Người xứ Nghệ

Lính Nghệ với ký ức Gạc Ma

Trường Sa năm 1988 với sự kiện CQ-88 (chủ quyền 1988) là ký ức đầy bi tráng của Hải quân Việt Nam với sự hi sinh của 64 liệt sĩ tại đảo Gạc Ma và nhiều tổn thương mất mát.  Xứ Nghệ có 11 liệt sĩ nằm lại biển khơi (3 liệt sĩ quê ở Hà Tĩnh, 8 liệt sĩ quê ở Nghệ An), và nhiều cựu binh sống sót trở về với đầy ký ức trăn trở.

Trong chuyến về thăm bạn ở Đô Lương, tôi tình cờ được nghe kể về một người nông dân chuyên cung cấp ngô giống mới cho cả vùng với kinh nghiệm trồng và nhân giống, lai giống hoàn toàn do quá trình tự học. Từ niềm say mê sáng tạo trong nông nghiệp, anh đã đem lại nguồn kinh tế khá vững cho gia đình. Đang trong hành trình tìm hiểu về các cựu binh, liệt sĩ xứ Nghệ hi sinh tại Gạc Ma năm 1988 nên nhân vật này đã hấp dẫn tôi bởi được biết anh chính là một cựu binh hải quân tại Trường Sa năm 1988, trở về từ con tàu HQ-505 giữ đảo Cô Lin “huyền thoại”. Anh là Nguyễn Văn Hạnh (SN 1967), hiện sống tại xóm 3, xã Trung Sơn, Đô Lương.

Nghe tôi trình bày mong muốn tìm hiểu về cựu binh Trường Sa năm ấy, anh Hạnh rót cốc nước ngô thơm lừng lấy ra từ tủ lạnh mời tôi, rồi chủ động nói rất nhiều về việc trồng và nhân giống ngô của anh. Mãi rồi, khi tôi chia sẻ với anh rằng tôi vừa từ nhà liệt sĩ Nguyễn Tất Nam (tàu HQ-604, quê Thượng Sơn, Đô Lương) tìm sang nhà anh, anh mới dừng câu chuyện về nông nghiệp, ngậm ngùi: “Bố mẹ Nam còn khỏe không? Đã lâu tôi chưa tới thăm các bác được…”

