Nhìn ra thế giới

R. Duterte thăm Trung Quốc: Có chăng một cú lật kèo bấn loạn?

Vói chuyến thăm Việt Nam (28—29/9), Tổng thốngPhilippines Rodrigo Duterte bắt đầu một loạt chuyến công du châu Á vào tháng này. Hẳn nhiên mục đích của ông ở Hà Nội có một số điểm khác với việc ông sang Thái Lan, lại càng khác với các cuộc thăm cấp nhà nước tại Bắc Kinh và Đông Kinh (Tokyo). Đi với Bụt mặc áo cà sa… Ở đây, không phải là việc bỏ nước này để đi với nước kia, vấn đề là tăng cường các chất lượng quan hệ theo lợi ích và giá trị. Quan hệ giữa Philippines với các đối tác truyền thống sẽ có cú lật kèo bấn loạn? Dư luận cho rằng, Duterte tỉnh táo hơn thế. Vị tân Tổng thống này dẫu khó đoán định nhưng ông ấy biết mặt nào bánh mì được phết bơ.

Cuối cùng thì đúng như Philippines từng nhiều lần nhấn mạnh, cần phải lấy phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) làm nền tảng cho các thương lượng song phương với Bắc Kinh. Lập trường của Việt Nam và Philippines về Biển Đông vừa trải qua một cuộc trắc nghiệm lịch sử. Chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 28—29/9 của Tổng thống Rodrigo Duterte đã thể hiện khá rõ chính sách Biển Đông của mỗi nước, đặc biệt là chủ trương đối với Phán quyết PCA, liên quan đến vụ Manila kiện các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Điều bất ngờ mang tính tích cực là Tuyên bố chung gồm 10 điểm công bố tại Hà Nội tái khẳng định lập trường của mỗi nước đối với Phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực. Từ ngày 12/7 đến nay, đây là lần đầu tiên Phán quyết của Tòa PCA được xuất hiện trong một văn kiện ngoại giao có liên đới tới hai nước ASEAN. Các tuyên bố gần đây của nhiều Hội nghị ASEAN từng muốn nhắc đến Phán quyết xuyên thế kỷ này song đều bị gạt ra ngoài. Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Duterte, “chúng tôi sẽ tìm cách xác định các không gian mới nổi cho quan hệ hợp tác, đặc biệt trong vấn đề an toàn hàng hải và thực thi luật pháp quốc tế”. Tổng thống Philippines tin tưởng rằng “sự hội tụ của các lợi ích chiến lược là điều rất quan trọng đối với các quốc gia biển với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng”.

Hội tụ lợi ích chiến lược

2016 này, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm đầu tiên đến Hà Nội trên cương vị Tổng thống, ông Duterte khẳng định “coi trọng và tăng cường quan hệ mọi mặt với Việt Nam”. Tuyên bố chung Việt – Phi cam kết “nâng cấp và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước, đồng thời khai thác những điều kiện thuận lợi để phát triển và theo đuổi những lợi ích chiến lược chung”. Tin cho hay lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị, ngoại giao thông qua tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp. Theo Bloomberg, hai thành viên ASEAN Việt Nam và Philippines đã có nhiều nỗ lực để thành lập “một mặt trận chung nhằm đối trọng với Trung Quốc”. Nỗ lực này được bộc lộ ngay cả trước khi có phán quyết lịch sử của Tòa PCA ngày 12/7 tại La Haye, bác bỏ phần lớn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, Tuy nhiên, điều gây hoang mang với nhiều người là, sau thắng lợi La Haye, Tổng thống Duterte tỏ ra khá mềm mỏng với Trung Quốc và có lúc trình bày quan điểm ngược lại với Phán quyết. Ông Duterte khẳng định sẵn sàng thương lượng trực tiếp với Bắc Kinh và ưu tiên đẩy mạnh các quan hệ thương mại với Trung Quốc, vốn là đối tác kinh tế số một của Manila.

