Xứ Nghệ ngày nay

Tết Nguyên đán với các dân tộc thiểu số Nghệ An

Nghệ An là tỉnh có khá nhiều dân tộc thiểu số, trong đó 4 dân tộc chính, có số lượng đông đảo nhất gồm: Thái (195.132 người), Thổ (59.579 người), Khơ-mú (35.670 người) và Hmông (28.998 người).

Theo những tư liệu thu thập được thì, xưa kia, các dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An không ăn Tết Nguyên đán như ngày nay, mỗi dân tộc đều ăn Tết theo phong tục riêng của mình. Chẳng hạn, ngoài lễ cúng bản (xên bản), cúng mường (xên mường), hằng năm, người Thái (như các nhóm Tày Thanh, Tày Mười và Tày Khăng) chỉ ăn Tết cơm mới (khẩu mớ), tổ chức vào tháng 7 lịch Thái (tháng Giêng Âm lịch). Chỉ từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 trở lại nay, họ mới ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh (thậm chí, các nhóm Thái ở hai huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, mãi sau những năm 60 của thế kỷ trước mới ăn Tết Nguyên đán). Riêng nhóm Thái Tày Mường và người Thổ (trừ Đan lai, Ly Hà và Tày Poọng) thì từ lâu vừa cúng bản, cúng mường, ăn Tết cơm mới, vừa ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh.

Trước kia, người Hmông ăn Tết cổ truyền vào tháng Chạp (Âm lịch, tức trước Tết Nguyên đán 1 tháng). Các dân tộc như Khơ-mú, Ơ-đu thì dường như không có Tết cổ truyền riêng, mà thường theo phong tục chung với người Thái.

Có thể nói, từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) trở đi, lễ cúng bản, cúng mường của người Thái, lễ hội mừng tiếng Sấm đầu năm mới của người Ơ-đu hoặc đã mai một hẳn hoặc chỉ còn phổ biến một số nơi. Riêng Tết cơm mới vẫn được nhiều dân tộc duy trì, nhưng thường được tổ chức đơn giản. Bên cạnh đó, bà con các dân tộc lại duy trì tập quán ăn tết Tết Độc lập (2 – 9). Riêng người Hmông ở Nghệ An, từ sau Đổi mới trở đi, bên cạnh duy trì Tết cổ truyền dân tộc (đơn giản hơn), họ cũng đã hòa nhập và tổ chức Tết Nguyên đán khá chu tất.

Hiện nay, Tết Nguyên đán đã trở thành tết của các dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An. Giống như nhiều dân tộc trong cả nước, bên cạnh những yếu tố văn hóa cổ truyền, những nét văn hóa hóa mới đã và đang thâm nhập và hòa quyện vào đời sống của họ.

1.Ở vùng miền tây Nghệ An trước kia, ngày 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng trong năm, các mặt hàng thường ít, trong khi lượng người đến chợ mua thường đông, nên ai cũng tranh thủ đến chợ sớm để mua được hàng (Thời Pháp, vùng đường 7 có 3 huyện miền núi, thì chỉ có huyện Con Cuông có chợ; vùng đường 48 có 5 huyện trung du, miền núi thì chợ chỉ có ở huyện Quỳ Châu). Ngày nay, bên cạnh các dịch vụ kinh doanh được mở ra tận xã, dọc đường quốc lộ, chợ huyện thường họp cho đến tận ngày 30 tháng Chạp, hàng hóa dồi dào, đủ loại, thứ gì cũng sẵn, nên bà con không phải chen lấn, vội vàng. Tuy nhiên, từ ngày 27, 28 âm lịch trở đi, lượng người đến chợ thường thưa dần.

Nếu như trước kia, những mặt hàng thiết yếu mà bà con dân tộc thường mua ở chợ để ăn Tết là: quần áo mới, miến, bánh pháo, nước mắm, muối, chai dầu… thì ngày nay, người ta còn mua thêm mì chính, nem, bánh kẹo, hạt dưa, rau cỏ, hoa quả; bát đĩa, tranh ảnh và đèn trang trí. Cũng không hiếm người sắm thêm chiếc tivi hay đôi loa thùng mới, vài chiếc đĩa VCD hay bộ cánh thời trang, nhất là tầng lớp thanh niên. Thảng hoặc những gia đình cán bộ thì sắm thêm bó hoa, cành đào, cây quất.

