Những góc nhìn Văn hoá

Truyện Kiều từ góc nhìn văn học so sánh

Ở nước ta, Truyện Kiều là một đề tài lớn của văn học so sánh. Thuý Kiều và một số nhân vật như Từ Hải, Hồ Tôn Hiến là những nhân vật có thật ở Trung Quốc. Họ đã trở thành những nhân vật truyền thuyết và ở Trung Quốc đã có nhiều sáng tác về họ, trong đó cuốn tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở đời Thanh là thành công hơn cả. Ở Việt Nam có tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được sáng tác dựa theo cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ngày nay, việc nghiên cứu so sánh giữa hai tác phẩm đó ở Việt Nam đã trở thành một đề tài lớn của nghiên cứu văn học nói chung và của văn học so sánh nói riêng. Chúng tôi xin được dừng lại chút ít ở mảng đề tài này để đưa ra một số nhận xét từ góc độ so sánh luận.

Về Truyện Kiều, các công trình nghiên cứu đã đạt tới một khối lượng lớn, trong đó những công trình viết theo quan điểm của văn học so sánh cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Do có một sự thật lịch sử là Nguyễn Du đã mượn đề tài và cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cho nên vấn đề vị trí của Truyện Kiều trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của mảng đề tài Truyện Kiều. Từ đó việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân trở thành một yêu cầu tự nhiên đối với các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện về nhiều mặt: tư tưởng triết lý; tính cách nhân vật; tâm lý nhân vật; cấu trúc tiểu thuyết; nghệ thuật tả cảnh, tả tình; v.v...

Trong mảng đề tài này, các nhà nghiên cứu đã thu được một số thành tựu nhất định. Trong số các công trình so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện, hầu hết đều muốn chứng minh cho sự khác nhau giữa hai tác phẩm. Đây là một xu hướng hợp lý, bởi lẽ ai cũng biết rằng Truyện Kiều được sáng tác dựa trên nguyên mẫu của nó là Kim Vân Kiều truyện. Cho nên đi tìm sự khác nhau giữa chúng chính là để chứng minh cho giá trị sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du.

Mặt khác, bằng phương pháp so sánh tự giác, các nhà nghiên cứu đã xác định mức độ vay mượn cốt truyện của Truyện Kiều, xác định giá trị sáng tạo nghệ thuật của nó, khẳng định tư cách sản phẩm sáng tác của nó.

Thế nhưng có một điều bất hợp lý là hầu hết các nhà nghiên cứu khi so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện đều mang sẵn trong mình cái định kiến về sự hơn thua, cái định kiến có sẵn về sự vĩ đại của Nguyễn Du. Do cái định kiến đó mà người ta có xu hướng hạ thấp Kim Vân Kiều truyện xuống tới mức “tầm thường”. Cái định kiến này đã tồn tại ít nhất là từ đầu thế kỷ XX. Trong bài viết “Truyện Kiều” in trên Nam phong tạp chí số 30 tháng 12 năm 1919, Phạm Quỳnh – người biện hộ nhiệt tình cho Truyện Kiều – khi so sánh nó với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đã cho rằng về Truyện Kim Vân Kiều thì “truyện và lời văn cũng tầm thường”(1).

Vì xuất phát từ định kiến, cho nên khi so sánh, hầu hết các tác giả đều cố tình đưa ra những nhận định thiên kiến và thực hiện những thao tác áp đặt chủ quan, tự mình nâng giá trị Truyện Kiều lên và hạ thấp tác phẩm Kim Vân Kiều truyện xuống. Với thái độ phủ định Kim Vân Kiều truyện hơn cả Phạm Quỳnh, năm 1966 ở miền Nam, có nhà nghiên cứu đã không tiếc lời chê bai Thanh Tâm Tài Nhân mà không cần chứng minh, và tán dương Nguyễn Du đến mức không ngại ngần biến nhà văn thành một thầy phù thuỷ: “Nguyễn Du đã dùng ngọn đũa thần là thi ca của mình làm cho bao nhiêu nhân vật lố bịch, quái đản ở trong Thanh Tâm Tài Tử được hiện nguyên hình với những xấu tốt, gần gũi với người, nói một cách khác, được sống động hơn và tiêu biểu hơn (...). Từ những chất liệu sần sùi, thô vụng, Nguyễn Du đã làm nên một kiệt tác (...). Không có Nguyễn Du, tác giả và tác phẩm ấy từ lâu đã bị vùi trong băng tuyết thời gian”(2). Thậm chí nhà nghiên cứu đó còn gán sự tầm thường cho cả tác giả Thanh Tâm Tài Nhân: “Từ bao nhiêu là sự việc vụng về lợn cợn của nhà tiểu thuyết tầm thường Trung Hoa, Nguyễn Du đã mượn chất liệu để dệt nên áng thơ dài bất hủ”(3).

Ở miền Bắc, trong khoảng thời gian này, các nhà nghiên cứu cũng bắt đầu làm cái việc khẳng định Truyện Kiều trong mối tương quan so sánh với Kim Vân Kiều truyện. Có nhà nghiên cứu đã có quan điểm không khác gì quan điểm trên kia khi tác giả khẳng định một cách tiên nghiệm về sự tầm thường của Kim Vân Kiều truyện: “Nguyễn Du đã chọn Kim Vân Kiều truyện, một tác phẩm rất tầm thường, mà không dựa vào một tác phẩm nào khác để viết nên Truyện Kiều”(4). Khi bàn đến những vấn đề cụ thể, nhiều tác giả khác cũng đều thể hiện một xu hướng thiên kiến như vậy. Ví dụ như khi đánh giá các nhân vật chính diện, nhiều tác giả có xu hướng đề cao phẩm chất và tính cách của các nhân vật này trong Truyện Kiều và giảm nhẹ phẩm giá của các nhân vật nguyên mẫu trong Kim Vân Kiều truyện.

