Con số trên 7,1 triệu người đó là nhân viên ăn lương ngân sách theo nghĩa hẹp. Còn những người ăn lương ngân sách theo nghĩa rộng là bao nhiêu ? Theo số liệu thống kê nhà nước năm 2008, loại 1) có 13,28 triệu người; loại 2) có 26, 18 triệu người; tổng cộng là 39,46 triệu người, chiếm 2,97% tổng dân số (công chức : dân = 1 : 34), từ 2008 đến nay không có số liệu về tổng số người ăn lương ngân sách; hiện nay ước tính là 50 triệu người. Nhưng cũng có học giả đưa ra con số là trên 80 triệu người. Hoặc như nghiên cứu của Chu Thiên Dũng, Phó Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu Trường đảng TW năm 2005 đưa ra ý kiến : số nhân viên công chức và có tính chất công chức do ngân sách nhà nước cung dưỡng thực tế của Trung Quốc là trên 70 triệu người, tỷ lệ quan/dân là 1:18. Nếu tính tỷ lệ quan : người nộp thuế là gần 1:10 (người nộp thuế là người lao động, có việc làm, năm 2003 là 744 triệu người, hiện nay ước tính 800 triệu người). Theo thông tin công khai, số công chức Trung Quốc năm 2008, 2009, 2010, 2011 lần lượt là 65,97 triệu người, 67,89 triệu người, 69, 94 triệu người, 70,21 triệu người. Số dân nuôi 1 quan các triều đại Trung Quốc là : Tây Hán : 7945 dân/1 quan; Đông Hán :7.464 dân; đời Đường :2.927 dân; đời Nguyên : 2613 dân; đời Minh : 2.299 dân; đời Thanh : 911 (Theo tài liệu “Phân tích tư liệu điều tra dân số lần thứ 3 Trung Quốc” xuất bản năm 1987); Trung Cộng năm 1998 : 40 dân; hiện nay : 18 dân; Nhật Bản : 200 dân.
Như vậy, gánh nặng của người dân nuôi 1 quan Trung Quốc hiện nay so với đời Hán nặng hơn 350 lần, so đời Thanh nặng hơn 45 lần, so với Nhật nặng hơn 10 lần. Bộ máy ngày phình to. Năm 2015 thu ngân sách 15.000 tỷ, chi hành chính chiếm 28% GDP, cao hơn các nước phương tây 5, 6 lần (các nước phương tây chung là 4 ~ 5% GDP). Từ năm 1986 đến 2005, chi phí quản lý hành chính hàng năm bình quân đầu người dân Trung Quốc tăng 23 lần trong khi GDP bình quân đầu người dân chỉ tăng 14,6 lần. Để có tiền chi cho tăng chi phí hành chính chỉ có một con đường là tăng thuế đối với dân.
Xét về mức độ nộp thuế của một người dân, theo lý chung đáng lẽ Trung Quốc là nước có mức thuế thấp nhất mới đúng. Vì dân đông, tổng chi phân bổ cho đầu người sẽ thấp hơn nước có dân số ít. Ngược lại dân Trung Quốc phải đóng thuế cao nhất thế giới. (Theo công bố của Forbes năm 2009). Có người tính, mức thuế thực sự người dân Trung Quốc nộp là trên 60% GDP, bình quân đầu người là trên 15.000 nhân dân tệ (trên 2.000 usd). Hoặc có bài viết, nêu một người dân bình thường Trung Quốc một đời người phải nộp 1 triệu nhân dân tệ tiền thuế, vượt xa mức lương, thu nhập của họ. Đây không phải bịa, mà là sự thật, nhưng người nộp thuế lại không thấy được, vì chế độ thuế gián thu mà Trung Quốc thực hiện che lấp.
Ở Trung Quốc, thuế phí bình thường của nhà đất là trên 70% giá thành, chưa kể tiền phong bì, hối lộ các cấp quan chức. Hoặc một gói thuốc lá 50 nhân dân tệ, trong đó thuế chiếm 44,85 tệ. Một bánh bao, 1/3 trong đó là tiền thuế, tức là một bánh bao chính phủ ăn mất 1/3 do dân trả tiền. Cho nên nhiều người nói rất cám ơn các tiểu thương vỉa hè trốn thuế mà dân chúng tôi có được hàng rẻ để ăn. Hoặc mua một ô tô giá 200.000 nhân dân tệ, trong đó thuế 69.000 nhân dân tệ = 38% (ôtô cùng loại giá như thế, ở Mỹ bình quân chỉ 5% thuế, ở Nhật 7,5%. Ở Trung Quốc cao hơn Mỹ 7,7 lần, cao hơn Nhật 5 lần). Không dừng lại ở đó, mà giá thành sử dụng xe cũng cao hơn các nước. Ở Mỹ đi đường cao tốc 90% miễn phí, ở Trung Quốc toàn bộ thu phí cao đến mức kỳ quặc. Trung Quốc chỉ chiếm 7% diện tích thế giới nhưng lại thu về 90% phí đường bộ thế giới. Lại còn phí qua cầu, phí chặng đường. Chưa hết, còn tiền phạt đủ loại. Ở Bắc Kinh mỗi năm bình quân thu về 400 ~ 500 nhân dân tệ tiền phạt mỗi xe, như năm 2012, thu các loại tiền phạt giao thông là 4,3 tỷ nhân dân tệ. Giá xăng cũng cao hơn gấp đôi ở Mỹ. Ở Trung Quốc anh đi một xe con một năm 20.000km cao tốc, tính ra các khoản đảng Cộng sản Trung quốc đã ăn của anh mất 13.640 nhân dân tệ.
Ở Trung Quốc, các nhà doanh nghiệp là gặp rủi ro lớn nhất. Bắt đầu từ khi anh lập doanh nghiệp là anh đã trở thành phần tử nửa tội phạm, một chân đã ở trong tù rồi. Vì anh dính đến tội trốn lậu thuế, tội đưa hối lộ, tội làm hàng giả, tội lừa đảo, tội chạy tội, và nhiều tội nữa. Dưới sự cai trị của Trung Cộng là thế, giữ đúng luật pháp là không thể thực hiện được, anh không thể không đi con đường khác. Trong môi trường này, không trốn lậu thuế đố ai sống được ? Muốn đánh sập anh, rất giản đơn, kiểm tra thuế là anh chết ngay, vào tù, nộp khoản. Không phải ai cũng thế. Riêng chị ta, vừa có danh, có sắc, có chỗ dựa sau lưng, vừa có tiền là ngược lại, an toàn tuyệt đối. Còn anh, chị không có “4 có” đó, là phải bươn chải kỹ thuật công nghệ, bươn chải phá vượt chặn đường, bươn chải tạo quan hệ, bươn chải nộp đủ loại thuế trên trời. Cho nên chỉ có ở Trung Quốc mới đẻ ra trào lưu ông chủ bươn chạy trên đường, mà thế giới không có, thấy lạ. Bị bức ép đến mức cùng đường như vậy, đành phải bỏ quê cha đất tổ, bỏ Tổ quốc Trung Hoa thân yêu mà đi. (Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc than vãn, Ông Mác nói, ông chủ bóc lột thế này thế nọ, quả là Ông vu khống, sao Ông không nói Trung Cộng bóc lột, Trung Cộng ăn cướp !)
Thuế suất quá cao, nếu cứ nộp đúng qui định chỉ có phá sản, buộc các chủ doanh nghiệp làm sổ sách giả, đây là sự phản kháng chính nghĩa đối với chính quyền Trung Cộng tàn bạo tanh máu. Thật trớ trêu, trốn lậu thuế lại là hành vi chính nghĩa !
Ở Mỹ chủ yếu thực hiện thuế trực tiếp, là thuế người giàu, tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng số thuế ở Mỹ là rất cao, như năm 2011 là 55,1%, còn người nghèo là không phải nộp thuế. (Tức là thuế chủ yếu đánh vào giai cấp tư sản, còn giai cấp vô sản được lợi).
