Cách dùng thuật ngữ lịch sử và sự giải thích như vậy thật là khó hiểu, nhưng ta sẽ đề cập đến sau.
Trước hết phải minh định rằng, đối với Việt Nam hai tiếng “sơ sử” (tiếng Pháp: protohistoire) là một khái niệm mới xuất hiện gần đây và không phổ biến. Các từ điển của Pháp kể cả những cuốn ở bậc cao đều không có hai chữ này.Ấy là các cuốn “Dictionnaire classique illustré” của A.Gazier, Nxb Armand Colin Paris 1923; cuốn “Dictionnaire Larousse”, bản in năm 1931, Nxb Larousse, Paris 1931; cuốn in ở Bỉ: Dictionnaire Franςaise, Bruxelle, 1936… đều như thế.
Các từ điển do người Việt biên soạn như “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, Nxb Minh Tân, Paris (tái bản) 1949; “Từ điển Việt Pháp” của Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1950; “Trung Việt từ điển” của Văn Tân, Nxb Sự Thật, Hà Nội (HN) 1956; “Từ điển Anh Việt” do Tổ thuật ngữ và từ điển khoa học của Viện Ngôn ngữ học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (UBKHXHVN) biên soạn, Nxb Khoa học xã hôi (KHXH),HN 1975; Từ điển Anh Việt, Oxford New Edition Đồng Nai 2000; “Từ điển tiếng Việt”, Văn Tân chủ biên, Nxb KHXH, (in lần thứ 2)1977… đều không có từ mang nghĩa là “sơ sử”. Các sách thuộc loại như thế, chỉ riêng cuốn “Từ điển Pháp Việt” cũng của UBKHXHVN do Lê Khả Kế làm Tổng biên tập, Tổ chức hợp tác văn hóa và kỹ thuật xuất bản năm 1981 là có chữ “Protohistoire: thời sơ sử”.
Theo một số tài liệu nghiên cứu gần đây ở Việt Nam, có lẽ hai tiếng “sơ sử” đã xuất hiện từ một báo cáo khoa học của Giáo sư Hà Văn Tấn(Gs. Hà) :“Nghệ Tĩnh trong Tiền sử và Sơ sử Việt Nam” in trên tạp chí Khảo cổ học số 2-1978. Tuy nhiên, khi viết chương sách đầu cho cuốn “Lịch sử Nghệ-Tĩnh” (T.I) (59 trang) Nxb Nghệ Tĩnh, 1984 thì Gs.Hà lấy tên của chương ấy là “Nghệ Tĩnh thời nguyên thủy và thuở các vua Hùng dựng nước”, trong đó không có việc nhắc đến các khái niệm “tiền sử” và “sơ sử” . Đến cuốn “Lịch sử Thanh Hóa” (LSTH), (T.I) Nxb KHXH HN 1990, Gs.Hà viết phần mở đầu: “Tiền sử và sơ sử Thanh Hóa: thiên nhiên với con người”( gần 9 trang) và phần “Thay lời kết luận: Tiền sử và sơ sử Thanh Hóa, một cái nhìn chung”(hơn 7 trang).Trong đó có chỗ Gs.Hà viết: “Tiền sử và sơ sử Việt Nam cũng như Thanh Hóa, nếu gọi bằng thuật ngữ khảo cổ học, đó là thời đại đá và thời đại kim khí”(Tr.151). Qua đó, ta hiểu ý của Gs. Hà là “sơ sử- protohistoire” có sau “tiền sử- préhistoire”.
Có đúng như thế không?
Cũng không phải đến bây giờ mới có sự nêu ý kiến này của chúng tôi. Trên tờ KTNN số 191 đã có người đặt câu hỏi ấy đối với nhà Từ điển học An Chi và được ông giải thích: “Pré” bắt nguồn từ tiếng Pháp là “trước”; còn “Proto” bắt nguồn từ tiềng Hy Lạp có nghĩa là “thứ nhất”… Rồi An Chi giải thích thêm: Mặc dầu đầu tiên là trước nhưng không nhất thiết đầu tiên là thứ nhất. Ý của nhà Từ điển học An Chi nói theo nghĩa tuyệt đối thì chữ Proto mới là cái có đầu, có trước hết, chứ không phải “”Pré” (rồi mới đến “Proto”) như Gs Hà trong LSTH.I và của người viết LSNA.I đã trình bày. An Chi cũng giải thích Proto chỉ cái nguyên mẫu như động vật nguyên sinh. Ông ví dụ thêm: “ProtoViệt-Mương” là sơ Việt-Mường(Việt Mương nguyên sơ).
