“…thế giới không phải là “cộng đồng quốc tế” nhưng như một đấu trường nơi đó các quốc gia, thành phần phi chính phủ và doanh nghiệp tranh giành ưu thế. Hoa Kỳ tham dự vào diễn đàn này với sức mạnh vô địch về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và giá trị nền tảng. Chúng ta chấp nhận thay vì chối bỏ thực tế này”.[2]
Hiểu nôm na là hồn ai nấy giữ.
Nhưng hai tác giả cho biết lập trường nói trên không đồng nghĩa với Hoa Kỳ tự cô lập:
(Hoa Kỳ) “…quyết tâm bảo vệ và phát huy lợi ít cốt lõi của mình đồng thời tăng cường hợp tác và siết chặc quan hệ với đồng minh và các nước bạn… Chúng ta đòi hỏi nhiều nơi đồng minh và các nước bạn. Ngược lại nước Mỹ một lần nữa sẽ là người bạn chân chính cho thân hữu, và đối thủ nguy hiểm nhất của kẻ thù…”[3]
Lập trường này không khác với câu người Việt thường nói: các quan hệ đều tạm bợ, chỉ có quyền lợi quốc gia là trường tồn. Bài viết bị công kích dữ dội vì đặt nhẹ “cộng đồng quốc tế” và “giá trị” (dân chủ, nhân quyền) vốn là hai nền tảng của ngoại giao Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai.
Nhưng ngược lại thế giới đã thay đổi rất nhiều từ sau Chiến tranh Lạnh. Trước đây Tây phương dù có mua bán với khối Cộng sản nhưng không đủ để giúp Liên bang Xô Viết tồn tại. Trái lại ngày nay Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu với Âu-Úc-Nhật-Hàn-Ấn và Mỹ nên dù giao dịch với Hoa lục sẽ giúp Bắc Kinh mạnh hơn về cả kinh tế, chính trị lẫn quân sự nhưng không nước nào chịu từ bỏ quyền lợi mậu dịch, thay vào đó trông chờ nơi Hoa Kỳ vừa chịu thâm thủng mậu dịch lại phải chi trả bảo vệ “trật tự quốc tế” – cũng giống như Việt Nam đi giữa Mỹ-Trung vì lợi ích.
Bài viết được đồng tác giả bởi một tướng lãnh và doanh nhân cho thấy quan điểm của chính quyền Trump rằng kinh tế và an ninh như hai vấn đề luôn đi đôi với nhau. Đấu trường (arena) nơi đây có thể so sánh với bàn cờ vây trong đó các cường quốc như Bắc Kinh dùng áp lực đủ mặt về chính trị, thương mại, quân sự, tinh học, v.v… nhằm chèn ép đối phương để đạt mục tiêu chiến lược. Lập trường này khác với quan điểm của một số chuyên viên Tây Phương cho rằng các cường quốc cần tách biệt những điểm xung khắc (địa chính trị, mậu dịch, nhân quyền…) để cùng hợp tác trên các điểm đồng thuận (chống khủng bố, biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu,…). Áp dụng vào Đông Á, thí dụ Hoa Kỳ sẽ không “bỏ” biển Đông, Đài Loan để “được” Bắc Hàn và cán cân mậu dịch, trái lại Mỹ sẽ cò kè mặc cả cùng một lúc trên mọi khía cạnh để dành được mối lợi lớn nhất (best deal) trong quan hệ với Trung Quốc.
Rất nhiều người hy vọng đây chỉ là giai đoạn ngắn bất thường trong nền ngoại giao Mỹ cho đến ngày ông Trump bị truất phế hay mãn nhiệm kỳ. Nhưng dù ông Trump ăn nói sỗ sàng thực tế vẫn là Hoa Kỳ không đủ lực và dân chúng cũng không muốn kéo dài việc cáng đáng làm sen đầm quốc tế. Các nhà ngoại giao Mỹ từng khó ăn nói vì những cam kết trước đây khiến đối tác ù lì ỷ lại, nay ông Trump trắng trợn đòi tiền! Những chính quyền sau này sẽ dựa vào tiền lệ sẵn có để thúc hối các nước chia sẻ trách nhiệm bằng cách chi tiêu quốc phòng và sửa đổi mậu dịch nhằm giúp nước Mỹ mạnh hơn.
__________
Chú thích:
[1] “America First doesn’t mean America Alone”, Wall Street Journal, 05/30/2017
[2] …the world is not a “global community” but an arena where nations, nongovernmental actors and businesses engage and compete for advantage. We bring to this forum unmatched military, political, economic, cultural and moral strength. Rather than deny this elemental nature of international affairs, we embrace it.
[3] AmericaFirst does not mean America alone. It is a commitment to protecting and advancing our vital interests while also fostering cooperation and strengthening relationships with our allies and partners…
We are asking a lot of our allies and partners. But in return America will once again be a true friend to our partners and the worst foe to our enemies. The president’s visit showed the power of both competing to advance interests and engaging to develop relationships and foster cooperation. We have a vital interest in taking the lead internationally to advance American military, political and economic strength.