1. Sự việc
Từ giữa tháng 5-2017, sự cố ghi tên tôn giáo trên Chứng minh Nhân dân của người Chăm Bà-ni ở Ninh Thuận gây xôn xao dư luận cộng đồng. Bà con không hiểu tại sao “tôn giáo: Bà-ni” lâu nay bỗng dưng bị chuyển đổi thành: Đạo Hồi”.
1. Sự việc
Từ giữa tháng 5-2017, sự cố ghi tên tôn giáo trên Chứng minh Nhân dân của người Chăm Bà-ni ở Ninh Thuận gây xôn xao dư luận cộng đồng. Bà con không hiểu tại sao “tôn giáo: Bà-ni” lâu nay bỗng dưng bị chuyển đổi thành: Đạo Hồi”.
Anh Đạo Tấn Triển ở thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải phản ánh: Tôn giáo em họ tôi là “Bà-ni”, không dưng con nó bị đổi thành “Đạo Hồi” là sao? Chị Thành Thị Minh Hiền: Giấy khai sinh con tôi ghi rõ “Tôn giáo: Bà-ni”, còn CMND mới làm đầu tháng 6 viết “Tôn giáo: Đạo Hồi”, làm sao con tôi thi đây”.
Anh Đạo Dú: Kiểu làm thế này không chấp nhận được. Anh Tài Đại Ngọc Ty: Không sửa sai không được. Vân vân…
- Biết đâu các cháu làm đơn kê khai không rõ ràng, đã thành ra thế? - Tôi ướm thử.
- Không, một hai đứa thì có thể, chứ cả khối học sinh ở An Nhơn, Phước Nhơn không thể ngu hết. – Anh Ngọc Ty khẳng định như đinh đóng. Anh còn cho biết: Con ông Nguyễn Hữu Vạn cũng gặp tình trạng tương tự, chạy sang Huyện xin sửa lại, thì được người của cơ quan chức năng cho hay: “Đó là ghi thống nhất từ Trung ương cho cả tỉnh Ninh Thuận”.
Để trấn an bà con, tôi khuyên: Bà con hãy thật bình tĩnh, chắc có nhầm lẫn đâu đó thôi. Bởi vấn đề tôn giáo không thể đùa được. Rồi sự cố dẫn đến Hội đồng Sư cả Bà-ni thôn Phước Nhơn có thư Kiến nghị.
Trong thư kiến nghị có đoạn:
“Lâu nay trong Chứng minh Nhân dân mọi tín đồ Chăm Bà-ni đều được ghi: Dân tộc: Chăm, tôn giáo: Bà-ni, không hiểu vì sao vào tháng 6-2017, khi con em Chăm Bà-ni làm CMND, tất cả bị thay đổi thành: Dân tộc: Chăm, tôn giáo: Đạo Hồi. Ghi như thế, phạm vào 2 điểm sai sau:
- Không đúng với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng dân tộc Chăm.
- Không đúng với thực tế: Hai tôn giáo Islam (Hồi giáo, hay Đạo Hồi) và Bà-ni khác nhau về cơ bản, dù Bà-ni có nguồn gốc Islam nhưng đã được bản địa hóa từ xa xưa.
Ngoài ra nó còn phạm mâu thuẫn:
- CMND cha và mẹ đều ghi Bà-ni, trong khi con lại ghi Đạo Hồi.
- Cùng một người nhưng CMND cũ ghi Bà-ni, CMND mới lại ghi Đạo Hồi.
- Cũng người đó, ở Giấy Khai sinh ghi Bà-ni, trong CMND lại ghi Đạo Hồi.
Vì sự thật và quyền lợi của tín đồ, nay Hội đồng Sư cả và Ban Hỗ trợ Tôn giáo thôn Phước Nhơn đề nghị: Phục hồi lại tên gọi cũ là: Dân tộc: Chăm, Tôn giáo: Bà-ni cho tất cả tín đồ Chăm Bà-ni. Rất mong Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận xét đơn này và giải quyết càng sớm càng tốt.”
2. Minh giải về tôn giáo Chăm
Cộng đồng Chăm Pangdurangga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) có 2 tôn giáo chính: Ahiêr và Awal. Awal là Islam bản địa hóa từ thế kỉ XVII mà thành. Đây là hiện tượng rất Chăm, nghĩa là đầy bản sắc. Các tên gọi khác để chỉ bộ phận này có: Bà-ni, Anưk Bini, Chăm Hồi giáo cũ.
Cộng đồng Chăm Bà-ni ở Ninh Thuận có 7 palei, ở Bình Thuận 10palei. Khi Islam du nhập vào Ninh Thuận đầu thập niên 1960, một bộ phận Chăm cải giáo từ Awal sang, và được gọi là Chăm Islam, hay Gah Birau (bên Mới).