Ở Trung Quốc hiện nay áp dụng thuế gián tiếp, người nộp thuế không biết mình đang nộp thuế. Khi anh tiêu tiền cũng là lúc anh đang nộp thuế, là thuế đầu người, không trừ miễn một ai. Chỉ 3 khoản : thuế giá trị gia tăng 17% + thuế doanh nghiệp 3% + phí phụ gia giáo dục 5% đã là 25%, toàn bộ có 18 loại thuế đều đưa vào giá cả của bất cứ sản phẩm hàng hóa nào, kể cae sữa trẻ em, bỉm trẻ em, cho nên gọi là “thuế người nghèo”, “trẻ sơ sinh vừa chào đời đã là người nộp thuế”, Ở Trung Quốc người đang nằm ngủ cũng là “người ngủ đang nộp thuế”, vì lúc ngủ đang dùng máy điều hòa, lò sưởi. Ở Trung Quốc đã là người là phải nộp thuế, kể cả người ăn xin nên gọi là “người ăn xin nộp thuế”, chó ăn thức ăn chó, nên gọi là “chó nộp thuế”. Thảm nhất là “lợn nộp thuế”, khi sống ăn thức ăn là nộp thuế, sau khi bị giết chết, thịt lợn bán ra là phải nộp thuế. Cho nên nói “Trung Quốc vạn thuế” là đúng. (“vạn tuế với “vạn thuế”dân Trung Quốc phát âm gần như nhau, nên có ý mỉa mai Trung Quốc là nước có hàng vạn thứ thuế, chứ không phải vạn tuế, muôn năm.)
Thuế Trung Quốc là “thuế kiếp bần tế phú” (cướp của người nghèo để giúp người giàu, “thuế kiếp dân dưỡng quan”. Tức là tiền thuế của dân không phải chủ yếu dùng cho dân, mà là để nuôi dưỡng 70, 80 triệu công chức, quan lại. Trong đó có những tổ chức không thuộc nhà nước, cũng phải nuôi, như các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức hội hiệp hội (có khoảng 300 Hội, Hiệp hội các loại). Như tổ chức đoàn Thanh niên Cộng sản, biên chế cán bộ chuyên nghiệp là 628.500 người, TW cấp kinh phí hàng năm là 12,856 tỷ nhân dân tệ, chi phí hoạt động cả năm của tổ chức đoàn cả nước hết 136, 58 tỷ nhân dân tệ, nhưng hiện nay trên 90% tổ chức đoàn biến chất, không hiệu quả, tê liệt về vai trò và công tác. Về tổ chức Công đoàn cũng chẳng khá hơn.
2) Quan nhiều hơn lính trong cơ cấu đội ngũ công chức Trung Quốc.
Báo nhà nước Trung Quốc đưa tin, Ủy ban tỉnh Hồ Nam, lãnh đạo Sở Thương mại có 1 cấp trưởng, 10 cấp phó; lãnh đạo Sở Giáo dục có 1 cấp trưởng, 12 cấp phó. Hoặc ở một tỉnh khác mà phóng viên tìm hiểu, Sở Khoa học công nghệ của tỉnh, lãnh đạo có có 1 cấp trưởng, 8 cấp phó sở, 44 cấp vụ, 8 cấp phòng, 21 nhân viên thường. Toàn đơn vị 82 người, từ cấp phòng trở lên 61 người. Quan 3/4; lính 1/4. Hoặc “Nam phương nhật báo” ngày 04/5/2016 đưa tin, 4 huyện nghèo khó của tỉnh Tứ Xuyên có 44 vị lãnh đạo huyện trưởng vượt biên chế 50%. Huyện Thông Giang 1 trưởng 9 phó; huyện Nam Giang 1 trưởng 10 phó; khu Ba Châu 1 trưởng 9 phó 1 trợ lý; huyện Bình Xương 1 trưởng 11 phó. Theo thói quen quan trường hiện nay, cấp phó cũng họi là huyện trưởng. Từ đó số lượng huyện trưởng của cả nước là con số khủng. Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà là tình trạng chung của mọi tổ chức trong cả nước, dẫn đến chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy không phải mạnh hơn, tốt hơn, mà ngược lại, tồi tệ hơn, trì trệ hơn.
3) Quan chức với Thái tử đảng.
“Thái tử đảng” mà ở Trung Quốc lâu nay nói đến, là chỉ các con cháu trai gái, dâu rể, các cháu bên chồng bên vợ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo từ trước đến nay, hiện đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các hệ thống đảng, chính quyền, quân đội, các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội, v.v… ở tại Trung quốc hoặc ở nước ngoài. Nói là đảng, nhưng không phải là một tổ chức chặt chẽ, mà chỉ là một tầng lớp có điểm chung đều là “con cha cháu ông” có mối liên kết lỏng lẻo, linh hoạt, tạm thời, và cũng không phải đều có cùng quan điểm nhìn nhận thống nhất đối với các vấn đề của Trung Quốc. Tuy thế, đây vẫn là một lực lượng hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, v.v… của Trung Quốc hiện nay và thường là lấy tư cách cá nhân để bày tỏ ý kiến.
Số lượng tầng lớp này thuộc con cha cháu ông quan chức cấp cao của thế hệ I, II có khoảng 1.500 người. Nếu tính đủ con cha cháu ông của các quan chức địa phương và cả thế hệ III, IV chắc sẽ hàng vạn hàng triệu người. Hầu hết họ là bộ phận lớn, nòng cốt trong đội ngũ quan chức Trung Quốc hiện nay. Dưới đây là những trường hợp nổi rõ :
Tập Cận Bình, con Tập Trọng Huân, nguyên Phó Thủ tướng;
Hạ Quốc Cường, nguyên Trưởng ban Kỷ luật TW, cháu Bà Hạ Tử Trân, vợ Mao Trạch Đông;
Chu Vĩnh Khang, nguyên Trưởng ban Chính pháp TW, con rể cháu Giang Trạch Dân;
Lý Trường Xuân, Thường vụ Cục chính trị, con Lý Đức Sinh, nguyên Phó chủ tịch TW;
Vương Kỳ Sơn, Trưởng ban Kỷ luật TW, con rể Diêu Y Lâm, nguyên Phó Thủ tướng;
Hồi Lương Ngọc, nguyên Phó Thủ tướng, thân gia với con Giang Trạch Dân;
Lý Nguyên Trào, Phó Thủ tướng, con Lý Cán Thành, nguyên cán bộ cấp cao lão thành;
Đới Bính Quốc, Ủy viên quốc vụ, con rể Hoàng Trấn, nguyên Bộ trưởng Văn hóa;
Lưu Diên Đông (nữ), Ủy viên quốc vụ, con gái Lưu Thụy Long, nguyên Thứ trưởng bộ Nông nghiệp;
Du Chính Thanh, nguyên Bí thư Thượng Hải, con Hoàng Kính, nguyên Bộ trưởng Bộ Cơ giới I và Mẹ là nguyên Phó Chủ tịch thành phố Bắc Kinh;
Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư Trùng Khánh, con Bạc Nhất Ba, nguyên Phó Thủ tướng;
Châu Tiểu Xuyên, Thống đốc ngân hàng Trung Quốc, con Châu Kiến Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ công nghiệp;
Ôn Vân Tùng, Tổng tài công ty sáng tạo khoa học Bắc Kinh, con Ôn Gia Bảo, nguyên Thủ tướng;
Từ Minh (?) con rể Ôn Gia Bảo;
Giang Trạch Huệ, nguyên Viện trưởng viện khoa học lâm nghiệp, em gái Giang Trạch Dân;
Giang Miên Hằng, Giang Miên Khang, con Giang Trạch Dân;
Lý Tiểu Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn quốc tế Hoa Năng, con Lý Bằng, nguyên Thủ tướng;
Lý Tiểu Lâm, con gái Lý Bằng;
Chu Vân Lai, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Kim dung quốc tế, con Chu Dung Cơ nguyên Thủ tướng;
Chu Yến Lai, Tổng giám đốc ngân hàng qui hoạch phát triển, con gái Chu Dung Cơ;
Vạn Bảo Bảo, nhà thiết kế đồ mỹ nghệ châu báu, cháu gái Vạn Lý;
Gia đình Đặng Tiểu Bình 12 người, gồm con trai, con gái, dâu rể, cháu bên vợ, em gái cùng cha khác mẹ, đều giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống đảng, chính, quân, kinh tế, khoa học.
Gia đình Hồ Diệu Bang, 5 người, gồm con trai, gái, dâu rể, vợ.
