Nhìn ra thế giới

Ông Duterte có đảo được thế cờ?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liệu có vuợt qua “làn ranh đỏ” trong việc chống đối lại Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống và từng là quốc gia bảo hộ Philippines đến tận năm 1946, để xích lại gần với Trung Quốc?

Mới đây Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đã nói rằng có thể ông ta sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA). Tuy phán quyết của PCA không có tính chất chế tài, nhưng ở đây hình ảnh của quốc gia, cái perception của quốc tế đối với bất cứ 1 nước nào, có thể đó là nước khởi kiện, có thể đó là một thành viên P5, sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, nếu anh không chấp thuận một quyết định vốn bắt nguồn từ “Bản hiến chương” về đại dương. Hơn nữa, đối với Phi, một khi đã có phán quyết, đặc biệt là khi phán quyết đó trở thành một công cụ hữu ích để anh bảo vệ quyền lợi quốc gia, mà anh từ chối, thì người dân sẽ đánh dấu hỏi về tính chính danh của lãnh đạo.

Xáo trộn bàn cờ?

Tuy nhiên, chiến lược của con người khó đoán định này đang khiến cho cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cảm thấy lúng túng. “Manila xáo trộn thế cờ tại Biển Đông” là nhận định của Le Figaro số ra ngày 16/9/2016. Là một nước nhỏ không có trọng lượng về quân sự, nhưng Philippines trong vài tuần nay đang làm thay đổi cục diện bằng cách khai thác sự đối đầu giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dù vậy, cho đến lúc này cũng không ai đoán được ông Rodrigo Duterte, mà Le Figaor gọi là “kẻ gây phiền toái”, đang muốn gì. Một điều chắc chắn là tân tổng thống Philippines đang đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, ông Benigno Aquino III. Cựu tổng thống Philippines đã tạo dựng được một mối quan hệ đặc quyền với Washington, đóng vai người bảo vệ trước sưh quyết đoán của Bắc Kinh tại những vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng giờ đây, thế cờ cũ trên Biển Đông có thể bị lung lay nếu Philipinnes “chuyển trục”. Chỉ trong vòng vài tuần, ông Duterte đã làm cả thế giới sửng sốt trước những phát ngôn “văng mạng”. Thóa mạ tổng thống Mỹ Barack Obama, yêu cầu Washington rút hết các cố vấn quân sự và đánh tiếng có thể sẽ mua vũ khí của Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, cho đến lúc này Manila vẫn mua vũ khí từ phía Hoa Kỳ. Theo giải thích của bà Sophie Boisseau du Rocher, Trung Tâm Châu Á, thuộc IFRI, khi giữ khoảng cách với chính quyền Obama, ông Duterte muốn tìm cách thu hút cử tri dẫn đến rủi ro gây ra một sự “xét lại” đối với đồng minh chiến lược Hoa Kỳ. Bà nói: “Một bộ phận người dân Philippines đang tự hỏi xem là họ đã được lợi gì từ thời cai trị của đế quốc Mỹ và thời kỳ hậu đế quốc tiếp theo”.

Xét từ nhiều góc độ, Phi không thể bỏ Hiệp ước an ninh này. Ý định hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ, chỉ trên lời nói, có thể là một cách Phi “làm mình làm mẩy” đối với Mỹ đồng thời tranh thủ hạ nhiệt TQ sau phán quyết. Đương nhiên, một lập trường chung chiêng như thế ắt sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò của Phi trong cuộc đấu tranh chung của các nước cùng đòi chủ quyền một số vùng biển đảo trên BĐ và chắc chắn sẽ buộc các nước phải có những điều chỉnh chính sách nhất định. Mới đây, nghị sỹ Hideki Makihira thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật vừa tuyên bố, nếu Philippines hoàn toàn ngã về Trung Quốc, trong trường hợp ấy, “ít nhất Nhật Bản cần Việt Nam, Malaysia và các quốc gia khác xung quanh Biển Đông tập hợp trong nhóm của chúng tôi”.

Trung Quốc và Mỹ nghĩ gì?

Đối với Trung Quốc, Tổng thống Philippines khi thì có thái độ hòa dịu, khi thì lên giọng chỉ trích. Cụ thể là ngay giữa cuộc họp thượng đỉnh, ông Duterte không ngần ngại trưng bày các hình ảnh cho thấy các chiếc tầu Trung Quốc, được cho là đang tiến hành xây dựng một đảo nhân tạo mới tại bãi cạn Scarborough, mà Philippines có đòi hỏi chủ quyền. Để rồi sau đó, vị tân tổng thống này lại lên tiếng công nhận không đủ sức để áp đặt Bắc Kinh tuân thủ biên giới lãnh hải, đành phải chấp nhận thực tế và nhìn nhận là “Trung Quốc có khả năng và ưu thế quân sự trong khu vực”. Về điểm này, ông Benoît de Tréglodé, giáo sư hướng dẫn tại Irsem có nhận định: “Tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang lan rộng sang các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore hay Việt Nam. Và vì Trung Quốc đang tìm cách tránh một mặt trận chung chống lại họ, nên nước này rất có thể bị nhấn chìm vào trong khe hỡ”. Do đó, theo quan điểm của chuyên gia này, không loại trừ khả năng Trung Quốc đề xuất một thỏa ước về Biển Đông.