Nhắc tới liệt sĩ Nguyễn Tất Nam, ký ức về năm tháng xưa như đang ùa về trong tâm trí người đàn ông vừa mới rất hăng say khi kể đến việc làm nông, nay đã trầm ngâm hơn trong ánh mắt, những đợt sóng biển, từng đợt đạn pháo năm nào như đang xô lại thành những nếp nhăn trên gương mặt: “Chúng tôi nhập ngũ cùng nhau đợt tháng 2/1985, Lữ đoàn 125, cùng huấn luyện mấy tháng ở Quán Toan, Hải Phòng. Sau đó, tôi theo tàu vận chuyển hàng tuyến Hải Phòng - Cam Ranh, ở bộ phận hậu cần. Tháng 2/1988, tôi lên tàu HQ-505 ra đảo Đá Lớn. Trên chặng biển từ đất liền ra đảo, tàu Trung Quốc luôn quấy nhiễu, ngăn cản và khiêu khích khiến chuyến đi của chúng tôi chậm hơn dự tính. Chiều 13/3/1988, HQ-604 từ đất liền ra đảo Đá Lớn đưa công lệnh chỉ đạo HQ-505 chúng tôi tiến về phía Gạc Ma và Cô Lin, lần này tôi có gặp Nam trên tàu HQ-604… Sự việc diễn ra ở Gạc Ma năm đó trên báo đài đã kể rất nhiều rồi, tôi kể lại cũng chẳng khác gì. Có một điều, tôi nhớ rõ, khoảng 4 giờ chiều 13/3, khi HQ-505 đang neo ở Cô Lin thì thấy tàu Trung Quốc tiến vào bãi Sinh Tồn, cách khoảng 3 hải lý. Tối đó chúng tôi còn câu được rất nhiều cá đem kho. Đến quá nửa đêm, khi thủy triều xuống để lộ bãi đá, tàu chúng tôi đã cắm được lá cờ chủ quyền lên đá Cô Lin. Tôi không sao quên được buổi sáng ấy, đang đánh răng rửa mặt thì nghe tiếng đạn pháo bên tàu HQ-604. Tất cả chúng tôi đều nhận rõ tình hình: trên đá Gạc Ma lúc này, mấy đồng chí tàu HQ-604 đang đánh nhau với địch, cố giữ cờ Việt Nam trên bãi đá, mà sau này tôi mới được biết trận đó thiếu úy Trần Văn Phương bị hi sinh và anh Nguyễn Văn Lanh bị lưỡi lê địch đâm hỏng mắt. Phía Trung Quốc rõ ràng có chuẩn bị vũ khí cho một âm mưu, chúng chuyển tàu ra xa rồi dùng pháo tầm xa bắn đạn xối xả vào HQ-604, chỉ chưa đầy mười lăm phút, HQ-604 chìm hẳn. Lúc này, địch đã chuyển hướng đạn pháo sang HQ-505 nhưng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng ban chỉ huy đã cho tàu phóng lên Cô Lin lúc này đã lộ ra bãi đá. Dù HQ-505 lên được bãi đá nhưng đạn pháo bên địch vẫn tầm tã nã vào hải quân Việt Nam suốt tầm 6-7 giờ sáng đến tận 11 giờ trưa, liên tiếp và dồn dập, lòng biển như có động đất. HQ-505 giữ được Cô Lin nhưng bị cháy lớn, tổn hao hết vũ khí, lương thực có sẵn; anh Hòa và anh Văn ở trạm rada và thông tin cùng nhiều người khác bị thương. Bộ phận hậu cần chúng tôi, phải cứu cháy để bảo vệ lương thực còn sót là một ít khoai tây vốn là hàng vận tải từ Cam Ranh định đi Hải Phòng trước khi xuất cảng. Tôi không sao quên được mùi thuốc súng và vị đắng ngắt đến buồn nôn trong nồi cá kho từ đêm hôm trước mà tôi giữ được… Người Nghệ mình trên tàu HQ-505, phải kể đến anh Trần Anh Tư (SN 1953, quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh) chính là phó thuyền trưởng chỉ huy quân sự hàng hải, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng điều khiển tàu và anh Dương Hải Nam (SN 1959, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh), là phó thuyền trưởng chính trị, người đã dùng xuồng đi cứu vớt được 45 cán bộ chiến sĩ giữa biển khơi và đưa về tàu an toàn khi HQ-604 và HQ-605 bị chìm… Phải rồi, từ tàu HQ-604 trở về, chị nên đi gặp người này mới được!”

Anh Hạnh liền bấm máy điện thoại gọi cho ai đó, rồi bảo tôi: “Nhà hắn ở xóm bên thôi, đang ở nhà đấy. Nguyễn Hữu Đông, là thương binh trở về từ tàu HQ-604.”

Anh Hạnh định dẫn tôi sang nhà Nguyễn Hữu Đông, thì vừa lúc có hai người ở một trung tâm nghiên cứu lai tạo giống cây trồng nông nghiệp đến tìm anh nói về một hội thảo giao lưu trao đổi kinh nghiệm nào đó. Tôi nhờ anh chỉ đường đến nhà Nguyễn Hữu Đông và bảo anh cứ yên tâm ở nhà tiếp khách. Người đàn ông trước mắt tôi, lúc ấy lại trở về là người nông dân đầy ham mê lai tạo giống cây nông nghiệp, dáng vẻ mà ban đầu khiến tôi không ngờ đến một thời anh đã đối diện và trải qua chặng ký ức đầy ám ảnh không thể nào quên trong cuộc bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc.

