Sự phản ứng quyết liệt không chỉ đến từ giới sử học, từ các nhà giáo môn sử, từ giới trí thức, giới truyền thông, mà cả từ các cựu chiến binh, các bậc phụ huynh và cả học sinh, sinh viên. Mọi người lo ngại về hậu quả của việc bỏ môn sử, về một ngày mai dân ta còn không biết sử ta. Đến lúc đó, cả dân tộc sẽ mất gốc, sẽ lưu vong ký ức trên nền tảng vô định, mong manh của tri thức lịch sử dân tộc. Có thể có những bi quan, lo lắng thái quá của một vài người nhưng nguy cơ là có hiển nhiên nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo kiên quyết thực thi dự kiến chương trình của mình.
Vấn đề đặt ra là tại sao Bộ Giáo dục - Đào tạo lại đề xướng ra chủ trương tích hợp vô lý, vô tình này? Rất có thể là do sự kém cỏi đến mức thảm họa của môn sử trong nhiều năm qua. Tại sao học sinh quay lưng với môn sử để đến bây giờ thầy Bộ trưởng và cả Bộ GD – ĐT cũng cùng một hướng với học trò? Ai cũng biết là do nội dung chương trình nghèo nàn, thiếu sinh khí, sinh động, thiếu khách quan và trung thực; Do các thầy các cô truyền thụ nhạt nhẽo, không hấp dẫn, nhàm chán… Tất cả những điều đó là có thật.
Nhưng chương trình giảng dạy môn sử trong các bậc học của chúng ta là một bản sao sơ lược, không đầy đủ tư duy, quan điểm và kết quả sắp xếp lịch sử của nền sử học một chiều đã có và đang có của chúng ta. Đó là một nền sử học cơ bản là của/về các cuộc chiến tranh nhìn từ một phía mà chưa bao gồm tất cả sự vận động sinh tồn và phát triển trên tất cả các góc cạnh, chiều kích của một dân tộc, từ chính trị đến kinh tế, từ cơ cấu tộc người đến văn hóa, từ tín ngưỡng, tôn giáo đến phong tục tập quán, từ cách làm đến cách ăn, cách mặc, từ hát ru đến âm nhạc, từ cách yêu thương đến cuộc sống với thần linh, từ tâm lý sinh tồn cá nhân đến tinh thần dân tộc…
Bỏ môn sử trong chương trình giáo dục là một sai lầm tệ hại, không thể tha thứ. Điều đó không chỉ vì sử học là một khoa học độc lập có vị trí quan trọng trong hệ thống tri thức của nhân loại mà còn vì nó là nền móng cho tinh thần dân tộc, tri thức và kinh nghiệm tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc. Kiến thức lịch sử là một nền tảng “làm người” phải được trang bị trong quá trình giáo dục của các nhà trường.
Nhưng để có một môn sử ra sử, một môn học có đủ sức hấp dẫn và đem lại những tri thức khách quan, bổ ích các thế hệ học trò, trước hết, quốc gia – dân tộc cần có một nền sử học trung chính với các thành tựu sử học trung chính làm nền tảng cho môn học lịch sử trong các nhà trường.
Vì tương lai, bảo vệ môn sử là cần thiết, bức thiết; Xây dựng một tư duy sử học, một nền sử học trung thực cũng là cần thiết, bức thiết.