Gia đình Vương Chấn, cũng đến 5 người, gồm con, dâu, rể;
Gia đình Bạc Nhất Ba, có 5 người, con, dâu rể;
Gia đình Lý Tiên Niệm, 4 người, con gái, rể;
Gia đình Tăng Sơn (Bố Tăng Khánh Hồng) 10 người, gồm con, cháu, dâu, rể;
Gia đình Hồ Cẩm Đào, 5, 6 người gồm vợ, con, dâu, rể;
Trên đây chỉ là một số con cha cháu ông của thế hệ I, II, nay đã có đến thế hệ III, IV con cha cháu ông, càng đông đảo hơn. Nhưng qua đó cũng thấy được, 1) Một trong các đặc quyền của cán bộ lãnh đạo, từ thời ông Mao cho đến nay, là con cái, người thân đều được bố trí vào các vị trí then chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ, v.v… mà cán bộ bình thường, chưa nói đến dân thường đến mơ cũng không dám mơ được như vậy. 2) Lực lượng này có vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là “chủ chốt” trong hình thành các nhóm lợi ích gia tộc, trong đội ngũ công chức quan lại Trung Quốc. Như đã có nhận định tình hình tham nhũng Trung Quốc là đang gia tộc hóa nhanh chóng. 3) Các thế hệ con cha cháu ông nối tiếp nhau lên không phải dựa trên đôi chân và cái đầu của mình, mà là sự tiếp nối đứng trên vai của thế hệ cha ông trước. 4) Đây là mô thức thực chất về công tác cán bộ của Trung Cộng, chứ không phải như tuyên truyền bên ngoài nào là “qui hoạch”, nào là “cạnh tranh”, nào là theo “đức tài”, nào là “mở cửa 4 phương để chọn nhân tài”, v.v… đều chỉ là để che đậy sự thật mô thức “cha truyền con nối”, để lừa bịp dư luận xã hội mà thôi. 5) Mỗi vị lãnh đạo cấp cao cũng như lãnh đạo cấp địa phương, bộ, ban, ngành, v.v… đều là một ông vua, trong thời gian trị vì đã lo toan việc kế vị của con cháu, người thân. Triều Tiên cha truyền con nối là chỉ có một vua họ Kim. Còn Trung Quốc ngày nay, là rất nhiều ông Vua với nhiều cấp độ lớn bé, cao thấp khác nhau, nằm trong toàn bộ hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng … của Trung Quốc. Từ đó dẫn đến có sự đấu đá tranh giành, thỏa hiệp, phân chia quyền lực, lợi ích giữa các nhóm họ tộc với nhau với nhiều hình thức và mức độ khác nhau (Tình trạng này đã diễn ra phổ biến ở cấp huyện, xã.)
4) Con em dân thường đã thua ngay từ vạch xuất phát.
Ngược với con cha cháu ông là luôn chuyển động theo lối đi lên, xã hội Trung Quốc, mà con em dân thường là lực lượng đông đảo nhất trong đó lại ngày càng chuyển động theo lối đi xuống. Xu thế này ngày càng rõ rệt. Lớp trẻ, nhất là số “sau 80” đã bắt đầu xuất hiện đặc trưng của “đi xuống”. Xã hội đã từng lạc quan với ý niệm “tri thức làm thay đổi số phận”. Đáng tiếc hiện nay, với chế độ xã hội cố hữu, mô thức xã hội cố hữu, tầng lớp trẻ của dân thường đã rất khó có cơ hội lọt vào thông đạo đi lên, cho nên quần thể thế yếu, nhất là học sinh nông thôn, cho dù là tốt nghiệp đại học, cũng khó có không gian đi lên, khó nhập vào xã hội chủ lưu.
Thanh niên tầng đáy, bắt đầu đã thua ngay từ vạch xuất phát.
Đi học vào trường kém nhất hoặc trường bình thường, chỉ dựa vào phấn đấu, vào được trường trọng điểm chỉ là số ít.
Bởi gia đình nghèo khó, không mua nổi sách, máy tính, không thể đi du lich, không thể vào học thêm các lớp văn hóa nghệ thuật, cho nên mù tịt thông tin, nghèo nàn tin tức. Gặp chiêu sinh tự chủ, phải khảo về tố chất, khảo về năng lực tổng hợp, khảo về thấy nhiều biết rộng, họ chỉ có bại trận mà thôi, cho nên chỉ có rất ít vào được trường đại học trọng điểm.
Mà cho dù vào được trường trọng điểm, trong tâm can họ vẫn bị giày vò, vì họ là nghèo nhất trong lớp. Luôn từ chối mọi cuộc tụ tập vui chơi, cự tuyệt mọi cảm dỗ hàng hiệu, cự tuyệt cả cảm dỗ tình yêu, chỉ với số tiền gia đình chu cấp hoặc học bổng ít ỏi có được để hoàn thành khóa học.
Cho dù tốt nghiệp với thành tích loại ưu, nhưng vì bị ép nén trong thời gian dài, tạo ra tính cách trầm kín, buồn phiến, tự bi, lâu dần làm cho năng lực giao tiếp với xung quanh kém phát triển, trở thành một trở ngại lớn cho phát triển tương lai.
Tốt nghiệp rồi, phải tự tìm việc làm, không có chỗ dựa gia đình, ngược lại gia đình đang mong họ làm thay đổi số phận gia đình ! Đáng tiếc, công khai tuyển mộ mà như bày trò đùa, không có người khơi thông quan hệ cho anh, không có tiền để khơi thông quan hệ, vì bối cảnh gia đình, chỉ còn cách nằm lại tầng đáy xã hội mà vật lộn dần.
Chế độ xã hội, mô thức xã hội, mô thức tư duy của con người cố hữu, chẳng giúp gì cho tầng đáy xã hội có lối thông đi lên, ngược lại lối thông đi lên ngày càng bó hẹp lại.
Cục diện lợi ích xã hội cơ bản cố định, ai là người thắng, ai là kẻ thua đã rõ ràng trước mắt. Lôgích ăn thông của kẻ thắng đang phát huy hiệu dụng. Họ đã chiếm cứ nguồn lực, lối thông đi lên tốt nhất và quyền có tiếng nói. Kẻ đến sau muốn thay thế họ, cái khó là ngày càng nhiều càng lớn. Không chỉ có thế, mà chính sách sản nghiệp, nhân tài, hộ khẩu, thể chế quản lý ngành, kết cấu xã hội, cơ chế phân công xã hội, cơ chế phân phối của cải, qui tắc ngành hàng và qui tắc ngầm, giá thành cuộc sống và an cư đã trở thành trở ngại lớn cho tiến bộ cá nhân, trả giá cho phát triển cá nhân quá lớn, giá thành cho thành trưởng quá cao, lối đi biến hẹp, đâu đâu cũng không nhìn thấy bầu trời, cơ hội đã ít lại không đều.
Lôgích ăn thông của kẻ thắng làm cho tầng đáy với “giàu thế hệ II” “quan thế hệ II” khó cạnh tranh trên cùng một mặt bằng. “Giàu thế hệ II” “Quan thế hệ II” ngay khi bắt đầu đã được hưởng giáo dục, y tế, nguồn lực đời sống tốt nhất, còn “nông thế hệ II” “nghèo thế hệ II” lại chỉ có thể phấn đấu với nguồn lực ít ỏi nhất, là không bao giờ thoát ra được số phận “tầng đáy”. Nhưng tầng lớp tầng đáy này lại là lực lượng đông đảo trong cơ cấu xã hội, vậy đến bao giờ họ sẽ là lực lượng lớn trong đội ngũ công chức quan chức Trung Quốc, họ có trở thành nguồn cung cấp dồi dào cho đội ngũ công chức quan chức Trung Quốc ? Với thể chế hiện nay của Trung Cộng thì không bao giờ xẩy ra chuyện đó.
5) Quan chức không phải là công cụ của nhà nước, càng không phải là người phục vụ nhân dân, mà ngược lại.
Thời kỳ đầu của cải cách mở cửa, không mấy người thích làm cán bộ, mà thích làm kinh tế hơn. Nhưng tình hình đó chỉ sau thời gian ngắn đã thay đổi, ai cũng thích làm cán bộ. Nhiều cuộc thi tuyển công chức, số người xếp hàng đăng ký thi tuyển rất dài, rất đông mà chỉ tiêu có hạn. Hoặc trên mạng có câu hỏi nêu : “công việc mà anh muốn làm nhất là gì ?” Việc đầu tiên mà nhiều người trả lời nhiều nhất là “làm quan.” Tại sao vậy ?
Đó là vì làm quan ngày nay khác trước, nhất là làm quan Cộng sản khác làm quan Tư bản, khác làm quan ở nước dân chủ.
