Nhìn ra thế giới

Tinh thần TPP còn đấy!

Tất cả các quốc gia đã ký và đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù Mỹ đóng vai trò then chốt, vẫn có nhiều cách để các nước còn lại có thể tiếp tục nếu Mỹ thực sự rút khỏi TPP. Một trong cách ấy là sửa đổi mục thực thi hiệp định để loại bỏ nguyên tắc 85% GDP, đồng thời, duy trì những nội dung còn lại trong hiệp định.

Trong một lần cuối năm 2016, phát biểu với truyền thông trong nước, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam từng đặt chân vào Nhà Trắng để đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ trước đây (BTA), khẳng định: “TPP là một mắt xích quan trọng của quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Với việc ông Trump đã chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, quá trình tự do hóa toàn cầu ấy chịu một sức ép không nhỏ”. Cũng theo ông Vũ Khoan, giờ đây một số người lại nói có hay không có TPP cũng không vấn đề gì. Nếu nói thế, hãy đặt lại câu hỏi: Vậy thì anh vào TPP làm gì, cố công đàm phán bao nhiêu năm trời, thậm chí có rất nhiều kỳ vọng, nhiều dự đoán lạc quan để làm gì. Theo ông Vũ Khoan, nếu rồi đây, TPP không còn nữa, hay nó sẽ thay đổi đi, thì phải tính toán, thích nghi với tình hình đó. Từ khi tham gia WTO, Việt Nam đã dùng các thỏa thuận về tự do hóa mậu dịch để mở rộng thị trường, có thêm đầu tư, đồng thời cũng dùng nó để thúc đẩy quá trình đổi mới ở trong nước. Quá trình này sẽ tiếp tục với việc ta hội nhập quốc tế và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác nhau, nhưng nó sẽ phải điều chỉnh trong trường hợp không có TPP.

Liệu có thể cứu vãn TPP?

Việc TPP sẽ bị thất bại nếu không có Mỹ tham gia bắt nguồn từ chính nội dung hiệp định này. Điều 30.5 yêu cầu tất cả 12 bên ký ban đầu phải phê chuẩn hiệp định trong hai năm kể từ ngày ký vào tháng 10 năm 2015. Nếu bất cứ nước nào không thực hiện được đúng hạn, các nước còn lại vẫn có thể tiếp tục Hiệp định TPP với điều kiện có từ sáu nước trở lên phê chuẩn thỏa thuận, nhưng các nước này phải chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước ban đầu. Trong khi đó Mỹ chiếm 60% tổng GDP của tất cả. Vì vậy, không có Mỹ đồng nghĩa với việc không có TPP. Tuy nhiên, theo Kelly O’Neill và Eugene Beaulieu từ khoa Chính sách công thuộc Đại học Calgary, không nhất thiết TPP sẽ chết, ngay cả khi dựa trên nguyên tắc GDP. Có hai kịch bản có thể cứu vãn Hiệp định này. Một là ông Trump sẽ thay đổi quyết định của mình và làm việc với Quốc hội Mỹ để phê chuẩn Hiệp định. Hai là 11 quốc gia khác có thể bàn bạc lại Điều 30.5 và tìm ra cách để phê chuẩn Hiệp định TPP.

Kịch bản đầu tiên không phải là không thể diễn ra, chủ yếu vì TPP là một hiệp định rất có lợi cho Mỹ, cả về kinh tế và chính trị. Ông Trump phải xoa dịu các tổ chức doanh nghiệp và Đảng Cộng hòa vì hầu hết họ đều ủng hộ tự do thương mại. Ông Trump  vẫn có cơ hội để thay đổi quyết định cũng như đòi hỏi thêm các điều kiện trong nội dung hiệp định trước khi phê chuẩn TPP. Chỉ mới một năm trôi qua và thời hạn phê chuẩn vẫn còn đủ cho những thay đổi nội dung vào phút chót. Nói nôm na, Mỹ có thể khéo léo thêm các yêu cầu của mình vào hiệp định mà vẫn không gây ảnh hưởng đến các điều khoản ban đầu. Các bên ký sau đó sẽ chỉ ký tắt vào các tài liệu bổ sung để cứu vãn TPP. Điều này từng xảy ra trong lịch sử khi Bill Clinton vào năm 1994 muốn bổ sung hai yếu tố lao động và môi trường, vốn không được bao gồm trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Những quy định này đã được Canada và Mexico ủng hộ vào phút chót và Hiệp định đã được phê chuẩn ngay sau đó.

