Diễn đàn

Quanh chuyện ngôi trường đại học Fulbright Việt Nam

Ngày 25 tháng 5 vừa qua, tổng thống Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, chính thức thỏa thuận việc trao tặng và nhận ngôi trường mà hai bên đều có kỳ vọng, sẽ là biểu tượng văn hóa tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt – Mỹ.

Nhân dịp này, tổng thống Barack Obama đã cảm ơn đích danh ông Bob Kerrey vì đã đi đầu trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, cũng như đi đầu trong việc vận động cho ngôi trường Đại học Fulbright làm quà tặng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm  chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác cho ngôi trường lại gây tranh cãi. Phía không đồng ý để ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, nại lý do 47 năm trước, ông đã chỉ huy toán biệt kích Hải quân Mỹ tập kích vào ấp Thạnh Phong tỉnh Bến Tre, giết chết 24 người, trong đó có 14 phụ nữ, trẻ em và một người già.

Đương nhiên giết người là một tội ác. Nếu vô cớ mà giết người không có khả năng kháng cự, lại là một tội ác không gì có thể biện minh được, và không thể tha thứ.

Nhưng đang trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, hai bên đều quyết tâm tìm diệt nhau. Có lẽ đây là yếu tố không nên bỏ qua khi khảo sát vấn đề.

Tuy nhiên, nếu ông Bob Kerrey giấu kín hành vi này như những tên xâm lược khác đã đến Việt Nam, thì sự việc cũng chìm trong quên lãng.

Song, lương tâm ông thôi thúc, và tự nói ra với sự hối hận chân thành dâng lên từ trái tim mình: “Nếu tôi mất cả hai tay, hai chân, cả thị lực, thính lực của mình thì cũng không nhiều bằng những gì tôi đã mất đêm đó.Tôi đã làm những điều tồi tệ và sẽ sống với nó suốt đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ.Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn…. Tôi xin nhân dân Việt Nam tha thứ cho tôi.”

Nhớ câu nói nổi tiếng của Phật Thích Ca Mâu Ni: “ Quay đầu là bờ” để nói về những người có lỗi lầm biết hối cải thì họ trở thành người trong sạch.

Gần đây truyền thông Việt Nam nêu lại vấn đề này  của ông Bob Kerrey trong vụ Thạnh Phong tại Bến Tre 47 năm trước.Vì vậy Bob Kerrey lại lên tiếng: “Tôi đã xin lỗi nhân dân Việt Nam về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa.Một cách thành tâm và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh,tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới.” Ở đây, ta thấy Bob Kerry đã “quay đầu”.

Và một câu khác cũng của Bụt Thích Ca nói với đệ tử của ngài: “Nếu con thắng được một người,con là người khỏe.Nếu con thắng được mười người,con là lực sĩ.Nhưng nếu con thắng được chính con,con mới là đại lực sĩ.”

Thắng chính mình,tức là thắng cái vô minh ẩn náu trong ta. Trường hợp này tôi nghĩ, Bob Kerrey đã tự thắng được mình. Bởi ông thực tâm sám hối , không chỉ bằng lời nói mà còn thể hiện bằng hành động, trong suốt mấy chục năm vận động hành lang để bỏ cấm vận Việt Nam và bình thường hóa quan hệ Mỹ- Việt, rồi đến trường Đại học Fulbright cho Việt Nam.

Sống trong thời kỳ thế giới hội nhập ngày nay, ta thấy mọi việc có vẻ bình thường. Nhưng nên hồi nhớ thời ta bị bao vây, cấm vận, nó khó khăn cho kinh tế và ngoại giao tới mức nào. Và trong bước gian nan, lại có người đồng hành với ta, để tháo gỡ những khó khăn nguy cấp ấy, mặc nhiên họ là bạn, là ân nhân của ta. Hiểu theo nghĩa nào, ta cũng không thể khước từ, nếu ta biết tự trọng.

Có nhiều vấn đề lịch sử phải minh định. Nhưng lúc này hãy tạm khép lại quá khứ. Nên tập trung vào giải quyết những khó khăn trong nước như nợ nần ngập đầu,  môi trường biển miền Trung đang bị hủy diệt. Và ngoài kia, ngoài khơi xa đang đằng đằng sát khí. Không gian sinh tồn và biển đảo của ta đang bị ngoại  bang rắp tâm chiếm đoạt.

Trở lại vấn đề ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng cần nhìn theo góc độ chiến tranh, góc độ lịch sử và các vấn đề hiện nay đều thể theo một ý niệm mang tính nhân văn cao thượng .

Tôi nghĩ rằng, không nên đi quá xa vấn đề, cũng không nên nặng lời, cực đoan vì ta đang bàn về chuyện văn hóa.

Vả lại về phương diện Nhà nước thì hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã thỏa thuận. Đó là những quyết định sáng suốt, ta nên ủng hộ.

Nhẽ ra tôi không định tham gia vào việc thảo luận về ngôi trường, nhưng tôi là nhà tiểu thuyết lịch sử, nhận thấy vấn đề này có điểm thú vị vì nó liên quan đến lịch sử, nên muốn nhân chuyện ông Bob Kerrey để nói đôi lời.

Nhìn vào lịch sử chống xâm lược của nước ta từ hơn hai ngàn năm nay, kẻ xâm lược truyền thống thường đến từ phương bắc. Còn mặt tây, mặt nam người Lão Qua, người Champa họa hoằn chỉ có cuộc tảo thanh mang tính cướp bóc, quấy rối không đáng kể.

