Công cuộc tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên trên thế giới của Trung Quốc
- Trung Quốc là quốc gia lớn trên thế giới, diện tích 9,6 triệu km2 (đứng thứ hai trên thế giới), dân số hơn 1,3 tỷ người (đứng thứ nhất thế giới), GDP đứng thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ). Kể từ khi Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách - mở cửa kinh tế (12/1978) đến nay (7/2017), đã gần 40 năm. Trong gần 40 năm qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, với con số đạt sấp sỉ 10%/một năm. Công nghiệp Trung Quốc đã phát triển như vũ bão, trở thành “công xưởng của thế giới”. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã lên đến hàng nghìn tỷ USD. Để đạt được những thành tựu đó, Trung Quốc đã phải cố gắng không ngừng, vừa có đường lối đúng, phương pháp đúng, nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước….
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công trong sự nghiệp cải cách - mở cửa đất nước Trung Quốc, không thể không nhắc đến vai trò của việc khai thác nguồn tài nguyên quý báu trên thế giới. Muốn công nghiệp tăng trưởng cao, trở thành “công xưởng thế giới”, Trung Quốc cần phải dựa vào nguồn đầu tư lớn. Nguồn đầu tư đó, không phải chỉ dựa vào nguồn tài nguyên trong nước, mà phần lớn phải dựa vào nguồn tài nguyên trên thế giới. Giai đoạn cải cách - mở cửa đất nước từ 12/1978 đến nay 7/2017, Trung Quốc đã dần dần hình thành chiến lược khai thác tài nguyên thế giới nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Giai đoạn 10 năm đầu của cải cách kinh tế (1978 - 1988), do Trung Quốc còn chưa phát triển, nên Chủ tịch Đặng Tiểu Bình mới phác họa ra những bước đi đầu tiên trong việc đưa Trung Quốc tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế. Việc Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên thế giới để phục vụ cho công cuộc 4 hiện đại hóa, còn thực hiện chưa thật sâu rộng và mạnh mẽ. Giai đoạn Giang Trạch Dân nắm quyền lãnh đạo đất nước (1989 - 2002), ông Giang tập trung đẩy mạnh đàm phán để gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), chiến lược khai thác nguồn tài nguyên thế giới tuy đã được đề cao nhưng vẫn còn chưa mạnh mẽ. Phải bắt đầu từ giai đoạn ông Hồ Cẩm Đào lãnh đạo đất nước, Trung Quốc mới thực sự đẩy mạnh chiến lược “đi ra ngoài” (2002 - 2012). Trung Quốc đã xây dựng chiến lược khai thác mạnh mẽ nguồn tài nguyên trên thế giới để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và phát triển đất nước. Đặc biệt đến giai đoạn Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đất nước (2012 - nay), đã xác định rõ ràng đường lối “chấn hưng Trung Hoa”, với “Giấc mộng Trung Quốc”, chấm dứt thời kỳ “giấu mình chờ thời”, chủ động vươn lên trở thành người lãnh đạo thế giới, với những sáng kiến mới nhằm xây dựng trật tự thế giới mới: G2 (cùng Mỹ lãnh đạo thế giới), thực hiện kế hoạch “2 cái một trăm năm”, kỷ niệm một trăm năm đầu (1922-2022), thành lập ĐCSTQ, Trung Quốc sẽ trở thành nước giàu có (tiểu khang), và kỷ niệm một trăm năm sau (1949 - 2049) thành lập nước, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường, vượt nước Mỹ. Cùng với đường lối chung đó, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt các chiến lược táo bạo về quân đội, quốc phòng, an ninh, về đối ngoại, về kinh tế, xã hội…Trong đó có chiến lược biển, chiến lược khai thác nguồn tài nguyên thế giới v.v…
Nếu tìm văn bản cụ thể để xác định rõ ràng chiến lược khai thác nguồn tài nguyên thế giới, thì e rằng sẽ khó tìm thấy. Nhưng, nếu xem xét kỹ vào những kế hoạch 5 năm, 10 năm phát triển kinh tế, thì chúng ta sẽ thấy rất rõ những ý tưởng lớn về việc khai thác nguồn tài nguyên thế giới của Trung Quốc. Chiến lược ấy là nhằm tiếp tục đưa Trung Quốc phát triển không ngừng, giữ vững mức tăng trưởng cao và đáp ứng nhu cầu sống của 1,3 tỷ người dân. Đây là điều kiện tiên quyết để duy trì trật tự xã hội và giữ vững vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ. Và điều kiện tiên quyết đưa Trung Quốc phát triển là tiếp tục đà phát triển và đảm bảo được nguồn năng lượng, nguyên liệu dồi dào, dài hạn (trong khi một số nguyên nhiên liệu như dầu khí, đã có viễn tượng cạn kiệt trong thời gian không xa lắm). Đối với Trung Quốc đây là quốc sách, trụ cột không những của hệ thống kinh tế, mà còn của chính sách ngoại giao và quân sự. Lãnh đạo Trung Quốc đã âm mưu tính toán lâu dài, đặt các cột mốc cho cả hàng chục năm, kiên trì theo đuổi nhằm thực hiện các kế hoạch khai thác tài nguyên thế giới. Ví dụ, năm 2006, Trung Quốc đã “giật” được hợp đồng khảo sát dầu khí ở Angola khỏi tay công ty ONGC (Ấn Độ) đã trả 310 triệu USD, Sinopec (Trung Quốc) đã trả hơn gấp đôi, cộng thêm 420 triệu USD vào giá của ONGC đưa ra [1].