Với Tuyên bố chung công bố sau chuyến thăm cũng như các phát ngôn tại Hà Nội, liệu Tổng thống Philippines đã giải tỏa được mọi hiềm nghi về sự lật kèo của ông đối với cục diện hiện hữu tại Biển Đông, khi ông từng kêu gọi phải hợp tác mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong khi liên tục công kích Hoa Kỳ, vốn là đồng minh trụ cột lâu đời của Manila? Theo báo mạng Philippines Rappler.com, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trần Đại Quang hôm 29/9, hai nước đã nhất trí tiếp tục “tiến trình pháp lý và ngoại giao” để giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông. “Tiến trình pháp lý và ngoại giao” là một uyển ngữ thay thế cho cách đề cập trực tiếp đến phán quyết PCA 12/7, nhằm tránh chọc tức Trung Quốc. Lập trường của Việt Nam và Philippines là hội tụ (convergent), chứ không xung đột (conflict), theo Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Tổng thống Philippines đã thảo luận với phía Việt Nam về phán quyết của PCA, một phán quyết mà ông gọi là “con át chủ bài” (ace card) trong “cuộc đấu” hiện nay. “Con át chủ bài” cũng là từ mà Tổng thống Duterte từng sử dụng để nói về Phán quyết trong phiên họp Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 27/7/2016. Tại buổi họp đó, ông Duterte đã bày tỏ lòng biết ơn đối với người tiền nhiệm Benigno Aquino III về điều mà ông gọi là “thắng lợi lịch sử ngày 12/7” trong vụ kiện Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines Yasay còn cho biết, Tổng thống Duterte cam đoan là ông sẽ đề cập với Trung Quốc về phán quyết này vào một thời điểm thích hợp trong tương lai.

Vâng, nghe những lời trần trình của ông Duterte ngay tại Hà Nội, chúng ta mới thông cảm với những bức xúc của vị tân Tổng thống này trong cuộc chiến chống lại ma túy trên đất nước của ông. Việt Nam là chuyến công du nước ngoài thứ tư của Tổng thống Duterte kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 30/6 năm nay. Chiều 29/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Duterte, bảo đảm với Tổng thống, Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và phối hợp với Philippines hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, thống nhất và phát triển. Trong Tuyên bố chung sau đó, hai nước nhất trí xây dựng “Chương trình hành động giai đoạn 2017 – 2022” nhằm định hướng các hoạt động trên các lĩnh vực có cùng lợi ích trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược. Lãnh đạo hai bên đánh giá cao “Cơ chế đối thoại chính sách cấp Thứ trưởng giữa Bộ Quốc phòng hai nước”. Hai bên cũng nhất trí thiết lập “Cơ chế đối thoại về an ninh giữa Bộ Công an Việt Nam và Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines”. Với các cơ chế này, hy vọng các bên sẽ cùng tìm ra những biện pháp mới nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác và phù hợp với tầm nhìn đối tác chiến lược.

Tương lai bất trắc

Theo các nguồn tin ngoại giao, từ ngày 19—21/10/2016, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp sang thăm Trung Quốc. Quyết định mang theo giới lãnh đạo doanh nghiệp trong chuyến công du lần này cho thấy ông Duterte muốn đẩy mạnh cam kết hòa bình với Trung Quốc và hàn gắn những rạn nứt kể từ khi Manila kiện bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh ra PCA. Chuyến công du cũng cho thấy Tổng thống Philippines muốn điều chỉnh chính sách ngoại giao lâu nay liên kết sâu với Mỹ sau những tuyên bố của ông rằng, Nga và Trung Quốc sẽ là những đối tác thương mại của Manila trong thời gian tới. Theo Đại sứ Lauro Baja, cựu Đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hiệp Quốc, ông Duterte đang sử dụng triển vọng về mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga như một "lá bài để mặc cả" với Mỹ. Tổng thống Philippines muốn bàn về Biển Đông và tội phạm ma túy trong chuyển công du tới Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không muốn nói chuyện ma túy. Nỗ lực xích lại gần hơn với Bắc Kinh của ông Duterte đang gặp cản lực chính bởi chiến dịch chống ma túy do ông phát động.

Trong khi Hà Nội và Manila vừa kết thúc các cuộc đàm phán đầu tiên kể từ lúc mỗi bên vừa có lãnh đạo mới, thì các tin tức từ Bắc Kinh về một cuộc tập trận chưa có tiền lệ vừa diễn ra trước đó trên đại dương khiến dư luận hết sức quan ngại. Trung Quốc đã tập trung hơn 40 máy bay chiến đấu từ nhiều đội hình khác nhau nhằm phô diễn khả năng chống lại sự can thiệp của bên ngoài. Ý đồ gây ra “hiệu ứng răn đe” là nhằm vào các nước láng giềng có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Cuộc tập trận lớn chưa từng có của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương vào ngày 25/9 vừa qua chỉ là bước khởi đầu, các chuyên gia quân sự dự đoán Trung Quốc sẽ có nhiều những cuộc tập trận lớn hơn nữa trong tương lai. Người phát ngôn lực lượng không quân Thân Tiến Khoa cho biết máy bay ném bom H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và máy bay tiếp tế tiến hành diễn tập trinh sát và cảnh báo sớm, mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên biển. Máy bay Trung Quốc đã từng bay qua eo biển Miyako của Nhật Bản một cách có hệ thống, trong đó máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tiến hành các cuộc tuần tra trên vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông được thiết lập từ năm 2013.

