Nhìn ra thế giới

Đảng Cộng sản Trung Quốc trước Hội nghị Trung ương lần thứ 6

Tại Hội nghị Cục Chính trị ngày 26/7/2016  đã quyết định sẽ họp Hội nghị TW6/XVIII vào tháng 10/2016, nhưng chưa ấn định ngày cụ thể. Hội nghị Cục Chính trị lần này, ngày 27/9/2016, do Tập Cận Bình chủ trì đã quyết định Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII sẽ tiến hành từ ngày 24 ~ 27/10/2016, với chủ đề “từ nghiêm minh trị đảng toàn diện”. Hội nghị sẽ thảo luận và quyết nghị hai văn kiện “Một số chuẩn tắc sinh hoạt chính trị trong đảng trong tình hình mới” và “Điều lệ giám sát trong đảng của đảng CSTQ”. Hội nghị Cục Chính trị lần này nói, Chuẩn tắc và Điều lệ nói trên sau khi được Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XVIII thông qua quyết nghị, sẽ yêu cầu các Ủy viên Cục Chính trị “đi đầu đi sâu học tập, đi sâu lĩnh hội, đi đầu theo qui định văn kiện tự nghiêm khắc yêu cầu mình”, “yêu cầu học tập, lĩnh hội từng điều từng điều một, ghi sâu trong tim, thể hiện cụ thể trên hành động thực tế.”

Mặc dầu Hội nghị TW6 chưa tiến hành, nhưng thời gian gần đây những nhà phân tích, học giả về Trung Quốc đã có những phân tích nhìn nhận từ nhiều góc độ về Hội nghị TW 6 sắp diễn ra.

Thứ nhất, về tính chất Hội nghị và thời gian Hội nghị:

Theo thông lệ của đảng CSTQ, bắt đầu từ “Đại hội XIV” (1981) đảng CSTQ, mỗi khóa, họp 7 lần toàn thể Ban chấp hành TW : lần thứ nhất xác định người lãnh đạo khóa mới; lần thứ hai, chuẩn bị nhân sự thay nhiệm kỳ của Nhân đại toàn quốc, Quốc vụ viện, Chính hiệp toàn quốc, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao; lần thứ ba, tập trung vấn đề kinh tế và cải cách; lần thứ tư, chuyên dề về xây dựng đảng; lần thứ năm, chủ đề qui hoạch 5 năm; lần thứ sáu, thảo luận về xây dựng văn minh tinh thần; lần thứ bảy, trù bị cho Đại hội mới.

Từ Đại hội XIV đến nay, nội dung phần lớn các lần Hội nghị TW 6 đều mang tính chất “Hội nghị nghiên cứu thảo luận”, như Hội nghị TW6 khóa XV, với chủ đề tăng cường và cải tiến “xây dựng tác phong”, không đưa ra giải pháp cụ thể; Hội nghị TW6 khóa XVI với chủ đề “xây dựng xã hội hài hòa”; Hội nghị TW6 khóa XVII với chủ đề “cải cách thể chế văn hóa”. Hội nghị TW6 khóa này không phải lả “hội nghị có tính chất thảo luận nghiên cứu” như trước, mà sẽ là “Hội nghị có tính chất giải quyết vấn đề thiết thực cụ thể” với chủ đề và nội dung cần quyết nghị mà Hội nghị Cục Chính trị 27/9/2016 đã xác định. Đây là điều mà các nhà phân tích, theo dõi tình hình Trung Cộng hết sức quan tâm. Chủ đề và nội dụng của Hội nghị không phải dừng lại trên lý thuyết, câu chữ văn kiện, mà do “trong tình hình mới” xác định rõ đối tượng, địa chỉ cụ thể cần thực thi quyết nghị.

`Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay đã trải qua 5 kỳ Hội nghị TW, không phải đều suôn sẻ. Như Hội nghị TW3, TW4, phải lùi mãi, lùi tới tháng 11, không thể lùi được nữa mới họp được. Đó là vì lúc đó Tập mới lên, chưa thực sự nắm được Trung ương, Cục chính trị, kể cả Thường vụ Cục Chính trị, TW3, TW4 họ có đủ khả năng để nuốt sống Tập. Lúc đó Tập đã thành lập hai cơ cấu nhà nước là Ủy ban an toàn quốc gia và Tiểu tổ đi sâu cách cách toàn quốc, là cơ cấu lấy quốc gia làm nền tảng để đi tới phủ định, lật đổ toàn diện kết quả của Đại Hội XVIII sản sinh ra. Tập dùng hai cơ cấu này thay thế Cục Chính trị và Thường vụ Cục chính trị. TW4 đưa ra trị quốc theo luật, trị quốc, trị quân theo hiến pháp (tức không phải trị quốc, trị quân theo nghị quyết, theo chỉ thị của đảng do Giang dựng lên và đang đứng đằng sau thao túng). Trước Hội nghị TW5 (2015) xẩy ra vụ nổ Thiên Tân, tiếp theo đó ngày 03/9/2015 Tập tiến hành duyệt binh, rồi gặp Mã Anh Cửu nhằm phô trương, khẳng định là Tập đã nắm được cục diện chính trị. Với bối cảnh này, Tập phải bỏ ra thời gian 3 tháng mới phủ định được hệ thống quân đội kéo dài từ năm 1949, để thực hiện Mỹ quốc hóa toàn bộ hệ thống sĩ quan quân đội. Mọi việc phát sinh đều lấy khái niệm “quốc gia” làm bối cảnh để tiến hành. Từ TW3 đến TW5 là quá trình Tập Cận Bình giành giật quyền lực. Đại hội XVIII, Tập tuy đã trở thành Tổng Bí thư, nhưng chỉ là bù nhìn, sẽ bị hại bất cứ lúc nào. (Như lúc đó Quách Bá Hùng đã nói “cứ để thằng nhỏ ngồi đấy, sau hai năm sẽ đẩy nó đi”). Trong thời gian hội nghị Bắc Đới Hà vừa qua, Tập tuyên bố theo thời gian qui định chính thức, tiến hành họp Hội nghị TW 6, trước hai tháng đã thông báo thời gian họp TW 6, trước một tháng đã thông báo thời gian cụ thể và chủ đề, nội dung họp TW6. Như vậy chứng tỏ Tập đã xóa bỏ được kết quả nhân sự của Đại hội XVIII, đã hoàn thành lấy bình diện quốc gia của Ủy ban an toàn quốc gia và Tiểu tổ đi sâu cải cách toàn quốc làm nền tảng để xóa bỏ, phủ định hệ thống của đảng, cho nên mới tuyên bố được lấy thời gian qui định chính thức để triệu tập họp TW6, với chủ đề từ nghiêm minh trị đảng toàn diện. Chỉ có khi Tập nắm chắc quyền lực của đảng mới có thể đưa ra hiệu lệnh đối với đảng như thế.

Thứ hai, “… trong tình hình mới …” ghi trong văn kiện “chuẩn tắc sinh hoạt chính trị trong đảng …” là hàm ý gì ? là tình hình nào ? mới ở điểm nào ? Đây cũng là vấn đề mà các nhà phân tích, học giả từ nhiều tầng góc độ để nhìn nhận đánh giá.

“Tình hình mới ” ghi ở đây, chủ yếu là nói tình hình thế trận Tập – Giang đã có thay đổi mới, từ chỗ Tập ở vào tình thế lép vế, thụ động như “bù nhìn” chuyển dần lên thế “giằng co” (2014, 2015) và nay đang ở vào vị thế áp đảo có tính quyết định.

Sở dĩ có được “tình thế mới” này là do kết quả trong gần 4 năm qua Tập đã triển khai một lọat cải cách như “đánh hổ diệt ruồi” quyết liệt thực sự; xóa bỏ chế độ lao động cải tạo; công chức tuyên thề với Hiến pháp không phải là tuyên thề với đảng; đề ra trị quốc, trị quân theo luật, theo hiến pháp, có án phải lập án; thực hiện chế độ sinh hai con; xóa bỏ chế độ hộ khẩu phân biệt nông thôn với thành thị; đề cao việc giữ gìn phát huy văn hóa truyền thống dân tộc; tiến hành cuộc gặp gỡ Tập – Mã; phủ định chính sách tôn giáo của Giang Trạch Dân; v.v… Những cải cách này, trước đây không thể có được. Đồng thời trong đảng ban hành và triển khai thực hiện “Chuẩn tắc tự giữ gìn liêm khiết”, “Điều lệ xử lý kỷ luật trong đảng”, “Điều lệ hỏi trách nhiệm” là những vũ khí sắc bén để chổng hủ bại, “đả hổ diệt ruồi”.

Để thực hiện một số cải cách bước đầu này cũng không phải dễ , mà đã trải qua các cuộc chiến sinh tử về chống tham nhũng “đã hổ diệt ruồi” đề giành giật quyến nắm cây súng, quyền nắm cây bút, cây dao, quyền nắm hệ thống tham mưu, quyền nắm nguồn lực kinh tế, ngân sách, quyền nắm chi phối cục diện nhân sự, cài cắm nhân sự vào các địa bàn then chốt trọng điểm ở các địa phương và bộ ngành trung ương.