Thương binh Nguyễn Hữu Đông (SN 1966, xóm 2, xã Trung Sơn) với dáng người cao gầy ra đón tôi từ đường làng sau cuộc gọi của anh Hạnh. Nhìn sức vóc con người ấy, mới nhận ra những gì họ đã trải qua ở tuổi trẻ thật dữ dội đến ăn mòn sức khỏe trông thấy. Cũng như anh Hạnh, Nguyễn Hữu Đông từ chối kể lại những điều sách báo đã nói rất nhiều và chỉ hỏi tôi: “Tôi nghe Hạnh nói chị vừa từ chỗ nhà liệt sĩ Nam sang đây? Bố mẹ Nam còn khỏe không? Ngày xưa Nam cùng tàu HQ-604 với tôi, chặng ra Gạc Ma, Nam ở bộ phận lái máy đấy”.

Lần đó, hải quân mình hi sinh nhiều quá! Tôi thương đồng đội, những người còn nằm lại giữa biển khơi, chưa thể về nhà… Tôi dù là thương binh, trở về được đã là may mắn. Khi bị tàu Trung Quốc bắn sang, anh em HQ-604 chúng tôi cũng đã tự vệ bằng cách bắn trả. Chỉ không ngờ, địch chuẩn bị cả đạn pháo tầm xa nên đã cho tàu vượt ra ngoài và nã sang dồn dập chỉ quyết bắn chìm HQ-604 thì thôi. Tình huống ấy chúng tôi không có vũ khí nào đối phó lại được, khi tàu đã sắp chìm, ngay cạnh tôi có một ô cửa bị đạn pháo bắn thủng, tôi liền vứt súng và nhảy ra ngoài, cố bơi tách xa, bám lấy bất cứ vật nổi gì mà tay chạm phải. Tôi và mấy đồng đội bơi gần, cố bám nhau để đỡ đần. Đạn pháo đến điếc cả tai nhưng vẫn phải cố sống. Dù HQ-604 và HQ-605 khi đó đã chìm, phía Trung Quốc vẫn không ngừng bắn pháo, chúng bắn lên mặt biển, vì thế mà có những người thoát khỏi chìm với tàu thì bị trúng đạn trong lúc bơi. Thật may, có chiếc xuồng của tàu HQ-505 đi cứu, nên bây giờ tôi mới ngồi nói chuyện thế này được. Tôi nghĩ, chị nên gặp anh Dương Hải Nam, người đã dùng xuồng cứu chúng tôi giữa mưa đạn trên mặt biển”.

Nguyễn Hữu Đông được hưởng chế độ thương binh loại 4, sau khi xuất ngũ thì lập gia đình, sức khỏe giảm sút nhiều nên gặp khó khăn trong việc nhà nông, anh chia sẻ: “Thật may vì vợ tôi tháo vát, yêu thương và hết lòng vì chồng nên tôi được đỡ đần nhiều.”

Trong hành trình của mình, từ người này móc nối, giới thiệu đến người kia, tôi được gặp khá nhiều những cựu binh trở về từ Trường Sa năm 1988. Đa số họ ra đi ở độ tuổi mười tám đôi mươi “bẻ gãy sừng trâu”, người phải gửi thân đáy biển, người trở về làm bạn với ruộng đồng như Nguyễn Văn Hạnh, cũng có người vất vả như thương binh Nguyễn Hữu Đông. Nhưng cảm động hơn cả, đó là tình đồng đội của họ vẫn nguyên vẹn. Khi có địa chỉ của những đồng đội liệt sỹ, không ai bảo ai, dù mỗi người một địa phương nhưng đều nói với tôi: “Biết địa chỉ rồi, 27/7 này, nhất định tôi đến thắp nén hương cho đồng đội!”

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440646

Hôm nay

2241

Hôm qua

2309

Tuần này

2550

Tháng này

215820

Tháng qua

112676

Tất cả

114440646