Bất chấp những cử chỉ hòa dịu đến từ Manila, nhưng Bắc Kinh vẫn có một cái nhìn cẩn trọng. Mối quan hệ Trung Quốc – Philippines hiện đang bước vào “một bước ngoặt mới” như khẳng định của một quan chức ngoại giao cao cấp, vốn cũng muốn tranh chấp được xử lý một cách “thích hợp”. Nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo chính phủ, trong một bài bình luận cho rằng: “Với tính cách của ông Duterte, và những lời thóa mạ mà ông ấy có thể đưa ra với bất kỳ ai, không dễ gì sử dụng được ông ta. Trong dài hạn, sẽ không dễ dàng gì cho Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ với tổng thống Philippines”, như lời bình luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo. Duterte là một chính khách khó đoán định, hôm trước ông nói Trung Quốc là một nước “hào phóng”, hôm sau ông lại dọa “đổ máu” nếu Trung Quốc dám tấn công Philippines. Từ Bắc Kinh, phân tích hôm 14/9 của “Thời báo Hoàn cầu”, đã cảnh báo: “Đừng quá ảo tưởng. Xét về lâu dài, Trung Quốc không dễ gì đối phó với Philippines dưới thời Rodrigo Duterte”. Truyền thông quốc tế cũng nhận xét: Duterte khó có thể duy trì sự xích lại gần hơn về phía Trung Quốc. Nếu Trung Quốc từ chối nhượng bộ trên Biển Đông, nhất là về vấn đề ngư trường quanh bãi cạn tranh chấp Scarborough, Tổng thống Philippines có thể vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước. 

Về phần mình, Nhà Trắng cố gắng giảm thiểu sự xáo trộn và những phát ngôn “bộc phát” của lãnh đạo Philippines. Manila, vốn chưa sẵn sàng từ bỏ “cuống rốn” của mình, đã đảm bảo là Hiệp ước Quốc phòng với Hoa Kỳ, được ký từ năm 1951 và được củng cố thêm vào năm 2014 vẫn “vững như bàn thạch”. Bất chấp những tuyên bố khó ưa của ông Duterte, Washington vẫn xem Philippines là một trụ cột quan trọng trong chính sách tái cân bằng của mình, nên Washington tỏ ra kiềm chế trong phản ứng. Câu chuyện của Phi rõ ràng có tính hai mặt. Một mặt, bên muốn tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh Mỹ-Phi, như người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross, luôn khẳng định, quan hệ Mỹ - Philippines là một trong những quan hệ lâu dài và quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, bên muốn ủng hộ cái gọi là “một chính sách đối ngoại độc lập hơn”, như giới học giả từ Hong Kong, thì nhận xét, thái độ bất nhất của Duterte có thể làm thay đổi bức tranh địa-chính trị trong khu vực, đặt Trung Quốc vào một vị thế có lợi so với Mỹ. Việc Duterte mới đây bị tố cáo đứng sau những vụ thanh trừng tội phạm đẫm máu trước đây và đảng Tư do đang chuẩn bị người để khi cần có thể thay thế ông cho thấy tình hình đang biến động, chưa thể khẳng định điều gì chắc chắn!

Vượt lên thách thức mới

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhận định, chỉ có Mỹ mới có thể cân bằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên ngày nay vấn đề Mỹ đang gặp phải lại nằm ở mặt đối nội: tâm lý bất mãn của công chúng Mỹ vì tăng trường chậm, ngân sách hạn chế, các cuộc chiến tranh hao người tốn của đầy mệt mỏi ở Trung Đông…(Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách và nguồn lực Mỹ dành cho lĩnh vực đối ngoại, chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương). Trong khi Singapore lại không phải đồng minh của Mỹ, cho nên việc truy cập và sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines là rất quan trọng với Hoa Kỳ trong duy trì ảnh hưởng, vị thế chiến lược ở Biển Đông. Lực lượng Mỹ đóng tại Guam hay Hàn Quốc, Nhật Bản lại quá xa Biển Đông, ứng phó không kịp một khi hữu sự. Các nước Đông Nam Á khác thì dè chừng, nên không thể cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Sức mạnh quân sự và kinh tế của Philippines là rất nhỏ khi so với Trung Quốc. Nếu không có sự hiện diện chiến lược của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ trở thành thế lực thống trị khu vực.

Việt Nam đương nhiên phải theo dõi sát cả hai khuynh hướng này, xem đâu là cú đi bóng để chuẩn bị sút vào khung thành, đâu chỉ là động tác giả của cầu thủ, để chủ động thoát khỏi tình thế bất lợi, tình thế “những gọng kìm của lịch sừ” như trong thời chiến tranh. Chính sách của Việt Nam là cộng hưởng của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, không chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất nào cả. Nếu Việt Nam bị TQ tiếp tục ép quá mạnh, ASEAN “tan đàn xẻ nghé”, nếu Phi bỏ Mỹ để đi với Bắc Kinh (là điều có thể loại trừ cho đến nay!), nếu khuôn khổ cấu trúc an ninh khu vực sẽ được mở theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng hệ thống các đối tác chiến lược sâu rộng hơn nữa. Tuy nhiên, hệ thống quan hệ “đối tác chiến lược” và “đối tác toàn diện” hiện nay (mà thực chất trong đấy đã có rất nhiều yếu tố của các quan hệ chiến lược) là một giai đoạn quá độ để VN thay đổi chính sách ngoại giao trước đây vốn chỉ dựa vào yếu tố ý thức hệ trong những năm tháng chiến tranh lạnh.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521154

Hôm nay

2231

Hôm qua

2291

Tuần này

22195

Tháng này

219093

Tháng qua

121009

Tất cả

114521154