Kịch bản thứ hai là tìm cách để các nước còn lại có thể tiếp tục mà không cần đến Mỹ. Việc thiếu chữ ký của Mỹ không thể xóa bỏ TPP, nếu 11 quốc gia còn lại tiếp tục duy trì Hiệp định và bỏ qua  quy tắc 85% GDP. Thỏa thuận TPP ban đầu được xúc tiến bởi 4 quốc gia và con số này đã tăng lên 12 sau 8 năm đàm phán. Tất cả các quốc gia đã ký và đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình phê chuẩn Hiệp định dựa trên lợi ích kinh tế. Mặc dù Mỹ đóng vai trò then chốt, vẫn có nhiều cách để các nước còn lại có thể tiếp tục. Một trong số đó là sửa đổi mục thực thi hiệp định để loại bỏ nguyên tắc 85% GDP. Đồng thời, duy trì những nội dung còn lại trong hiệp định.

Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Peru từ ngày 17—20/11/2016 đã quy tụ 21 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Trong tuần lễ APEC ấy, việc tân Tổng thống Trump tái khẳng định sẽ xóa bỏ các thỏa thuận thương mại tự do đã trở thành chủ đề chính tại Hội nghị, dù ông Trump không có mặt. Các nguyên thủ dường như đều muốn chuyển tải thông điệp của họ tới người sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ vào tháng 1/2017. Tổng thống nước chủ nhà Peru Kuczynski đã cảnh báo về những tác động tiêu cực có thể xảy ra nếu Mỹ có bất kì động thái nào nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu. Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục lên tiếng ủng hộ TPP.

Việc Mỹ rút khỏi TPP đã vô tình tạo chỗ trống lớn trong khu vực xuyên Thái Bình Dương. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP, điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ và có thể tạo cơ hội để Trung Quốc tăng cường vị thế đối với thương mại khu vực và toàn cầu. Trung Quốc đang đấy mạnh tiến trình hoàn thiện hiệp định mới có tên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong đó bao gồm các nước thành viên thuộc hiệp định TPP như Úc và Nhật Bản. Nếu RCEP được ký kết thành công, vị thế của Trung Quốc trong khu vực sẽ mạnh hơn, nhất là đối với các nước châu Á. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn kêu gọi các nước châu Mỹ La Tinh tham gia hiệp đinh RCEP nhằm giảm dần tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực này, nơi được coi là "sân sau" của Mỹ.

Quốc tế vẫn chống bảo hộ

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn APEC tại thủ đô Lima (Peru) có thể sẽ là một trong những hội nghị APEC nổi bật nhất trong lịch sử của thế kỷ 21, khi nó chứng kiến một sự chuyển dịch kịch tính đối với các xu hướng chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu. Mỹ, quốc gia sở hữu nền kinh tế số một thế giới, đang trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi tuyên bố chung của hội nghị đã chỉ đích danh nước Mỹ như một điển hình của xu hướng bảo hộ thương mại sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống. Trong khi đó, nền kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc lại đang nổi lên như quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho tự do thương mại toàn cầu. Chưa bao giờ vị thế của nước Mỹ, của nền kinh tế Mỹ lại trở nên suy yếu và bị nghi ngờ nhiều đến thế trong một hội nghị thượng đỉnh hàng đầu như APEC.

Có thể nói, những gì diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua là phản ứng quyết liệt và dữ dội nhất của các nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016, nơi ứng cử viên có xu hướng bảo hộ và phản đối tự do thương mại Donald Trump là người đắc cử. Lãnh đạo 21 nước thành viên APEC đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh diễn ra hàng năm này với lời kêu gọi chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh sự hoài nghi về tự do thương mại đang ngày càng gia tăng, mà điển hình là việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Nó được thể hiện rõ ở tuyên bố chung của các nước thành viên hội nghị: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết sẽ mở cửa các thị trường nội địa của mình và chiến đấu chống lại tất cả các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.

