Những góc nhìn Văn hoá

"Chấn thương" trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp

1. Giá trị của văn học trước hết nằm ở chỗ khả năng và khát vọng chiếm lĩnh hiện thực. Đấy là cái hiện thực nóng bỏng tại thời, những trạng thái tồn tại của hiện thực.

Nhưng cuộc sống luôn luôn là một quá trình, và nó không bao giờ tồn tại độc lập hay cô lập với truyền thống, nó luôn luôn tồn tại trong sự bao bọc, bảo trợ hoặc thậm chí, trì kéo của truyền thống - những tư duy quá khứ cố đeo bám để điều chỉnh hoặc níu kéo tinh thần hiện đại, trong các văn bản được nhà cầm quyền ban bố, được các học giả trình bày trên các trang viết, hoặc là - phần này có vẻ quan trọng hơn - tồn tại dưới dạng những kí ức ăn sâu trong huyết mạch, không chỉ một vài cá nhân, mà trong cả cộng đồng. Sự di truyền, hay sự lưu giữ và tái hiện các vấn đề của cuộc sống, của quá khứ vì vậy, mặc nhiên trở thành một nhu cầu, một thuộc tính của văn học nói chung, không phải là độc quyền của văn học dân gian với tư cách là những sáng tạo tập thể. Quan sát văn học thế giới và văn học Việt Nam, nhất là những năm gần đây, có thể thấy một xu hướng khá quan trọng đang thành tựu, là nhà văn đang khắc khoải tìm cách viết điều đó lên bằng sự hòa trộn kinh nghiệm cộng đồng với trải nghiệm đau đớn của cá nhân. Đấy là một điều có thể nói đến khi lí giải về cảm hứng lịch sử - quá khứ trong các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Mai Thục, Sương Nguyệt Minh, Hòa Vang... và Nguyễn Huy Thiệp.