Tình hình trên có lẽ khó mà được cải thiện, bởi vì cái định kiến về sự hơn thua đã ăn sâu vào đầu óc của mỗi người. Cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn một mực hạ thấp Thanh Tâm Tài Nhân để tôn cao Nguyễn Du lên(5). Khi phân tích Truyện Kiều, nhiều tác giả chỉ kể công Nguyễn Du mà không dành một lời tốt đẹp nào cho Thanh Tâm Tài Nhân. Sang cả những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình đó vẫn không có gì thay đổi. Ngày 11-9-2004, báo Văn nghệ số 37 có đăng bài trò chuyện về Truyện Kiều, trong đó ta thấy các vị học giả nước ta đều bài bác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: “Giá trị nghệ thuật Truyện Kiều hơn xa Kim Vân Kiều truyện. [...] Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc cho đến nay ít người biết đến, chỉ là một cuốn tiểu thuyết tầm thường. [...] Chuyển từ một tiểu thuyết văn xuôi sang thơ, Nguyễn Du lược bỏ nhiều chi tiết dài dòng, vô ích cho diễn tiến của câu chuyện. Ông cắt bỏ nhiều đoạn văn thiển thô trong Kim Vân Kiều truyện”. Hay: “Ông [tức Nguyễn Du] nhào nặn lại 1/3 Kim Vân Kiều truyện, thêm vào 2/3, biến một câu chuyện khô khan, lề mề thành một truyện thơ cấu trúc chặt chẽ, có hồn, sinh động, có bề sâu xã hội tâm lý và triết học. [...] Tài Mệnh tương đố vị chữ nghiệp bàng bạc trong bản Kiều Trung Quốc – được thể hiện một cách độc đáo và sâu sắc trong bản Kiều Việt Nam”(6). Trong thời gian đó, có người cũng khẳng định Kim Vân Kiều truyện là một “cuốn truyện rất tầm thường”(7). Thậm chí trước đó tác giả còn tuyên bố một câu xanh rờn: Nguyễn Du chẳng vay mượn gì Thanh Tâm Tài Nhân cả (!)(8). Nói như vậy thì có phải là trái với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta không? Thế mới biết cái định kiến sợ “bị ảnh hưởng” ghê gớm như thế nào! (Xu hướng này có lẽ sẽ chẳng bao giờ khắc phục được).

Vả chăng, có thể gọi là tầm thường được không khi Kim Vân Kiều truyện được coi là tác phẩm thành công nhất trong số các tác phẩm văn học viết về đề tài Thuý Kiều? Có thể gọi là tầm thường được không khi công lao của Thanh Tâm Tài Nhân được Kim Thánh Thán cho là “không đứng dưới bà Nữ - Oa”! Và có thể gọi là tầm thường được không khi Kim Vân Kiều truyện được chính Nguyễn Du gọi là “sách hay” (“cảo thơm”)? Như vậy, bảo Kim Vân Kiều truyện tầm thường liệu có phải là coi thường và xúc phạm Nguyễn Du không? Một Thanh Tâm Tài Nhân như thế mà ở ta vẫn có người cứ khăng khăng bảo rằng ông “đã bị lãng quên trên chính quê hương mình”.

Tình trạng trên có một cái gì đó không ổn. Truyện Kiều là một kiệt tác - đó là một sự thật; Nguyễn Du là một đại thi hào - đó cũng là một sự thật. Nhưng những sự thật này đã hình thành từ lâu. Người dân Việt Nam đã yêu quý Truyện Kiều từ lâu rồi, trong khi đó họ không hề biết Kim Vân Kiều truyện là gì và Thanh Tâm Tài Nhân là ai. Như vậy Truyện Kiều nổi tiếng là vì nhiều lý do khác, trong đó có lý do thuộc về khâu tiếp nhận văn học, chứ không phải nó nổi tiếng là nhờ vào việc so sánh nó với nguyên mẫu. Vậy thì đem một tác phẩm đã nổi tiếng ở trong nước so với một tác phẩm của nước ngoài nhưng không nổi tiếng ở nước mình chỉ để ca ngợi, tôn cao tác phẩm đã nổi tiếng trong nước ấy thì có ích lợi gì? Đấy là chưa kể việc Kim Vân Kiều truyện “vụng về” ở chỗ nào, “lợn cợn” ở chỗ nào, “thiển thô” ở chỗ nào, “khô khan” ở chỗ nào, “lề mề” ở chỗ nào, và trên hết là “tầm thường” ở chỗ nào thì chẳng có ai chịu chứng minh.

Có những công trình khi so sánh đều gán mọi thành công hay hạn chế của Truyện Kiều cho Nguyễn Du mà không hề nhắc đến công lao của Thanh Tâm Tài Nhân. Các tác giả, nếu có so sánh Nguyễn Du với Thanh Tâm Tài Nhân thì cũng chỉ là để hạ thấp Thanh Tâm Tài Nhân và đề cao Nguyễn Du. Theo họ, Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư... của Nguyễn Du đều được nâng lên một bước cao hơn, “rõ nét hơn rất nhiều” so với của Thanh Tâm Tài Nhân, rằng trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân “đầy rẫy chủ nghĩa tự nhiên”(9).

Đây chưa phải là văn học so sánh đích thực, mà chỉ là việc sử dụng phương pháp so sánh để chứng minh sự hơn thua. Về điều này, giáo sư Đinh Gia Khánh ngay từ năm 1966 cũng đã phản đối lối so sánh hơn thua của A. Leclère (Pháp) khi ông này khen rằng Neang Kantoc của Campuchia hay hơn truyện Tấm Cám của ta vì nàng Kantoc không trả thù như cô Tấm, và Đinh Gia Khánh cho rằng kiểu so sánh hơn thua của Leclère là “cái việc rất không khoa học”(10).