Khác với trước ở chỗ, trước đây cán bộ là cán bộ của dân của quần chúng, sống và lăn lộn trong dân trong quần chúng, không có “ghế riêng”, làm cán bộ là phải dấn thân vì dân, vì quần chúng, gương mẫu trong công việc, việc khó, việc nặng, việc nguy hiểm, cán bộ đều phải đi trước, làm trước, không phải nói suông, chém gió. Cán bộ không chỉ mọi hưởng thụ đều như mọi người, nhưng lại phải lo cho mọi người trước hết, không chỉ vì trách nhiệm, nghĩa vụ từ pháp lý, qui định mà còn từ lương tâm, từ trái tim của con người với con người. Cho nên ngày nay chẳng mấy ai hứng thú được làm cán bộ kiểu đó.
Còn ngày nay, khác hẳn, mỗi cán bộ là có một “ghế ngồi”. Đây là một loại “ghế ngồi có giá” và là “giá đặc biệt”, tùy theo vị trí ghế đó đặt ở đâu, như thế nào mà có giá khác nhau với mức độ “đặc biệt” cũng khác nhau. Tức là ẩn chứa bên trong mỗi cái ghế là “đặc quyền”, đặc quyền đẻ ra “đặc lợi.” Có học giả nghiên cứu phân tích về “đặc quyền” của quan chức Trung Cộng hiện nay, thể hiện ở nhiều tầng vừa rộng, vừa sâu, vừa dài, chứ không giản đơn như thời Liên Xô mà En-Xin mô tả trong Hồi ký của mình.
Đặc quyền của quan chức bao gồm trên 3 mặt cơ bản : tinh thần (được độc quyền về quyền có tiếng nói, độc quyền về có quyền có tư tưởng, độc quyền về lối thông lên trên), vật chất, quyền lực. Ba mặt này đem lại lợi ích cho bản thân, vợ (chồng), con, người tình, thân thích, bạn bè, đối tác. Không chỉ trong thời gian đương chức, trong giờ làm việc, mà cả ngoài giờ làm việc, thời gian đã nghỉ hưu, về vườn. Không chỉ những đặc quyền phục vụ cho nhu cầu công việc, mà còn những đặc quyền phục vụ cho thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào trong cuộc sống cá nhân. Đặc quyền này được chế độ hóa, có tổ chức bộ máy đặc biệt hóa, chuyên biệt hóa thực hiện chặt chẽ, chu đáo từ A đến Z của mọi nhu cầu ; và cả đặc quyền ngầm, ngoài pháp luật, ngoài chế độ hóa. Cái đặc biệt hơn nữa là trong ghế này không ẩn chứa trách nhiệm đặc biệt nào cả.
Vì là ghế “có giá” khác nhau nên “mức lợi thu về” cho người có ghế đó cũng khác nhau. Vai trò của “ghế ngồi” này đã thay đổi hoàn toàn, không còn là vì công việc mà bày ra ghế, mà đã trở thành “món hàng giao dịch” đủ loại hàng hóa, và cũng là “nơi giao dịch”, “thị trường giao dịch” đủ loại. Như tình trạng, một đơn vị, có 1 trưởng và cả chục ghế phó, không phải vì sự cần thiết của công việc, mà là “món hàng chi trả”, “hình thức chi trả”, “nơi chi trả” trong chuỗi giao dịch “quan-thương”, “quan-quan”, “quan-sắc”, “ vân, vân…”. Những ghế ngồi này không phải là để phục vụ cho cơ quan, đơn vị, cho nhà nước, chính phủ, đảng, đoàn thể, mà ngược lại, cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, đoàn thể, chính phủ, nhà nước là công cụ phục vụ cho những cái ghế này. Vì không có những cơ quan, đơn vị , tổ chức đảng đoàn thể, chính phủ, nhà nước thì không thể có những cái ghế này. Cũng giống như Giang Trạch Dân lấy đảng làm cái bình phong để thực hiện tham nhũng, tức là đảng phục vụ cho Tổng bí thư tham nhũng.
Vì là ghế đặc biệt, quí hơn nhiều so với “gà đẻ trứng vàng”, là ghế do “mua”, “bán”, “chạy”, “đòi”, “đổi”, v.v…mà có, như mọi thứ hàng hóa, có giá cả sòng phẳng, có giao dịch trao đổi, có quay vòng như quay vòng đồng vốn, để nâng cấp, nâng giá, v.v…Tức là không phải ghế của dân, do dân trao, nên dân không có quyền can thiệp, bãi miễn, hạ bệ. Và họ được ngồi vào ghế đó không phải để lo toan cho dân, mà để lo toan cho lợi ích cá nhân, của nhóm, của gia tộc, v..v…Và chọn họ để trao ghế đó cho họ không phải vì họ có tài năng đức độ phù hợp mà vì họ trả giá hữu hình và vô hình phù hợp, cao hơn.
Ngay như cao quan Trung Cộng đã nghỉ hưu, vẫn được hưởng đặc quyền không nhỏ. Kinh phi chi cho mỗi Ủy viên Cục chính trị cấp I nghỉ hưu bình quân mỗi năm là trên 6,3 triệu nhân dân tệ; Mỗi Ủy viên thường vụ Cục chính trị là 27,25 triệu nhân dân tệ. Còn có 12 cao quan do Giang cầm đầu nghỉ hưu mức chi còn cao hơn nhiều. Như Giang Trạch Dân, ra khỏi Trung Nam Hải, về địa phương Thượng Hải vẫn còn có : nhà khách quốc gia Điếu ngư đài, lầu số 5 Chiêu đãi sở Quân ủy TW ở núi Ngọc tuyền, nhà khách ngoại ô Thượng Hải, Đại công quán, khu Thái hồ Tô Châu, 3 chuyên toa có 7 khoang chứa hàng xe lửa, hai máy bay chuyên cơ dân sự, hai máy bay chuyên cơ quân sự; 3 tổ chuyên gia bác sĩ ở bệnh viện tổng quân đội, 2 tổ chuyên gia bác sĩ ở bệnh viện Hoa Đông Thượng Hải, một tổ chuyên gia bác sĩ ở bệnh viện tổng Quân khu Quảng Châu, luôn sẵn sàng chờ lệnh.
Càng khác hẳn với các ghế quan chức các nước tư bản, dân chủ. Ghế các nước này là do dân trực tiếp lựa chọn qua nhiều vòng mới trao, trong đó không chứa đựng đặc quyền, đặc lợi gì cả, mà chứa đựng rõ ràng tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm đối với công việc dân trao, và chịu sự kiểm soát của dân trong mọi nơi mọi lúc , mọi trường hợp. Rất nhiều ví dụ cụ thể để chứng minh, như Obama sang Việt Nam đi ăn bún chả là tự bỏ tiền ra. Bà Mecker Thủ tướng Đức khi đi công tác ở Trung Quốc vừa rồi, Trung Quốc bố trí ăn, ở ở nhà khách sang trọng, Bà từ chối, mà chỉ ở nhà khách và ăn tự chọn tự phục vụ như mọi quan chức khác theo qui định của nhà nước Đức. Hoặc Mã Anh Cửu, trên 20 năm từ làm thị Trưởng Đài Bắc rồi lên Tổng thống Đài Loan, hàng ngày tự mua ăn cơm hộp như mọi nhân viên trong cơ quan, về ở nhà cũ nát của bố mẹ để lại trong con phố nhỏ, chứ không lợi dụng chức quyền để làm biệt thự riêng, hoặc tu sửa lại nhà cũ nát cha mẹ để lại. Hôm hết nhiệm kỳ, bàn giao lại chỗ làm việc cho cơ quan và đón xe công cộng về nhà. Hoặc Bà Thái Anh Văn, khi còn là Phó Thủ tướng (Phó Viện Hành chính), hàng ngày đi làm cũng xếp hàng như mọi người dân đề lên xe công cộng. Nay là Tổng thống cũng thế, vẫn ăn cơm hộp ở ngoài. Ngay cả hôm Lễ nhậm chức, bộ phận lễ tân đề nghị may cho Bà bộ lễ phục, Bà từ chối, vì đang còn nhiều quần áo, không cần thiết phải phô trương.
Những quan chức này giữ các ghế này không phải vì để trục lợi cho cá nhân, cho phe nhóm, mà thực sự vì lợi ích của cử tri, của đất nước, và sẵn sàng bất cứ lúc nào, nơi đâu, trường hợp nào đều chịu sự kiểm soát của công chúng một cách công khai, đàng hoàng, không che giấu, man trá.