Cho đến nay, mặc dù đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ khi Phẩm tiết, Vàng lửa, Kiếm sắc... được công bố, chúng ta có lẽ vẫn đủ cơ sở để khẳng định rằng, trong số các cây bút viết về những mẩu chuyện, những nhân vật của lịch sử, của quá khứ, Nguyễn Huy Thiệp là thuộc số ít người thành công và có đóng góp. Và, bên cạnh những nhân vật lịch sử như Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, Nguyễn Trãi, Đề Thám..., trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp còn xuất hiện những nhân vật như Trương Chi, Tú Xương, Xuân Hương, nhà văn họ Vũ, sự xuất hiện phảng phất của Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn... cạnh đó nữa là Đồ Hoạt, cạnh đó nữa là các nhân vật trí thức, dĩ nhiên phần lớn là những trí thức luôn mang trong mình tâm trạng “thương nhớ đồng quê” như giáo Triệu, giáo Quỳ... Điều này có lí do biện chứng mà chúng tôi sẽ chỉ ra ở phần sau.
Trong một luận văn thạc sĩ do chúng tôi hướng dẫn, bảo vệ năm 2010, khi lí giải cội nguồn của cảm hứng tìm về quá khứ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, tác giả luận văn đã bắt đầu từ cái nhìn xuyên suốt lịch sử, đặc biệt tập trung vào khoảng ba trăm năm cuối cùng của thời trung đại, nhìn thấy những bấp bênh của lịch sử và số phận nhỏ bé của con người - những thực thể nhỏ bé luôn có thể bị nghiền nát dưới những bánh xe đầy nhầm lẫn, đầy tai nạn của lịch sử.(1) Ở đây, chúng tôi muốn nói thêm rằng, chính những nhầm lẫn, những tai nạn của lịch sử ấy, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp như chúng ta đã thấy.
Một cảm hứng khá nổi bật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là cảm hứng của sự chấn thương. Nhiều khi văn chương của ông như là sự gợi nhớ kí ức của dân tộc về những va chạm vượt ngưỡng, tạo thành những vết thương không thể mô tả trong những cấu trúc mang nghĩa; nằm ngoài khả năng tiếp cận, kiểm soát bằng lí tính của chủ thể tri nhận. Nó chảy một cách khắc khoải, lặng lẽ trong tiềm thức, và thúc giục chủ thể phải mô hình hóa nó bằng cây bút một cách vô thức. Và bởi vì, những ý niệm chấn thương ấy không thể diễn tả bằng các khái niệm chính trị, đạo đức, tình cảm... nên sẽ hóa thân trong các hình tượng văn học, trong trường hợp này là truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Chính những hình tượng văn học, cùng với những suy tư của người đọc sẽ tạo khả năng kết nối những sự kiện vốn đã khiến tư duy lí tính, ý thức tỉnh táo trở nên bất lực. Và sự bộc lộ này nhiều khi nằm ngoài tầm kiểm soát, ngoài ý đồ biểu đạt của người viết bởi chính anh ta cũng không hề ý thức được, không kiểm soát được những kinh nghiệm chấn thương vốn thuộc về cộng đồng. Điều đó dẫn đến hiện tượng lệch pha trên bề mặt văn bản, giữa cái được suy ra so với cái biểu đạt trên bề mặt văn bản.
Cần nói thêm rằng chấn thương trong văn học không phải là sản phẩm tùy tiện của bất cứ thời đại nào. Chấn thương chỉ xuất hiện khi lịch sử xã hội nảy sinh những cuộc va chạm ngoài tầm kiểm soát, gây ra những tác động dữ dội, những vết thương tinh thần lớn trong đời sống loài người. Thời hiện đại, với sự xuất hiện nhiều kiểu loại vũ khí giết người hàng loạt, các cuộc chiến tranh, tấn công khủng bố giết chết hàng trăm triệu người, và sự tha hóa ngày càng trầm trọng, ngày càng tinh vi của chính trị, của các bộ máy hành chính, mới là đất sống của chấn thương, của cảm hứng chấn thương trong văn học. Theo một công bố gần đây, hiện có 19000 người tham gia cứu hộ ngày 11 - - 2001 đang gặp trục trặc về sức khỏe và cứ 8 người thì có một người bị chấn thương tâm lí. Cũng từ đó đến nay đã có 817 người chết trong đó có 30 người tự tử, và với những cuộc chiến tranh nhằm vào Iraq, Afghanistan, hiện nay khi được hỏi, chỉ có 1/3 dân số nước Mĩ cho rằng cuộc sống đã trở lại bình thường, 2/3 còn lại vẫn thấy mình đang sống trong một cuộc sống bất thường, bấp bênh(2). Một đất nước Việt Nam bé nhỏ, luôn đối mặt với