Chính vì bị chi phối bởi kịnh kiến về sự khác nhau giữa hai tác phẩm, bởi định kiến muốn chứng minh giá trị độc đáo của Truyện Kiều, bởi định kiến về sự hơn thua, nên nhiều khi các tác giả đã biến cả cái giống nhau giữa hai tác phẩm thành cái khác nhau. Ví dụ có người cho rằng: “Kim Vân Kiều truyện, tác phẩm mà Nguyễn Du dựa vào để viết Truyện Kiều, không hề xây dựng trên lý thuyết “Tài mệnh tương đố”. Trái lại tư tưởng chủ đạo của nó là tình và khổ. Nó tuyên bố ở hồi 1: Trong thiên này chữ tình là một đại kinh (sợi dây lớn xuyên suốt theo chiều dọc) và chữ khổ là một đại vĩ (sợi dây lớn xuyên suốt chiều ngang)”(11). Tiếc rằng ở đây tác giả đã trích dẫn lời bình của Kim Thánh Thán để gán cho Thanh Tâm Tài Nhân (Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ở mỗi hồi đều có in lời bình trước khi vào chính văn. Lời bình này được coi là của Kim Thánh Thán)...

Cũng trong hồi 1, những lời bình của Kim Thánh Thán về Tiểu Thanh viết ra để so sánh nàng với Thuý Kiều cũng được tác giả gán cho Thanh Tâm Tài Nhân và cho rằng “đây là đoạn duy nhất nói đến thuyết tài mệnh tương đố, nhưng nó không có tiếng vọng trong toàn bộ tác phẩm”.

Tại sao lại có sự nhầm lẫn như vậy? Đó là vì trong bản Hán văn của cuốn Kim Vân Kiều truyện, lời bình ở mỗi hồi được in liền với phần chính văn mà không có sự ngắt dòng, ngắt trang rõ ràng. Nhưng cho dù có nhầm lẫn về lời bình thì người nào khi đọc toàn bộ Kim Vân Kiều truyện cũng sẽ rất dễ dàng thấy ngay rằng lời nhận định nói trên là không có căn cứ. Trên thực tế, tư tưởng “tài mệnh tương đố” là tư tưởng xuyên suốt Kim Vân Kiều truyện. Và chữ tài ở đây là tài tình, tài sắc, tài hoa của kiếp hồng nhan, chứ không phải là tài thao lược võ bị của đấng nam nhi. (Vả lại, thời phong kiến, tài văn thường được trọng hơn tài võ. Từ Hải trong Kim Vân Kiều truyện đã nói: “Quốc gia bao giờ cũng vẫn trọng văn khinh võ”(12)). Ngay từ Hồi 1, Thuý Kiều đã làm khúc Bạc mệnh oán, trong đó có câu: “Gương bạc mệnh bao giờ cũng thế/ Kiếp hồng nhan hồ dễ tránh đâu?”. Khi thăm mả Đạm Tiên, Kiều than Đạm Tiên là “Kiếp hồng nhan bạc mệnh”, lại khấn: “Em đây với chị cảm nhau vì chữ tài sắc”. Hồi 2: Thuý Kiều nghĩ về Kim Trọng và tự nhủ mình là “phúc bạc kém duyên”. Lúc mơ thấy Đạm Tiên thì Đạm Tiên lại khen “tài hoa” của Kiều và Kiều cũng tự nhận với Đạm Tiên là mình có tiếng “tài tình”, rồi làm 10 bài thơ trong đó 2 bài đầu có tên là Tiếc cho tài và Thương bạc mệnh. Hồi 3: Kim Trọng khen Thuý Kiều có tài đáng “phải đúc nhà vàng” mới xứng. Còn Kiều thì đáp lại là hồi xưa có người thầy tướng đoán cho mình rằng: “Thiếp nhất đại tài tình thiên thu bạc mệnh” (“Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa” – Nguyễn Du). Rồi lại bảo: “Trời xanh vốn hay ghen ghét (...). Nhất là ghen sắc thì lại quá tệ!” (Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen – Nguyễn Du). Hồi 4, 5: Kiều tự giác đem số bạc mệnh của mình ra để thuyết phục cha mẹ cho mình bán thân chuộc cha. Hồi 6: Trong một bài thơ của Kiều cũng có chữ “Hồng nhan bạc mệnh”. Hồi cuối cùng (20): Trong 10 bài thơ tặng Kim Trọng, Kiều lại nhắc đến kiếp bạc mệnh: “Tự cam bạc mệnh nhân”(13). Như thế cũng đủ thấy tư tưởng “tài tình mệnh bạc” là tư tưởng xuyên suốt của Kim Vân Kiều truyện mà Nguyễn Du chỉ tiếp thu lại mà thôi.