Là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc cần đủ loại nhiên, nguyên liệu trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang khát dầu khí vô cùng. Năm 2009, xuất khẩu của Arabia Saudi sang Trung Quốc tăng gần gấp đôi so với năm trước, vượt qua xuất khẩu sang Mỹ. Arabia Saudi còn xây dựng một khu lọc dầu lớn ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, tiếp cận 300.000 thùng dầu thô/ ngày từ nước này. Hiện nay, họ còn xây dựng nhà máy lọc dầu thứ hai ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 sau Mỹ và là nước nhập khẩu dầu ròng lớn nhất thế giới kể từ năm 2009. Theo Oil & Gas Jounal (OGJ), Trung Quốc nắm giữ 20,4 tỷ thùng trữ lượng dầu mỏ tính đến tháng 1/2012, tăng hơn 4 tỷ thùng so với 3 năm trước, cao nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2011, tổng số dầu nhập khẩu ròng đạt 5,5 triệu thùng/ngày, trở thành nước nhập khẩu ròng lớn thứ 2, sau Mỹ [2].
Do nhu cầu tiêu thụ dầu khí rất lớn, vì vậy, ngoài việc Trung Quốc mua dầu của các nước, ký kết hợp đồng đến 400 tỷ USD với Nga…Trung Quốc còn đẩy mạnh “chiến lược biển” nhằm thực hiện chiến lược “đường lưỡi bò” ở biển Đông, xây dựng 7 đảo nhân tạo, điều các giàn khoan HD 981 và các giàn khoan khác, tới vùng biển của các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippin, Brunei, Mailaixia, Indonexia…tiến hành thăm dò, khai thác dầu tại đây. Không những thế Trung Quốc còn cử các đoàn khảo sát địa chất thăm dò, nghiên cứu lượng “băng cháy” ở Biển Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ngày 26/6/2017, tờ Guang Zhou Daily đưa tin: Trung Quốc đã phát hiện một dải băng cháy trải rộng 350km2, tại Biển Đông. Chính sự kiện này đã gây ra không khí căng thẳng tại khu vực, cục diện biển Đông sẽ tăng nhiệt vì hành động này của Trung Quốc [3].
Về khoáng sản, Trung Quốc rất cần đủ mọi nguyên liệu nhằm cung cấp cho các kỹ nghệ nặng, cũng như các ngành công nghiệp chế biến. Quặng sắt, đồng, chì, kẽm, cô ban, mangan, bôxit, cái gì Trung Quốc cũng cần và với số lượng rất nhiều. Hiện nay, Trung Quốc đứng đầu thế giới về nhập khẩu quặng sắt, mangan, chì và chromium, với thị phần từ 32% đến 56% từ năm 2004. Với 19% nhập khẩu đồng trên thế giới năm 2004 (24% tính cả đồng vụn và phế liệu), Trung Quốc chỉ đứng sau Nhật Bản. Sự phát triển ồ ạt các kỹ nghệ xây dựng, đồ gỗ, giấy v.v. chiếm 1/4 nhập khẩu gỗ của thế giới, đưa Trung Quốc lên vị trí đứng thứ nhất. Theo báo cáo 2010 của WTO, Trung Quốc đứng hạng 3 trên thế giới về nhập khẩu tất cả các nguyên, nhiên liệu nói chung, với 330,3 tỷ USD và thị phần 8,6% năm 2008. Riêng về khoáng sản, Trung Quốc chiếm hạng nhất nhập khẩu với 138,1 tỷ USD và gần 20% thị phần thế giới. Rõ ràng, đây là những con số biết nói, Trung Quốc đang thực thi “chính sách vơ vét” tài nguyên thiên nhiên khắp mọi nơi trên thế giới[4].