Vấn đề đặc quyền ở Trung Quốc đã trở thành một trong nhân tố cản trở cải cách thể chế hành chính. Một điều tra qua phiếu phỏng vấn đối với trên 500 quan chức đảng chính quyền Trung Cộng cho kết quả là, tuyệt đại đa số cho là tình trạng đặc quyền khá nghiêm trọng, cho là “hết sức nghiêm trọng” và “nghiêm trọng” là 339 người (47% số người được hỏi). Một điều tra khác, tháng 4/2015 phát ra 530 phiếu, thu về 504 phiếu đối với quan chức TW và địa phương với câu hỏi : trở ngại lớn nhất của xây dựng chính phủ pháp trị là vấn đề gì ? có 303 (60%) người cho là quyền lớn hơn pháp luật đã ăn sâu rễ chặt; có 217 người (43%) cho rằng, có luật không theo, chấp pháp không nghiêm, thậm chí rất khó khắc phục; có 132 người (26%) cho rằng lợi ích bộ ngành ảnh hưởng rất lớn đến lập pháp; có 125 người (25%) cho rằng quyền lực của đảng quá nhiều, quá lớn, can thiệp quá nhiều vào quyền lực hành chính.
Hoặc “báo cáo điều tra tiền lương và tài sản gia đình nhân viên công chức cơ quan đảng, chính quyền, nhà nước cấp địa phương toàn quốc” do Phòng nghiên cứu Quốc vụ viện, Ban Kỷ luật TW, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cùng tiến hành, công bố gần đây có các nhận xét : quan chức từ cấp Địa Sở trở lên đã hình thành tầng lớp đặc quyền quan liêu. Thu nhập công khai của họ bằng 8 ~ 25 lần thu nhập bình quân của dân thành phố ở đó, băng 25 ~ 85 lần thu nhập bình quân năm của nông dân tại đó. Đến cuối tháng 6/2010, tiền gửi ngân hàng của cá nhân toàn quốc là 7.520 tỷ nhân dân tệ. Trong đó của quan chức cấp huyện, vụ trở lên, kể cả số đã nghỉ hưu và cá nhân gia thuộc của họ đạt 4.000 tỷ nhân dân tệ. Từ khi Trung Cộng thực hiện cải cách tiền lương đến năm 1999, mức tiền gửi ngân hàng đều tăng rất cao, đại thể bằng 80% đến 90% tổng mức tiền lương. Đến năm 2002, tổng mức tiền lương khoảng 1.200tỷ, nhưng tiền gửi ngân hàng tăng lên 1.500 tỷ nhân dân tệ. Có nghĩa là tiền lương phát ra, không những không bị người lĩnh lương ăn tiêu đi một đồng nào, mà còn dư 300 tỷ (tương đương tổng kinh phí giáo dục quốc dân năm đó) cũng gửi vào ngân hàng. Đây là hiện tượng kỳ quái chỉ có ở Trung Quốc, chỉ có thể có một cách giải thích : tiền của bị lấy đi dưới hình thức phi tiền lương đã tập trung vào trong tay số ít người giàu trước. Bởi vì dân chúng Trung Quốc, ngoài tiền lương ra khó có nguồn thu nhập nào khác, chỉ có “tinh anh” quyền thương và tham quan ô lại mới có thu nhập phi pháp. Điều này nói lên rất rõ, “tinh anh” quyền thương và tham quan ô lại Trung Cộng đang tăng nhanh tham nhũng tiền bạc, làm cho tổng tiền gửi cá nhân vào ngân hàng hằng năm đều tăng vượt nhanh hơn tổng mức tiền lương toàn quốc phát ra.
Còn có một hố đen kim tiền khác là thị trường cổ phiếu Trung Cộng biến đổi khôn lường. 6.000 tỷ nhân dân tệ trong thị trường chứng khoán, thị trưởng cổ phiếu này, cán bộ Trung Cộng và gia thuộc của họ đã chiếm 75% (4.500 tỷ). Hơn 10 năm nay, 70 triệu dân chơi cổ phiếu Trung Quốc đầu tư 3.000 tỷ tiền mặt vào thị trường cố phiếu, chỉ còn 1.000 tỷ; còn lại cục tiền lớn 2.000 tỷ đã bị liên minh quan thương chiếm đoạt xài hết.
Về khoảng cách thu nhập giữa quan dân thế nào ?
Năm 2007, thu nhập bình quân năm/người dân thành phố Thâm Quyến là 32.650 nhân dân tệ, tài sản của quan chức từ cấp Địa Sở trở lên là giữa 7 triệu đến 12 triệu nhân dân tệ. Bình quân tài sản của họ tương đương tổng số tiền lương 250 năm đến 300 năm của một người dân thành phố Thâm Quyến bình thường.
Tại diễn đàn quản lý tài sản Trung Quốc năm 2004, Tập đoàn Mỹ Lâm đã phát biểu, năm 2003 Trung Quốc có 240.000 triệu phú đôla, nắm 969 tỷ usd, tương đương tổng tài sản xã hội của 1,3 tỷ dân Trung Quốc làm ra năm 2003, tức là chiếm không đến 2 phần vạn dân số, nhưng nắm 80% tiền gửi ngân hảng của toàn thể cư dân thành phố nông thôn Trung Quốc. Chỉ riêng một tháng 11 năm 2005, gia thuộc quan chức các cấp đã tranh nhau mua vào 50 tấn vàng các loại (vàng thỏi, đồng tiền hàm 99% vàng, vàng trang sức). Hoặc theo tin của Bình luận kinh tế Viễn đông, đến cuối tháng 3/2010, tài sản của tư nhân Đại lục có được trên 100 triệu nhân dân tệ (không kể tài sản ở nước ngoài, tài sản của người nước ngoài) có 3.220 người. Trong đó 2932 người (trên 90%) là con cái các cao quan, tài sản của chúng có trên 2045 tỷ nhân dân tệ, bình quân mỗi người 670 triệu nhân dân tệ. Trong số họ, Quảng Đông có 1566 người, Triết Giang :462 người; Thượng Hải 225 người; Bắc Kinh 195 người; Giang Tô 172 người; Sơn Đông 141 người; Phúc Kiến 92 người; Liêu Ninh 79 người. 85 ~ 90% vị trí chức vụ hạt nhân của 5 lĩnh vực quan trọng nhất là kim dung, ngoại thương, bất động sản, … đều nắm trong tay con cái quan chức cao cấp. Thân thuộc quan chức cao cấp định cư ở nước ngoài có trên 1 triệu người, trong đó có trên 200.000 người là con cái quan chức cao cấp. Tài sản cá nhân vợ hoặc chồng của cán bộ cấp Địa, Sở trở lên của 7 tỉnh thành phố : Quảng Đông, bình quân từ 8 triệu đến 22 triệu nhân dân tệ và bình quân có 3,5 ngôi nhà với 600 đến 900m2; Thượng Hải, bình quân từ 8 triệu đến 25 triệu nhân dân tệ và bình quân có 2,5 ngôi nhà với diện tích 450 đến 850m2; Triết Giang : 7 triệu đến 20 triệu nhân dân tệ và 3 ngôi nhà với 500 đến 650m2;Giang Tô : 7 triệu đến 18 triệu nhân dân tệ và 3,5 ngôi nhà với 600 đến 800m2; Phúc Kiến : 7 triệu đến 16 triệu nhân dân tệ và 2,5 ngôi nhà với 500 đến 600 m2; Sơn Đông : 7 triệu đến 15 triệu nhân dân tệ và 2,5 ngôi nhà với 500 đến 700m2; Liêu Ninh : 7 triệu đến 14 triệu nhân dân tệ và 3 ngôi nhà với 600 đến 850m2. Đây là chưa tính đến tài sản cá nhân thân thuộc của số cán bộ tập trung ở Bắc Kinh.
