Diễn đàn

30/4: Giới trẻ hôm nay nghĩ gì về chiến tranh và hòa giải dân tộc?

Thư tòa soạn: Bạn là người Việt, tuổi không quá 35,bạn quan tâm đến những vấn đề văn hóa – xã hội, không ngại lên tiếng trước tiêu cực và sự tha hóa? Bạn, bằng trí tuệ và nhiệt huyết, muốn chứng minh và củng cố niềm tin của thế hệ trước vào tài năng, trách nhiệm của thế hệ mình? Hãy liên hệ và tham gia vào Chuyên mục Diễn đàn trẻ của Tạp chí văn hóa Nghệ An. Đây sẽ là nơi suy nghĩ, nguyện vọng của giới trẻ được lắng nghe, tôn trọng và chia sẻ. Chúng tôi hy vọng, bằng sức mạnh của tuổi trẻ và truyền thông, chúng ta sẽ tạo ra những đổi thay, vì một xã hội tốt đẹp hơn. Mọi vấn đề xin gửi về email: tapchivanhoanghean@yahoo.comhoặc trangdoanphan1412@gmail.com, hoặc gửi trực tiếp về trụ sở tòa soạn và liên hệ qua điện thoại: 0383599839.

Trân trọng,

Lời tòa soạn: 30/4 – Một dấu mốc không thể quên trong lịch sử dân tộc. Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng vẫn còn đó bao mất mát, nỗi đau chưa lắng dịu; bao vết thương chưa thể hàn gắn. Liệu giới trẻ ngày nay có biết, hiểu và quan tâm đến? Họ nghĩ gì, cảm xúc ra sao trong những ngày này? Liệu có thực sự đáng lo ngại về sự lãng quên, thiếu trách nhiệm của giới trẻ với quá khứ? Để phần nào trả lời những băn khoăn ấy, chúng tôi đã tổ chức một diễn đàn trực tuyến với nhóm các bạn trẻ đến từ nhiều nơi khác nhau.

Trần Đình Tuấn - Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Corvinus Budapest - Nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội SVVN tại Cộng hòa Hungary

30/4 thường gợi nhớ cho tôi nhiều câu chuyện. Tôi nhớ  ông ngoại tôi vì chiến tranh mà rời xa quê hương. Đến nay, ông vẫn thường kể với tôi bắt đầu bằng "giá như ngày ấy không có chiến tranh..."  Ngày ấy, bao thanh niên đã lên đường chiến đấu, gác lại bút nghiên,tình yêu, tuổi trẻ…. Họ không có nhiều lựa chọn như chúng tôi hôm nay. Chiến tranh, vì thế, với tôi là sự bế tắc. Chiến tranh không có kẻ thắng người thua, chỉ có đau thương, mất mát . Quá khứ đau thương ấy có thể xoa dịu và tha thứ, nhưng đừng quên. Nhiều người hoài nghi thế hệ trẻ hôm nay có nguy cơ lãng quên sự hy sinh của cha anh, và, nếu chiến tranh xảy đến sẽ hèn nhát, bị động. Tôi không nghĩ vậy, dù rằng tôi cũng còn rất trẻ, chưa đủ kinh nghiệm để nhìn nhận thấu đáo mọi thứ.Tinh thần yêu nước và lòng tự tôn của dân tộc Việt, từ thuở khai sơ, đã chứng minh là không gì có thể xoay chuyển. Nó được bùng cháy mạnh mẽ nhất trong thời điểm dân tộc cần. Ngày nay, trong hòa bình, thế hệ trẻ đang thể hiện lòng yêu nước bằng thành tích học tập, sáng tạo, bằng tinh thần làm việc, cống hiến. Khi bước ra với bạn bè thế giới, họ tự hào là người Việt Nam và tự tin giới thiệu về những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Những con người ấy, một khi đất nước cần, sẽ dũng cảm chấp nhận hy sinh để đất nước còn, như cha ông đã từng.

Bùi Minh Hào – NCS ngành dân tộc học, Nghệ An.

30/4 với tôi là một ngày kỷ niệm thống nhất. Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước tất nhiên là vui nhưng cái cách xã hội đang hưởng ứng hiện nay khiến một số người thấy sợ, trong đó có tôi. Xe cộ đông đúc, thiếu an toàn, giá cả tăng, không khí ngột ngạt,... Quan trọng nhất là tính NHÂN VĂN của một ngày lễ vốn tốn nhiều xương máu để đem lại thì ít ai để ý đến. Tôi thích quan điểm chiến tranh không có người thắng, chỉ có những thương đau và chết chóc. Cha anh chúng ta đã mất bao nhiêu năm gian khổ, hy sinh không phải để chiến thắng, mà để thống nhất đất nước, để phát triển, để con người được làm người tự do, sống tốt hơn. Thống nhất là để đoàn kết và đoàn kết là để phát triển. Vậy sao không lấy những giá trị gốc, giá trị bền vững ở phía sau để đi lên mà lấy giá trị chiến thắng vốn chỉ là cái ngọn, cái mở đầu làm cơ bản? Với cách tuyên truyền, giáo dục về quá khứ như thế, không có gì ngạc nhiên khi giới trẻ hiện nay thiếu quan tâm lịch sử. Tuy nhiên,điều đó không có nghĩa là họ  lãng quên quá khứ, thiếu trách nhiệm hay chưa xứng đáng với hy sinh của cha anh. Vẫn còn những người trẻ hăng hái học tập và làm việc xây dựng đất nước; vẫn có những thanh niên xung phong ra biển đảo bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng tranh đấu cho dân tộc, cho tiến bộ và phát triển. Có những khi trách nhiệm là phải đi theo con đường thế hệ trước, nhưng có khi, dám đi con đường khác mới là có trách nhiệm. Miễn sao vẫn vì tình yêu và trách nhiệm với đất nước, vì sự phát triển và tiến bộ xã hội, vì cuộc sống tươi đẹp hơn.