Bên cạnh việc thực thi “chính sách vơ vét” nguyên, nhiên liệu trên thế giới, Trung Quốc còn thực hiện “chiến lược làm chủ nguồn cung ứng nguyên nhiên liệu”. Đó là việc Trung Quốc “mua lại”, “cướp lại” những công ty khai thác nguyên, nhiên liệu lớn trên thế giới. Thực hiện các biện pháp như góp vốn cổ phần, rồi tìm cách khống chế cổ phần, giữ vai trò lãnh đạo trong các Hội đồng quản trị, Hội đồng cổ đông…Trung Quốc coi việc đảm bảo cung cấp năng lượng và nguyên liệu là vấn đề an ninh quốc gia, và nỗ lực tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung ứng. Ví dụ, Trung Quốc hiện nay mua dầu khí của 30 nước, tuy những nguồn chính vẫn là Arabia Saudi, Iran, Oman, Angola, Nga. Mặt khác, để tránh sức ép về giá cả của thị trường, chiến lược của Trung Quốc là tìm đến tận gốc, làm chủ và tìm cách chi phối nguồn cung ứng bằng cách tham gia trực tiếp ở “thượng nguồn”. Với sự hậu thuẫn của chính quyền, các công ty Trung Quốc đã tích cực mua các cổ phần của các công ty khoáng sản, cho các nhà đầu tư và khoáng sản vay vốn và ký kết hợp đồng mua dài hạn. Những hoạt động này của Trung Quốc có thể khóa các nguồn tài nguyên, giành cho mình những điều kiện tiêu thụ ưu đãi và nới rộng sự khống chế của Trung Quốc lên các kỹ nghệ hầm mỏ…[5].
Ngoài ra, Trung Quốc còn thực hiện chiến lược sáp nhập, mua lại những công ty khoáng sản trên thế giới. Với trào lưu “đi ra ngoài”, các công ty trong nước của Trung Quốc sẽ tiến hành tham gia chiếm lĩnh các công ty khoáng sản trên thế giới, với qui mô ngày càng to lớn, với số lượng ngày càng nhiều. Bởi vậy, hiện nay trên thế giới thường xuất hiện khái niệm “chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu”.
Điển hình nhất là trường hợp Trung Quốc đã bị các nước phương Tây cáo buộc đã thực thi chính sách “thực dân kiểu mới ở châu Phi”. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên ở “Lục địa đen”, khai thác nguồn nhân công giá rẻ, không giúp tạo công ăn việc làm cho thị trường ở đây. Các hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc đã tràn ngập tại thị trường các nước này. Nguồn tài nguyên của các nước châu Phi đã được Trung Quốc tận lực khai thác, được mang về Trung Quốc, không chuyển giao công nghệ, không mang lại giá trị gia tăng cho châu Phi. Các dự án xây dựng mỏ đồng ở Zambia khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án xây dựng đập thủy điện ở thác Kongou tại Gabon do Trung Quốc đầu tư đã đe dọa hủy diệt cả một vùng sinh thái giàu có của công viên quốc gia Ivindo. Tại châu Phi, nhiều rừng nguyên sinh đã bị Trung Quốc tàn phá để khai thác gỗ…Có hiện tượng này cũng là điều dễ hiểu, bởi Trung Quốc là nước thiếu tài nguyên. Vì vậy, mục đích khai thác tài nguyên ở các nước khác nhau trên thế giới là một chiến lược của Trung Quốc nhằm thực hiện công cuộc công nghiệp hóa đất nước[6]. Hiện nay, Trung Quốc đang khuyến khích các tập đoàn khai khoáng trong nước tăng cường các hoạt động mua bán, sáp nhập và tham gia vào hàng loạt các dự án khai thác mỏ tại châu Phi. Các tập đoàn khai khoáng lớn của Trung Quốc tại châu Phi, phần lớn đều là các doanh nghiệp nhà nước, hoặc đã được cổ phần hóa nhưng nhà nước giữ quyền chi phối. Trung Quốc khuyến khích các tập đoàn khai thác mỏ đa dạng hóa ngành nghề, trong đó tập trung chuyên vào khai thác khoáng sản như bôxit, quặng sắt, đồng, vàng, vomfram v.v. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ chiếm thị phần lớn nhất tại châu Phi trong việc mua bán, sáp nhập và khai thác các mỏ, khai thác khoáng sản[7].
