Những lời ví von, ví dụ trong đoạn diễn thuyết này của ông Quách Tuấn Khanh ngay sau đó gây ra những bức xúc, thậm chí phẫn nộ trong cộng đồng người khuyết tật.”…
Quả là hết chỗ nói!
Chiếc áo không làm nên thầy tu – chiếc áo ‘diễn giả’ ai đó phong tặng cho nhân vật Quách Tuấn Khanh hay bản thân ông tự phong người viết không quan tâm. Song với lời lẽ xúc phạm đến cộng đồng người khuyết tật là không thể tha thứ được! Không hiểu ông đã tụng bài kinh thiếu văn hóa này cho những ai, bao nhiêu lần, bao nhiêu lượt người – và gieo rắc ‘loại virut’ nguy hại này đến mức nào? Trước khi ‘cộng đồng những người bị hại’ khởi kiệ, các cơ quan quản lý Nhà Nước chức năng cần phải lên tiếng.
Xin đọc phần cuối của bài báo: “Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lan Anh, một người khuyết tật, hiện là Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) dù đang ở nước ngoài, nhưng sau khi nghe xong đoạn diễn thuyết này của ông Khanh, bà đã cho rằng, đây là sự xúc phạm.
"Ai cũng có quyền đưa ra những dẫn chứng, ví von để bài diễn thuyết của mình được hay, thu hút người nghe, nhưng việc đưa người khuyết tật ra làm ví dụ trong một buổi diễn thuyết đông người như vậy là không nên, không phù hợp chút nào cả.
Nghe xong những ví dụ này, người khuyết tật như chúng tôi cảm thấy đó là một sự xúc phạm", bà Lan Anh chia sẻ.
Bà Lan Anh cũng bày tỏ, nếu chồng bà nghe hay xem được đoạn diễn thuyết này chắc chắn ông sẽ "nổi khùng".
Cũng theo bà Lan Anh, lâu nay có một thực tế vẫn còn tồn tại khi không ít người vẫn cố tình lấy hình ảnh người khuyết tật ra mua vui hay làm trò cười.
"Người khuyết tật cũng là con người và là một phần trong sự đa dạng của xã hội.
Trên thế giới có người da vàng, da trắng, da đen hay có người cao, người thấp, có người nói tiếng Việt, có người nói tiếng Anh... và người khuyết tật cũng như vậy.
Việc lấy những ví dụ như ông Khanh đưa ra về người khuyết tật là không nên, không chấp nhận được và chúng ta rất cần phải loại bỏ những hành vi, lời nói như thế này...",bà Lan Anh nhấn mạnh.
Nêu ý kiến sau khi theo dõi đoạn diễn thuyết này, chị Nguyễn Thị Vân, một người khuyết tật nặng, hiện đang là Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp xã hội Nghị lực sống cũng đã bày tỏ nỗi buồn, chạnh lòng.
"Theo tôi hiểu thì ông diễn giả Khanh đang so sánh những người đang đi tìm 1 nửa và tin rằng, mình không thể sống tốt nếu thiếu nửa còn lại là những người bị khuyết tật.
Tôi không hiểu tại sao ông ấy lại đem hình ảnh người khuyết tật ra để so sánh trong trường hợp này? Người khuyết tật thì đã sao? Người khuyết tật thì có gì là xấu?
Cho dù ông ấy muốn truyền tải ý tưởng đó thì cũng không thiếu gì cách hay hình ảnh để minh họa, đâu nhất thiết phải so sánh ẩn dụ với người khuyết tật.
Khi tôi nghe clip này, tôi đã có cảm giác như khuyết tật là điều gì đó đáng lên án",chị Vân nói với khuôn mặt ánh lên nỗi buồn.
Chị Nguyễn Thị Vân cũng cho hay, theo những lời giới thiệu mà chị tìm hiểu được thì ông Quách Tuấn Khanh là một diễn giả hàng đầu Việt Nam, có nhiều người theo dõi, ủng hộ những buổi diễn thuyết.
"Một người có ảnh hưởng lớn mà đưa ra những diễn ngôn như trên thì thật nguy hiểm. Nó sẽ tạo ra rất nhiều định kiến về vấn đề khuyết tật sau này", chị Vân chia sẻ.
Cũng theo chị Vân, khi ông Khanh đưa đoạn diễn thuyết này lên trang cá nhân facebook của mình, chị đã vào nêu ý kiến, nhưng sau đó, đoạn diễn thuyết và ý kiến của chị đều bị xóa, thay vào đó là lời giải thích về sự hiểu của ông này về người khuyết tật.
Chị bức xúc: "Thực sự, qua việc này, cá nhân tôi không thể chấp nhận được hành động của một diễn giả được giới thiệu, ca ngợi là hàng đầu Việt Nam này".
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, những ví dụ về người khuyết tật của ông Khanh không chỉ liên quan đến phạm trù đạo đức mà nó còn vi phạm Luật Người khuyết tật cũng như Công ước về người khuyết tật của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia.
"Những hành vi của ông Khanh đã vi phạm vào Điều 2, Điều 3, Điều 14 của Luật Người khuyết tật năm 2010 và Công ước về người khuyết tật của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Ở đây, nếu ông Quách Tuấn Khanh không công khai xin lỗi cộng đồng người khuyết tật thì chúng tôi sẽ khởi kiện ông ra tòa án theo quy định của pháp luật",bà Lan Anh nhấn mạnh.”
Ngồi viết những dòng này, người viết hết sức xúc động, chia sẻ và cám ơn tác giả bài báo, càng xúc động về nghị lực của nhân vật chính được tác giả tiếp xúc – có lẽ, phải dùng từ minh triết mới bày tỏ được cách ứng xử hết sức văn hóa khi đọc những dòng trên!
Để kết thúc câu chuyện này xin lấy một câu nói đáng giá ngàn vàng trong kho tàng truyện cổ Phật giáo: “Phàm trước khi làm điều gì – hãy nghĩ đến hậu quả của nó”! Dân gian ta cũng có câu “Bảy mươi tuổi chưa hết đui què” – lời khuyên không cho riêng ai…!!!