Diễn đàn

Lựa chọn những giá trị gia đình mới

Gia đình là tế bào của xã hội, là một cộng đồng xã hội, là một thiết chế xã hội đặc thù mà các thành viên gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống [hoặc con nuôi – phi huyết thống], tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của các thành viên, và để tái sản xuất con người. Gia đình là một môi trường, một thiết chế xã hội – văn hóa – kinh tế hàng đầu trong quá trình xã hội hóa con người. Bởi vậy, gia đình và xã hội có quan hệ mật thiết, nhân quả. Gia đình, văn hóa – kinh tế của các gia đình tạo nên văn hóa – kinh tế cộng đồng xã hội và ngược lại, văn hóa – kinh tế xã hội tác động đến đời sống văn hóa – kinh tế của các gia đình. Gia đình là tấm gương soi của xã hội và xã hội là là sự phản chiếu gia đình.

Mỗi thời đại, mỗi hình thái kinh tế - xã hội, mỗi nền văn hóa sẽ có một cấu trúc gia đình tương ứng và các giá trị của nó. Nếu trước đây, ở Việt Nam, trong xã hội nông nghiệp, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, các tiêu chuẩn đạo đức Nho giáo được tiếp nhận làm nền tảng của giá trị gia đình Việt là nhiều thế hệ, phụ hệ, gia trưởng; Và/là, ông bà, cha mẹ nhân từ, con cháu hiếu thảo; Là tình yêu thương kính trọng lẫn nhau, thì ngày nay, khi xã hội đã vận động thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa, cấu trúc gia đình, định hướng giá trị của nó cũng thay đổi. Gia đình ít thế hệ, ít gia trưởng hơn,  bình đẳng giới, bình đẳng trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên rõ ràng hơn; Tự do cá nhân được chấp nhận ngày càng cao hơn ở các gia đình…

Sự thay đổi về cấu trúc và các mối liên hệ nội tại của gia đình cũng như các chuẩn mực, định hướng giá trị của nó là quy luật không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, sự thay đổi về gia đình ở Việt Nam, ở một bộ phận không nhỏ, dường như đang có những biểu hiện thái quá, không giữ được sự cân bằng tốc độ thay đổi giữa xã hội và gia đình, giữa các giá trị truyền thống và giá trị mới. Vai trò cá nhân được đề cao tỷ lệ thuận theo vai trò kinh tế đã làm đảo lộn các trật tự đạo đức – văn hóa trong gia đình và lan ra xã hội. Con người cô đơn hơn, nhất là người già. Tính ích kỷ phổ biến hơn. Trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội của không ít gia đình và các thành viên của họ có xu hướng mờ nhạt hơn…Sự thay đổi này, dù muốn hay không, sẽ tác động đến đời sống xã hội; Những thay đổi chưa phù hợp hay tiêu cực của gia đình làm cho xã hội có thêm nhiều sự ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm…khi mà luật pháp xã hội không phải lúc nào, ở đâu cũng nghiêm, sự lựa chọn và du nhập văn hóa, lối sống từ bên ngoài vào bao giờ cũng phù hợp và sáng suốt.

Bảng giá trị gia đình sẽ cân bằng và đạt tới sự ổn định [tương đối] khi có sự ổn định của tình hình kinh tế xã hội, khi mà quốc gia – dân tộc thiết lập ổn định một bảng giá trị mới. Đó là một quá trình xoắn trôn ốc vì xã hội luôn luôn vận động. Vấn đề quan trọng nhất là sự lựa chọn định hướng bảng giá trị gia đình trong tương lai, gần và xa. Định hướng này phải phù hợp với truyền thống văn hóa – đạo đức gia đình truyền thống của người Việt Nam, và đồng thời tiếp cận được các giá trị có ý nghĩa phổ quát của nhân loại và thời đại, phù hợp với xu thế phát triển, xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc.

Lựa chọn và vận động hình thành các giá trị gia đình mới là quyền và trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó có vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nhất là của giới trí thức. Nhà nước cần tiếp tục có những định hướng và các chính sách tiến bộ, khách quan, phù hợp để tác động tích cực đến quá trình này.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512803

Hôm nay

2340

Hôm qua

2400

Tuần này

2740

Tháng này

219676

Tháng qua

121356

Tất cả

114512803