Để gây ảnh hưởng lớn ở châu Phi, về mặt chính sách, ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã đưa ra “chính sách châu Phi” của mình. Chính sách này rất chi tiết về quan hệ Trung Quốc - Châu Phi trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội và an ninh…Cũng năm 2006, Trung Quốc đã ban hành “9 nguyên tắc khuyến khích và tiêu chuẩn hóa các đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi”, trong đó Trung Quốc rất khôn khéo đưa ra nguyên tắc chỉ đạo gồm tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, học hỏi lẫn nhau, cùng phát triển…Riêng về vấn đề đầu tư, Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến việc tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, giúp Trung Quốc nắm giữ được các nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, khoáng sản, đá quý) ngay từ đầu nguồn. Để thuận tiện cho việc khai khoáng, Trung Quốc đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi (đường xá, cảng biển…) vừa cải thiện đời sống cho người dân châu Phi, vừa hỗ trợ cho việc vận chuyển tài nguyên ở châu Phi về Trung Quốc. Chính do những chính sách như vậy, nên hiện nay Trung Quốc đã đánh bại các nhà đầu tư như Mỹ, Pháp, Anh trong đầu tư tại châu Phi[8]. Sáng kiến “một vành đai, một con đường” do Trung Quốc đưa ra nhằm kết nối Trung Quốc với các lục địa Á - Âu - Phi cả về kinh tế, văn hóa, xã hội…Trung Quốc đặc biệt đề cao việc kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sắt, đường bộ, cảng biển…nhằm rất nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu khai thác khoáng sản các nước, chuyên chở về Trung Quốc để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa Trung Quốc. Trong đó, châu Phi là thí dụ điển hình.
Ở châu Á, do vị trí địa lý cận kề, vì vậy từ lâu Trung Quốc đã tập trung vào việc phát triển đầu tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở các nước này.
Đối với Philippin, Bộ Tài nguyên và môi trường Philippin (DENR) mới đây đã lên tiếng báo động về nạn “chảy máu” tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là kim loại quý của nước này đã chảy sang Trung Quốc. Ước tính có khoảng 500.000 công ty khai thác mỏ có quy mô nhỏ đang hoạt động ở 30 tỉnh của Philippin, mà phần lớn các công ty này đều “làm thuê” cho Trung Quốc. Thủ đoạn của Trung Quốc là mua lại các giấy phép khai thác mỏ của cư dân Philippin, hoặc sử dụng hình thức hợp tác, liên doanh với các công ty khai thác quy mô nhỏ của Philippin, sau đó thực hiện khống chế cổ phần, giữ vai trò chủ đạo. Đặc biệt, Trung Quốc đã “lách luật” như khai khống con số khai thác với số lượng nhỏ, để tránh thuế, rồi tổ chức vận chuyển lậu bằng đường thủy về Trung Quốc qua con đường Hồng Kông. Con số Trung Quốc lợi dụng để cướp phá tài nguyên của Philippin lên đến 1000 tỷ USD[9]. Tính đến năm 2012, Trung Quốc đã chuyển về nước khoảng 3 triệu tấn quặng khoáng sản không khai báo với chính quyền Philippin, 90% sản lượng vàng khai thác ở Philippin được chuyển về Trung Quốc theo con đường trốn lậu, mỗi tháng Trung Quốc khai thác khoảng 50.000 tấn quặng Lân ở nước này, hiện nay có đến 40 tập đoàn lớn của Trung Quốc đang đầu tư vào ngành khai khoáng ở Philippin. Dư luận nước này cho hay, tình trạng chảy máu tài nguyên khoáng sản của Philippin sang Trung Quốc là phổ biến, và sự khai thác quá mức của các công ty Trung Quốc tại nước này đã dẫn đến sự suy thoái môi trường nghiêm trọng, gây ra nạn phá rừng, lở đất, nhiễm độc nguồn nước…tác động rất xấu đến đời sống của người dân Philippin[10].