Tôn Nữ Phương Linh - Thạc sỹ văn học Việt Nam - Huế

30/ 4 với tôi là ngày thống nhất đất nước. Những ngày này, người ta nói nhiều về chiến tranh, chiến thắng. Tôi nghĩ, chiến tranh là điều khủng khiếp nhất của nhân loại. Và không may cho dân tộc Việt Nam khi phải trải qua nhiều cuộc chiến như vậy. Cho đến nay, sự chia rẽ trong lòng xã hội Việt Nam vẫn còn rất lớn. Chúng ta vẫn còn phải nỗi lực rất nhiều để hàn gắn, để hòa giải, hòa hợp dân tộc. Vậy giới trẻ có lãng quên tất cả những điều đó không? Tôi nghĩ  là không. Thực ra các bạn trẻ vẫn quan tâm đến lịch sử cũng như các vấn đề quan trọng của đất nước. Và, tôi nghĩ,  mỗi thế hệ có một đặc thù riêng. Thế hệ cha ông đã hy sinh, xả thân để đổi lấy sự độc lập dân tộc thì thế hệ ngày nay phải giữ vững sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; phải học tập, làm việc để dựng xây đất nước.

Nguyễn Trọng Tráng-  Nghiên cứu viên, Viện Công nhân và công đoàn, Hà Nội

Tôi nhớ, ngày nhỏ, ấn tượng đầu tiên của tôi về 30/4 là hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Sau này, lớn lên, tìm hiểu, tôi biết rằng để có được ngày 30/4 thống nhất trọn vẹn ấy, dân tộc ta đã phải đổ biết bao máu xương. Dù không được trải qua thời khắc lịch sử đó, tôi vẫn tự hào và trân trọng. Và chắc chắn, như tôi, nhiều bạn trẻ khác cũng chung cảm xúc đó. Vì thế, tôi không nghĩ giới trẻ ngày nay tất cả đều thờ ơ với quá khứ. Có lẽ đó chỉ là một bộ phận những thanh niên sống thiếu trách nhiệm, không có lý tưởng và mục đích sống mà thôi. Hơn nữa, tôi nghĩ, chúng ta cũng cần xét đến bối cảnh xã hội để có cái nhìn thấu đáo. Xã hội ngày nay đòi hỏi thanh niên phải tích cực học tập, nâng cao chuyên môn để dựng xây, phát triển và đưa đất nước hội nhập. Ngày nay cần những thanh niên có trí tuệ và bản lĩnh để làm cho đất nước giàu và mạnh. Giàu và mạnh là biện pháp hàng đầu để bảo vệ Tổ Quốc. Trong thời đại ngày nay, nghèo là yếu, là dễ bị ngoại bang chèn ép và xâm lăng.  Để đất nước không phải thêm một lần nào nữa chứng kiến chiến tranh, chúng ta phải giàu, mạnh và chúng ta không sợ chiến tranh để bảo vệ hòa bình và Tổ Quốc.

Phạm Trang Nhung – BTV Báo ảnh Việt Nam, Hà Nội.

30/4 với tôi là một ngày kỷ niệm chiến thắng. Kỷ niệm là lẽ đương nhiên nhưng tôi nghĩ nên có những thay đổi trong cách tuyên truyền về quá khứ, sao cho bớt khô khan giáo điều, chú trọng đến giá trị và ý nghĩa của sự kiện. Hiện nay, người ta nói nhiều về việc giới trẻ không quan tâm lịch sử, không xứng đáng với hy sinh của cha ông. Điều đó không sai nhưng không phải là họ lãng quên, hay bỏ bê trách nhiệm, mà là họ không được giáo dục về lịch sử, về truyền thống trên cơ sở khoa học. Chuyện chiến tranh hay được đề cập, nhưng lại theo khuynh hướng quá rập khuôn nên dễ gây nhàm chán. Chiến tranh, người ta định nghĩa rất nhiều về nó. Còn theo tôi, đó là cái nếu tránh được thì nên tránh. Đặc biệt, cần quan tâm hòa giải dân tộc sau cuộc chiến. Là một người trẻ, tôi nghĩ, câu chuyện này đơn giản là làm sao để người ta không còn cảm giác mình bị thiệt thòi. Bởi, với dân thường nói chung, quan trọng là hiện tại có thể tạo môi trường cho họ sống tốt. Đáp ứng được điều đó thì về cơ bản, chuyện hòa giải, hòa hợp không khó.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512714

Hôm nay

2251

Hôm qua

2400

Tuần này

2651

Tháng này

219587

Tháng qua

121356

Tất cả

114512714