Như vậy, ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc lại một nguyên tắc đã nêu ra: So sánh không phải là để chứng minh sự hơn thua, lại càng không thể xuất phát từ định kiến về sự hơn thua. Về điểm này có thể có người sẽ biện luận rằng: một trong những chức năng của so sánh là để phân hạng thứ bậc. Đúng là nó có chức năng ấy. Nhưng nguyên tắc của so sánh phân hạng là các vế so sánh phải cùng loại. Tức là trong văn học so sánh, việc phân hạng chỉ có thể được thực hiện trong cùng một hệ thống. Chẳng hạn trong văn học nghệ thuật, trên bình diện dân tộc có thể có kiểu đánh giá như: “Nhà văn A là nhà văn vĩ đại nhất của dân tộc A”, tức là so sánh trong nội bộ một dân tộc. Trên bình diện thế giới, nếu như có lúc nào đó có sự đánh giá kiểu như: “Nhà văn X là nhà văn lớn nhất của thời đại”, thì đấy là một sự đánh giá khái quát trong một hệ thống văn học khái quát của toàn nhân loại. Người ta không chấp nhận việc tuỳ tiện đánh giá một nhà văn nước ngoài là tầm thường. Kiểu đánh giá như vậy là rất nguy hiểm, nó sẽ dẫn đến chủ nghĩa sôvanh, kỳ thị chủng tộc. Mặt khác chúng ta cần ghi nhớ rằng khi một toạ độ so sánh bị dịch chuyển thì giá trị liên quan của nó cũng thay đổi. Giá trị của một nhà văn trong mối tương quan nội dân tộc sẽ khác với giá trị của nhà văn đó trong mối tương quan liên dân tộc. Đây là tính tương đối của các giá trị. Trong trường hợp cụ thể của Truyện Kiều, so sánh là để biết được mức độ vay mượn của Nguyễn Du và giá trị sáng tạo của ông là ở chỗ nào. Về sự vĩ đại của ông thì ông vĩ đại trước hết là trong hệ thống văn học Việt Nam. Còn việc chứng minh xem ông có vĩ đại hơn so với một nhà văn nước ngoài nào đó hay không thì chúng ta không cần làm. Vì như vậy sẽ đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc của một quốc gia khác và cũng sẽ không thuyết phục được dư luận quốc tế. Huống hồ khi so sánh người ta lại đưa ra những sai lầm chủ quan khi đánh giá hai nhà văn.

Qua những điều trình bày ở trên, có thể có người cho rằng chúng tôi đang làm cái việc biện hộ cho Thanh Tâm Tài Nhân. Chúng tôi cho rằng trong khoa học, sự thật cần phải được tôn trọng, bất kể nó nằm ở chỗ nào. Nhân tiện cần nhắc lại rằng, theo cách phân loại sự ảnh hưởng của nhà khoa học người Pháp Van Tieghem, thì Truyện Kiều thuộc phạm trù vay mượn đề tài và cốt truyện chứ không phải là sự ảnh hưởng thực thụ. Thanh Tâm Tài Nhân không ảnh hưởng đến toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du. Giá trị Truyện Kiều không hề bị ảnh hưởng bởi mức độ “vĩ đại” hay “tầm thường” của Kim Vân Kiều truyện. Do đó, việc ra sức chứng minh sự hơn thua giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện là không cần thiết. Vả lại, chứng minh cái vĩ đại của người này bằng cách hạ thấp người kia xuống mức tầm thường thì sẽ chỉ đạt được cái vĩ đại tương đối, thậm chí giả tạo: Vĩ đại so với cái tầm thường!

Trong trường hợp của Nguyễn Du, cái làm nên sự vĩ đại của ông là sự đóng góp rất to lớn của ông cho ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, cho hệ thống truyện thơ Nôm Việt Nam, là giá trị Phục Hưng của tác phẩm của ông đối với văn hoá - văn học nước nhà, tương đương với vị trí của Dante trong văn học Italia hay với Shakespeare trong văn học Anh. So sánh ông với Thanh Tâm Tài Nhân là phải chỉ ra những yếu tố vay mượn và những yếu tố sáng tạo của riêng ông. Còn muốn chứng minh sự vĩ đại của ông thì phải so sánh ông trong hệ thống văn học Việt Nam và với các nhà văn Phục Hưng phương Tây. Tuyệt đối không phải là ông vĩ đại vì có một Thanh Tâm Tài Nhân tầm thường. Vả lại, theo lôgic thông thường mà xét thì với một tâm hồn thơ sâu sắc cộng với một vốn Hán học uyên thâm, Nguyễn Du không dễ gì xúc động bởi cái tầm thường, ông không dễ gì chọn một tác phẩm tầm thường làm nguyên mẫu cho đứa con tinh thần của mình. Chắc chắn là Truyện Kim Vân Kiều đã làm cho ông xúc động lắm và tâm đắc lắm. Ở đầu Truyện Kiều ông đã viết: “Cảo thơm lần giở trước đèn”. Như vậy là Nguyễn Du đã khẳng định rõ ràng rằng Truyện Kim Vân Kiều là một cuốn sách hay (“cảo thơm”). Kim Thánh Thán cũng đã công nhận Thanh Tâm Tài Nhân là một “người tài”: “Trời vẫn đầy đặn ở phía đông nam, mỗi chỗ là một tảng năm sắc. Công của tác giả không đứng dưới bà Nữ - Oa”(14).

Theo chúng tôi, một trong những điều làm cho Thanh Tâm Tài Nhân thành công là ông đã lấy thân phận gái lầu xanh làm nhân vật chính. Thanh Tâm Tài Nhân là người rất thương cảm với thân phận phụ nữ nói chung và với gái lầu xanh nói riêng. Ông đã tuyên bố ở hồi mười một: “Kiếp người khổ nhất đàn bà, / Đàn bà khổ nhất ấy là gái chơi”. Trước Thanh Tâm Tài Nhân, loại nhân vật này ít được lấy làm nhân vật chính. Và có lẽ mối quan tâm của Thanh Tâm Tài Nhân cũng là điều hợp với cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Du. Trong các tác phẩm thi ca khác của Nguyễn Du, nhân vật ca kỹ là một trong những đề tài đáng quan tâm của ông (Bài ca người gẩy đàn ở Long thành, Gặp người hát cũ của em...). Chính bản thân Truyện Kiều ban đầu cũng được Nguyễn Du đặt tên là Đoạn trường tân thanh (Bản đàn mới, nghe sầu thảm đến đứt ruột). Và đề tài ca kỹ này luôn luôn nằm trong đề tài lớn của ông về thân phận người phụ nữ. Trong Truyện Kiều ông đã tuyên bố về thân phận người phụ nữ nói chung như sau: Đau đớn thay, phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung...

