Nhìn ra thế giới

Hàn Quốc sẽ trở lại với tương lai

Tân Tổng thống Moon Jae-in từ nay sẽ sẽ lãnh đạo một quốc gia mà người dân đang có phần thất vọng đối với nền chính trị trong nước, kể từ khi bà Tổng thống tiền nhiệm Park Geun-hye bị phế truất. Với vai trò tân tổng thống, ông Moon sẽ sớm đưa ra những quyết sách góp phần giải quyết những căng thẳng gia tăng trong khu vực Đông Bắc Á để tái khẳng định vị thế của Hàn Quốc, vốn đã trở nên mờ nhạt trong thời gian qua.

Hôm 19/5 đặc phái viên Lee Hai-chan đã tới Bắc Kinh để chuyển lá thư tay của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gửi Chủ tịch Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với đại diện Hàn Quốc rằng, Bắc Kinh muốn "thúc đẩy quan hệ Trung—Hàn sớm trở lại quỹ đạo bình thường". Ông Tập cũng được Tân Hoa Xã dẫn lời, nói Trung Quốc đồng thời muốn "củng cố sự tin cậy chính trị, xử lý ổn thỏa sự bất đồng". Quan hệ song phương đã lạnh nhạt từ mấy tháng nay, vì việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ THAAD ở Hàn Quốc. Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD nhằm chống lại đe dọa của Bắc Hàn, nhưng Trung Quốc cho rằng nó làm mất cân bằng an ninh khu vực. Ông Moon Jae-In đã gấp rút gửi phái viên Lee Hae-Chan liên lạc với Trung Quốc ngay sau khi ông vừa thắng cử tuần trước. Phái viên Hàn Quốc cũng gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc, những người này đã đưa cho ông Lee những thông điệp khá cứng rắn. Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì hôm 19/5 kêu gọi Seoul "tôn trọng các quan ngại lớn của Trung Quốc và xử lý ổn thỏa vấn đề hệ thống tên lửa THAAD". Trước đó hôm 18/5, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với ông Lee, Seoul "phải gỡ bỏ rào cản trên đường cho quan hệ tốt giữa hai nước".

Từ quan hệ liên Triều…

Sau lễ tuyên thệ nhậm chức tuần qua, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng nội các mới, với việc chỉ định những vị trí chủ chốt trong chính quyền. Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Phủ Tổng thống, hay còn gọi là “Nhà Xanh”, ông Moon Jae-in thông báo chỉ định bốn chức danh đầu tiên trong nội các mới gồm: Thủ tướng, Chánh văn phòng phủ Tổng thống, Giám đốc Cơ quan tình báo và Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia. Theo đó, Tỉnh trưởng tỉnh Nam Jeolla, ông Lee Nak-yon được chỉ định làm Thủ tướng. Với vị trí này, ông Lee Nak-yon dù không cần được Quốc hội thông qua song cũng phải ra điều trần tại Cơ quan lập pháp trong một vài ngày tới. Im Jong-seok, Trưởng nhóm thư ký cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Moon, làm Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống. Ông Suh-hoon, cựu quan chức thuộc Cơ quan tình báo quốc gia được bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan này và ông Joo Young-hoon, một quan chức thuộc Cơ quan An ninh Phủ Tổng thống được chỉ định làm người đứng đầu cơ quan này. Tân Thủ tướng Lee Nak-yon sẽ giúp tìm ra những ứng cử viên cho những vị trí khác nhau trong bộ máy chính phủ.

Ngay sau đó, ông Moon Jae-in đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên mới đây nhất. Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo sau khi Seoul vừa có tổng thống mới. Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo vào sớm 14/5 từ một địa điểm gần biên giới với Trung Quốc. Vụ phóng tên lửa diễn ra vào khoảng 5 giờ 27 phút sáng 14/5 từ một khu vực thuộc vùng Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Phía Hàn Quốc cho rằng đây là hành động khiêu khích đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Moon nhậm chức và là vụ thử tên lửa đạn đạo thứ hai của Triều Tiên chỉ trong vòng hai tuần qua. Các quan chức Nhật Bản cho biết tên lửa được Triều Tiên phóng lên cùng ngày đã bay khoảng 30 phút và dường như đã rơi ở bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết đã trao công hàm chính thức cho phía Triều Tiên để phản đối vụ phóng tên lửa này.

