Cuộc khảo sát được tiến hành theo hai hướng: lập biểu điều tra phát cho dân và phỏng vấn lấy thông tin từ một số cá nhân. Kết quả thu được 100% người tham gia làm phiếu khảo sát có đọc báo và 25% trong số đó là đọc hàng ngày. Mặc dù là một xã nông nghiệp song các hộ dân ở đây phần lớn đọc báo mạng (chiếm 45% số người được khảo sát). Theo số liệu của trung tâm viễn thông huyện Hưng Nguyên (VNPT), hiện xã Hưng Tân có 128 thuê bao Internet. Cán bộ văn hóa xã cho biết, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng khoảng 30% số hộ có Internet. Ngoài đọc báo mạng tại nhà, người dân ở đây còn có thể đọc báo mạng trên điện thoại hoặc tại điểm truy cập Internet miễn phí đặt trong trụ sở ủy ban. Anh Phan Đăng Minh, người trực tiếp quản lí ở phòng máy cho biết trung bình mỗi ngày có 10-12 lượt người tới truy cập. Đối tượng đến đây chủ yếu là học sinh, thanh niên. Người dân ít hơn và những ngày đầu còn ngại vì máy đặt trong trụ sở ủy ban. Đối tượng đọc báo mạng theo điều tra cho thấy chủ yếu là học sinh, thanh niên, một bộ phận trung niên. Người dân cho biết, họ đọc báo mạng vì cập nhật nhanh chóng, thuận tiện, nhất là trong điều kiện hầu hết các gia đình đều có điện thoại thông minh có khả năng truy cập mạng. Chính vì thế mà loại hình này cũng nhận được kết quả cao nhất về mức độ hài lòng so với các loại hình báo chí khác.
Trước sự bùng nổ của thông tin và công nghệ nhiều người vẫn lo ngại báo giấy (báo in) sẽ ngày càng mất đi chỗ đứng của mình. Thực tế khảo sát tại đây cho thấy đó là một nhận định khách quan. Xã Hưng Tân hiện có 1.012 hộ dân với hơn 3838 dân, không kể các cơ quan, tổ chức, câu lạc bộ, hội thì cũng chỉ có 10 người thường xuyên đặt báo. Có một số không nhiều các cá nhân đặt nhiều loại báo khác nhau như ông Nguyễn Huy Thoại, Nguyễn Huy Uyên, Phan Bá Tuấn. Con số 10 người trên tổng số hàng nghìn dân đặt báo, kể cả là họ chuyền tay nhau đọc nữa, vẫn có thể và nên bi quan trước tình trạng sa sút về lượng người đọc của báo in. Kết quả khảo sát thu được từ phiếu điều tra là có 40% người tham gia điều tra có đọc báo in. Các tờ báo thường đọc tại đây thường là các báo an ninh, pháp luật, người cao tuổi, nông nghiệp…Các tờ báo và tạp chí địa phương, ngoài Báo Nghệ An gần như là bắt buộc phải mua, còn lại vẫn chưa được dân quan tâm nhiều. Ông Ngô Quang Đính, bưu tá xã Hưng Tân cho biết, hiện nay báo đời sống và pháp luật được dân thích nhất vì có nhiều vụ án cướp – hiếp – giết, ngoài ra báo hoa học trò cũng được các em học sinh đặt và mượn nhiều. Ông cũng cho hay đối tượng đọc báo in chủ yếu là người cao tuổi, có một số trung niên. Họ có thể trực tiếp đọc hoặc có khi đọc cho nhau nghe trong các buổi chuyện trò, hóng mát.
Bên cạnh đó, truyền hình cũng được người dân ưa chuộng vì có hình ảnh, âm thanh sống động. Tuy nhiên theo khảo sát cho thấy hiện nay, với truyền hình, người dân xem phim là chủ yếu, các mảng thông tin khác không theo dõi qua báo hình nhiều mà chủ yếu đọc trên mạng.