Từ phân hóa hai cực giàu nghèo giữa quan chức với dân đã phát triển thành “8 lĩnh hóa” giai cấp xã hội.1) Hắc Lĩnh, thu nhập năm trên 50 triệu, tài sản trên 500 triệu nhân dân tệ, gồm quyền quí, quan tham, đại doanh nhân có bối cảnh có quan hệ, ông chủ lớn, quan thế hệ II, giàu thế hệ II. Có đặc điểm là của nhiều thế lớn, hưởng đặc quyền quí tộc, phần nhiều có hộ tịch thẻ xanh nước ngoài, trang phục và tâm địa như nhau đều là màu đen. 2) Nhục lĩnh, thu nhập năm trên 2 triệu, tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ. Đại diện là tầng lớp trên giường của Hắc lĩnh, II, III, …. cho đến 100 trong vòng bầu sữa, vòng tiểu thiếp, tình phụ, … Đặc điểm của Nhục lĩnh là vóc dáng khêu gợi tính dục, mặt trái xoan hoặc đầy sức cuốn hút, dựa vào thân xác của mình để kiếm phú quí. Rất nhiều đã dời ra nước ngoài. Trang phục đều để lộ Nhục. 3) Kim lĩnh, thu nhập năm trên 1 triệu, tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ. Đại diện là giới kim dung, chứng khoán, ngân hàng, đầu tư, tín dụng ngầm. Đặc điểm là tư tưởng và công việc như nhau đều là Kim bản vị. 4) Hồng lĩnh, thu nhập năm trên 500.000, tài sản trên 5 triệu nhân dân tệ. Đại diện là công chức bình thường, tầng quản lý xí nghiệp quốc hữu bình thường, nhân viên biên chế đơn vị sự nghiệp. Đặc điểm là công việc thong dong, thu nhập ổn định, phúc lợi cao.
4 lĩnh này là thuộc giai tầng thống trị.
5) Bạch lĩnh, người đi làm thuê bằng lao động trí óc, như các nhân viên nghiên cứu phát triển công nghệ công trình, nhân viên văn phòng, nhân viên kế hoạch, nhân viên nghiên cứu khoa học xí nghiệp tư, thầy giáo các loại trường học. Đặc điểm là dựa vào trí thức chuyên môn và cái đầu, cần mẫn lao động để có được tiền lương đủ sống. Tiền lương cũng như trang phục của họ là thanh bạch. 6)Lam lĩnh, những người làm thuê bằng lao động thể lực, như công nhân kỹ thuật giây chuyền một của nhà máy, người sửa chữa máy điện thoại di động, sửa chữa đồng hồ, thợ chuyên lắp đặt sửa chữa, thợ mộc, thợ gốm, đầu bếp, … Trang phục làm việc của họ đều màu lam. 7) Nê lĩnh, thu nhập năm dưới 50.000 nhân dân tệ. Như người lao động tầng đáy thành phố, nông dân công, nông dân, người dọn rác. Họ dựa vào bán sức lao động, máu và mồ hôi, sức khỏe để có được số tiền vừa đủ lót dạ. Quần áo của họ đều đầy bùn đất. 8) Thi lĩnh, thu nhập năm dưới 5.000 nhân dân tệ, gồm nông dân mất sức lao động, nông dân mất ruộng đất, người thất nghiệp thành phố, người già tầng đáy. Họ không có thu nhập, không có tích trử, luôn thiếu ăn thiếu mặc để qua ngày. Hễ khi đã sa vào tầng lớp Thi lĩnh, dần dần hiện rõ quang cảnh của thế giới bên kia, chẳng đợi bao lâu sẽ là một cộ thi thể.
4 lĩnh này là thuộc tầng lớp bị thống trị.
Như vậy có thể thấy, kết quả của “kiên trì 4 nguyên tắc cơ bản” quan chức của đảng lũng đoạn tất cả mọi quyền lực để giàu lên trước. Nào là “lợi là mưu cho dân”, nào là “đặc sắc Trung Quốc”, nào là “cùng giàu có”, tất cả đó đều là những lời quỉ quái ngu dân lừa người, chỉ có : giữ vững địa vị đặc quyền của đảng Cộng sản giàu lên trước, đây mới là sự thật, mới là chân tướng quan trọng nhất. Đúng như lời của một quan chức Mỹ đã sống và làm việc 20 năm ở Trung Quốc, chỉ đúng tim đen : vấn đề của Trung Quốc, kỳ thực rất giản đơn, tức là vấn đề của khoảng 500 gia đình đặc quyền. 500 gia đình này, cộng thêm con cháu, thân hữu và người làm việc xung quanh họ, tạo thành một hệ thống hạt nhân 5.000 người. Giữa họ còn tồn tại phổ biến mối quan hệ thông hôn, liên hôn. Họ lũng đoạn quyền lực, hình thành tập đoàn lợi ích, ra sức bảo vệ hiện trạng, và tạo ra lời nói bậy bạ “hễ khi dân chủ, là thiên hạ đại loạn”; tỷ mấy dân Trung Quốc đều trở thành con tin của cái tập đoàn nhỏ này, đang là thách thức lớn đối với Tập Cận Bình.
6) Đội ngũ quan chức đang rối loạn trước cuộc “đả hổ diệt ruồi” của Tập.
Cuộc “đả hổ” “diệt ruồi” của Tập đang đi vào cả chiều rộng, chiều sâu, ngày càng quyết liệt, đụng đến mọi nhóm lợi ích của các phái lớn bé, mà tập trung nhất là vào phái Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng. Những hổ lớn thuộc “tân tứ nhân bang” đã bị trừng trị. Các nhóm lợi ích, các phe phái luôn tìm cách chống đỡ, nhưng sức chống đỡ ngày càng yếu dần, nhất là vào giai đoạn quyết chiến quyết định hiện nay.
Trước tình thế mới, đội ngũ công chức quan lại đã tỏ ra rối loạn với nhiều mức độ khác nhau :
Thứ nhất, không làm việc, hoặc làm việc hời hợt không chuyên tâm, giả bệnh để nghỉ việc. Những quan chức hiện nay đều là từ trong cái lò “tham nhũng trị quốc” của Giang Trạch Dân mà hình thành, phát triển lên. Có thể nói, trong mỗi con người quan chức ít nhiều đều có “gien tham nhũng”, ít nhiều đều có tội tham nhũng. Từ khi Tập Cận Bình phát động cuộc chống tham nhũng đến nay, đã có trên 100.000 quan chức bị xử lý, những quan chức khác đều ngay ngáy lo sợ lúc nào thì đến lượt mình, chưa biết ứng phó thế nào, đã bằng cách lãn công, không làm việc. Như đợt giám sát lớn hồi tháng 5, 6 năm 2015 tiến hành ở 7 tỉnh đã phát hiện có 59 cán bộ không làm gì cả, và đã bị xử lý. Hoặc hai năm gần đây, hiện tượng “bệnh nhẹ, điều trị lâu dài”, “giả đò bệnh để nghỉ việc”, “xin nghỉ phép giải quyết việc riêng” phổ biến. Có tin đưa, cao quan cấp tỉnh, bình quân năm nghỉ 31 ngày; cán bộ cấp Địa, Sở bình quân nghỉ 52 ngày; cấn bộ cấp huyện, vụ bình quân nghỉ 45 ngày. Các nhà phân tích đưa ra hai nguyên nhân của hiện tượng này, một là, các quan chức đã quen với các loại “đặc quyền” của thể chế này, đặc quyền này là chất ma túy, là chất kích thích mạnh để làm việc; nay Tập đánh đổ các đặc quyền này, coi như cắt chất kích thích, đã gây nên bộ phận lãn công để phản ứng, làm cho bộ máy ngừng chạy hoặc chạy số không; hai là, phần lớn những người ngựa của Giang dựng lên trong thời gian dài vừa qua liên tục bị ngã, nên cố tình chống lại bằng hình thức “không làm việc, để cộ máy chạy không.”