Cũng trong phát biểu đầu tiên, Moon Jae-in cam kết sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề kinh tế của Hàn Quốc và mối quan hệ với Bắc Triều Tiên. Ông Moon nói: “Tôi sẽ luôn nỗ lực để mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Nếu cần thiết, tôi sẽ bay tới Mỹ, sẽ tới Trung Quốc và Nhật Bản và nếu điều kiện cho phép tôi cũng sẽ tới cả Triều Tiên”. Điều chỉnh quan hệ với Triều Tiên là vấn đề đang được dư luận Hàn Quốc quan tâm, sau khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên liên tiếp căng thẳng suốt thời gian cầm quyền của người tiền nhiệm Park Geun-hye. Ngoài ra, ông Moon Jae-in cũng cho biết sẽ tiến hành đàm phán với Trung Quốc và Mỹ về việc triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đang gây tranh cãi. Với việc nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bất ngờ phải rời nhiệm sở, người dân nước này đã quay lưng lại với phe bảo thủ và đưa cựu Chủ tịch đảng Dân chủ theo xu hướng tự do Moon Jae-in lên nắm quyền, với hy vọng ông sẽ tìm được những bước đi hiệu quả để hóa giải một loạt “thế cờ bí” mà đất nước đang phải đối mặt: từ chia rẽ nội bộ, khó khăn kinh tế, đến mối lo Triều Tiên, hay quan hệ đang trục trặc với Trung Quốc, Nhật Bản và cả với Mỹ.

Khôi phục “Ánh dương 2.0”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là sẽ áp dụng một phiên bản mới của chính sách “Ánh dương” trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Giới theo chủ nghĩa tự do ở Hàn Quốc cũng nhận ra rằng tình hình chiến lược đã thay đổi đáng kể từ thời ông Kim Dae-jung và giai đoạn đầu cầm quyền của ông Roh Moo-hyun, khi Triều Tiên chưa trở thành quốc gia hạt nhân trên thực tế. Để có thể trở lại một chính sách “Ánh dương 2.0”, ông Moon sẽ phải đương đầu với những thách thức lớn. Ông Moon có thể vẫn theo đuổi ước mơ của mình, nhưng phải làm điều đó một cách cẩn trọng và phải để mắt đến những thực tế địa-chính trị. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ The Washiongton Post, ông Moon nói rõ rằng ông xem liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ là nền tảng của chính sách ngoại giao và cam kết sẽ không bắt đầu đàm phán với Triều Tiên mà không tham vấn trước với Mỹ. Nhưng ngoài các cuộc đàm phán chính thức, ông ấy cũng có thể cố gắng tiếp xúc với miền Bắc bằng cách khôi phục sự hợp tác liên Triều trong lĩnh vực sức khỏe hoặc môi trường, vốn nằm ngoài phạm vi của những lệnh trừng phạt quốc tế.

Dù kinh tế Hàn Quốc được dự đoán hồi phục nhẹ trong 2017, song nhiều người vẫn cảm thấy họ đang sống chật vật. Theo Yonhap, chỉ số chịu đựng kinh tế - được tính dựa trên tình trạng thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát - hiện cao nhất 5 năm. "Tôi bán các sản phẩm sữa để kiếm sống", Choi Seon-ok, 62 tuổi, kể. "Bởi kinh tế đang khó khăn nên kinh doanh rất bết bát. Tôi ước có thêm các chương trình phúc lợi cho người dân". "Gần đây chúng ta đã thấy mặt xấu của chính phủ", sinh viên đại học Nam Woo-hyu, 26 tuổi, bình luận và cho biết, các vấn đề quan trọng nhất đối với anh trong cuộc bầu cử là "thị trường việc làm cho người trẻ và phát triển kinh tế". Không giống như người trẻ, nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc quan tâm hơn tới vấn đề an ninh và chính sách về Triều Tiên. Theo thăm dò mới đây của Gallup/YTNl, cử tri Hàn Quốc ở độ tuổi 30 rất thích ứng viên Dân chủ Moon Jae-in. Tuy nhiên, chỉ 16% những người ở độ tuổi 60 hoặc già hơn ủng hộ ông này, họ chủ yếu thích Ahn Cheol-soo hoặc Hong Jun-pyo hơn vì cả hai ứng viên này theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên. "An ninh quốc gia nên là một nghị trình quan trọng nhất với chính phủ kế tiếp, sau đó đến phát triển kinh tế", công dân Bae Kyung-hwan, 72 tuổi, nói. Một người khác cũng 72 tuổi tên là Kim Sang-soo hưởng ứng: "An ninh quốc gia là ưu tiên số một của chúng tôi".