Còn ở đất nước láng giềng Myanmar, Trung Quốc đã khai thác tận thu nguồn tài nguyên rừng của nước này. Theo con số của Myanmar năm 2014, hoạt động nhập khẩu gỗ chưa qua chế biến của Trung Quốc tại Myanmar đã lên đến 11,8 tỷ USD, tăng 26% giá trị so với năm 2013. Theo số liệu từ tổ chức Global Trade Atlas cung cấp, trong vòng 14 tháng kể từ tháng 4/2014 đến tháng 5/2015, Trung Quốc đã nhập khẩu số gỗ chưa qua chế biến của Myanmar trị giá 414 triệu USD. Đặc biệt, trong năm 2015, Tòa án ở Myitkyina, bang Kachin, Myanmar đã tuyên phạt tù chung thân 153 người Trung Quốc có hành vi phá rừng trái phép tại nước này [11].
Đặc biệt, ngày 6/5/2016, hàng trăm người dân Myanmar đã biểu tình phản đối việc hoạt động trở lại của một mỏ đồng do công ty Trung Quốc khai thác. Cuộc biểu tình đã kéo dài nhiều ngày của người dân Myanmar, thậm chí đã phá vỡ hàng rào của cảnh sát bảo vệ khu vực mỏ Latpadaung do công ty Myanmar Wanbao quản lý. Đây là công ty liên doanh giữa một hãng sản xuất vũ khí của Trung Quốc với một công ty thuộc quân đội Myanmar. Dân làng ở đây đã phản đối việc đất của người dân đã bị tịch thu bất hợp pháp để mở rộng khu mỏ. Điều đó vừa xâm phạm đến quyền lợi kinh tế, vừa gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Cuộc biểu tình này được xem là phép thử đầu tiên cho khả năng xấu sẽ xảy ra đối với đến các vấn đề xã hội của chính phủ [12].
Đối với Lào, vốn là quốc gia không giáp biển, với 6,8 triệu người nghèo, Lào đang tìm cách phát triển đất nước, nhờ các khoản đầu tư vào đập, hầm mỏ, đồn điền…với hy vọng tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập và lợi nhuận để tránh đói nghèo.
Hiện nay Lào có 10 đập thủy điện hoạt động, tạo ra công suất 669MW điện, 8 đập thủy điện khác dự kiến sẽ tiếp tục đi vào hoạt động nhằm tạo ra 2531MW điện. Lào còn dự định sẽ xây dựng thêm 19 đập nữa, và tiến hành nghiên cứu khả thi 42 đập. Tất cả các đập thủy điện này đều được tài trợ và phát triển với các ông chủ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) với hy vọng thu lợi nhuận từ việc sản xuất điện. Và hệ lụy của nó sẽ gây ra tác động xấu về môi trường sinh thái cho Lào. Theo báo cáo dài 130 trang công bố 10/2010 “phát triển Lào, nghịch lý an ninh lương thực”, nhà nghiên cứu David FullbrooK (Thụy sĩ) cho rằng: “Sự phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư của Trung Quốc và nước ngoài, đang hủy hoại môi trường, phá hỏng nền sản xuất lương thực và sinh kế ở Lào” [13]. Trung Quốc là nước đi đầu trong việc tìm mọi cách khai thác tối đa nhất nguồn tài nguyên khoáng sản của Lào. Trong đó Trung Quốc tập trung khai thác nguồn tài nguyên Kali (dùng để sản xuất phân bón) lên đến 50 tỷ tấn, khai thác bôxit (dùng để sản xuất nhôm) 2-2,5 tỷ tấn. Công ty Trung Quốc đã khai thác Ka li và bô xit của Lào là “Tập đoàn khai thác kim loại mầu quốc tế Trung Quốc”. Theo ước tính của Chính phủ Lào, khai mỏ chiếm 10% GDP của Lào. Trung Quốc cũng đi đầu trong khai thác rừng ở Lào. Rõ ràng Lào đang bị Trung Quốc vắt kiệt nguồn khoáng sản, tài nguyên, gây tác động lớn đến môi trường sinh thái và cuộc sống của nhân dân các bộ tộc Lào.