Ở đây chúng tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng, có nhiều người khi so sánh văn học dân tộc với văn học nước ngoài thường dễ mắc phải căn bệnh của chủ nghĩa tự tôn dân tộc. Chẳng hạn như xung quanh chuyện Thuý Kiều báo oán có nhiều người đã ca ngợi lòng khoan dung của Thúy Kiều của Nguyễn Du và khái quát lên thành tính cách tiêu biểu của dân tộc Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng, và khái quát hoá sự trả thù tàn bạo của Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân lên thành tính cách của dân tộc Trung Hoa, để rồi đi đến một kết luận to tát rằng: sự khác nhau giữa hai nàng Kiều là sự khác nhau giữa hai tính cách dân tộc, rằng tính cách dân tộc Việt Nam hơn hẳn tính cách dân tộc Trung Hoa(15). Đối với luận điểm này, chúng tôi cho đó là một thái độ thiếu thận trọng. Nếu quan niệm như vậy thì chúng ta sẽ phải giải thích như thế nào với thế giới về hành vi trả thù không kém phần tàn bạo của cô Tấm? Nhìn chung ý kiến về tính cách dân tộc của hai nàng Kiều với sự hơn hẳn của Kiều Việt Nam đã được nhiều người dễ dàng hưởng ứng và dễ dàng chê bai Kiều Trung Quốc(16). Trong khi đó thì rất ít người tán thành ý kiến chê trách hành vi trả thù tàn bạo của cô Tấm (phải chăng vì cô Tấm là của chúng ta?), và nếu có tán thành thì cũng cho rằng đó không phải là đặc trưng cho tính cách dân tộc Việt Nam (!). Song cũng có người không ngại ngùng công nhận hành vi trả thù của cô Tấm là chân thực (xem Đinh Gia Khánh)(17). Phải chăng khi ủng hộ hành vi trả thù của cô Tấm và chê bai hành động báo oán của cô Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân là chúng ta đã tự mâu thuẫn với chính mình? Tại sao trong khi chúng ta không thích người khác chê trách hành vi trả thù tàn bạo của cô Tấm mà chúng ta lại tự cho phép mình chê bai hành động báo oán của cô Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, rồi lại còn tự ý nâng tính cách cô Kiều Trung Quốc thành tính cách của dân tộc Trung Hoa? Làm như thế thì chúng ta chỉ nói cho chúng ta nghe chứ không thể thuyết phục được ai.

Tính dân tộc là một vấn đề rất phức tạp, trong tình hình thế giới với những cuộc xung đột sắc tộc ngày nay thì quan hệ giữa các dân tộc là một trong những vấn đề rất nhạy cảm, chúng ta không nên dễ dãi đơn giản hoá vấn đề và phán xét một cách tuỳ tiện, nhất là không nên so sánh để chứng minh dân tộc này hơn dân tộc kia. Đó là một việc làm rất nguy hiểm. Ở đây, các nhà khoa học cần phải tuân thủ một nguyên tắc là: Khi nghiên cứu một vấn đề, không thể chỉ đơn thuần dựa vào cứ liệu và tiêu chuẩn của một lĩnh vực này để kết luận về một vấn đề thuộc một lĩnh vực khác. Cụ thể, nếu muốn chuyển kết luận về nhân vật văn học Thuý Kiều thành kết luận về tính cách dân tộc thì việc này phải được chứng minh thêm bằng những cứ liệu và tiêu chuẩn của khoa dân tộc học. Việc suy diễn võ đoán, một lần nữa, sẽ có nguy cơ dẫn chúng ta sa vào chủ nghĩa sôvanh, kỳ thị chủng tộc.

Rõ ràng, kiểu so sánh áp đặt theo định kiến như vậy là rất chủ quan, phi khoa học, có nguy cơ dẫn đến căn bệnh “tự phụ thông thái rởm” như Goethe đã khuyến cáo cách đây gần 200 năm. Loại bỏ kiểu so sánh ấy không phải chỉ là để biện hộ cho Thanh Tâm Tài Nhân, mà trước hết là để bảo vệ công lao và danh tiếng của Nguyễn Du. Vả lại, việc biện hộ cho Thanh Tâm Tài Nhân có lẽ cũng đã đến lúc trở thành một nhu cầu tự nhiên. Báo Văn nghệ số 44 năm 1990 đã đăng bài Tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trong sự so sánh với Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân của La Sơn Nguyễn Hữu Sơn, trong đó lần đầu tiên tác giả đã biện hộ cho Thanh Tâm Tài Nhân và cho rằng nhiều cái chúng ta vẫn cho là của Nguyễn Du (hệ thống cốt truyện, tình tiết, nhân vật…) thì đều đã có đầy đủ trong Truyện Kim Vân Kiều rồi và nhấn mạnh cần khẳng định giá trị kiệt tác Truyện Kiều theo đặc trưng sáng tạo nghệ thuật (điệu tâm hồn dân tộc, xu thế giản lược cốt truyện và gia tăng chất trữ tình…)(18).

Cần phải nói thêm rằng kiểu so sánh áp đặt chủ quan như nêu trên cũng một phần còn do tình trạng là ở nước ta không có văn học sử thế giới so sánh mà chỉ có phương thức nghiên cứu biệt lập giữa các nền văn học riêng biệt, kể cả giữa các nền văn học nước ngoài với nền văn học của chính quốc. Cho nên đến khi phải đối chiếu giữa các hiện tượng văn học quốc tế có liên quan với nhau thì người ta rất dễ nhầm lẫn giữa các cấp độ, sẽ dễ lấy những giá trị trong tương quan so sánh nội bộ một nền văn học để gán cho tương quan so sánh liên văn học. Trong trường hợp của Truyện Kiều, người ta đã lấy giá trị vĩ đại của nó thuộc tương quan so sánh trong hệ thống văn học Việt Nam để gán cho tương quan so sánh giữa nó với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong việc chuyển đổi vị trí giữa hai toạ độ so sánh này, để bảo vệ cho giá trị vĩ đại của Truyện Kiều, người ta đã phải hạ thấp Kim Vân Kiều truyện xuống. Đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc!

