Nhìn ra thế giới
Một trang sử mới đang được mở ra...
Với 65,5 % phiếu bầu, Emmanuel Macron, đã trở thành tổng thống thứ 8 của “Đệ ngũ Cộng hòa Pháp”. 39 tuổi đời, 1 tuổi đảng (do chính mình sáng lập) ông là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước này. Không tả không hữu, chính đảng mới “En Marche!” của ông vừa mới sáng lập đã nổi lên như một hồi kèn xung trận: “Hãy Tiến lên!”. Nhưng chén rượu để mừng chiến thắng chưa thật đầy.Bởi vì, phần ba cử tri bỏ phiếu cho bà Le Pen là một con số rất lớn. Lớn hơn cả tỷ lệ cử tri Anh đòi ra khỏi EU và cử tri Mỹ bầu cho Trump.
Dù chiến thắng ngoạn mục, Emmanuel Macron vẫn bị coi là chưa được tôi luyện trên chính trường. Kết quả bầu cử hôm 7/5, vì vậy, chỉ được xem như khúc dạo đầu cho những trận chiến khốc liệt hơn đang ở phía trước. Theo nhận xét của Nigel Farage, Macron thắng cử chỉ đem lại cho nước Pháp thêm 5 năm nữa thất bại để bà Marine Le Pen sẽ thắng cử vào 2022. Ngược lại với đánh giá tiêu cực này của cựu lãnh tụ phái hữu ở Anh, cả châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Thủ tướng Theresa May là một trong những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng ông Macron. Các thủ đô EU vui mừng, vì như vậy, Pháp sẽ không là quân cờ domino tiếp theo sau “cuộc đổ bộ” của Brexit ở Anh và thắng lợi của Trump tại Mỹ. Dù ủng hộ bà Le Pen, Tổng thống Trump đã chúc mừng Emmanuel Macron trên Twitter. Đồng euro ngay lập tức tăng giá sau khi có tin ông Macron đắc cử. Trong phiên giao dịch đầu tiên, một euro ăn 1,1023 USD, là mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay. Khoảng 11 triệu phiếu cử tri bỏ cho bà Marine Le Pen đã biến đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) thành lực lượng đối lập hàng đầu tại Pháp.
Gánh nặng lịch sử
Tổng thống sắp lên nắm quyền của nước Pháp, Emmanuel Macron nói với hãng tin AFP: “Một trang sử mới đang được mở ra trong đêm nay”. Trang sử mà ông mong ước, đó là kỷ nguyên của “niềm hy vọng và lòng tin sẽ quay lại”. Lễ chuyển giao quyền tổng thống sẽ diễn ra tại Điện Elysée ngày 14/5 tới. Lần đầu tiên kể từ 110 năm nay, việc chuyển giao quyền lực diễn ra vào ngày Chủ Nhật. Một ngày sau đó, lần lượt các bộ trưởng cũ tiến hành bàn giao công việc cho các lãnh đạo mới. Từ nay là thời khắc để bắt đầu hành động. Ông Macron sẽ làm gì để thực hiện các lời hứa trong mùa tranh cử? Ông sẽ làm gì để đất nước này giầu mạnh hơn, chống lại những bất công và bảo vệ những kẻ yếu? Tổng thống đắc cử sẽ làm gì để nước Pháp có thể tự hào về văn hóa và văn minh của mình, để nước Pháp luôn mở rộng vòng tay, chứ không thu mình và chia rẽ? Macron từng khẳng định, những lá phiếu dành cho ông không nhằm mục đích chống lại cánh hữu. Những lá phiếu ấy là sự chọn của nước Pháp để trở lại với con đường trung chính, cùng nhau kiến tạo và cùng nhau đổi mới.