Phương bắc từ tiên Tần đến Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên , Minh, Thanh thậm chí cả nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, khởi phát không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong đó sự hủy diệt tàn bạo nhất cả về văn hóa, nòi giống và kinh tế là cuộc xâm lược của giặc Minh đầu thế kỷ 15, do tên tội phạm chiến tranh Minh Thành tổ khởi xướng. Và hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở hai đầu biên giới Nam- Bắc nước ta do đích thân Đặng Tiểu Bình phát động. Chiến tranh biên giới  phía Tây- Nam là cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Trung Quốc, thông qua bọn Khmer đỏ do Pôn Pốt, Yêng Xary cầm đầu. Cuộc xâm luợc phía Bắc vào tháng 2 năm 1979, Trung Quốc lùa hơn 60 vạn quân hùng hổ kéo vào 6 tỉnh biên giới phía bắc nuớc ta. Giặc Tầu tháng 2 năm 1979 cũng chẳng khác gì giặc Minh đầu thế kỉ 15 về mức tàn bạo và man rợ. Một điều lạ lùng rằng, các cuộc xâm lược của đế chế Trung Hoa đối với nuớc ta thời  phong kiến, tất cả chúng đều đổ lỗi cho phía Việt Nam gây chiến. Truyền thống ấy đem cả vào đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng kéo quân tràn qua biên giới nước ta, có nơi vào sâu tới 40 km. Chúng tàn sát dân thuờng, cướp bóc của cải, đốt phá nhà cửa, đánh sập các công trình công cộng từ nhà máy đến sân kho hợp tác xã, từ các cây cột tải điện tới chiếc cống thoát nước bằng xi măng đường kính độ 30 cm, giặc cũng dùng mìn hoặc bộc phá phá tan tành. Ấy vậy mà chúng cứ lải nhải rêu rao đó là “Cuộc đánh trả tự vệ”.

Từ cổ, trung đại đến cận hiện đại, suốt hơn hai ngàn năm nay, tôi chưa thấy  một nguời Trung Hoa nào mở miệng xin lỗi nhân dân Việt Nam, do những đau khổ từ họ gây ra cho nguời Việt. Thế nhưng từ sau 1975, lác đác rồi rất nhiều các cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, đều tìm cách sang Việt Nam để làm một việc gì đó mang tính hàn gắn với nhân dân Việt Nam như một cử chỉ sám hối. Trong đó có nguời bị sai khiến nhúng tay vào tội ác, có nguời chưa kịp nổ một phát súng nào, tất cả đều mang một tâm trạng nặng nề cần phải được bộc bạch, và cần phải làm một cái gì đó vì Việt Nam để được tha thứ. Lần đầu tới Việt Nam,tâm lý các cựu chiến binh Mỹ rất lo ngại bị trả thù. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Nhân dân Việt Nam biết rất rõ những gì các cựu chiên binh Mỹ đã làm vì Việt Nam như trương hợp các ông: Jhon Kerry nay là Bộ truởng Bộ ngọai giao Hoa Kỳ, các thuợng nghị sĩ Jhon Mc Cain, Bob Kerrey và cả Pete Peterson… đều tham gia tích cực vào việc vận động chính phủ Hoa Kỳ rỡ bỏ cấm vận và bình thuờng hóa quan hệ với Việt Nam.

Pete Peterson, phi công có 6 năm ngồi tù tại Hỏa Lò Hà Nội trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Ông đã làm nhiều việc có ích cho tình hữu nghị Mỹ-Việt.

Thông thường sau khi đã làm một điều gì sai trái, có hại cho nguời khác, phàm những nguời có luơng tri đều mang tâm lý hối hận, và muốn bằng hành động để bù đắp lỗi lầm. Hành vi này nhà Phật gọi là sám hối. Thế giới văn minh, hối lỗi là một nhu cầu thuộc về nhân cách.

Trong những kẻ xâm luợc đến Việt Nam, tôi thấy duy nhất có nguời Mỹ bộc bạch tâm trạng và hành vi hối hận là nhiều hơn cả, và chân thành hơn cả. Điều đó khiến chúng tôi hài lòng và chấp nhận các ông như tình bè bạn.

Từ lâu, tôi vẫn chờ đợi một lời xin lỗi từ nuớc Trung Hoa. Tuyệt nhiên họ không có động thái gì. Trái lại, hàng năm kỉ niệm cuộc chiến tranh xâm lược ấy, họ vẫn tụ tập những kẻ giết nhân dân Việt Nam kể có hàng vạn, vào tháng 2 năm 1979 để tuyên duơng công trạng. Họ đã viết tới cả chục tập sách và làm 5,6 bộ phim xuyên tạc về cuộc xâm lăng ấy. Vẫn luận điệu điêu trá, họ gọi cuộc xâm lăng ấy là cuộc “tự vệ đánh trả”. Thế nhưng họ lại lớn tiếng nhiều lần đòi chính phủ Nhật Bản phải xin lỗi, về việc nước Nhật đã xâm lược và thống trị Trung Hoa. Dù phía Nhật Bản đã xin lỗi, nhưng họ vẫn cay cú, vẫn đem lòng thù hận.Còn tội ác của họ đối với nhân dân ta, họ tảng lờ. Phải chăng đây là căn bệnh cố hữu của giới thống trị Trung Hoa.

Sự việc tự nó nói lên: Ai văn minh. Ai man rợ.

Vì vậy, tôi đồng tình Bob Kerrey ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Tín thác trường Đại học Fulbright Việt Nam mà ông giữ công đầu trong việc tạo lập.                                                                                

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512685

Hôm nay

2222

Hôm qua

2400

Tuần này

2622

Tháng này

219558

Tháng qua

121356

Tất cả

114512685