2. Ngày 28 tháng Chạp, bà con tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang cây cỏ hai bên đường vào bản, dựng cổng chào, vệ sinh bến nước; đem mâm bát, đĩa, đũa, cốc chén, chõ đồ, thớt, ra bến nước rửa sạch, phơi khô; chỉnh trang lại hàng rào bao quanh nhà, nắn lại tấm phên vách; quét dọn gầm sàn, cầu thang, giàn phơi hay vót thêm mấy chục đôi đũa. Tập quán mới hình thành và ngày càng phổ biến tại các bản làng các dân tộc thiểu số (Thái và Thổ) là tục Tôn huyệt mộ (xối mạ/xồi khum héo). Đây là nét văn hóa mới tiếp thu ảnh hưởng từ người Kinh. Theo đó, tùy theo tập quán của từng dòng họ mà khoảng từ  26, 27 hoặc 28 tháng Chạp, con cháu đem cuốc xẻng ra dãy sạch cỏ, đắp đất tôn cao các ngôi mộ; đồng thời phát quang cây cối xung quanh khu nghĩa địa. Một số dòng họ còn bốc mộ của các thế hệ ông bà, quy tập lại, xây cất thành khu nghĩa địa riêng của dòng họ. Mỗi ngôi mộ đều dựng bia đá, trên đó khắc ghi họ tên, ngày tháng năm sinh và ngày tháng mất… giống hệt như bia mộ của người Kinh dưới xuôi.

Tối ngày 28 tháng Chạp, Ban quản lý thôn bản thường tổ chức tặng quà, làm bữa cơm mời các gia đình thường binh, liệt sĩ, gia đình có công và cả các cán bộ công tác xa nhà về quê ăn tết. Đây là những hoạt động mà trước kia không hề có trong dịp Tết Nguyên đán ở người Thái. Từ sau Đổi mới đến nay, những hoạt động này đã trở thành tập quán phổ biến ở hầu khắp các bản làng của họ.

3. Ngày 29 tháng Chạp là ngày mà các công việc chuẩn bị được hoàn tất. Tối đến, mọi nhà quay quần gói bánh chưng. Tuy nhiên, số lượng bánh chưng được gói không nhiều như trước nữa.

Ngày 30 Tết, từ sáng tinh mơ, các gia đình mổ lợn - lễ vật không thể thiếu để cúng ma nhà, tổ tiên. (Trước kia, trong dịp tết, các loại cá: cá nướng, cá khô, cá chua... là lễ vật không thể thiếu để cúng tổ tiên của người Thái).

 Trước đây, việc trang trí bàn thờ trong nhà của hầu hết các tộc người thiểu số ở Nghệ An còn hết sức sơ sài. Trừ nhóm Thái Tày Mường/Hàng Tổng/Tay Dọ và người Thổ, bàn thờ được trang trí, bài vị khá chu đáo, còn các nhóm Thái khác và các tộc Khơ-mú, Ơ-đu và Hmông, thì ban thờ hầu như chỉ là quét dọn qua, rửa sạch đĩa, chén và thay chiếc chiếu cũ bằng chiếc chiếu mới. Cần lưu ý là: chỉ có nhóm Thái Tày Mường và người Thổ đóng bàn thờ hẳn hoi. Vào dịp Tết Nguyên đán, người ta buộc 2 cây mía vào 2 thân 2 cột mặt trước; trên thân 2 cây mía được treo 2 nhánh cau tươi; thay chiếu mới;  bày đĩa hoa quả, tràu cau. Còn bàn thờ nhóm Thái Tày Thanh, Tày Mười  và tộc thiểu số khác không có bàn thờ, mà chỉ quây một góc phía trên của gian thứ hai làm nơi thờ (người Thái Tày Thanh, Tày Mười gọi là clọhóng; người Khơ-mú và Ơ-đu gọi là Hroi gang, người Thổ gọi là Ban sơ, người Hmông gọi là Cùzềđang). Riêng ở người Khơ-mú và Ơ-đu, ngày 30 Tết, họ tháo dỡ các que xôi và liếp gian thờ cũ, thay vào đó các que xôi và liếp mới. Còn người Thổ thì lau chùi đĩa chén, bát hương, dán câu đối mới. Nơi thờ ma nhà của người Hmông thì được dán 3 túm lông cổ gà vào tờ giấy bản, giấy bản trắng được đem gián vào thanh xà trên cửa chính, cột ma nhà, chuồng trâu...