Macron sẽ đối mặt với một nước Pháp thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp, lại đứng trước nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, của khủng hoảng nhập cư và cả của sự bấp bênh trong quan hệ với EU. Kịch tính hơn, khi lịch sử chọn ông làm điểm tựa, Macron vẫn chưa có cương lĩnh cụ thể nhằm hoàn tất vai trò như một “hiệp sỹ” tưới mới và trẻ trung từ một nền chính trị được cử tri cho là già cỗi và đã hết thời. Tới đây là cả một cuộc trường chinh gian khổ, để vượt lên làn ranh giữa “nước Pháp mới” với “nước Pháp cũ”, giữa một lãnh thổ có ngoại hình lục lăng “co cụm” với một đất nước “rộng mở”, giữa một con tầu cạn kiệt nhiên liệu “quay lại bến đỗ” với một chiến hạm đang hăm hở vượt đại dương để “hội nhập với châu Âu và hội nhập với thế giới”. Việc hai ứng cử viên không thuộc các đảng phái chính trị truyền thống lọt vào vòng hai là một sự kiện chưa từng thấy, được giới quan sát cảnh báo nhiều lần. Điều mà phân tích của Le Monde nhấn mạnh là tỉ lệ ủng hộ thực sự, hay nói cách khác “chỉ số tình yêu” (côte d’amour) đối với hai ứng cử viên vào chung kết là hết sức thấp. Có tới một nửa số cử tri bầu cho hai ứng viên là ở thế họ phải buộc phải lựa chọn, vì không còn ai khả dĩ hơn.
Trẻ trung nhưng thiếu nghị trình cụ thể, ông Macron, sinh ngày 21/12/1977, chỉ có thể khiến dư luận hướng về hy vọng. Đấy là đánh giá thận trọng của giới quan sát sau giờ phút thăng hoa. Đã có ngay sự so sánh Macron với Matteo Renzi của Ý. Sinh năm 1975, ông Renzi từng lên làm Thủ tướng Ý cũng lúc 39 tuổi như Macron hiện nay, nhưng không cải tổ được kinh tế Ý và mất chức năm 2016, sau hai năm nắm quyền. Ông Macron có nhiệm kỳ lâu hơn để cải tổ nước Pháp, nhưng liệu các chính trị gia lứa tuổi trước 40 có làm được gì không, chúng ta còn phải chờ xem.“Rất vui vì cử tri Pháp đã chọn một tương lai đi cùng châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban Âu châu Jean-Claude Juncker viết trên Twitter. Các công dân toàn cầu có thể tạm nâng cốc chúc mừng ông Macron, chúc mừng cho châu Âu, dù rằng chén mừng này chưa thể rót đầy. Bởi vì, một phần ba cử tri Pháp bỏ phiếu cho bà Le Pen là con số rất lớn. Số 52% cử tri Anh chọn Brexit không bỏ phiếu cho ông Nigel Farage và tỷ lệ cử tri Mỹ chọn Trump cũng không cao như thế này. Đây là một thực tế ở Pháp và tồi tệ hơn cả hai ví dụ kia. Các phóng viên đã đăng những bức hình đầu tiên về các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát tại Paris.
Viễn cảnh tương lai
Quyền lực của tổng thống Pháp rất đặc biệt. Tổng thống đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang (đừng quên nước Pháp là một cường quốc hạt nhân) và có quyền lựa chọn ra Thủ tướng (đương nhiên với sự phê duyệt của Quốc hội). Tổng thống cũng có quyền tổ chức trưng cầu dân ý và giải tán Hạ viện khi cần. Khởi nguyên của những “đặc quyền” này có từ thời Charle de Gaulle (năm 1958). Lúc bấy giờ nước Pháp, do cuộc chiến tranh ở Algeria, đang ở trên bờ vực của một cuộc nội chiến. Nhưng rồi nhờ vào việc cắt giảm quyền lực thái quá của Quốc hội hồi hồi ấy, mà “nền Cộng hòa thứ Năm” của Tổng thống Pháp được ra đời và tồn tại từ bấy đến nay. Tuy nhiên, quyền lực này không phải là không bị chế ngự. Trong khi Tổng thống có ảnh hưởng chi phối trong chính sách đối ngoại và quốc phòng thì Thủ tướng và chính phủ của ông sẽ lãnh đạo các vấn đề nội trị. Tuy nhiên, kể từ khi nguyên tắc do de Gaulle vạch ra, Nghị viện ngày càng dành lại nhiều quyền hơn thông qua các cuộc cải cách Hiến Pháp. Giờ đây, nhờ đường lối trung lập, Macron đắc cử với tư cách ứng viên không tả không hữu. Tất cả, tuy mở một chương mới, nhưng vẫn không kém phần bất toàn và bất định…
