Như mọi người đều biết, ở miền Bắc nước ta, trước năm 1975, giáo viên gọi học trò là “em” và học trò cũng xưng “em” đáp lại. Ngoài cách xưng gọi này ra hầu như không có cách nào khác. Song ở miền Nam, giáo viên lại gọi học trò là “con” và đương nhiên, học trò cũng xưng “con” với thầy, cô.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, văn hóa hai miền có sự giao thoavàtheo đó, cách xưng gọi trong nhà trường đã ít nhiều thay đổi. Không chỉ ở bậc mẫu giáo mà ngay cả bậc đại học, nhiều sinh viên cũng gọi “thầy” xưng “con”. Hiện nay, ở miền Trung, có những cựu sinh viên ra trường hành nghề hàng chục năm, khi gọi điện thoại hoặc nói chuyện trực tiếp với thầy cô giáo cũ vẫn xưng “con”. Hay dở thế nào chưa bàn nhưng cách xưng hô này làm cho người dạy có phần ái ngại. Tuy nhiên, đây là quan hệ ngoài đời nên cách xưng gọi như thế có thể chấp nhận.
Cách xưng gọi phải tùy thuộc vào độ tuổi
Không cần thiết phải có một văn bản qui định tách bạch cách xưng gọi của người dạy và người học. Cách xưng gọi nào “hay”, hợp lí sẽ được thông dụng. Trường hợp ngược lại sẽ bị đào thải.
Còn nhớ, trước những năm tám mươi của thế kỉ hai mươi, ở ba tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, trong quan hệ gia đình, con cái gọi cha mẹ là “bọ, mẹ”. Thế nhưng chỉ vài chục năm sau, không ai bảo ai, tất cả con cái đều nhất loạt gọi cha mẹ là “bố, mẹ”. Rõ ràng, cách gọi mới này có vẻ “văn minh” hơn, nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Đó là lí do để nó tồn tại cho đến hôm nay và chắc chắn cả mai sau.
Tuy nhiên, cách xưng hô trong nhà trường phức tạp hơn trong gia đình rất nhiều, bởi người học ở đây có nhiều cấp (cấp 1, cấp 2,…), nhiều bậc (bậc phổ thông, bậc ĐH,…), nhiều hệ đào tạo (hệ chính qui, hệ phi chính qui). Song cho dù ở cấp, bậc nào thì cách xưng gọi cũng phải tùy thuộc vào mối tương quan về độ tuổi của người dạy và người học. Độ tuổi là cơ sở để ta chọn lựa được cách xưng gọi phù hợp với đối tượng.
Tôi đã chứng kiến nhiều GV phổ thông và ĐH mới ra trường, mặt mũi còn non choẹt, khi lên lớp đã tự xưng “thầy” với học trò. Điều này có vẻ gượng gạo, mất tự nhiên và thật khó lòng chấp nhận. Theo tôi, trong trường hợp đang nói, tốt nhất là người dạy nên gọi người học là “anh, chị” và xưng “tôi”. Muốn xưng “thầy”, hãy chờ đến tuổi trên dưới năm mươi, nghĩa là mình đã tương đương với độ tuổi của cha, chú họ.
Theo qui chế, ở bậc ĐH thí sinh thi vào trường không giới hạn tuổi. Không chỉ SV phi chính qui mà cả SV chính qui cũng đã có những người năm, sáu mươi tuổi. Do đó, đối với những GV trẻ, cách gọi SV là “anh, chị” và xưng “tôi” là “an toàn” nhất.
Riêng ở bậc mầm non, tôi nghĩnên xưng gọi “cô - cháu”, cách xưng gọi “cô - con” không thông dụng và nhiều trường hợp thiếu chuẩn xác. Nhưng oái oăm thay, hiện nay nó lại được sử dụng phổ biến (có nghĩa là thông dụng)! Bạn hãy đọc đối thoạingắn sau để cùng suy ngẫm:
Cô giáo A hỏi cô giáo B: - Đủ chưa?
Cô B: - Chưa. Mới có tám con.
- Thiếu mấy con?
- Hai con.
Người ngoài cuộc nghe không hiểu các cô đang nói về con gì!? Nếu thay “con” bằng “cháu” thì ngay lập tức văn bản sẽ rõ nghĩa.
Cách xưng gọi phải linh hoạt, tế nhị
Trong bàiSắp nghỉ hưu, tôi vẫnkhông gọi học trò là “con”,Lê Minh Hoàng viết:
- Ngay cả đối với con ruột của mình, trong giờ lên lớp tôi vẫn gọi là “em”.
- Học sinh cấp 2, từ 11-15 tuổi, nhiều em là cháu nội, cháu ngoại của những người bạn, tôi vẫn gọi là “em”, kể cả khi đến chơi nhà với ông, bà nó.
Tôi cho rằng, con ruột của mình, trong giờ lên lớp màvẫn gọi là “em”, hoặc nhiều em là cháu nội, cháu ngoại của những người bạn, vẫn gọi là “em”, kể cả khi đến chơi nhà với ông, bà nó thì quả là máy móc, cứng nhắc quá đáng! Thiếu gì cách thay thế mà nhất nhất phải gọi là “em”!Nếu là con ruột của mình, trong giờ lên lớp tôi sẽ không gọi là “em” mà gọi tên nó (Ví dụ: Nam lênbảng nào!),hoặc gọi theo kiểu bông đùa, tếu táo (Ví dụ: Trò này lên bảng!).
Còn đối với cháu nội, cháu ngoại của những người bạn, khi đến chơi nhà với ông, bà nó thì tôi sẽ gọi là “cháu” cho gần gủi, thân mật, vì quan hệ với bà con, bạn bè ngoàixã hội khác với quan hệ trong nhà trường./.