CNN dẫn số liệu của RealMeter, hãng thăm dò dư luận độc lập ở Hàn Quốc, cho thấy có tới 27,5% số người tham gia khảo sát nói vấn đề quan trọng nhất với họ là "kế hoạch thực hiện cải cách và xử lý tham nhũng tận gốc rễ" của ứng viên. Trong khi đó, 24,5% quan tâm nhất đến "phục hồi kinh tế và cuộc sống của người dân". "Bảo vệ an ninh quốc gia và dân chủ tự do" đứng ở vị trí thứ 3 trong cuộc khảo sát, với 18,5% người được hỏi đánh giá đây là vấn đề quan trọng nhất. Chưa đầy một tuần trước ngày bầu cử, nhiều người ở Seoul đã có tiếng nói giống nhau khi nêu quan ngại về cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế. "Diệt trừ tham nhũng là quan trọng", Lee Young-ok, 45 tuổi, bày tỏ. "Tôi ước Tổng thống tiếp theo có thể dẫn dắt người dân trở nên hòa thuận thay vì xung đột hoặc chia rẽ bè phái chính trị". "Minh bạch trong việc thực hiện các vấn đề của quốc gia là điều quan trọng nhất đối với tôi", CNN dẫn ý kiến của một người tên là Jang Guk-hee từ thành phố Daejeon.

Trở lại với tương lai

Viêc ông Moon lên nắm quyền tại Hàn Quốc phác hoạ sự trở lại của chính sách đối ngoại tự do, từng được "người thầy" của ông, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun theo đuổi vào những năm 2007, trước khi phe bảo thủ trở lại nắm quyền.Tuy nhiên, chính quyền của ông Moon sẽ gặp không ít thách thức, nếu như muốn quay trở lại với chính sách đối ngoại tự do này. Việc chuyển giao quyền lực quá ngắn sẽ buộc ông Moon và đội ngũ của mình “tiếp quản” chính quyền trong thời gian tương đối gấp gáp. Ông Moon nhậm chức với một Chính phủ tạm quyền cho đến khi Thủ tướng và nội các được chỉ định được thông qua bởi một Quốc hội mà đảng Dân chủ của ông không chiếm đa số. Quan trọng hơn, việc cần phải đạt được sự nhất trí từ Quốc hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những lựa chọn đội ngũ của ông Moon, đồng thời giới hạn khả năng của ông trong việc thực hiện nghị trình của mình.

Ngoài ra, thái độ của một bộ phận không nhỏ của người dân Hàn Quốc cũng sẽ là một rào cản không thể coi nhẹ đối với chính sách đối ngoại của ông Moon. Mặc dù nhiều người cho rằng giờ là lúc cần đổi mới chính sách, song họ vẫn tin vào mối quan hệ liên minh quân sự của Seoul với Washington, cũng như duy trì những hoài nghi về khả năng đàm phán với Triều Tiên. Công chúng Hàn Quốc có xu hướng bảo thủ khi đề cập đến các vấn đề đối ngoại trong thập kỷ qua, do đó Tổng thống Moon và đội ngũ của ông sẽ phải tốn nhiều công sức nếu như muốn đảo ngược xu thế này. Hơn nữa, môi trường chính trị quốc tế thay đổi mạnh mẽ trong thập kỷ qua sẽ càng khiến ông Moon khó khăn hơn trong việc theo đuổi những trọng tâm chính sách như dưới thời ông Roh Moo-hyun. Đặc biệt, chính quyền Mỹ của ông Trump đang tỏ ra quyết đoán hơn trong các chính sách về Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc vẫn loay hoay lấp đầy khoảng trống quyền lực do bà Park Geun-hye để lại. Ông Moon Jae-in nhậm chức khi mà chính sách đối ngoại cứng rắn với Triều Tiên của ông Trump đã dần thành hình, dù cho còn nhiều lỗ hổng./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512074

Hôm nay

211

Hôm qua

2389

Tuần này

211

Tháng này

218947

Tháng qua

121356

Tất cả

114512074