Nói tóm lại, hạn chế của các công trình so sánh Truyện Kiều là do cách làm “thủ công” theo lối “thực chứng” thô thiển và “kinh nghiệm chủ nghĩa”, thiếu cơ sở phương pháp luận. Nghĩa là người ta cứ so sánh, và so sánh đến đâu, nảy ra ý gì thì ghi nhận ý đó. Chính vì vậy mà có người cho rằng trong khi so sánh nếu thấy ai hơn ai thì cứ ghi nhận, không việc gì phải né tránh. Song vấn đề không phải là chỉ ghi nhận một cách đơn thuần, mà là phải lý giải được sự việc. Không nên chỉ thống kê một cách máy móc các sự việc giống và khác nhau để kết luận về bản chất vấn đề, mà phải phân tích, lý giải, đối chiếu trên nhiều cấp độ để phát hiện những khía cạnh thuộc về bản chất sâu xa ẩn chứa đằng sau những hiện tượng trực quan đơn thuần. Chẳng hạn, như chúng tôi đã nói, đằng sau những sự giống nhau về văn bản vẫn có sự khác nhau về quan điểm nghệ thuật và quan điểm nhân sinh; và trái lại những sự khác nhau về văn bản cũng không che giấu được sự giống nhau về quan điểm sáng tác và về thế giới quan.

Vả lại, việc các nhà nghiên cứu nước ta phân biệt thứ hạng giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện không phải là một sự ghi nhận, mà tiếc thay đó là sản phẩm của một định kiến về sự hơn thua đã tồn tại từ lâu và có lẽ cũng còn lâu nó mới được khắc phục.

Như vậy, mảng so sánh giữa Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện có thể mở ra rất nhiều hướng: cả hướng đi tìm sự giống nhau lẫn hướng đi tìm sự khác nhau. Có điều chúng ta không nên để cho cái định kiến về sự hơn thua chi phối. Nếu phân tích kỹ Thuý Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, ta cũng thấy nàng có nhiều điều đáng phục và đáng yêu, đâu có thể chỉ dễ dãi căn cứ vào thái độ khoan dung của Thuý Kiều của Nguyễn Du mà bảo rằng Kiều của ông hơn hẳn Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Nếu làm một việc phân tích đối chiếu kỹ càng, ta sẽ thấy sự khác nhau căn bản giữa hai nàng Kiều là ở điều như sau: Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân là một người duy lý, duy ý chí. Nàng luôn luôn tỉnh táo, bình tĩnh cân nhắc và giải quyết vấn đề theo suy lý minh mẫn, còn Kiều của Nguyễn Du là một người duy cảm, mỗi lúc rỗi rãi tinh thần, đều cám cảnh cho mình, các câu nói thường là câu cảm thán. Thuý Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân luôn luôn tỉnh táo làm chủ tình thế. Nàng khuyên nhủ cả gia đình để cho mình bán thân chuộc cha, lý lẽ của nàng rất sắc sảo và có sức thuyết phục khi nàng viện dẫn số bạc mệnh của mình để nhận trách nhiệm chuộc cha. Nàng cũng đối đáp trôi chảy với Tú Bà, với Sở Khanh, với quan phủ, với Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, v.v... Khi Từ Hải sa bẫy, Thuý Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân đã tỉnh táo kết tội Hồ Tôn Hiến: “Thiếp tôi nhận thấy Từ Hải chỉ vì quá tin ở nơi Đốc phủ, nên mới đến nỗi diệt vong” (Q.2, tr.402), trong khi đó thì Thuý Kiều của Nguyễn Du lại đa cảm nhận tội về mình: Rằng Từ là đấng anh hùng, /.../ Tin tôi nên quá nghe lời…

Chúng tôi cho rằng việc so sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân phải thật khách quan và xuất phát từ ý thức tiếp nhận của độc giả Việt Nam. Công lao lớn nhất của Nguyễn Du là lần đầu tiên ông đã nâng ngôn ngữ dân tộc lên một bước cao, đã sáng tạo nên ngôn ngữ thơ ca giàu hình tượng của dân tộc Việt Nam, đã gửi gắm được tình cảm của dân tộc Việt Nam vào nhân vật của mình. Rõ ràng nàng Kiều của Nguyễn Du trở nên gần gũi hơn, đáng yêu hơn đối với người đọc Việt Nam. Đó là một người phụ nữ hiếu thảo, thuỷ chung, vị tha, tình cảm. Nàng sẵn sàng dám nhận mọi trách nhiệm về mình, kể cả trách nhiệm về cái chết của Từ Hải. Trong khi đó Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân lý trí hơn, “tiểu thuyết” hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không kết luận nàng Kiều nào hơn nàng Kiều nào. Mà chúng tôi cho rằng so sánh như vậy chỉ là để chứng minh sự khác nhau giữa phong cách của hai tác giả. Còn muốn chứng minh sự vĩ đại của Nguyễn Du, chúng ta cần phải đi theo một hướng khác.