Giáo sư,Tiến sĩ Trần Trí Dõi ở bài “Về việc phân định các giai đoạn lịch sử trong quá trình phát triển của tiếng Việt” (trên Googe),ông cũng đã đặt mục ProtoViệt-Mường là thứ nhất, rồi mới đến PréViệt-Mường, là thứ hai…
Tóm lại là, qua các sự đối chiếu nói trên, ta biết: “proto” là chỉ cái có trước “pré”.
Lịch sử phát triển địa chất chỉ rõ: Protozoroi (chúng ta chú ý Tiền tố từ “Proto”) là thuộc đại Nguyên sinh. Trong đó gồm kỷ Cămbri cách đây 500 triệu năm và kỷ Ôcđôvíc cách ngày nay 470 triệu năm. Về kỷ Cămbri, nhà Từ điển học, Gáo sư Đào Duy Anh chỉ rằng, nó thuộc Hàn vũ kỷ寒武纪( période Cambrienne) tức kỷ thứ nhất trong Cổ sinh đại, khi trái đất còn lạnh giá (“Hán Việt Từ điển” Sđd, Tr.345). Vậy không thể nói rằng sau thời Nguyên thủy thì lịch sử con người Nghệ An(hay Thanh Hóa) bước vào thời kỳ Protohistoire (Sơ sử) được. Vì xin nhắc lại một lần nữa, “Proto” là chỉ cái có trước “Pré”. Còn cắt nghĩa như LSNA.I rằng : “Sơ sử (Protohítoire) chỉ một giai đoạn lịch sử quá độ, cụ thể là chỉ lịch sử các xã hội chưa có chữ viết nhưng đã được ghi chép trong các tài liệu chữ viết của các nước láng giềng”. Cách giải thích thật là lạ. Bất cứ ai, ở đâu chép về lịch sử của một nơi nào thì văn bản ấy vẫn là lịch sử của nơi mà họ viết chứ sao!
Như vậy, không thể đặt “Sơ sử” sau “Tiền sử được”. Bởi ngoài những lẽ chúng tôi đã trình bày ở trên thì “Proto” hay “Pré” đều là những tiền tố từ chỉ chung một quãng thời gian về trước của một sinh vật hay lai lịch về một sự kiện, một đối tượng nào đó.
Chúng ta không nên dùng chữ “Sơ sử”, nhất là ở những cuốn lịch sử địa phương viết cho quần chúng lao động và học sinh cùng đọc. Bởi người ta có thể đặt câu hỏi : Sơ sử của lịch sử một địa phương hay cả hoàn cầu cũng như thời sơ sinh của một con người; buổi sơ sinh của một em bé không phải là một phần trong toàn bộ cuộc đời của chính em ấy hay sao? Xưa nay, các bộ lịch sử mang tính kinh điển của các nước đều bắt đầu từ các chuyện kể về thời xa xưa của các nước đó. Lịch sử Trung Hoa là “Thời kỳ Thượng cổ” với sự xuất hiện của người vượn ở Sơn Đỉnh Động. Lịch sử nước Pháp cũng mở đầu là là “L’Anliquité”tức thời văn minh cổ đại…Đương nhiên, họ cũng lấy kết quả từ khoa khảo cổ học mà cái khéo là trình bày bằng những thiên truyện kể (Légendaires). Ở Việt Nam cũng vậy,mở đầu cho bộ “Đại Việt sử ký” của Việt Nam là chương “Việt Thường thị” tiếp đến “Họ Hồng Bàng”…Nay điều kiện cho phép, trình độ học thuật cao, ta đi sâu vào khảo cổ học để làm rõ hơn nguồn gốc và sự khai phá, sáng tạo của tổ tiên mình nhưng lập luận là cần vững chắc và diễn đạt phải có luận lý rõ ràng.
Người viết bài này mong muốn, chúng ta cùng góp sức làm cho ngôn từ trong những cuốn sách lịch sử, nhất là lịch sử các địa phương được chân xác và đại chúng hơn.
Tháng 8-9/2015