Ngược lại thế trận của Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng đang suy sụp nhanh chóng, mặc dầu Giang, Tăng đã bằng mọi thủ đoạn mánh khóe hết sức tàn độc để chống lại Tập Cận Bình. Từ việc tiến hành nhiều cuộc ám sát, âm mưu chính biến thất bại keo này liền bày keo khác, cài bẫy để Tập vào tròng cũng đều thất bại; tiến hành nhiều vụ gây nổ, nhất là vụ nổ Thiên Tân, gây hoang mang trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội; đến việc bôi đen bôi đỏ đủ loại nhằm hạ uy tín Tập Cận Bình, chia rẽ nội bộ những người cùng chí hướng với Tập Cận Bình, nhằm đánh lạc hướng dư luận xã hội hiểu sai về Tập Cận Bình và những chủ trường chính sách của Tập đề ra; đến việc lung lạc đội ngũ cán bộ nhân viên các cơ quan thực hiện “phản kháng mềm” bằng cách đến cơ quan cho có mặt nhưng không giải quyết công việc, hoặc lấy cớ thiếu vật tư, máy hỏng nên ngừng giải quyết việc, hoặc giả ốm nghỉ việc, nghỉ có việc riêng, v.v…, làm cho hệ thống bộ máy coi như chạy số không, mà nhiều lần Thủ tướng Lý Khắc Cưởng phải nổi giận trong khi họp Chính phủ.

Tuy thế trận của Tập đã chiếm ưu thế có tính quyết định, nhưng chưa phải chiếm ưu thế hoàn toàn. Như tại Hội nghị Cục Chính trị ngày 27/9 vừa rồi nhấn mạnh còn tồn tại các vấn đề : trọng điểm “nhiệm vụ giám sát trong đảng” vẫn còn bất lực trong giải quyết tình trạng nhược hóa sự lãnh đạo của đảng, khiếm khuyết về xây dựng đảng, từ nghiêm minh trị đảng toàn diện;  nhạt hóa quan niệm về đảng, tổ chức tản mạn, kỷ luật lỏng lẻo; quản đảng trị đảng mềm yếu thả lỏng. Đó là nguy cơ dẫn đến vong đảng, là sức ép đòi hỏi phải tăng mạnh mức độ tẩy rửa quan trường các cấp của đảng.

Tình hình mới còn ở chỗ, trên cơ sở những cách làm trong cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, đảnh hổ diệt ruồi đối với phái Giang, Tăng 4 năm qua đã tổng kết lại, tổng hợp nâng lên tầm qui củ, chế độ một cách hoàn chỉnh được thể hiện trong chủ đề và hai văn kiện chủ yếu sẽ trình ra hội nghị TW6 quyết nghị, sẽ trở thành vũ khí có sức mạnh để giải quyết dứt điểm mục tiêu cuối cùng là “từ nghiêm mình trị Giang, Tăng và phải Giang, Tăng.” Trước khi diễn ra Hội nghị TW6, Tập sẽ hoàn thành mục tiêu mà Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban kỷ luật TW (tháng 01/2016) đề ra là xóa sổ bang phái cuối cùng là “bang Thượng Hải”, hạ bệ “kẻ dã tâm” “kẻ âm mưu”. Chỉ có sau khi trị Giang, mới có thể nói đến nghiêm minh trị đảng, phủ định sự lãnh đạo của Giang từ 1989 đến nay, phủ định cái cũ mới có được cái mới. Chính đó mới là “tình hình mới”.

Thứ ba, hiểu như thế nào về chủ đề “từ nghiêm minh trị đảng toàn diện” ?

Như mấy điểm nhấn mạnh tại Hội nghị Cục Chính trị vừa rồi về tình hình đảng, không thể không giải quyết, mà muốn giải quyết là phải từ “nghiêm minh” không thể nửa vời, không thể lùi bước trước mọi lực cản. Kỳ thực đây là điều được cô đọng lại từ kết quả chính trị của gần 4 năm cầm quyền của Tập Cận Bình, cũng là dự báo phương hướng cục diện chính trị tương lai. Trong cảnh ngữ chính trị đặc thù của Trung Cộng, trong mỗi thời kỳ lịch sử và bối cảnh xã hội khác nhau, hàm nghĩa của “trị đảng phải từ nghiêm” là khác nhau, điều này chủ yếu quyết định ở “đảng” do ai nắm khổng chế. Trong ngữ cảnh chính trị như hiện nay, theo nhà phân tích Hạ Tiểu Cường, “trị đảng phải từ nghiêm” kỳ thực là “phải từ nghiêm để trị Giang”.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban kỷ luật TW (12/01/2016), Tập Cận Bình đã phát biểu, “Đối với ẩn hoạn chính trị là phải từ tầm cao chính trị để nhận thức. Trong đảng đang tồn tại kẻ dã tâm, kẻ âm mưu, làm xói mòn nền tảng cầm quyền của đảng từ trong đảng, chúng ta không thể tránh né, không thể đánh chuột sợ vỡ bình, sợ trước sợ sau, dùng chính sách đà điểu, điều này phải nói rõ”.