Bên cạnh việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện để chứng minh cái chung và cái riêng của hai tác phẩm, chúng ta còn phải so sánh Truyện Kiều với các truyện thơ Nôm Việt Nam, với tục ngữ ca dao Việt Nam, và với toàn bộ tác phẩm thơ ca của Nguyễn Du thì mới thấy hết được giá trị cách tân của Truyện Kiều. Truyện Kiều có giá trị cách tân không phải là so với hệ thống tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, mà là so với hệ thống truyện thơ Nôm Việt Nam, so với văn học Việt Nam, mà giá trị đầu tiên của nó là giá trị nhân văn và cách tân ngôn ngữ thơ ca, cách tân ngôn ngữ văn học. Qua đó có thể nói nó có giá trị Phục Hưng chẳng kém gì những tác phẩm Phục Hưng nổi tiếng trên thế giới như Thần khúc của Dante, như các tác phẩm của Rabelais, của Shakespeare...

Để góp phần chứng minh cho giá trị sáng tác của Truyện Kiều, và để góp phần giải thích cho sự thành công của Truyện Kiều trong công chúng Việt Nam, chúng tôi thấy cần phải so sánh Truyện Kiều với cả thơ chữ Hán của Nguyễn Du và với tục ngữ ca dao Việt Nam. Bằng cách so sánh như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng Nguyễn Du đã vận dụng mọi kinh nghiệm thi ca của mình cũng như vận dụng mọi thành tựu thẩm mỹ của nền thơ ca dân gian để xây dựng nên Truyện Kiều. Trong việc xây dựng hình tượng nhân vật và xây dựng ngôn ngữ thơ ca của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng mọi vốn sống cá nhân, mọi vốn liếng văn hoá dân tộc cũng như vốn kiến thức về thơ Đường của mình. Và chính những cái đó mới là cái chủ yếu làm cho Truyện Kiều trở thành kiệt tác, chứ không phải chỉ có cái cốt truyện vay mượn của tác phẩm. Các nhân vật trong Truyện Kiều không phải là những hình bóng sao chụp hoàn toàn của Thanh Tâm Tài Nhân, mà họ cũng còn được Nguyễn Du xây dựng nên từ những vốn sống rất thực, cũng như từ vốn văn hoá dân gian và từ vốn kiến thức thơ Đường của Trung Quốc mà ông đã tiếp thu và thể hiện trong thơ chữ Hán của mình.

Chẳng hạn Nguyễn Du đã biết vận dụng vốn thơ ca dân gian của mình thật nhuần nhuyễn, tài tình. Trong câu thơ Truyện Kiều:

Sầu đong càng lắc càng đầy,

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!

ta thấy có bóng dáng của câu ca dao:

Ai đi muôn dặm non sông,

Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy.

Còn câu thơ nổi tiếng của Truyện Kiều:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

có thể được coi như phiên bản của mấy câu ca dao sau đây:

Tiễn đưa một chén rượu nồng,

Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi…

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?

Hay trong câu thơ Truyện Kiều:

Duyên em dầu nối chỉ hồng,

May ra khi đã tay bồng tay mang.

ta cũng thấy phảng phất hình bóng câu ca dao:

Ngày đi em chửa có chồng,

Ngày về con dắt con díu con bồng con mang.

Giữa Truyện Kiều và thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng có rất nhiều hình tượng tương đồng với nhau. Ta hãy so sánh hai câu thơ trong Truyện Kiều tả tâm trạng Kiều nhớ Kim Trọng khi nàng đang ở với Từ Hải:

Tiếc thay! Chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.

với các câu thơ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du:

- Trong thân cây sen có những sợi tơ bền,

Vấn vương không thể đứt…

(Chiêm bao thấy hái sen -

Nam Trung tạp ngâm - Dịch nghĩa)

- Chậu nước đổ, thế là thôi, khó lòng vét lại,

Ngó sen đứt, thương thay tơ vẫn còn vương!

(Gặp người hát cũ của em -

Bắc hành tạp lục)

Hoặc so sánh câu thơ Truyện Kiều: Cỏ non xanh rợn chân trời với câu thơ chữ Hán:

Khách du hành cảm tình chan chứa,

Nhìn cỏ thơm xanh rợn chân trời.

(Qua sông Phú Nông cảm tác -

Thanh Hiên thi tập)

Vân vân và vân vân…

Việc so sánh Truyện Kiều với thơ chữ Hán Nguyễn Du và ca dao Việt Nam chỉ là để minh hoạ thêm cho nghệ thuật thơ ca Nguyễn Du và qua đó cũng sẽ giúp ta chứng minh được rằng Truyện Kiều không phải là một tác phẩm dịch, mà là một sáng tác của Nguyễn Du dựa trên cốt truyện nước ngoài. Và cái điều chứng minh cho giá trị sáng tác của nó chính là chủ nghĩa nhân đạo Phục Hưng mang sắc thái dân tộc và yếu tố cách tân ngôn ngữ thơ ca. Nói đến giá trị nội dung của Truyện Kiều, trước hết phải nói tới giá trị nhân đạo của nó chứ không phải là giá trị hiện thực chủ nghĩa hay lãng mạn chủ nghĩa. Mặt khác, khi so sánh Truyện Kiều với các tác phẩm Trung Quốc về đề tài Thuý Kiều, ta lại càng thấy giá trị nghệ thuật thi ca vĩ đại của nó, thấy rõ vị trí của nó trong lịch sử ngôn ngữ thơ ca của dân tộc Việt Nam. Điều này cũng giống như việc nghiên cứu so sánh về các truyền thuyết văn học thế giới khác như: Iphigenia, El Cid, Faustus, Don Juan, v.v... Và qua việc so sánh tổng hợp như vậy – Truyện Kiều với các cuốn tiểu thuyết Trung Quốc về đề tài Thuý Kiều; Truyện Kiều với thơ chữ Hán Nguyễn Du; Truyện Kiều với ca dao Việt Nam; Truyện Kiều với các nhà văn Phục Hưng phương Tây – chúng ta sẽ rút ra được một điều là: giá trị nghệ thuật độc đáo của Truyện Kiều so với các cuốn tiểu thuyết Trung Quốc về đề tài Thuý Kiều sẽ nằm ở giá trị nghệ thuật thi ca dưới hình thức ngôn ngữ dân tộc chứ không phải chỉ ở nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết.