Đối với một bộ phận lớn cử tri, ông Macron là ứng cử viên đại diện cho tầng lớp những người thành đạt và giàu có của nước Pháp. Họ tuyên bố đi bỏ phiếu cho ông nhằm ngăn chặn nguy cơ lên nắm quyền của đảng cực hữu FN chứ không phải bị thuyết phục bởi chương trình hành động của ứng cử viên này. Dù từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Kinh tế, kinh nghiệm lãnh đạo cũng như thành tích của ông Macron không có gì thật nổi bật, vì kinh tế Pháp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, dẫn dến tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Macron sẽ “giải cứu” nền kinh tế Pháp ra sao? Ông muốn dành các khoản tiết kiệm ngân sách 60 tỷ euro (65 tỷ USD) để Pháp đạt mức nằm trong giới hạn thâm thủng ngân sách mà EU đưa ra, 3% GDP. Ông sẽ sử dụng các khoản đầu tư công trị giá 50 tỷ euro trong thời gian năm năm cho các dự án bảo vệ môi trường, thực tập học nghề, đổi mới công nghệ digital và các cơ sở hạ tầng công. Ông sẽ quyết định hạ mức thuế doanh nghiệp, từ 33,3% xuống 25%. Trong buổi tranh luận trước bàu cử, chính Marine Le Pen cũng tỏ ra không tin tưởng vào kế hoạch này, nhưng Emmanuel Macron đã không quá khó khăn để chứng tỏ ưu thế của lý trí.
Lãnh đạo các đảng phái lớn như đảng Xã hội và đảng Những người Cộng hòa đã lên tiếng kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron vì "nghĩa vụ Cộng hòa" nhưng cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới. Để trở thành một tổng thống thực quyền và có hiệu quả, hẳn nhiên, Macron phải làm sao để đảng “Tiến Lên” của ông chiếm được vị trí đa số ở Quốc hội. Nếu không đạt được điều này, mô thức “sống chung” (cohabitation) sẽ là nguồn gốc của mọi đấu đá nội bộ và cản trở tiến trình lập pháp sau này. Tổng thống đắc cử Macron không dấu diếm việc mình sẽ tham gia vào tiến trình định hình nhành lập pháp. Và để làm được điều đó, Macro dự kiến “thu nạp” các đảng viên mới từ hàng ngũ của xã hội dân sự, chiếm khoảng một nửa số thành viên mới trong đảng. Đối với nửa còn lại, Macro hy vọng sẽ tập hợp các thành viên từ các đảng truyền thống dưới ngọn cờ “trung tâm”, do thất vọng đang sẵn sàng từ bỏ các tổ chức của mình. Dự án này, Macro vạch ra trước bầu cử và giờ đây sẽ được gấp rút đẩy mạnh. Tuy nhiên, thành công của chiến lược này vẫn còn là câu chuyện của tương lai.
Nước Pháp đang rất cần một chính phủ mạnh. Nếu không đát được điều này, sự bất mãn sẽ ngày càng gia tăng trong mọi giới. Suốt mùa vận động tranh cử, các nhà quan sát đã ví cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua như một trận “Stalingrad giữa Tây Âu”. Cách ví von này nói lên bước ngoặt trọng đại của nền chính trị phương Tây trước một tình thế chẳng đặng đừng và nó sẽ quyết định tương lai của nước Pháp cũng như cả châu lục. Le Figaro nhấn mạnh: “Cần lưu ý là diễn biến dữ dội nói trên đã phản ánh chính cái thời đại mà chúng ta đang sống. Tình hình hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống cuối thế kỷ XX”. Giờ đây, thậm chí như một số báo đã bình luận, là lúc những tháng ngày của nền “Công hòa thứ năm” đang được đếm ngược. Thay cho tâm trạng chán nản là những nỗi oán hận ghê gớm, những nỗi lo sợ sâu sa và cuối cùng là những khát vọng muốn thay đổi. Đây là những tình cảm được ghi nhận trong suốt giai đoạn tranh cử hỗn loạn vừa qua. Ứng cử viên của FN ở đó để bày tỏ những tình cảm có thật ấy, với một phong cách dữ dội, tuy không thể chứng tỏ bà đủ tư cách để đảm nhiệm cương vị một nguyên thủ quốc gia./.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512072
29
2389
29
218945
121356
114512072