“Phần tử hủ bại thường là tập trung vào mình các mặt biến chất chính trị, tham nhũng kinh tế, sa đọa sinh hoạt, hống hách tác phong. Đối với diện cán bộ lãnh đạo thuộc trung ương quản lý thì biến chất chính trị là tội lỗi hàng đầu, không thể tha thứ, mềm tay. Từ Đại hội XVIII đến nay, đảng đã nhiều lần nhấn mạnh cán bộ lãnh đạo cần giữ nghiêm kỷ luật chính trị, qui củ chính trị. Cán bộ lãnh đạo khi đã biến chất chính trị là đại vấn đề quan hệ đến an toàn chính trị của đảng, nhà nước, do vậy cần xử lý triệt để tận gốc.”

Như vậy lôgích của Tập là, cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh quyền lực, là cuộc tranh quyền đoạt lợi, phải lấy kỷ luật chính trị để thanh lọc đội ngũ, kể cả những trọng thần tiền triều có sai phạm cũng không mềm tay. Bất kể cán bộ nào nếu vượt qua sợi chỉ đỏ chính trị, sẽ truy cứu trách nhiệm chính trị, mà kỷ luật chính trị, qui củ chính trị không phải là trò đùa. Nói “trị đảng là phải từ nghiêm minh” mà trước hết là phải nghiêm minh về kỷ luật chính trị, qui củ chính trị. Đó là nói chung cho toàn thể đội ngũ cán bộ của đảng, nhưng hiện nay là nhằm vào hai loại cao quan là các ủy viện Cục Chính trị, ủy viên Thường vụ Cục Chính trị và Người đứng đầu cấp ủy các cấp trong đảng, nhất là đối với đối tượng kẻ dã tâm, kẻ âm mưu đang làm xói mòn nền tảng cầm quyền của đảng. Kẻ dã tâm, kẻ âm mưu mà Tập nói đến là ám chỉ Giang, Tăng và phái Giang, Tăng cần nghiêm trị trở thành chủ đề của Hội nghị TW6 lần này. Điều này cũng thể hiện tính then chốt của Hội nghị TW6 ở chỗ cuộc chiến tái phân phối quyền lực và bố cục nhân sự cho Đại hội XIX.

Thứ tư, vũ khí để thực hiện chủ đề “từ nghiêm minh trị đảng toàn diện”.

Hai văn kiện mà Hội nghị Cục Chính trị vừa rồi chuẩn bị trình Hội nghị TW6, không phải là mới lần đầu đề ra, mà đã đề ra rất lâu trước đây, nhưng không được thực hiện nghiêm túc, và cũng có những điểm chưa thực sự đi vào thực chất.

Về “Chuẩn tắc sinh hoạt chính trị trong đảng” đã được ban hành từ 36 năm về trước (năm 1980), qua bài học hủ bại tầng cao trong đảng của các vụ Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, …, nay kiểm thảo và suy xét lại về Chuẩn tắc này, trong thời kỳ mới, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã đưa ra giải pháp một lần về “qui củ chính trị” đối với cao quan cấp Cục Chính trị và cấp Thưởng vụ Cục Chính trị trung ương đảng CSTQ. Trước đây, Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu là tâm phúc do Giang đề bạt lên, Chu thay Giang nắm công an, bộ đội cảnh sát vũ trang Trung Cộng trong thời gian dài; Quách, Từ thay Giang nắm quản quân quyền Trung Cộng trong thời gian dài. Các mệnh lệnh bị Chu, Bạc Hy Lai kết đồng minh âm mưu làm chính biến. Tô Vinh là nhân vật thứ hai của Giang, nhưng là tâm phúc của Tăng Khánh Hồng, đều là những cao quan bị thả lỏng, đứng ngoài, đứng trên các qui định của Chuẩn tắc. Định ra Qui củ đối với “người đứng đầu cấp ủy các cấp” cũng không được thực hiện nghiêm túc, phần lớn đều là người của hệ thống Giang, Tăng. Vì vậy tại Hội nghị TW6 cũng phải sửa đổi “Điều lệ tạm thời giám sát trong đảng của đảng CSTQ” phù hợp yêu cầu tình hình mới.

Về Điều lệ Giám sát hiện hành được ban hành từ ngày 31/12/2003 không đưa cấp Thường vụ Cục chính trị vào phạm vi giám sát. Trước đó, tại Hội nghị TW3 khóa XVI, Hồ Cẩm Đào đề ra rõ ràng cần xây dựng “hệ thống trừng trị và ngăn ngừa hủ bại coi trọng cả giáo dục, chế độ, giám sát”. Lúc đó Cục Chính trị và Thường vụ thảo luận, mọi người đều bày tỏ cần “bắt đầu từ bản thân làm trước”, chịu “sự giám sát của toàn đảng và nhân dân cả nước”, trước hết là giám sát của Ủy ban kỷ luật.