thiên tai, đặc biệt là chiến tranh, liệu người dân đã bao giờ có một cuộc sống bình ổn? Ở một đất nước tự những bước đầu tiên chập chững làm người đã luôn phải tồn tại trong sự đe dọa của kẻ địch bên ngoài, và cũng không phải không ít lần đã trải nghiệm trong những cuộc chiến tranh nấu đậu đốt đậu, hẳn nhiên những dư chấn tinh thần của nỗi đau ấy không thể không tồn tại trong suy tư của cộng đồng với tư cách là những kí ức đau đớn. Nhất là khoảng ba trăm năm cuối, khi chế độ phong kiến bước vào giai đoạn suy tàn, nội chiến liên miên, sau đó là những cuộc xâm lăng của người Mãn Thanh, Xiêm La, Pháp, Mĩ, rồi hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và Tây Nam. Rõ ràng, chúng ta đã mất mát quá nhiều trong cơn bối rối của lịch sử. Và điều đó chắc chắn tạo nên những dư chấn trong lòng người Việt Nam. Cho đến nay, hình như đã có thể nói về những biểu hiện của tinh thần chấn thương trong văn học Việt Nam, với những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Chu Lai, Lê Lựu... Tuy nhiên, phạm vi, tính chất, mức độ của vấn đề mà mỗi tác giả quan tâm và biểu hiện có thể khác nhau.
2. Có thể bước đầu xác nhận những biểu hiện của chấn thương trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp ở khu vực truyện ngắn, trước hết là trong tính tổng quát, dựa trên những nghiên cứu về nhân vật. Trong một công trình đã công bố năm 2002, chúng tôi đã đề cập đến một kiểu nhân vật dị tật trong hệ thống các truyện của ông như là biểu hiện da diết quan niệm về con người bất toàn trong một xã hội đang biểu hiện nhiều trái khoáy(3). Tuy nhiên, ý nghĩa đó chưa đủ. Phải nói rằng bên cạnh kiểu nhân dị tật, trong các truyện của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện khá nhiều các nhân vật phải chết. Đấy có thể coi như là những ám ảnh của tác giả về những mất mát, những tổn thất về thể chất mà người Việt Nam đã phải gánh chịu trong trường kì lịch sử của mình, mà trực tiếp nhất tác động đến Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là những cuộc chiến tranh mà ông được trải nghiệm, dù chỉ với tư cách là người chứng kiến và chịu đựng nó. Những cái chết trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, vì thế là khá phổ biến, dẫu cái chết ấy, bên cạnh sự thảm khốc, tức tưởi thường mang một vẻ đẹp nào đó, thậm chí là một nét anh hùng, một nét lãng mạn (kiểu cái chết của một chiến sĩ, một cô gái, một em bé miền Nam... trước 1975): cái chết của chị Thắm, cái chết của anh giáo Triệu, cái chết của Mị và Minh... Những nhân vật dị tật trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp như là sự tái hiện hình ảnh tàn phế sau các cuộc chiến: Cún trong truyện cùng tên, Trùm Thịnh trong Chảy đi sông ơi, một Hoạt Mưa Nhã Nam... Tất cả những nhân vật ấy luôn gợi nhớ kí ức về cuộc chiến như một chấn thương vĩ đại, sẽ không bao giờ liền miệng của cả một dân tộc. Thậm chí, Ngọc, một nhân vật có cái tên rất đẹp, là một sinh viên đại học, rất thư sinh, cũng phải đẵn mất một ngón chân, mà lại bằng dao của ngững người “kéo cưa lừa xẻ”. Tính chất khốc liệt nằm ngay trong hình ảnh chiếc búa nện xuống sống dao, và lưỡi dao bập xuống khiến ngón chân hoại thư văng ra và Ngọc rú lên đau đớn. Hình ảnh này rất gần với hình ảnh được tái hiện bằng thứ hồi ức đầy thương tích của Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh về những cuộc trả thù, những cuộc hành quyết man rợ; và nó tái hiện những đau xót của chiến tranh. Và, không biết khi viết chi tiết đó, Nguyễn Huy Thiệp có nghĩ tới những vần thơ này không:
Một bác sĩ cưa chân
Một thương binh bằng cưa thợ mộc
                             (Tiếng hát giữa rừng - Huỳnh Văn Nghệ)
3. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Huy Thiệp đưa vào thế giới truyện ngắn của mình nhiều nhân vật là trí thức, văn nghệ sĩ. Bởi lẽ, đây chính là bộ phận nhạy cảm nhất trong một xã hội, bộ phận nhạy cảm nhất nhưng cũng phức tạp nhất.