Có một sự phân hóa rõ nét theo lứa tuổi về mảng thông tin quan tâm.Theo đó, phần lớn người cao tuổi quan tâm đến mảng thông tin chính trị- xã hội và sức khỏe. Trong khi đó thanh niên và một bộ phận trung niên thường quan tâm đến mảng tin văn hóa - thể thao - giải trí. Không phân chia theo lứa tuổi thì mảng tin được quan tâm nhiều nhất là pháp luật- đời sống (chiếm 50% tổng số điều tra). Lí do được người dân cho biết là bởi chúng phản ánh những điều gần gũi và có ích với đời sống, phù hợp với thị hiếu tò mò bởi có nhiều vụ án được đưa tin. Bên cạnh đó, người dân cũng quan tâm đến mảng thông tin về nông nghiệp, các kĩ thuật canh tác trồng trọt.
Về mức độ tin tưởng các thông tin trên báo chí hiện nay, kết quả điều tra thu được khá khả quan.70% người tham gia khảo sát hoàn toàn tin tưởng vào nội dung thông tin được đưa trên các trang báo và 30% còn lại tin tưởng một phần. Điều này cho thấy người dân tại các vùng nông thôn còn đặt niềm tin lớn vào thông tin trên báo chí. Đó là tin vui đối với những người làm báo đồng thời cũng là trách nhiệm. Trách nhiệm duy trì lòng tin. Để làm được điều đó, không thể khác là báo chí phải theo sát nhân dân.
Trong cuộc điều tra, chúng tôi có đặt câu hỏi rằng người dân mong muốn báo chí cải thiện điều gì.Kết quả thu được gần như đồng nhất là mong muốn báo chí thông tin sát thực tế, không sai lệch và thẳng thắn phê phán những vấn đề tiêu cực trong xã hội. Trong phiếu điều tra, anh Ngô G. viết: “Báo chí không nên sợ, hãy viết đúng sự thật”. Những ý kiến đó chắc hẳn sẽ khiến người làm báo phải trăn trở, suy nghĩ.
Từ câu chuyện mua – đọc báo ở một xã nông thôn mới khá điển hình đã mang đến không ít trở trăn, suy nghĩ. Trăn trở không phải bởi người dân ít đọc mà bởi phải làm gì trước một nhu cầu, thị hiếu đọc báo ngày càng đa dạng, làm gì để giữ niềm tin của họ vào báo chí. Đồng thời trước sự phát triển của báo mạng, cách nào để có thể duy trì nhu cầu thói quen đọc báo in cũng là câu chuyện không dễ dàng.
Từ một góc nhìn hẹp, một cuộc khảo sát nhỏ, về đọc báo, về cách tiếp nhận thông tin báo chí của cư dân “nông thôn mới”, cho chúng ta thấy, rằng, nhu cầu, thị hiếu về văn hóa đọc, cụ thể là báo chí, của cư dân nông thôn ngày nay đã có nhiều biến chuyển, thay đổi. Họ không đọc, không tiếp nhận thông tin một cách thụ động như trước nữa mà đã có có nhu cầu lựa chọn để tiếp nhận. Họ đọc cái họ cần, cái họ biết và họ đã có những đòi hỏi được thông tin sự thật từ các nhà báo. Vấn đề là ai sẽ là người định hướng thông tin cho họ trong một bể trời báo chí với đủ laoij vàng – thau lẫn lộn hiện nay. Cũng qua khảo sát này, còn cho thấy rằng, nhiều ấn phẩm báo chí có chất lượng thông tin và học thuật tốt, có thể nói là phù hợp với các đối tượng bạn đọc ở khu vực nông thôn vẫn chưa có mặt tại đây. Phải chăng do các cơ quan báo chí, và các cơ quan phát hành chưa nhằm tới hoặc chưa biết cách tìm tới, thâm nhập được thị trường đọc nông thôn.
Báo chí, không chỉ là thông tin, nó còn là câu chuyện nền tảng cho sự hình thành một đời sống, một nề nếp văn hóa mới ở nông thôn trong sự chuyển biến kinh tế - xã hội mau lẹ và không hề đơn giản hiện nay.