Đối với các nước Mỹ La Tinh, Trung Quốc đang thực hiện chính sách “bóc lột” đến cùng nguồn tài nguyên ở đây. Giáo sư đại học quốc gia Mexico là Eurique Dussel Peters đã nhận xét “Khu vực Mỹ La Tinh đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc - hầu hết là nhằm tìm kiếm các nguyên liệu thô và do các tập đoàn lớn của Chính phủ Trung Quốc thực hiện. Điển hình là tập đoàn kim loại Chinalco và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC)” [14]. Rõ ràng, ngoài châu Phi, thì Mỹ La tinh là khu vực trọng điểm trong nỗ lực khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc.
Trung Quốc đã cung cấp khoản cho vay lên đến 37 tỷ USD trong năm 2010 cho các nước Mỹ La tinh. Trong đó, chủ yếu dành cho 4 nước mà Trung Quốc nhập khẩu tài nguyên chính, đó là: Veneduela, Brasil, Argentina và Ecuador, để tập trung khai thác các mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Như Bộ trưởng Bộ năng lượng Ecuador đã nói “Trung Quốc đang đi khắp thế giới để mua tài nguyên thiên nhiên, chúng ta đang ở giữa một tiến trình tích lũy hàng hóa của họ. Trong trường hợp đó, Ecuador mượn tiền và chỉnh phủ trả bằng dầu mỏ, thông qua các thương vụ mua bán ký kết trước. Chúng ta cam kết bán cho Trung Quốc đến năm 2018 và ước tính số tiền nợ của Ecuador đối với Trung Quốc là khoảng 17 tỷ USD”[15]. Và ông Bộ trưởng này kết luận “Để phát triển kinh tế thì cái gì cũng có thể xảy ra. Sự đền bù cho việc Trung Quốc được khai thác tài nguyên đã được chính phủ đảm bảo bằng các thỏa thuận, cam kết do hai bên đã ký kết khi khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Và kết quả thường sẽ gây ra những hệ quả thảm khốc cho môi trường và sinh hoạt của các cộng đồng cư dân bản địa”[16].
Tác động đến chính trị, an ninh, kinh tế toàn cầu
Việc Trung Quốc thi hành chiến lược làm chủ nguồn cung ứng nguyên, nhiên liệu trên thế giới để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, chấn hưng đất nước Trung Hoa, đã có tác động lớn đến các vấn đề về chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu.
Trước hết về chính trị, do Trung Quốc là nước lớn, lại có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, nên Trung Quốc sẵn sàng dùng tiền của và sử dụng “cái gậy và củ cà rốt” trong các dự án hợp tác đầu tư, để khống chế các ước nhỏ giàu tài nguyên trên thế giới. Bước đi có tính toán của Trung Quốc trong chiến lược vơ vét tài nguyên trên thế giới, được thực hiện bằng các thủ đoạn hợp tác tinh vi như “Win - Win” (cùng thắng, cùng có lợi). Trung Quốc tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đó, như đường xá, cầu cống, sân bay, bến cảng (sáng kiến “con đường, vành đai”) nhằm thuận tiện khai thác tài nguyên, đồng thời cũng thuận tiện cho Trung Quốc vận chuyển cung cấp hàng hóa dư thừa trong nước sang các nước đó, và vận chuyển tài nguyên trở về Trung Quốc. Trung Quốc tiến hành loby chính quyền các nước sở tại, để thắng thầu khai thác tài nguyên, dùng vật chất, lợi ích mua chuộc các đảng phái, quan chức chính quyền ở Trung ương và địa phương nhằm khống chế sự hoạt động của chính quyền các cấp, thực hiện chính sách “thực dân hóa kiểu mới” tại các nước này. Trong hơn vài chục năm trở lại đây, Trung Quốc đã chuyển các mô hình đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất đã được thực hiện thành công trong nước, sang các nước láng giềng, các nước châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh, thậm chí ở châu Âu để xây dựng các khu liên hợp công nghiệp đa quốc gia do Trung Quốc làm chủ. Từ đó Trung Quốc đưa người Trung Quốc, kể cả gia đình vợ con, các cơ sở đầu tư, nhà xưởng, máy móc, thiết bị… sang các nước đó, vừa tiến hành việc hợp tác cùng khai thác ở nước đó, vừa để người Trung Quốc sinh sôi nảy nở, bám trụ ở các nước bản địa. Dần dần họ sẽ trở thành cư dân bản địa. Cùng với lực lượng người Hoa đã định cư lâu dài ở các nước sở tại, họ sẽ trở thành Hoa Kiều, có nghĩa vụ và trách nhiệm với “Mẫu quốc - Trung Hoa”. Rõ ràng tác động chính trị từ chính sách khai thác tài nguyên của Trung Quốc đến các nước trên thế giới rất lớn lao, mạnh mẽ. Xét về nguy cơ lâu dài cho các nước bản địa là rất nghiêm trọng. Nhiều nước trên thế giới đến nay vẫn còn rất lo ngại về nguy cơ này, như ở Indonexia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, LB Nga (vùng biển Đông)…