Ủy ban kỷ luật trung ương và các cơ quan liên quan thành lập Ban soạn thảo, đã từng “sửa đổi nhiều lần đối với Điều lệ”, sau khi Thường vụ Cục Chính trị thảo luận, đến tháng 01/2004 triệu tập Hội nghị toàn thể Ủy ban kỷ luật TW lần thứ III, mới chính thức công bố. Hồ Cẩm Đào yêu cầu được sự giám sát của ủy viên Ủy ban Giám sát, nhưng trở thành bọt bóng, mà Điều lệ này lại thêm cái đuôi “làm thử”, đồng thời Ban Thường vụ Cục Chính trị đều đứng ngoài phạm vi giám sát của Điều lệ, cho nên hiệu lực thực tế của Điều lệ coi như không có. Đó là thời Hồ Cẩm Đào, còn trước nữa lại còn lắm chuyện.

“Điều là giám sát trong đảng” của đảng CSTQ được đặt ra trong tình hình nào ? Đó là  trong tình hình ở Liên Xô Đông Âu đang dồn dập có biến động lớn.

Tháng 2/1989, đảng Cộng sản Hung ga ri tuyên bố bỏ vị trí cầm quyền, bắt đầu chính trị đa đảng.

Ngày 17/11/1989, Tiệp Khắc xẩy ra cuộc cách mạng Nhung Thiên Nga, đảng Cộng sản đổ, Havel vừa ra khỏi nhà tù 42 ngày trúng cử Tổng thống, sau nửa năm, đảng Cộng sản Tiệp tuyên bố giải tán.

Ngày 25/12/1989, vợ chồng Ceaucescu của Rumani bị giết, chính quyền độc tài Rumani này kéo dài 25 năm tuyên bố sụp đổ, đảng Cộng sản Rumani theo đó tuyên bố giải thể.

Tháng 6/1989, đảng Cộng sản Ba lan thất bại trong bầu cử Nghị viện, tháng 01/1990 đảng Cộng sản Ba Lan giải thể.

Ngày 19/11/1989, bức tường Berlin đổ; tháng 12 đảng Cộng sản Đức đổi tên thành đảng Dân chủ xã hội chủ nghĩa; ngày 03/10/1990, Đông Tây Đức thống nhất.

Năm 1990, các nước cộng hòa Nam Tư tiến hành bầu cử dân chủ trên cơ sở chế độ đa đảng, đảng Cộng sản mất vị trí cầm quyền.

Cục diện chính trị Liên Xô đang trong tình thế thay đổi nguy kịch, đang đối mặt với  nguy hiểm to lớn vong đảng vong quốc.

Lúc này, Trung Cộng có phần hoảng sợ. Ngày 12/3/1990, Hội nghị TW6/XIII đã thông qua một nghị quyết về tăng cường mối liên hệ cùng quần chúng. Trong đó nêu lên những năm gần đây trong rất nhiều đảng viên cán bộ nẩy sinh hiện tượng hư hỏng của chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa cá nhân và dùng quyền mưu lợi riêng, có trường hợp phát triển đến mức nghiêm trọng. Nghị quyết còn kiến nghị Ủy ban thường vụ Nhân đại toàn quốc định ra và thực hiện Luật giám sát, Quốc vụ viện định ra Pháp qui giám sát hành chính; Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương cùng Ban Tổ chức Trung ương định ra Điều lệ giám sát trong đảng.

Kiều Thạch, Ủy viên Thường vụ Cục Chính trị, Trưởng ban Kỷ luật Trung ương lúc đó, đối với việc soạn thảo “Điều lệ giám sát trong đảng” thực sự chú trọng, đã tổ chức một Tiểu tổ chuyên soạn thảo, tham khảo một số chế độ giám sát hữu hiệu trong ngoài nước, đã dự thảo một “Điều lệ giám sát trong đảng” có một số lực ràng buộc có tính cứng rắn đối với Cục Chính trị, Ban Thường vụ Cục Chính trị Trung ương và Tổng Bí thư đảng CSTQ. Điều lệ này sau khi trình lên Tổng Bí thư lúc đó là Giang Trạch Dân, Giang Trạch Dân đã nói một câu : “Chỉ cần tôi còn làm Tổng Bí thư một ngày, Điều lệ giám sát như thế này tuyệt đối không thể ra đời !” “Điều lệ giám sát trong đảng” do Kiều Thạch chủ trì soạn thảo đã bị bóp chết.

Ngày 28/9/1994, Hội nghị TW4/XIV thông qua nghị quyết về mấy vấn đề xây dựng đảng. Có thể lúc đó Kiều Thạch, ủy viên thường vụ Cục chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Nhân đại toàn quốc và một số người còn nhớ sự kiện này, trong Nghị quyết lần này lại một lần nữa nêu lên “cần hoàn thiện cơ chế giám sát trong đảng, định ra Điều lệ giám sát trong đảng”. Do Giang Trạch Dân không hứng thú gì vấn đề điều lệ này, hơn nữa lúc này Kiều Thạch không còn là Trưởng ban Kỷ luật Trung ương, nên vấn đề Điều lệ Giám sát trong đảng bị bỏ qua.