Trong bối cảnh nói trên, Tổng thống Duterte lại tiếp tục gây khó hiểu khi ông tuyên bố sẽ không tập trận chung với Mỹ. Ông Duterte nói hôm 28/9: “Mỹ có lịch tổ chức tập trận một lần nữa (với Manila) nhưng Trung Quốc không muốn (cuộc tập trận ấy)… Tôi xin thông báo cho quý vị biết, đây sẽ là cuộc tập trận cuối cùng (với Mỹ?)”.  Ông Duterte phát biểu như vậy khi gặp cộng đồng  người Phi tại khách sạn Intercontinental, Hà Nội. Cùng với từ chối của Philippines, trước đó, Mỹ đã nhận thêm cú sốc khác khi Nhật Bản cũng tuyên bố không tham gia tuần tra chung trên Biển Đông. Tờ Japan News dẫn lời Đô đốc Tomohisa Takei, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) tại hội nghị chuyên đề ở Washington hôm 26/9 cho biết, Nhật Bản không có kế hoạch tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông với Mỹ. Theo ông Tomohisa Takei, chính phủ Nhật Bản chỉ dự kiến tham gia tuần tra huấn luyện với hải quân Mỹ ở Biển Đông và tập trận đa phương với hải quân khu vực. Tokyo không có ý định phối hợp với hải quân Mỹ tuần tra quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này, giới học giả ở Mỹ cũng chưa thống nhất với nhau về cách đánh giá các hành động của Trung Quốc. Tiến sĩ James Kraska, Giáo sư Luật quốc tế tại Học viện Hải chiến Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Obama đã hoàn toàn sai lầm khi đánh giá các yêu sách của Trung Quốc là “quá đáng”, mà không gọi thẳng đó là “phi pháp”. Đối với Giáo sư Kraska, Hoa Kỳ phải làm rõ từ vấn đề cách gọi. Ông đề nghị: “Chúng ta phải nói thẳng, phải loại bỏ các từ ngữ quá ngoại giao, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự mơ hồ và hoài nghi, có lợi cho Trung Quốc”. Còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thì nhấn mạnh đến tác hại của thái độ quá thận trọng của chính quyền đối với Trung Quốc. Theo chuyên gia này, vì rụt rè, Hoa Kỳ đã không được Trung Quốc coi trọng. Bà Glaser nêu bật việc chính quyền Obama đã dành ưu tiên hợp tác với Trung Quốc trong lãnh vực biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, vì thế đã không dám cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.

*

Trước một viễn tượng đầy bất trắc như trên, các nước tầm trung như Việt Nam hay Philippines (middle powers) có thể làm gì để ứng phó? Đối với những nước này,rõ ràng năng lực ứng phó nằm ở các ý tưởng, ở các đề xuất sáng kiến để tạo môi trường trong đó luật quốc tế phải được tôn trọng và thực thi. Hy vọng, trong các cuộc hội đàm vừa qua, lãnh đạo hai nước có đề cập đến sáng kiến mới đây của Việt Nam do Chủ tịch Trần Đại Quang đề xuất tại Singapore (ngày 30/8), đó là đã đến lúc cần bổ sung nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN. Nguyên tắc đồng thuận (cũ) rõ ràng đã cản trở khả năng hành động của tổ chức này trong khuôn khổ pháp lý. Sáng kiến của Việt Nam, nếu được lắng nghe, nếu được chấp thuận, có thể góp phần khôi khôi phục vai trò trung tâm của tổ chức vùng này. Nếu vượt qua được giai đoạn hiện nay, ASEAN có thể sẽ thủ một “vai diễn” đáng nể. Nên chăng mượn lời của cựu Tổng thống Phillippines Phidel Ramos để thắp sáng hy vọng đối với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017 của Philippines: “Những nước tầm trung không nhất thiết là những khán giả thụ động trước những tương tác giữa các nước lớn”. Không có sức mạnh về kinh tế và quân sự như các cường quốc thì sức hút của ASEAN chính là những ý tưởng. Sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng lúc, vấn đề là ASEAN như một tổ chức có khả năng tiếp nhận hay không?

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434915

Hôm nay

2186

Hôm qua

2349

Tuần này

21565

Tháng này

211963

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434915