Xứ Nghệ ngày nay

Tương lai nào cho Đêm hội sắc xuân miền Tây Nghệ An?

Mỗi năm, cứ sau Tết Nguyên đán, câu chuyện lễ hội lại thu hút sự chú ý của dư luận. Tại Nghệ An, từ nay đến cuối năm sẽ có hàng chục lễ hội diễn ra. Đặc biệt, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các ngày hội, lễ hội mới hình thành bởi để chúng đi vào đời sống nhân dân sẽ rất cần những ý kiến đóng góp, phản biện nhằm ngày một hoàn thiện hơn về nội dung và cách thức tổ chức. Một trong số đó là Đêm hội sắc xuân miền Tây Nghệ An.

Qua 4 lần tổ chức tại Thị xã Thái Hoà, thị trấn các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Đêm hội sắc xuân miền Tây Nghệ An đang dần cho thấynếu không sớm tìm được một hướng đi thì trong tương lai, đêm hội này sẽ không chỉ không đạt được mục đích ban đầu đề ra mà còngây lãng phí, tốn kém; trở thành gánh nặng đối với đơn vị tổ chức. Tham dự đêm hội, nhìn những chuyến xe đại biểu, các đoàn biểu diễn nghệ thuật nhanh chóng rút về cho kịp trong đêm, bỏ lại đằng sau là ánh lửa bập bùng, là những người dânsau hàng tiếng đồng hồ kiên nhẫn đứng chôn chân xem múa, hát, bắt đầu có ít phút được hoà vào không gian hội, hẳn không ai không khỏi băn khoăn.

Có thể nói rằng, hiện nay, nội dung chương trình vẫn đang lặp đi, lặp lại, ngày càng trở nên đơn điệu.Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật cơ bản không có nhiều thay đổi từ năm này sang năm khác.Chủ yếu vẫn là phần biểu diễn của đoàn nghệ thuật tỉnh, các trung tâm văn hoá huyện.Điều này khiến người từng tham dự một vài đêm hội sẽ không còn tâm lý háo hức tham gia.Nócũngphảnánh rằng đêm hội không tạo ra được một không gian và không khí thực sự hấp dẫn, khiến người dân mong chờ, đón đợi.Lần tổ chức gần đây nhất, Đêm hội được kết hợp với Lễ hội hoa hướng dương và diễn ra sớm hơn thường lệ. Những tưởng cách làm này sẽ là một phương án để giúp nội dung phong phú và hấp dẫn hơn nhưng thực tế lại khiến cho Đêm hội càng ít đặc sắc hơn. Dấu ấn của miền Tây Nghệ An với những phong tục, nét văn hoá độc đáo không được chuyển tải rõ nét. Dù lần này, người dân quanh địa bàn quảng trường huyện Nghĩa Đàn đến khá đông nhưng họ chỉ đóng vai trò là khán giả đi xem các tiết mục văn nghệ, họ chưa, và không, là chủ nhân thực sự của đêm hội.Ngăn cách họ là những dãy ghế đại biểu, là sân khấu hoành tráng, là hàng rào bảo vệ.Trong khi đó, những trò chơi dân gian tổ chức buổi chiều như ném còn, đi cà kheo, chơi đu, nhảy sạp khôngthu hút được người tham gia. Mặt khác, các đêm hội đều được chọn tổ chức tại địa bàn thị trấn, trung tâm huyện.Đây là nơi đại biểu, khách có thể thuận lợi về tham dự, có không gian và các điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, truyền phát sóng nhưng lại là nơi phần lớn người Kinh sinh sống.Vì thế bà con các dân tộc thiểu số, ở các bản làng  ít có điều kiện tham gia.[Chưanóitớinhiều bản làng xa xôi chắc hẳn cũng chưa có vô tuyến để xem chương trình phát sóng].Liệunhưvậymụctiêu tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, tạo ra một không gian văn hóa vui xuân đặc sắc, độc đáo của  của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn miền Tây Nghệ An có thể trở thành hiện thực?

Đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Họ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và của mọi người về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì thế việc nghĩ đến tổ chức một đêm hội sắc xuân cho bà con mang ý nghĩa đầy tốt đẹp, nhân văn. Tuy nhiên, trong từng bản làng xa xôi và nghèo khó ấy có một bề dày văn hoá độc đáo, một đời sống văn hoá tinh thần phong phú. Nếu chương trình chúng ta xây dựng hôm nay không đủ sức hấp dẫn, không là nơi họ được thoả sức bộc lộ, tôn vinh giá trị của dân tộc mình thì chắc chắn sẽ không thu hút được sự chú ý, tham gia. Đồng bào sẽ lựa chọn những nghi lễ, hội hè truyền thống trong bản làng mình, thậm chí chỉ cần tụm ba tụm bảy ngồi lại với nhau mà say sưa bên chén rượu chứ không đến một đêm hội mà với họ thật xa lạ.