Từ tháng 12/1978 Ban Kỷ luật Trung ương được khôi phục xây dựng lại đến Đại hội XIV năm 1992, trong thời gian 14 năm, Trưởng ban Kỷ luật Trung ương vẫn do ủy viên Thường vụ Cục chính trị kiêm nhiệm. Đại hội đại biểu toàn quốc Trung Cộng bầu ra hai Ủy ban : một là Ban chấp hành Trung ương, một là Ban Kiểm tra kỷ luật trung ương. Về lý luận mà nói, vị trí Ban kiểm tra kỷ luật trung ương là cao hơn các Ban Chính pháp, Ban Tổ chức trung ương, Ban Tuyên giáo trung ương bên dưới của Ban chấp hành trung ương; Trưởng ban kiểm tra kỷ luật trung ương đúng ra là do ủy viên Thường vụ Cục Chính trị đảm nhiệm. Có thể Giang Trạch Dân bất mãn với Kiều Thạch Trưởng ban Kỷ luật Trung ương trước đây, trong Đại hội XIV, Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương bị Giang cố ý hạ cấp, do Úy Kiện Hành, chỉ là ủy viên Cục Chính trị đảm nhiệm. Cho nên mặc dầu TW4/XIV  đã có nghị quyết, nhưng Giang Trạch Dân không vội vã làm gì. Việc soạn thảo “Điều lệ giám sát trong đảng”, đưa lên rất cao, rồi nhẹ nhàng từ từ thả xuống, nhưng các lần Hội nghị TW tiếp tục nhắc tới, không thể không làm. Đến cuối năm 1995, Ban Kỷ luật trung ương và Ban Tổ chức trung ương lại lập ra một Tiểu tổ soạn thảo “Điều lệ giám sát trong đảng” do Từ Thanh, Phó Ban kỷ luật trung ương làm Tổ trưởng, Ngu Vân Diệu, Phó ban Tổ chức trung ương làm Tổ phó. Mọi việc lại bắt đầu từ đầu, tổ chức hội thảo, đi điều tra nghiên cứu ở một số địa phương, v.v…Kết quả cũng chẳng đưa ra được cái gì.

Đến tháng 9/1997, sau Đại hội XV, Úy Kiện Hành trở thành ủy viên Thường vụ Cục Chính trị, Trưởng ban Kỷ luật Trung ương, việc soạn thảo “Điều lệ giám sát trong đảng” lại dần dần được xới lên, cho đến tháng 11/2002 Đại hội XVI, Uý Kiện Hành nghỉ hưu, Giang Trạch Dân rút khỏi Ban chấp hành Trung ương, cũng chưa có được “Điều lệ giám sát trong đảng” mới.

Sau Đại hội XVI, Ngô Quan Chính, kế nhiệm ủy viên Thường vụ Cục Chính trị, Trưởng Ban Kỷ luật trung ương, tháng 01/2003 lần thứ ba thành lập Tiểu tổ soạn thảo “Điều lệ giám sát trong đảng”, đến tháng 12/2003, sau khi Cục Chính trị trung ương thảo luân thông qua, “Điều lệ giám sát trong đảng (làm thử)” chính thức ban hành và thực hiện.

(Kể dông dài việc soạn thảo “Điều lệ giám sát trong đảng” của Trung Cộng này để thấy một thực tế, nếu không nói là một chân lý “một đảng độc quyền lại mài dao sắc nhọn để tự giết cái độc quyền của mình, là không bao giờ làm, hoặc có làm chỉ là hình thức để lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin mà thôi”.)

Nhà phân tích Tạ Thiên Kỳ cho rằng, Hội nghị TW6 là một bước then chốt của Tập bố cục “Đại hội XIX”. Nếu nói, Tập thanh lọc, nắm vững bố cục nhân sự cho Đại Hội XIX, thì bước một là phải bảo đảm được việc chủ đạo nhân sự vào Cục chính trị và Thường vụ Cục Chính trị. Nhưng việc bố cục nhân sự tầng cao của Tập đang gặp nguy cơ của phái Giang gắn chặt với thể chế Trung Cộng hiện nay để cản phá. Cho nên Tập dùng hai văn kiện “Chuẩn tắc…” và “Điều lệ …” coi như lợi dụng thể chế Trung Cộng, lấy độc trị độc, không chỉ ngăn chặn sự cản phá của phái Giang, mà càng lợi dụng đảng qui đảng kỷ để loại trừ hơn nữa quan chức cao cấp của phái Giang. Trong thời gian thay nhiệm kỳ trước một năm của Đại hội, cuộc chiến Tập – Giang đã bước vào giai đoạn nóng, bố cục nhân sự và hành động “đánh hổ” đã và đang triển khai trên 3 cấp độ :