Hiện nay, việc trang trí bàn thờ của hầu hết các dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã có nhiều nét mới. Một mặt, họ vẫn bảo lưu yếu tố tập quán truyền thống, nhưng mặt khác khá nhiều gia đình tiếp thu những nét văn hóa mới. Họ treo ảnh Bác Hồ, dán câu đối. Bên cạnh đĩa bánh chưng,vài chiếc chén nước chè, nước lã hay đôi cây mía, nhánh cau theo tập quán cũ, giờ đây nhiều gia đình bày khay ngũ quả, bánh kẹo, rượu chai, bia, mứt trên bàn thờ. Nhiều gia đình còn cắm hoa tươi, hoa giấy hay hoa nhựa vào bình đặt trên bàn thờ; treo các tấm vải thổ cẩm bao quanh trông khá đẹp mắt. Cũng có nơi, người ta vẫn giữ cách “trang trí” bàn thờ như trước đây, nhưng lại dành một góc riêng trang trí theo cách mới ở bên cạnh bàn thờ ma  nhà. Nhiều năm gần đây, hầu như nhà nào, dân tộc nào cũng treo lịch 12 tờ (gỡ riêng treo từng tờ), tranh ảnh các diễn viên, ca sĩ, nhất là ca sĩ Hàn Quốc.         

4. Đêm 30, nhiều gia đình mổ một con gà làm vía cho con cái trong nhà. Các tộc Khơ-mú, Ơ-đu trước đây không có tục đón giao thừa, mà sau bữa cơm tối 30, mọi người có thể đi chơi hay đi ngủ; cũng không thắp hương nhang. Sau giao thừa, người Khơ-mú thịt con gà trống, luộc chín và xem chân gà đề biết điều may hay điều dữ. Sáng sớm, họ có tục lấy nước suối sớm về uống để lấy may. Riêng người Thổ và người Thái, đêm 30, cả nhà phải thức để đón giao thừa, cả đêm, hương nhang không được tàn. Trong tiếng Thái, giao thừa gọi là pông chay. Đúng giờ giao thừa (12h.00 đêm) cũng chính là lúc ma các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở (Đẳm chào) trên mường trời tề tựu đông đủ tại gian hóng trong nhà. Vì thế, chứng tỏ là ngày Tết thực sự, con cháu trong nhà phải túc trực, đánh chiêng trống chào đón; bày các loại áo, váy, quần áo trẻ em, vải vóc, mặt chăn thổ cẩm, bạc nén, vòng cổ, vòng tay bày ra chiếc để tổ tiên chứng dám khung cảnh và hương vị của ngày Tết.

Bên cạnh tập quán cũ bày mâm rượu, nước chè, nước là, tràu cau đón tổ tiên, cúng tiễn năm cũ, ngênh đón năm mới, nét mới trong đêm giao thừa là cha mẹ mừng tuổi cho con cái trong nhà. Các tộc người thiểu số không có thói quen bỏ tiền trong bao lì xì, mà chỉ đưa tờ giấy bạc (dù mệnh giá bao nhiêu) để người được mừng thấy đó là tiền thật. Bên cạnh đó cũng cần nói thêm, nếu như trước kia, trong đêm 30, đồng bào chỉ đánh chiêng trống, thì ngày nay, mọi nhà đều quay quần xem ti vi. Thanh niên thì nghe nhạc, thay vì tụ tập đánh chiêng trống, hát đối đáp, thổi khèn, sáo, kéo nhị như trước kia.