3.1. Bản chất của trí thức và văn nghệ sĩ, nói chung là bất lực về chính trị. Trí thức, văn nghệ sĩ vốn là những người thông thái, dĩ nhiên là trong môi trường kinh viện của họ (chúng tôi đang nói đến những trí thức thực sự). Khi thoát khỏi môi trường ấy, họ thường trở thành những người ngây thơ, mang trong mình đầy những ảo tưởng về thế giới và về cả giá trị của chính mình. Sự ngây thơ, hồn nhiên ấy cộng với thói chủ quan nhiều phần tự cao tầng lớp khiến họ hay trở thành nạn nhân bị lừa phỉnh của chính trị. Có thể những chi tiết hoang đường được dựng nên quanh cái chết của Lê Văn Thịnh - vị tiến sĩ khai hoa của nền cử tử Việt Nam, chỉ là những hồ sơ ngụy tạo nhằm che đậy một âm mưu nào đó của triều Lí; Nguyễn Công Trứ đã bị hai vua Minh Mạng và Tự Đức lợi dụng triệt để; và điển hình nhất của bi kịch này chính là Nguyễn Trãi. Bi kịch của Nguyễn Trãi chính là ở chỗ xây dựng cho mình những ảo tưởng theo học thuyết Nho giáo, là ở chỗ không đủ tỉnh táo để nhận ra rằng những trí thức, những kẻ sĩ hay người xuất thân dòng dõi quý tộc Bắc Hà, sau năm 1428 như Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả, Trần Nguyên Hãn... là những người đầu tiên bị triệt hạ. Hoặc Nguyễn Trãi hiểu điều đó, nhưng bởi quá tự tin hay cố chấp mà cuối cùng phải chịu họa tru di. Nguyễn Huy Thiệp có lẽ nhận biết sâu sắc điều này, nhận biết sâu sắc về bi kịch tinh thần mà Lê Văn Thịnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ... đã chịu đựng, đã nếm trải, và ông đã thể hiện một cách sâu sắc qua, và bằng sự cô đơn của Nguyễn Trãi trong Nguyễn Thị Lộ. Một trong những bi kịch khá quan trọng của những trí thức, nghệ sĩ trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp là bi kịch lạc thời, hoặc tính bất hợp lí tồn tại của họ. Kể cả Trương Chi, Nguyễn Trãi, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Trang Sinh hay Điệp Lang, nhà văn họ Vũ... có thể hoặc không nhận ra, đều tồn tại trong mối bất hòa sâu sắc với hiện thực, nơi đó có một hệ thống các nhân vật chính trị hoặc một đám đông quần chúng bất khả tri trước những giá trị của họ. Và dù là tinh hoa, nhưng vì thiểu số, họ buộc phải chấp nhận bị lái theo, bị chỉ đạo bởi, hoặc sống ép mình trong đông đảo quần chúng “mê muội”, “nông nổi” ấy. Trương Chi đứng đầu mũi thuyền, trật quần đái vọt xuống sông, hát những bài hát để lũ hoạn quan cười nhạo, và chàng nói “cứt”; Nguyễn Trãi cô đơn giữa triều đình, chỉ tìm được sự sẻ chia, sự chở che nơi bầu ngực mảnh khảnh của Thị Lộ; Xuân Hương lặng lẽ trong gia đình nhà tổng Cóc, phủ Vĩnh Tường, và khắc khoải trong những cuộc hóa thân vô tăm tích; Tú Xương với phản ứng duy nhất trước những chuyện thời thế bằng câu cửa miệng “đa tạ cụ” rồi “thõng tay vào chợ”, nhà văn họ Vũ thu mình trong đám đông ồn ào; Trang Sinh, Hồ Lang, Điệp Lang... đều mang lấy những đau đớn của kẻ lạc thời; còn Ngọc, một sinh viên dở dang thì luôn căm thù sâu sắc thế giới: “chỉ có một mình anh, còn lại là chúng nó”...
3.2. Không khó để nhận ra trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp tinh thần chấn thương của sự đứt gãy tri thức. Chúng ta biết rằng, tri thức loài người là một chuỗi liên tục của hệ thống kinh nghiệm, và nó phát triển một cách hài hòa, tuần tự. Trong bản thân tri thức có kinh nghiệm của truyền thống, những ý tưởng của hiện tại và giả định tương lai. Một dân tộc chỉ có thể trở nên vĩ đại, và những trí thức của dân tộc đó sẽ đi hết con đường cần và muốn của mình nếu dân tộc biết trang bị cho họ một hệ thống tri thức liên tục đúng theo quy luật của sự phát triển, biến đội ngũ trí thức thành lực lượng quan trọng tạo nên được sức mạnh dân tộc dựa trên nền tảng triết học. Có thể thấy sự đứt gãy tri thức trong tiến trình văn hóa Việt Nam trong thế kỉ XX. Chúng ta biết, với cuộc xâm lăng và khai hóa của thực dân Pháp, đã có một hệ thống tri thức mới được xác lập, đưa Việt Nam thoát khỏi ý hệ thống tri thức phương đông cổ truyền vốn đã khiến xã hội mệt mỏi trong thực tại trì trệ và u ám. Những thành tựu trong nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo văn học đã khẳng định vai trò ưu việt của hệ thống tri thức mới ấy, và rõ ràng, với nền tri thức ấy, người Việt Nam đã trở nên tiến bộ, biết cách hòa nhập vào dòng người tiến bộ của nhân loại đang tiến lên phía trước. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1945, khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được thực hiện, và với cuộc vận động của cách mạng vô sản thì dân tộc Việt Nam đã phải chứng kiến sự đứt gãy tri thức. Những tư tưởng, những cách nói, cách nghĩ của nền dân chủ tư sản đã vào Việt Nam, mặc dù có nhiều thành tựu và tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng phải nói là chưa trở thành một hệ thống ý thức chín muồi cần được thay thế. Phải nói rằng, với các quốc gia tư bản, khi hệ thống tri thức của nó được vận hành một cách sơm sủa và suôn sẻ, họ có nhiều cơ hội để trở thành những cường quốc hoặc những nước phát triển. Ở Việt Nam, cũng như một số nước xã hội chủ nghĩa khác, tri thức tư sản đã phải dừng lại trước cái ngưỡng của sự non trẻ để nhường chỗ cho hệ thống tri thức vô sản - hệ thống tri thức thiên về chính trị, trong một xã hội chủ yếu đánh giá cao những sản phẩm vật chất và lao động chân tay, nơi khát vọng dân chủ bị khống chế trong chủ nghĩa cào bằng và mọi tự do sáng tạo gần như bị bóp nghẹt. Trước tình hình này, đội ngũ trí thức Việt Nam, như chúng ta biết, bị phân hóa với một bên là những người tình nguyện theo con đường tiếp nhận hệ thống tri thức mới để hòa mình vào đời sống chính trị sôi nổi của dân tộc. Bộ phận này chiếm đa số, kể cả những cây bút tài hoa - những người tưởng chừng sẽ không chịu hiến thân cho bất cứ tổ chức, tín ngưỡng nào ngoài tín ngưỡng văn chương của họ - như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân... Bộ phận thứ 2, thiểu số, là những người có xu hướng trốn tránh hệ tư tưởng vô sản để tiếp tục theo đuổi hệ tư tưởng tư sản với hệ thống tri thức của nó. Trong bộ phận thứ nhất, họ đi theo tiếng gọi của dân tộc và của chính lương tâm họ. Rõ ràng ở đây quyền lợi, lợi ích dân tộc đã thay thế những lợi ích cá nhân và cất tiếng nói thúc dục lương tri của họ. Trong bộ phận này về sau sẽ tiếp tục có sự phân hóa. Nhưng dù sự chia tay với hệ thống tri thức tư sản có là tự nguyện, thì đó là với mỗi cá nhân cụ thể. Còn với cái nhìn từ chiều sâu của bản thân hệ thống tri thức, phải nói rằng đó là một khủng hoảng, một đứt gãy và tạo được một chấn thương.
Hình ảnh của những chấn thương đó, theo chúng tôi, được thể hiện trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp bằng motip những trí thức nửa vời, những trí thức mà sự nghiệp học hành của họ không được bao nhiêu, hoặc đấy là những trí thức bất lực. Và những trí thức ấy, những văn nghệ sĩ ấy luôn tồn tại trong thế đối lập, thậm chí thù nghịch với hiện thực với việc họ luôn cay đắng nhận ra rằng họ có thể không cao hơn hiện thực, nhưng họ cũng không giống số đông đang hiến mình một cách mù quáng cho hiện thực, và những khát vọng của họ về việc sẽ làm một điều gì đó mãi mãi chôn sâu trong hiện thực nghiệt ngã, bị dẫm đạp bởi những bước chân của cả một cộng đồng đang bước đi trong một quán tính lầm lỗi. Sự đứt gãy tri thức như là lí do tất yếu để người đọc thấy một thực tế là trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp vắng hẳn những trí thức bậc cao, được đào tạo một cách bài bản, ngoài ông Kháng “dạy mĩ học ở dưới Hà Nội” bị Đặng Xuân Bường mời “về bú tí mẹ”. Đó là một Khảm đang là sinh viên, nhưng cư xử như một lưu manh, là ông giáo Quỳ với một cuộc sống vô nghĩa nơi làng quê, là nhà thơ Bùi Văn Ngọc (Thương nhớ đồng quê), là anh giáo Triệu (Những bài học nông thôn), là ông giáo Hội là Ấm Huy (Chút thoáng Xuân Hương), đồ Hoạt (Mưa Nhã Nam), chú Hoạt (Chú Hoạt tôi). Dường như bọn họ đều trở nên bất lực và vô nghĩa khi đời sống yêu cầu họ làm những việc hoàn toàn trái với thiên chức của họ. Và dấu vết của sự đứt gãy ấy hiển lộ rõ nhất trong lĩnh vực văn học:
“Văn học Việt Nam, ngay buổi sơ khai của nó, giống như một đứa trẻ nhỏ phải làm những việc quá sức, những việc không ra gì, thậm chí phải làm chính trị là việc phải cần nhiều phương pháp ứng đối khuynh hoạt. Người ta chú ý đến bộ mặt bên ngoài hơn nội dung bên trong. Người ta soi gương, ngắm nghía, trau chuốt bộ mặt cho mình: nào cạo râu, nặn trứng cá, tỉa lông mày, các cô gái bôi son... Người ta chú ý thái quá đến bộ mặt bên ngoài, nói nhiều đến con người xã hội...”
                                                                      (Bài học tiếng Việt)
Và điều quan trọng là những nhân vật ấy chủ yếu đều sống ở nông thôn, hoặc với những người dân nhếch nhác, đần độn và vô nghĩa, cũng như vô hại. Đây phải chăng là tình thế của văn chương theo tinh thần đề cương văn hóa 1943, và đường lối văn chương ấy sẽ đi theo dân tộc Việt Nam đến hàng chục năm sau, để trong hàng chục năm ấy, nền văn học Việt Nam không có lấy một tác phẩm lớn theo đúng nghĩa?
3.3. Một vết thương khác để lại dư chấn trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ chính là cuộc va chạm ý thức hệ, cuộc xung đột giữa khát vọng của tri thức với hiện thực xã hội. Chúng ta biết rằng, sau khi giành độc lập, nhất là sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lai xâm lược 1946 - 1954 kết thúc thắng lợi, đã có một số văn nghệ sĩ, trí thức đề xướng những tư tưởng “dị đoan”, không phù hợp với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn cách mạng, nên đã chịu những thiệt thòi: treo bút, đưa về nông thôn lao động, quản thúc, bị giam cầm, thậm chí có người đã tự hủy hoại mạng sống của mình. Điều này không chỉ xảy đến với nhóm Nhân văn giai phẩm, mà còn với nhiều trí thức, nhiều nhà khoa học khác. Và có lẽ sự kiện này đã được tái hiện trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp khá rõ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trong số các nhân vật trí thức, nghệ sĩ của Nguyễn Huy Thiệp lại là những người sống ở vùng nông thôn như các ông giáo Quỳ, giáo Hội, thậm chí từ thành thị về sống ở nông thôn, như giáo Triệu, nhà thơ Bùi Văn Ngọc... Thêm nữa, chúng ta có thể nhìn thấy trong hình ảnh của Ngọc, một sinh viên đại học, phải lên rừng để “kéo cưa lừa xẻ”, như một sự trừng phạt, một sự đày ải hình ảnh của những văn nghệ sĩ, trí thức đã phải trằn lưng trong những môi trường lao động sau khi dính vào những án văn chương. Không biết khi viết về nhân vật này, tác giả có nghĩ đến Hữu Loan, Trần Đức Thảo... Bên cạnh những nhân vật nhân vật trí thức bị đày ải, là nhân vật trí thức chết. Hình ảnh cái chết của anh giáo Triệu, một người hiền lành, đức độ và phần nào đó là rất trong trẻo, không chỉ là hình ảnh cái chết của một con người cụ thể, mà là cái chết của những sinh mệnh nghệ thuật. Mà Triệu lại chết bởi một con trâu điên, trong khi Triệu chịu báng thay cho cậu bé Tiến. Đây là một chi tiết rất đáng lưu ý khi nói về người trí thức trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều khi coi văn chương và văn nghệ sĩ không ra gì, còn nhân vật trí thức thì lại sợ chính văn chương, tri thức: “Bác Ba Đình ạ, ông khách của bác thẹn thò như con gái ấy. Tôi thấy tướng thông minh nhưng nhiều bất hạnh. Nghe tôi nói nhé: lớn lên chú đừng sa vào con đường văn chương chữ nghĩa. Thế nào chú cũng ăn đòn. Người ta sẽ nguyền rủa đấy”. Đó là lời khuyên của anh giáo dành cho Hiếu, nhưng cũng là tổng kết chua xót về những câu chuyện văn nghệ của quá khứ.
3.4. Ngoài ra, trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta cũng có thể thấy được vết thương trong tâm hồn của tác giả khi chứng kiến sự tha hóa của trí thức, đúng hơn là sự tha hóa của tri thức. Thay vì định hướng cho xã hội, các nhân vật trí thức ở đây trở thành những người bất lực, yếm thế, thậm chí, có trường hợp còn trở nên lưu manh. Trong Không có vua, lão Kiền chửi con trai: “Quân trí thức bây giờ toàn phường phàm phu tục tử”. Và với tất cả những gì đã xảy ra, kết quả là “tôi thấy buồn vì văn học của ta ít giá trị thật. Nó thiếu tín ngưỡng và thẩm mĩ đích thực” (lời giáo Triệu trong Những bài học nông thôn)