Trước tiên, cấp ủy viên Cục Chính trị : Cục Chính trị mới, số ủy viên Cục Chính trị hiện nay, ai sẽ tiếp tục ở lại, số mới vào là những ai ? Số lượng, cơ cấu, sự phân công ủy viên Cục Chính trị mới như thế nào ? Đều là những vấn đề tranh chấp quyết liệt giữa các thế lực, mà chủ yếu là hai thế lực Tập, Giang. Trong số ủy viên Cục Chính trị hiện nay của phái Giang có Trương Xuân Hiền, Lưu Kỳ Bảo, Hàn Chính, Tôn Xuân Lan, Quách Thanh Côn là những nhân vật then chốt chống Tập trong trung ương, tại Hội nghị TW6  sẽ như thế nào, là điều đang được chú ý.

Thứ hai, cấp ủy viên Thường vụ Cục Chính trị, phái Giang hiện có 3 người là Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ là những nhân vật đứng phía trước của tập đoàn Giang Trạch Dân chống Tập, cũng là trở ngại lớn nhất của Tập bố cục nhân sự “Đại hộ XIX”. Gần đây đương cục Tập đã đưa vào tù toàn bộ bộ máy đảng chính quyền của thành phố Thiên Tân (Từ quyền Bí thư, Chủ tịch, các phó thành phố đến người đứng đầu các quận, khu, các sở ban ngành, có ý kiến nói đùa là Bí thư Thiên Tân đủ cán bộ để thành lập một bộ máy đảng chính quyền thứ hai trong nhà tù !), của “bang Liêu Ninh” (45 đại biểu Nhân đại toàn quốc của  tỉnh Liêu Ninh và 454 đại biểu Nhân đại tỉnh Liêu Ninh dính án bị bãi miễn hoặc từ chức) là mục tiêu đánh vào Trương Đức Giang, Trương Cao Lệ. Còn Lưu Vân Sơn lâu nay đã có nhiều vấn đề, đến Hội nghị TW6 sẽ giải quyết. Vương Kỳ Sơn là người của Tập, nhưng đã quá tuổi theo qui định độ tuổi, còn tiếp tục hay không, cũng đang có ý kiến khác nhau. Những ngày gần đây trên mạng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và cả ở phương tây đưa ra 5, 6 phương án về nhân sự Thường vụ Cục Chính trị Đại hội XIX.

Thứ ba, đại lão hổ Giang Trạch Dân sẽ xử lý như thế nào ? cũng có nhiều ý kiến, nhiều phương án khác nhau, nhưng đều thống nhất là phải giải quyết dứt điểm, không thể dây dưa nữa.

Theo thống kê gần đây, từ Đại hội XVIII đến nay, đương cục Tập Cận Bình trước sau đã hạ 5 cán bộ lãnh đạo cấp Phó quốc trở lên, 22/205 ủy viên TW, trong đó có 9 bị điều tra, 13 là dự bị kế cận bị ngã ngựa. Chưa kể 56 hổ quân đội gồm 3 thượng tướng, 6 trung tướng, 47 thiếu tướng và gần 200 người cấp Phó bộ, phó tỉnh, cấp quân. Phần lớn trong đó đều là phái Giang. Bí thư, Chủ tịch của trên 2/3 tỉnh, thành, khu đã thay thế người của Tập, Lý, Vương. Ngoài ra đã xử lý trên 3 vạn quan chức Công an, viện Kiểm sát, Tòa án. Trong đó, tầng quản lý công an trên 12.200 người, hệ thống kiểm sát trên 7.700 người, hệ thống tòa án trên 12.100 người.

Theo báo “Động hướng” Hồng Kông số tháng 9 tiết lộ, cuộc sinh hoạt Cục Chính trị ngày 28/8 vừa rồi kéo dài 8 tiếng đồng hồ, là do sự tranh cãi vấn đề, đối chọi giữa các bên hết sức căng thẳng. Tại hội nghị, Vương Lô Ninh, ủy viên Cục Chính trị, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách trung ương; Hàn Chính, ủy viên Cục Chính trị, Bí thư Thành ủy Thượng Hải; Hồ Xuân Hoa, ủy viên Cục Chính trị, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, cùng với 28 vị ủy viên trung ương, 18 vị ủy viên dự khuyết trung ương liên kết với nhau đưa ra “Một số qui tắc về sửa đổi cơ cấu Thường vụ Cục Chính trị trung ương, ủy viên Cục Chính trị trung ương”. Lật Chiến Thư, ủy viên Cục Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng trung ương; Mã Khải, ủy viên Cục Chính trị, Phó Thủ tướng; Vương Chấn, Phó ủy viên trưởng Nhân đại; Trần Nguyên, Phó Chủ tịch Chính Hiệp cùng 22 vị ủy viên trung ương và 12 vị ủy viên dự khuyết trung ương kết hợp với nhau đưa ra “Về việc những người dự bầu ủy viên trung ương, dự bầu ủy viên dự khuyết trung ương khóa 19 ,  cần công khai công bố tình trạng tài sản của cá nhân, của vợ hay chồng, công tác, nguồn gốc kinh tế, quốc tịch và quyền lưu trú ở bên ngoài, nước ngoài của người thân trực hệ”. “Về việc công khai công bố tình trạng tài sản của cá nhân, của vợ hay chồng, tình trang công tác, học tập, tình trạng có hay không có quốc tịch, quyền cư trú nước ngoài của người thân trực hệ của ủy viên trung ương, ủy viên dự khuyết trung ương và ủy viên Ủy ban kỷ luật trung ương khóa này tại Hội nghị TW6 khóa 18”.