5. Nếu như ở người Kinh, sáng Mồng 1 Tết, người ta thường kiêng đến nhà người khác, còn các dân tộc thiểu số thì không kiêng. Thêm nữa, họ quan niệm rằng, càng có người đến “xông nhà” sớm càng tốt, bất kể nam hay nữ, trẻ hay già. Trái lại, theo quan niệm, đồng bào thiểu số vẫn không được ưng lắm việc vay mượn, xin xỏ hay chửi bới tại nhà do say rượu. Bên cạnh các tập quán truyền thống như dậy sớm ra bến múc nước về rửa mặt, dọn mâm cỗ to nhất cúng ma nhà, tổ tiên, mang mâm cơm đi biếu gia đình nhà vợ, gia đình ông bà mối…, nét văn hóa mới ở đây là các hoạt động thăm hỏi của đoàn thể, nhất là phụ nữ và Thanh niên. Trưa Mồng 1Tết, Trưởng hội phụ nữ bản cùng BCH Hội và BCH Đoàn Thanh niên lần lượt đến chúc tết từng gia đình trong bản.

6. Trước kia, từ chiều Mồng 1 Tết trở đi, ban ngày thường tổ chức tung còn (vít con), buổi tối thì đánh trống chiêng hay phục vụ các gia đình có việc quan trọng như làm vía cho ông bà, mời họ hàng, thông gia ăn cơm. Sang Mồng 2 Tết là ngày các đôi vợ chồng trẻ mang mâm cơm biếu nhà ngoại. Còn hiện nay, từ chiều tối Mồng 1 tết, các hoạt động văn nghệ, thể thao đã trở thành phong trào rộng khắp các bản làng. Mỗi bản thường có một đội văn nghệ, biểu diễn vào buổi tối. Các đội bóng chuyền hay bóng đá tổ chức thi đấu giữa các bản, giữa các xã kề cận. Hội phụ nữ bản thường tổ chức tiệc rượu cần, khắc luống (tung loòng), nhảy múa, lăm vông.

Trước đây, đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An ăn tết cho đến Mồng 6 tháng Giêng mới thôi. Nghĩa là người ta nghỉ ở nhà, đi thăm thú anh em, họ hàng, thông gia xa gần, chứ không đi làm việc ruộng nương. Theo tập quán xưa, sáng Mồng 7 Tết là ngày Khai hạ, bà con đồng loạt xuống đồng cày cấy. Ngày nay, Tết chỉ kéo dài đến Mồng 3 là hết. Thậm chí, có nhà Mồng 3 đã xuống đồng cày cấy. Từ Mồng 4 trở đi là thời gian dành cho việc tổ chức đám cưới cho con cái, làm vía cho ông bà, cha mẹ nội ngoại.

7. Về  ăn uống/ẩm thực, trong ngày tết Nguyên đán đồng bào chế biến các món ăn theo kiểu miền xuôi ngày càng phổ biến hơn. Theo đó, nếu như trước đây, món ăn phổ biến là thịt lợn luộc, cá nướng, canh đông, xôi…, thì ngày nay, bên cạnh các món ăn truyền thống, trong mâm cỗ ngày Tết, luôn có mặt các món ăn mới như nem rán, canh miến, rau xào, rau sống, bánh phồng tôm (những món trước kia rất ít thấy, nhất là rau). Đồ uống cũng có thêm bia, nước ngọt.

*

*       *

Qua những tư liệu trình bày trên đây, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

 - Bên cạnh bảo lưu và duy trì các phong tục tập quán truyền thống sinh hoạt văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán của các dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An đã xuất hiện thêm nhiều nét mới từ lễ nghi, tín ngưỡng đến ăn uống, trò chơi giải trí, trang trí nhà cửa...

- Nhìn đại thể, mức độ tiếp thu, ảnh hưởng các yếu tố văn hóa ở mỗi tộc người ít hay nhiều, đậm hay nhạt khác nhau. Vùng gần trung tâm huyện thị với vùng sâu, vùng xa; giữa các thành phần xã hội, thì mức độ và sự hiện diện của các yếu tố văn hóa mới cũng có sự khác nhau.

- Trong các tộc người thiểu số ở Nghệ An, sự tiếp thu và hiện diện của các yếu tố văn hóa mới ở người Thái là nổi trội hơn cả. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những yếu tố văn hóa cổ truyền của họ trong dịp tết Nguyên đán bị mai một đi.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528667

Hôm nay

248

Hôm qua

2275

Tuần này

2940

Tháng này

215363

Tháng qua

0

Tất cả

114528667