Tác động về an ninh
Việc Trung Quốc xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, thực hiện tuyên bố chủ quyền ở đường lưỡi bò 9 đoạn, lập vùng cấm bay ở Đông Bắc Á, Biển Đông, cấm ngư dân Đông Nam Á ra khơi đánh bắt cá, đưa các giàn khoan HD981, 982, 983… đến thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển các nước như Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác…Tất cả những điều đó đã có tác động rất nguy hiểm đến an ninh, an toàn của nhân dân các nước trong khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa ra “chiến lược biển” nhằm mục tiêu xâm chiếm lãnh hải, lãnh thổ của các nước láng giềng, đe dọa đến an ninh, an toàn của người dân các nước có chủ quyền ở Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc vừa muốn tận thu cạn kiệt nguồn cá biển, vừa muốn xâm chiếm toàn bộ các khu vực khai thác dầu khí của các nước có biển ở châu Á - Thái Bình Dương, điều đó đã có tác động xấu đến an ninh, an toàn trong khu vực, khiến cho môi trường an ninh trong khu vực bị đe dọa nghiêm trọng, rất dễ gây ra sự phản kháng của các nước láng giềng, đe dọa nghiêm trọng đến hợp tác, an ninh, trật tự thế giới mới trong khu vực. Việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đã gây ra những thiệt hại to lớn đến sản xuất, canh tác, lụt lội, hạn hán cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Việt Nam là nước cuối nguồn, nên năm 2016 đã bị hạn hán nghiêm trọng, thiệt hại to lớn trong sản xuất, nuôi trồng, và sinh hoạt của hàng chục triệu người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, an ninh nguồn nước do Trung Quốc khai thác tài nguyên gây ra là rất nghiêm trọng cho nhân dân 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông (Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia).
Tác động về kinh tế
Việc Trung Quốc tiến hành khai thác nguồn tài nguyên trên thế giới trong những thập kỷ vừa qua đã có tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới.
Trước hết, các ngành khai thác của Trung Quốc đã làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên trên thế giới. Bao gồm các nguồn tài nguyên về rừng, biển, nước, khoáng sản…Quá trình khai thác tận thu, bừa bãi nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của nền kinh tế Trung Quốc, nhằm giữ vững mức tăng trưởng ≈ 10% GDP trong gần 40 năm qua, đã có tác động xấu đến nền kinh tế thế giới. Rừng ở một số quốc gia do Trung Quốc khai thác ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh đã rơi vào tình trạng báo động. Nguồn nước, loại tài nguyên thiết yếu nhất cho mọi sự sống và sản xuất không thể thay thế được đã bị Trung Quốc khai thác quá mức, nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, đã rơi vào tình trạng có nguy cơ bị cạn kiệt. Nước phục vụ cho việc đãi vàng, bạc và các nguyên liệu quý hiếm, tại các công ty khai thác của Trung Quốc ở các nước trên thế giới đã sử dụng bừa bãi, lãng phí. Điều đó đã tác động rất xấu đến việc sản xuất, sinh hoạt ở các nước này. Chỉ riêng việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở đầu nguồn đã gây thiệt hại vô cùng to lớn cho những nước ở cuối nguồn như Việt Nam trong việc sản xuất nông nghiệp, gây hạn hạn trầm trọng, tác động xấu đến nền kinh tế đất nước.
