1) Khả năng công bố quốc tế của KHXH có khó không?
2) Tình hình công bố quốc tế của KHXH Việt Nam như thế nào ?
3) Có nên lấy công bố quốc tế (bài ISI/SCOPUS) làm tiêu chuẩn cứng để xét chức danh GS, PGS và công nhận TS cho NCS không?
Dưới đây, dựa trên việc so sánh số liệu thống kê các bài báo ISI nói chung và các bài báo ISI về KHXH nói riêng của Việt Nam và 5 nước ASEAN khác (Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia và Philipine) từ năm 2010 đến năm 2015, tôi sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi trên.
Trước khi đi vào nội dung chính, xin thuyết minh qua bảng số liệu (xem bảng kèm theo) được dùng để phân tích. Số liệu công bố ISI trong bảng này được lấy từ nguồn dữ liệu của Dự án S4VN (Dự án trắc nghiệm khoa học Việt Nam)[2], riêng tỷ lệ % là do chúng tôi tính. Trong bảng:
- Cột 1: ghi tên các nước và tổng số trường đại học của nước đó (ở trong ngoặc), dẫn theo thống kê của Webometrics.[3]
- Từ cột 2 đến cột 7: là số bài ISI về KHXH/tổng số bài ISI của nước đó theo thứ tự từ năm 2010 đến 2015 và tỷ lệ % tương ứng.
- Cột cuối cùng là tổng các bài ISI về KHXH/tổng các bài ISI và tỷ lệ tương ứng của mỗi nước trong cả 6 năm (2010-2015).
Sau đây là các nội dung chính.
1) CÔNG BỐ QUỐC TẾ ĐỐI VỚI KHXH CÓ KHÓ KHÔNG?
Kết quả thống kê cho thấy:
- Thứ nhất, nếu tính theo quốc gia thì ở cả 6 nước, số bài công bố quốc tế của KHXH đều rất thấp so với KHTN, chỉ chiếm từ 4,7% (Malaysia) đến cao nhất là 9.6% (Philipine) trên tổng số công bố ISI của nước đó. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 5.5% (cao hơn Thailand, Malaysia, và Singapore nhưng thấp hơn Indonesia và Philipine).
- Thứ hai, nếu tính theo các trường đại học, thì ngoại trừ Singapore trung bình mỗi năm một trường ĐH công bố khoảng từ 15 đến 20 bài ISI về KHXH, còn các nước còn lại có mức công bố rất thấp chỉ khoảng 1-2 bài/trường ĐH/năm (xin lưu ý trên 1 trường đại học chứ không phải là là 1 giáo sư hay tiến sĩ). Tỷ lệ này ở KHTN từ khoảng 15 bài (Việt Nam, Indonesia, Philipine) đến 300 bài/Trường/năm (Singapore).

Số liệu trên đây cho thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước khác trong khu vực, kể cả các nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam, KHXH có công bố quốc tế rất hạn chế so với KHTN.
Không hiểu như vậy đã đủ để kết luận là KHXH khó công bố quốc tế hơn KHTN hay chưa?
2) KHXH VIỆT NAM CÔNG BỐ QUỐC TẾ THẾ NÀO?
Kết quả thống kê cho thấy công bố quốc tế của KHXH Việt Nam từ 2010 đến 2015 thấp hơn Singapore (khoảng 6 lần), Malaysia (khoảng 4 lần) và Thái Lan (khoảng 3 lần), nhưng xấp xỉ bằng Indonesia và Philipine - một mức chênh tương tự như KHTN (dĩ nhiên là khác về số lượng). Mức độ chênh lệch này gần tương ứng với mức chênh GDP của Việt Nam so với các nước: Hiện nay GDP của Việt Nam, và tương ứng là kinh phí đầu tư cho khoa học nói chung và cho KHXH nói riêng, thấp hơn các nước trên ít nhất là 1,7 lần (so với Philipine) và cao nhất là 26 lần (so với Singapore)[4]. Điều này cho thấy trình độ phát triển của Khoa học không thể thoát ly hoàn toàn khỏi trình độ phát triển kinh tế xã hội: chừng nào kinh tế còn kém phát triển và đầu tư cho khoa học và người làm khoa học còn hạn chế thì công bố quốc tế trong khoa học nói chung và KHXH nói riêng thấp là điều tất nhiên. Điều này đúng không chỉ đối với Việt Nam.
3) Cuối cũng là câu hỏi có nên lấy công bố quốc tế (bài ISI và SCOPUS) làm tiêu chuẩn để xét phong GS, PGS và công nhận TS cho NCS hay không? Trên nguyên tắc, tôi hoàn toàn ủng hộ việc này (vì đây là con đường tốt nhất để KHXH Việt Nam tiếp cận đến trình độ quốc tế) nhưng cho rằng cần cân nhắc kỹ về định mức và lộ trình, và đặc biệt cần tham khảo kinh nghiệm của các nước khác. Tôi không rõ với số lượng công bố quốc tế của KHXH như trên (trung bình 1-2 bài/Trường ĐH/năm), các nước như Malaysia, Thailand, Indonesia, Philipine có dựa vào số lượng công bố quốc tế (bài báo ISI, SCOPUS) để công nhận chức danh GS, PGS hay cho phép NCS bảo vệ luận án TS hay không (mà theo thông lệ quốc tế ở các nước này đã dạy đại học thì phải là GS, PGS hoặc ít nhất là TS chứ không như ở Việt Nam), và nếu có thì định mức bao nhiêu?
Để kết luận, xin được lưu ý rằng bài viết này chủ yếu nhằm làm rõ vấn đề công bố quốc tế của KHXH chứ tuyệt nhiên không nhằm bênh vực cho quan điểm KHXH không cần công bố quốc tế. Quan điểm của tôi là KHXH có thể công bố quốc tế, cần thiết công bố quốc tế, nhưng trong bối cảnh Việt Nam đó là một con đường dài đầy khó khăn và thách thức, không những đòi hỏi sự nỗ lực của các nhà khoa học mà cả kế hoạch và lộ trình thoả đáng của nhà quản lý và sự đầu tư tài chính thích đáng từ phía nhà nước.
[1] . Xem các bài:
- “Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH ở Việt nam dễ hơn lĩnh vực KHTN”. Vietnamnet, 21/9/2016
- Nghiên cứu KHXH&NV: nguyên nhân khó công bố quốc tế. Tia sáng 29/9/2016.
- Nghịch lý giáo sư, phó giáo sư: Sững sờ trước những con số. Thanh niên, 11/4/2017.
- GS Ngôn ngữ phản biện lại GS Toán về tiêu chuẩn giáo sư mới. Vietnamnet, 17/4/2017
- “Công bố quốc tế trong Khoa học xã hội không khó đến mức như người ta nghĩ”. Vietnamnet 19/4/2017