Như vậy có thể nói, Truyện Kiều khác với các cuốn tiểu thuyết Trung Quốc về đề tài Thuý Kiều căn bản ở hai điều sau đây:

- Vai trò Phục Hưng của Truyện Kiều (mà các cuốn tiểu thuyết kia không có);

- Giá trị nghệ thuật thơ ca vĩ đại của Truyện Kiều.

Qua những điều trên đây chúng tôi muốn nói rằng, phương thức so sánh tổng hợp là một phương thức có nhiều hứa hẹn. Nó xuất phát từ một nguyên tắc phương pháp luận là: Mỗi một khía cạnh nghiên cứu đòi hỏi một cấp độ so sánh khác nhau. Chính vì thế mà chúng tôi chủ trương phải so sánh Truyện Kiều ở nhiều cấp độ: - Cấp độ đề tài Thuý Kiều - Cấp độ truyện thơ Nôm Việt Nam - Cấp độ thơ chữ Hán Nguyễn Du - Cấp độ ca dao Việt Nam - Cấp độ văn hoá Phục Hưng…

Ở đây chúng tôi xin nhắc lại rằng việc so sánh Nguyễn Du với các nhà văn Phục Hưng phương Tây không phải là để tìm ra những điểm giống và khác nhau về mặt văn bản, mà đó là việc so sánh cái vai trò của tác phẩm của mỗi nhà văn trong lịch sử phát triển văn học của chính dân tộc mình. Do đó, kết quả của công việc so sánh này sẽ không phải là một bản thống kê những điểm tương đồng và dị biệt về mặt cấu tạo tác phẩm, mà là những phát hiện thuộc lĩnh vực tương đồng về mặt chức năng của chúng. Đây là một kiểu so sánh mới của chúng tôi, nó không nhằm vào cấu trúc nội tại của tác phẩm mà vào tác động xã hội của nó. Khi chủ trương phương thức này, chúng tôi không hề phủ nhận các phương thức so sánh khác, mà chỉ đóng góp nó với tư cách là một phương thức bổ sung, tùy thuộc vào mục tiêu nghiên cứu cần đạt tới. Bởi vì ở đây, một trong những mục tiêu nghiên cứu là chứng minh cho giá trị nghệ thuật và giá trị tác động xã hội đương thời của nó, chứ không phải là chứng minh cho các chủ nghĩa văn học. Trong trường hợp cụ thể của Truyện Kiều, việc so sánh tổng hợp như vậy sẽ cho ta thấy nó khác xa đến mức nào so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy cần phải nhắc lại một trong những nguyên tắc của văn học so sánh là: so sánh không phải để chứng minh sự hơn thua. Truyện Kiều và Nguyễn Du vĩ đại là xét trên vai trò và đóng góp của ông cho lịch sử văn học nước nhà, còn so sánh ông với Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là để chứng minh rằng tác phẩm của ông là một sáng tác chứ không phải là một bản dịch.

Công trình này không đặt nhiệm vụ nghiên cứu so sánh Truyện Kiều một cách toàn diện, mà chúng tôi chỉ muốn nêu ra một vài điều gợi ý để chứng minh cho luận điểm về phương thức nghiên cứu so sánh tổng hợp, minh hoạ cho quan điểm phương pháp luận của chúng tôi.

 

Bản tác giả gửi VHNA

¬¬¬¬¬___________________

(1) Phạm Quỳnh: Luận giải văn học và triết học (Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, giới thiệu). Nxb. Văn hoá - Thông tin, H., 2003, tr.188.

(2) Vũ Hạnh: Đọc lại Truyện Kiều. Tái bản. Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr.15.

(3) Vũ Hạnh: Đọc lại Truyện Kiều. Tái bản. Sđd, tr.10.

(4) Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Nxb. KHXH, H., 1970, tr.127-128.

(5) Xem Nguyễn Xuân Hoà: Ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ Trung Quốc đến tiểu thuyết cổ Việt Nam. Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1998, tr.38.

(6) Hữu Ngọc: Phải chăng Truyện Kiều chỉ là một bản sao “dịch”? (Trò chuyện giữa Hữu Ngọc và Nguyễn Quảng Tuân ở Huế). Văn nghệ, số 37, ngày 11-9-2004.

(7) Trần Mạnh Hảo: Có thật Nguyễn Du đã “rập khuôn để sáng tạo” Truyện Kiều?, Văn nghệ, số 38, ngày 18-9-2004.

(8) Trần Mạnh Hảo: Văn học, phê bình, nhận diện. Nxb. Văn học, H., 1999, tr.83.

(9) Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Sđd, tr.333-336.

(10) Đinh Gia Khánh: Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám. Nxb. Văn học, H., 1968, tr.97.

(11) Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nxb. KHXH, H., 1985, tr. 30.

(12)(13)(14) Thanh Tâm Tài Tử: Kim Vân Kiều. Nha Văn hoá, Sài Gòn, 1971, 2 quyển (Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch), tr.394, 413.

(15) Trọng Lai: Thử nhìn lướt qua tính cách nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và trong Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử. Tạp chí văn học, số 2-1981, tr.28.

(16) Vũ Hạnh: Đọc lại Truyện Kiều. Tái bản. Sđd, tr.13.

(17) Đinh Gia Khánh: Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám. Sđd., tr.97.

(18) Xem thêm Nguyễn Hữu Sơn: So sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện từ sự chuyển đổi loại hình và thể loại. Nghiên cứu Văn học, số 11-2005, tr.27-43.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513039

Hôm nay

2140

Hôm qua

2436

Tuần này

2976

Tháng này

219912

Tháng qua

121356

Tất cả

114513039