Trong cuộc Hội thảo gần đây của các nhà khoa học trên thế giới đánh giá về tác động môi trường biển do Trung Quốc gây ra, đã nhận xét: “95% tác động phá hủy môi trường biển Đông là từ Trung Quốc”, GS. TS. John W.Macmanus, Trường Đại học Tổng hợp Miami (Mỹ) còn nhận xét: “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc . Những tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò khổng lồ. Trung Quốc còn nói dối việc họ không xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô. Thực tế họ đã phá hủy rất nhiều. Tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1/100 những hoạt động của họ. Cụ thể, đã có 160km2 rạn san hô bị hủy hoại, gồm 17 km2 hoạt động bồi đắp, xây dựng cảng và 143km2 do các hoạt động hút vật liệu xây dựng và khai thác trai khổng lồ. Trung Quốc đã đơn phương áp đặt các quy định về đánh bắt thủy sản ở biển Đông, bao gồm đóng cửa theo mùa, và yêu cầu ngư dân không phải người Trung Quốc phải xin phép họ để đánh bắt. Họ đã trang bị cho 50.000 đội tàu cá với các thiết bị đánh bắt, liên lạc vô cùng hiện đại, đã tàn phá môi trường biển Đông…Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới bị mất đi ít nhất là 4 tỷ USD vì các hành động khai thác bừa bãi ở rạn san hô của Trung Quốc trên biển Đông” [17].
Công cuộc tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc trên thế giới, đã tác động xấu đến môi trường sinh thái, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên gây ra hiệu ứng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, du lịch v.v.. của các nước trên thế giới. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các nước cùng với Trung Quốc và các tổ chức quốc tế hãy cùng nhau thảo luận, bàn bạc, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước trên thế giới, giữa cho trái đất được bình yên, phát triển hài hòa, bền vững.
[1] Đỗ Tuyết Khanh “Chính sách khai thác tài nguyên của TQ”, Tạp chí Thời đại mới, số 23 tháng 11/2011.
[2] “Ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc” . http: //www.hiephoixangdau.org/vi-vn
[3] “Cục diện biển Đông tăng nhiệt vì Trung Quốc tìm thấy băng cháy ?”. hhtp: dantri.com.vn
[4] Đỗ Tuyết Khanh “Chính sách khai thác tài nguyên của TQ”, Tạp chí Thời đại mới, số 23 tháng 11/2011.
[5] Đỗ Tuyết Khanh “Chính sách khai thác tài nguyên của TQ”, Tạp chí Thời đại mới, số 23 tháng 11/2011.
[6] Bích Ngọc “Châu Phi cảnh giác Trung Quốc, Việt Nam cần tỉnh táo”, http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/Thứ năm, 08/05/2014.
[7] Thanh Bình “Trung Quốc khuyến khích các tập đoàn khai khoáng tăng cường vị thế tại châu Âu”, http://bnews.vn/09-02-2017.
[8] Trung Hiếu “Thế trận khôn khéo của Trung Quốc tại châu Phi”. http://vov.vn, 2008-03/04/2013
[9] Toàn cảnh “Trung Quốc bòn rút tài nguyên Philippin”. http://tuôi tre. vn,13/12/2012, 805
[10] Toàn cảnh “Trung Quốc bòn rút tài nguyên Philippin”. http://tuôi tre. vn,13/12/2012, 805
[11] Đ.N “Tài nguyên rừng Myanmar đang bị người Trung Quốc khai thác”.
http://www. doanhnhancuoituan.vn/kinhdoanh. Ngày 08/022015.
[12] Minh Quang “Người dân Myanmar tiếp tục phản đối Trung Quốc khai thác mỏ đồng”
http://thanhnien.vn/th.gioi/1027PM.06/05/2016.
[13] Agia Sentinl “Lào đang bị Trung Quốc vắt kiệt” http: // www.doimoi.org.cập nhật 330-PM 6/30/2017
[14] An bình “Trung Quốc bóc lột tài nguyên tại Mỹ La tinh”. http://dantri.com.vn, thứ bảy, 1612- 13/4/2013.
[15] An bình “Trung Quốc bóc lột tài nguyên tại Mỹ La tinh”. http://dantri.com.vn, thứ bảy, 1612- 13/4/2013.
[16] An bình “Trung Quốc bóc lột tài nguyên tại Mỹ La tinh”. http://dantri.com.vn, thứ bảy, 1612- 13/4/2013.
[17] Lê Tân “95% tác động phá hủy môi trường Biển Đông là từ Trung Quốc” http://thanh niên.vn/thời sự 0335 11/10/2016