Như vậy khóa 18 có trên 200 ủy viên trung ương, trên 170 ủy viên dự khuyết trung ương là phải báo cáo công khai các tình hình nói trên tại Hội nghị TW6 sắp tới.

Tại Hội nghị này, Vương Kỳ Sơn Trưởng ban Kỷ luật trung ương đã phát ra tờ quân lệnh : nhân viên công chức cơ quan bộ ngành đảng, chính quyền nhà nước cần phải chậm nhất, sau nhất sau cảnh báo, cần phải công khai công bố tình trạng kinh tế của bản thân và của vợ hay chồng, tình trạng tài sản, quốc tịch, quyền cư trú nước ngoài của người thân trực hệ vô điều kiện, không có vin vào bất kỳ cớ nào, không làm tốt, nhất luật không được thăng tiến, đề bạt, nhất luật không giải quyết thủ tục nghỉ hưu.

Có gần 400 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết, có thể đi lên được đến tầng cấp này, là phải trải qua 20 năm lăn lộn, đánh đấm, mò mẫm, leo bò, chém giết sinh tử. Tập lên mới 4 năm, có nghĩa là 400 người này có thời gian dài 15 năm chấp hành qui củ của hệ thống Giang Trạch Dân. Nay Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn, Lật Chiến Thư đưa ra nghị án thay thế để nói chuyện, như vậy tại hội nghj TW6 gần 400 con người này sẽ bị đả kích hết sức nặng nề, thậm chí có tính hủy diệt.

Ngoài ra, Tiểu tổ đi sâu cải cách kiến nghị Tập vạch ra 6 làn ranh chỉ đỏ chính trị đối với quan chức đảng chính quyền, mà trước hết là hai loại đối tượng Cục Chính trị, Thường vụ Cục Chính trị và Người đứng đầu cấp ủy các cấp nói trên :

1) Vợ chồng, con cái và vợ chồng của con cái cán bộ lãnh đạo vi phạm qui chế cấm kinh doanh buôn bán.;

2) Để lại dấu vết can thiệp tư pháp, nhúng tay vào tiến trình vụ án, điều tra xử lý nghiêm túc;

3) Cần điều chỉnh thu nhập cao, quá cao không hợp lý của người phụ trách xí nghiệp trung ương;

4) Gây ra môi trường sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng, cần truy cứu trách nhiệm suốt đời;

5) Không được đụng làn ranh đỏ pháp luật, làm quan không thể biết luật pháp mà phạm pháp, chấp pháp mà phạm pháp;

6) “Làm quan mà không làm gì”, làm qua loa cho xong chuyện, chậm trễ công việc, cần hỏi trách nhiệm.

Hội nghị TW 6 lần này liệu có thông qua được các vũ khí sắc bén mà Tập Cận Bình đưa ra hay không, cho nên nhiều nhà phân tích bình luận cho rằng Hội nghị TW6 là một cuộc chiến sống mái cuối cùng giữa thế lực Tập và thế lực Giang, Tăng là vậy. Hoặc một tờ báo Mỹ bình luận, Tập vẫn mang cái bình tư duy cũ – cao giọng vấn đề chính trị, khác gì tư duy lấy chính trị làm thống soái thời Mao, vậy có rượu gì mới đựng trong cái bình cũ này ?

Ngoài ra, còn có những vấn đề liên quan khác, như vấn đề “hạt nhân Tập”, vấn đề qui định độ tuổi, vấn đề thể chế chính trị sắp tới, v.v… sẽ còn diễn biến, theo dõi tiếp cho đến sau Hội nghị TW6, sẽ rò hơn.

 

      (Nguồn : Tổng hợp từ thông tin trên các trang mạng chính thống và phi chính thống ở Trung Quốc, xin cung cấp để tham khảo.)

 

     

 

      

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443305

Hôm nay

2196

Hôm qua

2305

Tuần này

21118

Tháng này

218479

Tháng qua

112676

Tất cả

114443305