Bên cạnh đó, để xây dựng đêm hội thường niên, chúng ta cần xác định một thời gian tổ chức cố định chứ không nên cứ cuối năm tiện lúc nào tổ chức khi ấy, hay nhân tiện kết hợp với chương trình này, chương trình khác.Việc xây dựng kịch bản sao cho ra tính chất một đêm hội của đồng bào dân tộc thiểu số không quá khó nhưng cũng không phải là câu chuyện dễ. Chính vì thế rất cần tìm hiểu, tham vấn kỹ lưỡng từng nội dung và nên tránh tình trạng sân khấu hoá như hiện nay.

Đặc biệt, một lần nữa chúng ta lại phải trả lời câu hỏi: Đêm hội tổ chức cho ai? Vì ai?Thiết nghĩ, không thể khác, trước hết đêm hội phải là của chính những dân tộc thiểu số trên địa bàn. Họ phải là chủ thể, họ phải chủ động tổ chức, tham gia. Đó là không gian, nơi mà bà con dân tộc thiểu số được đến giao lưu với nhau, hát cho nhau nghe, trao đổi với nhau những đặc sản của vùng mình, kể cho nhau biết câu chuyện của dân tộc mình. Là nơi những thế hệ đi trước truyền lại, kể lại cho thế hệ sau về văn hoá, truyền thống dân tộc họ để người trẻ hôm nay không quên đi cội nguồn và có ý thức gìn giữ.Đó là dịp tất cả mọi người được tham gia, được hưởng lợi. Đêm hội phải trở thành không gian cộng cảm, thăng hoa tinh thần và văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đêm hội muốn tồn tại được một cách ý nghĩa, thiết thực trong tương lai thì phải hướng đến tính cộng đồng rộng rãi như thế chứ không thể bó hẹp trong không gian của một sân vận động.

Với tất cả những tính chất cần có đó, chúng tôi nghĩ tới, trong tương lai, chúng ta nên  hướng đến một ngày hội mà hàng năm, đến ngày đó, cộng đồng dân tộc thiểu số trên tất cả các huyện miền núi phía Tây Nghệ An sẽ tự đứng ra tổ chức theo cách của riêng mình. Đó sẽ là một ngày văn hoá của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An. Khi đó bà con trong từng xóm bản, dù xa xôi nhất, cũng có thể tham gia, tổ chức với tất cả những nét văn hoá đặc sắc của họ. Khi đó không chỉ người dân trung tâm mà mỗi người, mỗi nhà trên miền Tây xứ Nghệ đều có thể hoà mình vào một ngày hội mà ở đó họ cảm thấy mình là chủ nhân, những giá trị của mình được ghi nhận và tôn vinh. Trước đây, hàng năm, vào ngày Quốc khánh (2 - 9), không chỉ miền xuôi, mà đồng bào các dân tộc thiểu số đã có một ngày Tết Độc Lập vô cùng náo nhiệt và đậm đà sắc thái, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Phải chăng đây là một gợi ý khi chúng ta hướng tới một mỹ tục mới - Đêm hội/Ngày văn hóa cho, và của, đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngay từ lần đầu tiên tham gia Đêm hội sắc xuân miền Tây Nghệ An tôi đã trăn trở rất nhiều về tương lai của đêm hội. Sau mỗi lần được tổ chức, câu hỏi ấy lại càng dấy lên, càng thúc giục tôi tìm câu trả lời. Chắc chắn, tôi không thể là người trả lời cho băn khoăn ấy nhưng tôi tin khi dấy lên câu hỏi này, tôi sẽ nhận lại được, từ đâu đó, một lời đáp để tới đây chúng ta sẽ được chứng kiến những đổi thay. Hơn tất thảy, từnay về sau, bà con dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An sẽ có thêm một ngày hội ý nghĩa đề cứ mỗi dịp đào mận nở tràn núi rừng, họ lại nhắc nhau nhớ về một lời hẹn ngả nghiêng say bên chum rượu cần.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442895

Hôm nay

291

Hôm qua

2318

Tuần này

2708

Tháng này

218069

Tháng qua

112676

Tất cả

114442895