4. Chấn thương khiến những nhân vật văn nghệ sĩ, trí thức trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường là những người không có một đời sống tư tưởng rõ ràng, thống nhất và thuần nhất. Những con người ấy là hiện thân của những suy tư pha tạp với tâm hồn bệnh hoạn tương chiếu nhiều màu sắc quái dị; với sự tồn tại ý thức không định hình của sự vật, trong sự phân thân với những cuộc hỗn chiến ý thức. Những nhân vật ấy luôn căm ghét sâu sắc số đông với khả năng áp đặt tư tưởng lên những số phận đơn lẻ. Nhiều nhân vật trí thức của Nguyễn Huy Thiệp luôn có mối căm thù sâu sắc hiện thực, và phát ra những câu nói mà người đối thoại, hay người trong cuộc không thể hiểu nổi: “chỉ có một anh thôi, còn lại là chúng nó” (lời của Ngọc, một sinh viên đại học thi trượt tốt nghiệp, lên rừng làm thợ xẻ - chi tiết Ngọc trượt tốt nghiệp cũng là dấu hiệu của sự đứt gãy tri thức). Nhân vật trí thức, nghệ sĩ của Nguyễn Huy Thiệp nhiều khi theo đuổi những ý tưởng điên rồ, những dòng ý thức miên man những mảnh ghép ý thức, những mảnh ghép rời rạc về những bình diện thực tại theo những nguyên tắc bất định. Trên cơ sở đó, nhân vật trí thức, nghệ sĩ, và nhiều khi, cả những tay “lưu manh thứ thiệt” của Nguyễn Huy Thiệp thường phát ra những câu nói như là chơi trò chơi cấu trúc ngôn từ, hình thành các huyền thoại ngôn từ có khả năng tạo cú sốc tâm lí, gợi nên đa chiều liên tưởng, sự hoài nghi, và cả đốn ngộ. Đoài (Không có vua) nói với em trai là Khảm: “Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo trên cổ chị Sinh không? Nó là triết học đấy.”; Ngọc (Những người thợ xẻ): “Chúng tôi đi men dưới chân núi, vừa bé nhỏ, vừa cô đơn, vừa liều lĩnh, mà lại bất lực, thậm chí vô nghĩa nữa. Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”... Và ở gần kết thúc truyện: “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng trên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?”. Còn chị Thục, một giáo viên cấp hai: “Nghĩa tình chuộc lại nghĩa tình. Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người”. Đặng Xuân Bường ngay lập tức có nhận xét khá thú vị: “Ngọc ơi, mày chép lấy câu này. Nó tù mù về hình thức, nhưng hình như ẩn chứa một nội dung gì đấy.”; giáo Triệu: “Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại như thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy” v.v..
5. Tóm lại, đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta có thể thấy những dư chấn của những đau thương mà dân tộc ta đã trải qua. Những chấn thương của lịch sử xã hội, những chấn thương của tri thức, của nghệ thuật. Đấy là những sự thực hết sức chua xót được tái hiện trong sự chiêm nghiệm và khả năng phóng xuất những ức chế của một nhà văn nhạy cảm đến bệnh hoạn. Tất cả những chấn thương ấy đều bị quy định bởi đặc điểm bất thường và bất hạnh của lịch sử dân tộc. Điều đó giúp những người đang sống, đang đọc và viết hôm nay nhận ra trách nhiệm của chính mình, trước hết trong việc nhìn nhận những giá trị của cuộc sống.
                                                                               Vinh, tháng 11/ 2011
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xin xem: Phạm Thị Hà, Đặc điểm truyện ngắn viết về lịch sử - nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Vinh, 2010.
2. Xin xem: Lê Thanh Nga, Nghệ thuật trần thuật trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Vinh, 2002.
      3. www.baomoi.com/, Nuoc-My-8-nam-sau vụ khủng bố 11/9: vết thương chưa lành.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570038

Hôm nay

274

Hôm qua

2367

Tuần này

22421

Tháng này

228562

Tháng qua

129483

Tất cả

114570038