Thứ hai, tình trạng đấu đá chốn quan trường đang dần dần bạo lực hóa. Ngày 18/6 vừa rồi, hai quan chức của Cục thuế Quảng Tây ẩu đả nhau một chết, một bị thương. Tháng 6/2010, Cao Đạt Minh, Phó Cục trưởng với Lương Nhật Thiêm Cục trưởng Cục dân chính tỉnh Quảng Đông cãi nhau từ lầu trên xuống Phòng làm việc ở lầu dưới không dứt, hai bên lấy thanh sắt đuổi đánh nhau. Tháng 5/2013, Vương Tiên Minh Trưởng phòng với Tăng Ngô Khôn Phó phòng của Cục Giám sát chất lượng, thị Hằng Dương tỉnh Hồ Nam, đánh nhau tại phòng làm việc, mũi của Tăng Ngô Khôn bị cắn đứt, ngón tay của Vương Tiên Minh cũng bị thương, nguyên nhân chỉ là Tăng Ngô Khôn đề nghị Trưởng phòng cho mượn xe công đưa mẹ vợ đi dự sinh nhật bị từ chối. Buổi sáng ngày 06/8/2013, Tiêu Văn Mệnh, thành viên Ban Cán sự đảng Cục khoa học công nghệ huyện Hình Đông, lấy lý do hội báo công việc vào phòng làm việc Chu Song Kiều Cục trưởng và đưa ra nhiều yêu cầu, nhưng không thể thỏa mãn, Tiêu Văn Mệnh lấy gạt tàn thuốc lá ném vào đầu Cục trưởng bị thương. Tháng 4/2014, Trần Ngọc Thân, đại đội trưởng giám sát môi trường của Cục bảo vệ môi trường một huyện Hà Bắc đánh nhau với Quách Chinh Hoa, trung đội trưởng cấp dưới. Và rất nhiều vụ việc ở khắp nơi Trung Quốc.
Tất cả nói lên tinh lưu manh “giả, ác, đấu” của quan chức Trung Cộng, văn hóa chốn quan trường đang ngày càng xấu đi nghiêm trọng.
Thứ ba, có nhiều quan chức “tự sát” chết, mất tích vô cớ, không rõ nguyên nhân.
Theo một số liệu thống kê nội bộ Ủy ban Kỷ luật TW năm 2013 truyền trên mạng, quan chức các cấp Đại lục mất tích, chạy ra ngoài, tự sát nhiều đến trên 16.000 người. Trong đó mất tích trên 6.500 người, tự sát trên 1.200 người, chạy ra ngoài trên 8.300 người. Nhưng không dừng lại ở con số đó, mà ngày càng tăng. Có con số thống kê từ ngày 01/1/2013 đến ngày 31/12/2015 có 81 vụ quan chức tự sát. Năm 2016, hầu như tháng nào cũng xẩy ra quan chức tự sát, thậm chí có ngày xẩy ra 2 vụ (Ngày 12/6 vừa rồi tại Quảng Đông, Lưu Tiểu Hoa, Phó Văn phòng tỉnh ủy Quảng Đông tự sát; Tiêu Bích Ba, nữ Cục trưởng Cục bảo mật của tỉnh ủy cũng tự sát).
Số quan chức tự sát, đủ mọi lĩnh vực, ngay cả một số Hiệu trưởng trường Đại học, đủ các cấp bậc, từ thứ trưởng, trung tướng, thượng tướng trở xuống đều đủ cả, trong đó cấp giữa nhiều hơn. Một số nhảy sông, nhảy cầu, phần lớn là nhày lầu tại nơi làm việc.
Tại sao họ tự sát ? Chẳng có cơ quan nào điều tra, hoặc có điều tra nhưng không công bố rõ sự thật, phần lớn đưa tin là do “bị áp lực công việc”, “do bị bệnh tâm thần”, do “áp lực bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối”, v,v…
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, phần lớn những người này liên quan đến bản thân tham nhũng, hoặc là một khâu quan trọng trong giây tham nhũng đang bị điều tra sắp đến lúc có kết luận, thì đã tự sát hoặc “bị tự sát” (bị giết để bịt đầu mối). Tính toán của những quan tham này là “thà gặp Diêm vương hơn gặp Lão Vương” (Lão Vương là chỉ Vương Kỳ Sơn, Trưởng Ban Kỷ luật TW). Nếu để gặp Lão Vương, nhất định sẽ vào tù, mất hết tài sản tham nhũng có được của bản thân hoặc của cả nhóm lợi ích, lại còn mang tiếng xấu đối với gia đình, họ tộc, Còn gặp Diêm vương, chỉ thiệt một mình, quả thực tham nhũng có được không mất hết, ít ra vợ con, người thân vẫn được hưởng; hoặc chỉ thiệt một mình, bảo vệ được lợi ích của nhiều người trong nhóm, và họ sẽ không để vợ, con, gia đình mình thiệt. Hơn nữa, chết rồi, coi như vụ án chấm dứt, không co cơ sở tiếp tục điều tra, không có cơ sở kết tội, tức là bản thân vẫn giữ được cái “đặc quyền” danh dự.
Mặt khác về thể chế, Luật Hình sự Trung Cộng qui định, công chức nhận tài sản có giá trị 5.000 nhân dân tệ là cấu thành tội nhận hối lộ. Thiết kế luật pháp với chống tham nhũng chưa từng có trước đây, làm cho tham nhũng và chống tham nhũng, kỳ thực đã trở thành giao dịch chính trị để mua sự trung thành của quan chức. “Chính nghĩa xã hội” mãi mãi không có trong một chính quyền chuyên chế, và cũng không coi là luân lý cầm quyền. Giá trị chính nghĩa mãi mãi thấp dưới báo đáp trung thành. Đồng thời, khi luật pháp bật đèn xanh cho quan chức, hoặc bản thân quyền lực đại diện cho luật pháp, quyền lực là trụy lạc xấu xa. Chế độ quan chức không do dân bầu mà lại suốt đời, chế độ quyền lực không chịu sự giám sát, là mảnh đất tốt tuyệt vời cho kẻ cầm quyền lớn bé.coi trời bằng vung. Một Bí thư thôn cũng đã là “Thổ hoàng đế”. Họ đối với dưới, với dân là đàn áp, đối với cấp trên, bang chủ, tổ chức đảng là nô lệ, trung thành. Đây là điểm phân liệt lớn nhất giữa quan chức là kẻ quyền lực với cộng đồng người xã hội không có quyền lực, không có chính nghĩa, lâu dần trở thành chuyện bình thường. Chuyện quan chức tự sát, đây là một trong các sản phẩm phụ quái thai của một chế độ tà ác, cũng chẳng ai thèm quan tâm.
Thứ tư, quan chức bỏ chạy ra ngoài. Số người chạy ra nước ngoài, gồm nhiều loại, như số bất đồng chính kiến, số lưu manh trộm cướp, số học giả nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp Trung Quốc, các quan chức và gia thuộc Trung Quốc. Ở đây chủ yếu nói đến tầng lớp quyền quí – tầng lớp trung sản + quan chức chạy ra nước ngoài trong những năm gần đây. Theo một số báo chí đưa tin, từ năm 1994 đến năm 2003 có trên 3 triệu 148 ngàn người Trung Quốc di cư ra nước ngoài, trong đó có trên 72.600 nhà phú hào; từ năm 2004 đến 2013 có gần 3 triệu 400 ngàn người, trong đó có trên 143.700 phú hào. Tài sản họ mang theo và lượng tiền phi pháp chảy ra ngoài trên 15.110 tỷ nhân dân tệ. Đây chỉ là con số bảo thủ, nhưng đã tương đương 23% GDP năm 2014.
Rất nhiều quan chức đều đưa vợ con ra nước ngoài trước, với danh nghĩa buôn bán và con du học. Sau khi có được hộ tịch và thẻ xanh nước ngoài, lần lượt chuyển tài sản ra nước ngoài, bản thân ở nhà một mình, từ rất sớm trong một cuộc họp Nhân Đại, một đại biểu gọi những quan chức này là “lõa quan” (quan lõa thể, ở một mình). Từ năm 1995 đến 2005, cả nước có 1 triệu180 ngàn “lõa quan”. Viện Khoa học xã hội trong “Sách xanh pháp trị” năm 2012 chỉ rõ, 46,7% công chức thừa nhận con cái họ có hộ tịch nước ngoài hoặc thẻ cư trú vĩnh viễn ở nước ngoài. Trong đó có trên 50% là quan chức cấp huyện, vụ trở lên. Một thông tin của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận đưa ra, số phú hào Trung Quốc đã di dân và đang di dân lên cao đến 64%, và nay đang tiếp tục tăng lên, đang là làn sóng thứ ba chạy ra nước ngoài.
Trong số những người chạy sang Mỹ, các nước phương tây này, có không ít quan chức đã từng phê phán gay gắt chế độ Mỹ, chế độ phương tây. Có không ít liệt sĩ cách mạng đã từng di chúc con cháu thế hệ sau phải kế thừa chí khí liệt sĩ cách mạng là phải tiếp tục chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, nhưng nay con cháu họ đã là công dân nước Mỹ.
