Sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn có quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975 đã cấp phép phổ biến, trong đó có bài “Con đừng xưa em đi”, trên các phương tiện truyền thông, báo chí chính thống, mạng xã hội và cả trong đời sống cộng đồng đã ồn ào dữ dội, phần lớn tỏ thái độ không đồng tình. Không biết vô tình hay hữu ý, các nhạc sỹ Nguyễn Lưu và Nguyễn Thụy Kha đã lên tiếng trên báo chí ủng hộ quyết định của Cục nghệ thuật biểu diễn với các nhận định theo lối suy diễn quá đà về các tác phẩm này. Sự xuất hiện của các nhạc sỹ này với các nhận định thiếu thiện chí như đổ thêm dầu vào lửa, làm cho dư luận xã hội trở nên ngột ngạt hơn, phân hóa nhiều hơn và có biểu hiện bất lợi đối với công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa của các cơ quan hữu trách. Thứ trưởng Bộ VH – TT đã đăng đàn như để làm dịu tình hình. Năm bài hát, hai lần quyết định. Lợi bất cập hại!
Ngày 20 tháng 3, ông Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh đã phải gửi thư ngỏ xin lỗi hội viên và công chúng vì ông là “tác giả“ của vụ lùm xùm giải thưởng tổng kết 30 năm Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông đã phải từ bỏ cả hai giải thưởng (A và C) do ông tự quyết định cho mình?! Đây là một vệt mờ khó chịu của nghệ thuật nhiếp ảnh, của nền văn hóa chúng ta. Hai giải thưởng, hai lần quyết định, cho, và từ một người. Lợi bất cập hại.
Ở NGhệ An, Hội đền Cờn năm nay, tại buổi lễ khai hội các nhà tổ chức đã cho thực hành nghi lễ hầu đồng của đạo Mẫu Tam phủ. Một sự nhầm lẫn đáng tiếc hay là cố tình “ăn theo” nghi lễ này khi nó được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Điều này có phủ phàng với tín ngưỡng Tứ vị thánh nương mà chúng ta rất tự hào vì nó khởi tích từ nGhệ An?Chưa hết, đó còn là kết quả không lấy gì làm khả quan về kiến thức và nhận thức của các nhà quản lý. Lợi bất cập hại!
Hội – Lễ đình đám với rất nhiều biến tướng của mê tín dị đoan nhào trộn với xảo thuật “làm tiền”tinh vi của nhiều lớp người khác nhau đã làm cho cả cộng đồng nghiêng ngả vì không còn đủ tỉnh táo để nhận chân giá trị. Vì sao nên nỗi. Phải chăng có lý do buông lỏng quản lý chính cái chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa và chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa vốn rất nghiêm túc, đúng đắn. Các nhà giàu đua nhau xây chùa dựng đền để…làm du lịch. Ai xây chùa, xây đền thế nào cũng ừ. Mai này không chỉ có một Đại Nam và một Bái Đính…mà theo đà này, rồi tỉnh nào rồi cũng sẽ có. Ai làm hội, làm lễ thế nào cũng cũng được. Bánh to cỡ nào cũng thích miễn là….lập kỷ lục! Một kiểu quản lý được lòng tất cả. Lợi bất cập hại!
Xã hội ta đang có vô vàn những câu chuyện, những tình huống “lợi bất cập hại” như vậy.
Cuộc sống vẫn phải liên tục vận động. Vấn đề là vận động theo hướng nào. Đúng hướng, đúng cách thì tiến bộ, phát triển. Sai hướng, sai cách thì ngày càng tăm tối. Bởi vậy nên phải có vai trò của các nhà quản lý. Muốn quản lý tốt, tất nhiên phải có các nhà quản lý giỏi, tâm huyết. Muốn giỏi, họ phải có kiến thức vững vàng, kinh nghiệm phong phú. Và, phải biết lắng nghe, biết tiếp nhận những điều hơn, lẽ phải. Không hề vô lý khi đồng thời, thậm chí là trước khi có các nhà quản trị, xã hội cần có tầng lớp tinh hoa làm hoa tiêu dẫn đường cả về nhận thức và thực hành sáng tạo.
Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại vai trò và khả năng quản lý xã hội, quản lý các hoạt động văn hóa của chính chúng ta. Nếu không, xã hội phải liên tục chịu đựng những quyết định “lợi bất cập hại”.