Tuyên bố chung này là đòn phản công của quốc tế đối với chiến thắng của ông Trump, khi nó đồng nghĩa với một thông điệp chung: Tất cả các nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương phản đối và không ủng hộ lập trường bảo hộ và chống lại tự do thương mại của vị tân tổng thống Mỹ. Bài phát biểu sau đó của tổng thống nước chủ nhà Peru Kuczynski càng làm nổi bật hơn vấn đề: “Chủ nghĩa bảo hộ trên thực tế là một sự phản ánh về tình trạng khó khăn mà các nền kinh tế đang gặp phải. Đây là một điều đáng lo ngại khi kết quả bầu cử tại một số nền kinh tế lớn nhất thế giới thời gian qua đã phản ánh xu hướng chống lại thương mại tự do”. Ông Kuczynski cho rằng, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và nước Anh bỏ phiếu Brexit rời khỏi EU theo xu hướng bảo hộ là một sự trái ngược với thực tế rằng hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới đều đang chung tay hỗ trợ thúc đẩy thương mại toàn cầu để lấy lại sự thịnh vượng trước đây.

Quan hệ thương mại Mỹ - Việt

Sau khi hiệp định TPP được coi là chết lâm sàng, luật sư Sesto Vecchi của hãng luật quốc tế Russin & Vecchi trong một bài viết cho tờ The Hill có trụ sở ở Washington DC đã khuyến nghị, Mỹ nên tập trung vào một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam với các điều khoản đã được thương lượng về cắt giảm thuế và bảo hộ lao động trong TPP. Ông Vecchi, với hơn 35 năm kinh nghiệm hành nghề luật, coi Việt Nam là một trường hợp đặc biệt để Mỹ xem xét trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách theo đuổi một hiệp định thương mại khác với các nước trong khu vực để thay thế TPP. TPP là một trong 3 hiệp định thương mại và đầu tư lớn nhất mà Mỹ từng thương lượng trong kỷ nguyên hậu chiến tranh. Hiệp định này xóa bỏ 18.000 loại thuế đối với các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ và do đó sẽ làm tăng lượng hàng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á.

Theo lập luận của luật sư hàng đầu của hãng luật có nhiều văn phòng trên toàn cầu, Việt Nam là một thị trường phát triển nhanh nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Năm 2015, lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam có mức tăng 24%/năm với tổng doanh thu lên tới 7.1 tỷ đô la và với các các loại thuế bảo hộ được xóa bỏ, theo các điều kiện thương lượng trong TPP, thì con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Hơn thế nữa, Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu gần 16 tỷ đô la hàng may mặc và giày dép vào Mỹ năm 2015 với các nhãn hàng nổi tiếng của Mỹ như Nike, Ralph Lauren và Calvin Klein. Mặc dù phải chịu mức phí lớn hơn do tiêu chuẩn về môi trường và lao động cao hơn, như các điều kiện của TPP đã được thương thảo, nhưng các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ có những lợi ích lớn khi được hưởng thuế suất thấp hơn vào Mỹ và gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Trường Thủy của Học viện Ngoại giao lại cho rằng với một hiệp định thương mại song phương như trên, Việt Nam sẽ không có nhiều lợi ích như Mỹ. Trên trang Twitter của mình, ông Thủy viết khi phân tích về nhận định của luật sư Vecchi rằng: “Một TPP song phương sẽ làm thay đổi quan hệ thương mại Mỹ theo hướng là chỉ có lợi cho người Mỹ”. Còn trong bài viết của mình, luật sư Vecchi nói một hiệp định thương mại song phương sẽ làm thay đổi mối quan hệ thương mại Việt-Mỹ theo hướng sẽ có lợi cho cả 2 bên nhưng cũng có người bị thiệt thòi. Theo phân tích của ông, công nhân Mỹ sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất, vì hàng nghìn việc làm với mức lương cao sẽ được tạo ra nhờ vào việc xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trong tương lai và Việt Nam sẽ có được những tiêu chuẩn bảo vệ cao hơn cho môi trường và người lao động trong nước. Người bị thiệt thòi nhất, theo ông Vecchi là các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vì họ sẽ mất đi thị phần và công việc do sự cạnh tranh tăng cao của Việt Nam./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434833

Hôm nay

2104

Hôm qua

2349

Tuần này

21483

Tháng này

211881

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434833