẫn giữ nguyên con số 200 truyện.

 

([28]) Xem toàn văn tiếng Pháp ở cuối Tập II.

 

([29]) Xem Văn học dân gian, 2 tập của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1972-1973; tr. 93, Tập II.

 

([30]) Xem Giáo trình văn học dân gian Việt Nam của Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. NXB Giáo dục, H, 1962; in lần thứ ba 1970, phần viết về thần thoại, cổ tích.

 

([31])      Một bài của M. Durand và một bài của Tiến sĩ Lê Văn Hảo (đã dẫn).

 

([32])      Lê Văn Hảo, Hành trình vào dân tộc học, Nam Sơn, Sài Gòn, 1966; tr. 135.

 

([33])     Cuốn sách Hát ví Nghệ-Tĩnh (1958) còn vụng về của tôi, ra mắt được cũng là nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ hết lòng của Nguyễn Đổng Chi. Các bạn trẻ trong khi làm luận án nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn, nhận xét, đều có những nhận định tương tự.

 

([34]) Báo Nhân dân, số 10983, ngày 26-7-1984.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441561

Hôm nay

2278

Hôm qua

2283

Tuần này

21465

Tháng này

216735

Tháng qua

112676

Tất cả

114441561