Tại sao họ lại bỏ quê hương, đất nước ra đi. Có nhiều lý giải khác nhau :
Ông Lương Phát Phất, từ thực tế sự kiện lịch sử, thời quân Anh vào xâm chiếm Trung Quốc, cũng như thời Nhật xâm chiếm Trung Quốc, dân chúng không có tổ chức gì để phản kháng, mà coi đó là việc của Triều đình, còn dân chúng vẫn cung cấp lương thực thực phẩm cho họ, trừ khi họ xâm hại lợi ích cụ thể của dân chúng, mới bị chống lại. Trong thời gian dài, dân Trung Quốc sống trong sự tranh đoạt giữa các bang phái, các họ tộc, dẫn đến họ chỉ lo cuộc sống cụ thể của mình, bang nọ phái kia cũng đều như nhau. Lâu dần người dân không có khái niệm “quốc gia” rõ rệt. Còn kẻ thống trị lấy quốc gia làm tài sản riêng của nhà mình, khi kẻ chính phục kẻ áp bức áp đặt lên dân thường làm đối tượng bị nô dịch, thì dân chúng không mặn mà nhiệt tình hy sinh tính mạng với quốc gia này, chính phủ này. Cho đến hôm nay, Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi cài vòng quỉ quái này, trước đây, quốc gia là thuộc về Hoàng đế, còn nay thuộc về ai ? Cái gọi là nhân dân, vẫn y nguyên là thần dân, chưa phải là công dân. Công dân đại diện dân chúng của một quốc gia có ý thức tham dự và quyền lợi tham dự đối với trị lý xã hội và quốc gia. Nhưng hiện thực tình hình là đòi hỏi người dân tuyệt đối phục tùng, không có một tý nào tôn nghiêm, càng không có quyền lợi quản lý quốc gia, vẫn là quần thể bị nô dịch. Một kẻ trí đã từng nói : điều tà ác nhất của chuyên chế, không phải tự do của anh bị đoạt mất, mà là đã loại trừ nghĩa vụ trách nhiệm của anh. Khi độc tài trở thành sự thực, chống trả lại , là nghĩa vụ trách nhiệm. Đánh mất tự do, anh chỉ có thể trở thành nô lệ, quên mất nghĩa vụ và trách nhiệm, anh sẽ mãi mãi là kẻ nô lệ. Mất tự do là đáng sợ, nhưng mất nghĩa vụ và trách nhiệm lại càng đáng sợ gấp bội phần.
Chính vì vậy, mà những người này ra đi là chuyện bình thường, chẳng có gì lưu luyến, bịn rịn với cái quốc gia không thực sự thuộc về mình.
Tôn Lập Bình, giáo sự Đại học Thanh Hoa, lại từ góc độ mất cảm giác an toàn để xem xét. Ẩn chứa đằng sau người có tiền, người có tri thức là không có được cảm giác an toàn, thể hiện ở chỗ họ đều chỉ tìm cơ hội đầu tư, làm ăn ngắn hạn, không muốn nghĩ đến những qui hoạch, dự án dài hạn. Vì họ không nhìn thấy phương hướng cái quốc gia này đi như thế nào, thậm chí lo ngại đến an toàn tài sản của mình. Chính vì vậy mà những người này ngày càng ra đi nhiều hơn, chừng nào hướng đi của quốc gia này rõ ràng sáng sủa, may ra cuộc ra đi mới giảm chậm lại, chứ chưa thể dừng.
Còn nhà kinh tế học Đại Lục Dịch Hiến Cốc, đưa nguyên nhân cụ thể của ình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay đang chậm lại, đang gặp những trở ngại cụ thể “4 cao” là giá nhà cao, vật giá cao, thuế thu cao, ô nhiễm cao và méo mó về giáo dục, tức là môi trường đầu tư đang đà xuống thấp, nên chọn con đường ra đi.
Các học giả nhận định tình hình chạy ra ngoài này lên một tầm mới, coi là đảng nổi lên một cuộc “cách mạng thiên di”. Những người chạy đi này, không chỉ họ mang đi tài sản, tri thức và công nghệ của mình, nhìn vào tầng sâu hơn, là họ đã mang đi linh hồn cột đỡ cho phát triển kinh tế tương lai của Trung Quốc. Đồng thời, họ lại mang đến nguồn lực mới cho nước sở tại mà họ đến phát triển.
Tham nhũng mất kiểm soát, kỳ thức là mất kiểm soát quan chức, mất kiểm soát quyền lực, rối loạn quyền lực. Đây là hiện thực chân thực nhất của Trung Cộng.
7) Những chất liệu để hình thành đội ngũ công chức quan lại Trung Quốc hiện nay.
Một số nét tình hình đội ngũ công chức quan lại Trung Quốc hiện nay như mô tả trên, đặt ra một vấn đề là mảnh đất nào đã sản sinh ra một dạng công chức quan lại “đặc sắc” Trung Quốc như vậy ? Đó là mảnh đất không phải chứa nhiều NPK như đất nông nghiệp, mà là loại đất đặc biết, rất “đặc sắc” Trung Quốc gồm “5 bản vị hòa quện với nhau”, gồm “quan bản vị + đảng bản vị + gia tộc bản vị + kim bản vị + sắc bản vị”.
“Quan bản vị” thực chất là “quyền lực bản vị”, mà người Trung Quốc rất sùng bái được làm quan, và đã ẩn chứa “gien văn hóa tham nhũng” trong đó. Làm quan sẽ thực hiện được ước vọng cá nhân và đem lại vinh quang cho tiên tổ, cho “cả họ được nhờ”. Với thể chế Trung Cộng dẫn đến cuộc đấu tranh giành giật quyền lực, giữ vững quyền lực đã có được đã diễn ra từ thế hệ Mao, Đặng cho đến nay. Chỉ có làm quan mới có quyền lực, mới có đặc quyền về mọi mặt. Cho nên “Quan bản vị” là mục tiêu hướng tới của mọi người, nhưng nó đang cấu thành khối u ác tính của chế độ, hễ khi làm quan được hưởng đặc quyền suốt đời.
Nhưng với thể chế Trung Cộng, chỉ có “quan bản vị” thì chỉ là điều mong muốn mà thôi, mà phải có “đảng bản vị” mới có khả năng thực hiện “quan bản vị”, bởi vì anh không thuộc họ đảng, không trung thành với họ đảng, thì cũng không thể. (Chữ Trung Quốc, tính đảng, chữ tính đồng âm, nhưng có 3 nghĩa : tính chất, tính dục và là họ). Mà trung thành với họ đảng là phải trung thành với “hạt nhân” của đảng, tức “Bang chủ”, chứ không phải trung thành với dân, với đất nước. (Như Lưu Vân Sơn trung thành đến cùng với Giang Trạch Dân.)
Trong cái “đảng bản vị” cũng không phải chỉ một họ tộc, mà có nhiều họ tộc trong đó, lại phải có ý thức “gia tộc bản vị”. Như nói họ đảng, nhưng là họ Giang, hay họ Tăng, hay họ Tập, hay họ nào đó, mới có thể thực hiện được “quan bản vị”.
Dưới thể chế Trung Cộng, “qụan bản vị” là có giá trị và giá cả như mọi hàng hóa khác. Cho nên đi kèm theo đó phải là “kim bản vị”. Như đã thấy, trong quân đội có mức giá rõ ràng cho mỗi cấp quân hàm. Ngoài dân sự lại càng như thế, hơn thế. “Kim bản vị” vừa là điều kiện vừa là mục tiêu.
Ngoài ra còn có “sắc bản vị”, đây vừa là nhu cầu thiết thân của mọi quan chức, vừa là “nguồn vốn tự có” của bộ phận người để trở thành quan chức, và còn là truyền thống của họ đảng từ xưa đến nay. (Như Mao đã chơi với cả ngàn cô gái, Chu cũng không kém, Đặng cũng chỉ vì ngủ với vợ bé của Bố mà chạy sang Pháp kiếm việc làm cho khuất mắt cái xấu xa, đến Giang Trạch Dân và thuộc hạ lại càng kinh khủng).
Năm cái bản vị này hòa quện với nhau đã sản sinh ra một dạng đội ngũ quan lại Trung Quốc đậm “đặc sắc” Trung Quốc. Đây là thách thức không nhỏ đối với Tập, tiếp tục sử dụng đội ngũ này ư ? khó, Xây dựng đội ngũ mới ư ? không dễ./.
(Nguồn: tham khảo: mạng chính thống và phi chính thống ở Trung Quốc.)