Chăm Ahiêr và Chăm Awal có khác biệt thì rõ rồi: Chăm Ahiêr là người Cham theo Ấn Độ giáo (hay Bà-la-môn như từ thường dùng), chứng minh nhân dân ghi: Tôn giáo: Bà-la-môn; còn Chăm Awal thì ghi: Tôn giáo: Bà-ni – rất chuẩn.
Giữa Chăm Islam và Chăm Bà-ni cũng có khác biệt lớn: 5 cột trụ của Islam chính thống không còn được người Chăm Bà-ni tuân thủ, việc cúng tế cũng rất khác. Sự thể đã diễn ra từ 3-4 thế kỉ trước.
Từ khác biệt đó, nên trong CMND người Chăm Islam được ghi: Tôn giáo: Hồi giáo hay Đạo Hồi. Vậy mà hôm nay, cả Chăm Awal lẫn Chăm Islam bị gộp vào chung một tên gọi: Tôn giáo: Đạo Hồi, vừa sai vừa phản văn hóa truyền thống dân tộc.
Sự việc bung ra bị nhiều vị chức sắc tôn giáo Bà-ni, bà con, anh chị em Chăm Awal phản ứng rất mạnh. Tôi đã có bài trao đổi về việc này, có thể tóm vào 3 ý:
Thứ nhất, đây không phải là nhầm lẫn; nếu là nhầm lẫn, đây là nhầm lẫn đầy tắc trách; và chuyện diễn ra không chỉ ở Ninh Thuận mà còn tại các tỉnh thành khác: Bình Thuận, Bình Dương. Đề nghị: thay đổi và thay đổi sớm, để ổn định cộng đồng và thuận tiện cho công việc.
Bài viết đã được rất nhiều người đồng tình, nhất là bà con người Chăm.
3. Nguyên do sự cố
Văn bản chính thức: “Thống kê các tổ chức Tôn giáo đã đăng ký và công nhận”, kí vào tháng 7-2012.
Văn bản của Bộ kí vào tháng 7-2012, tức non 5 năm trước khi xảy ra sự cố thay đổi “tôn giáo: Bà-ni” thành “tôn giáo: Đạo Hồi” đối với tín đồ Chăm Bà-ni. Trong 13 Tổ chức Tôn giáo, cộng đồng Chăm chiếm 2 tổ chức ở 2 mục lớn, là: [11] và [12].
Mục [12]: Đạo Bà-la-môn thì đúng, riêng mục [11]: Đạo Hồi, việc gộp “Hội đồng Sư cả Chăm Bà-ni Ninh Thuận” và cả “Ban Đại diện lâm thời cộng đồng Hồi giáo Bà-ni tỉnh Bình Thuận” vào chung mục này, là sai lớn. Vì “tôn giáo Bà-ni” với “Hồi giáo” có những khác biệt rất cơ bản, nên không thể gộp vào để gọi chung là “đạo Hồi” được.
Sai về tên gọi. Trong khi ở Ninh Thuận là: “Chăm Bà-ni”, thì ở Bình Thuận là: “cộng đồng Hồi giáo Bà-ni”.
Như vậy, nhầm lẫn chính từ bộ phận tham mưu dưới Tỉnh [hay dưới nữa] không tách bạch, từ đó trên Bộ đưa ra “Thống kê”. Do đó cần phân lại tổ chức tôn giáo Việt Nam ở cộng đồng Cham làm 3 mục lớn: [11]: Islam (hay Hồi giáo), [12]: Bà-ni, [13]: Bà-la-môn.
4. Chuyện chính danh
Người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay có 2 cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng chính: Chăm Ahiêr và Chăm Awal. Qua quá trình lịch sử, cả hai trở thành cặp đôi biểu tượng cho Likei/ Kamei: Nam/ Nữ, Tano/ Binai: Đực/ Cái trong triết lí và sinh hoạt xã hội Chăm.
Chăm Awal là người Chăm theo Islam (du nhập vào Champa khoảng thế kỉ XIV) được bản địa hóa từ thế kỉ XVII mà thành. Gọi “Chăm Awal” (Bini) để phân biệt với Chăm Ahiêr (Chăm Bà-la-môn);
“Chăm Awal” còn được gọi là: - “Anưk Bini” để phân biệt với Anưk Chăm [Ahiêr]; còn từ “Bà-ni” do Việt phiên âm từ tiếng Chăm: “Bani” hay “Bini” để phân biệt với “Chăm” hay “Bà Chăm” – như trước đây có người gọi thế. Ví dụ Ariya Cham Bini: Trường ca Chăm Bà-ni;
- Ngoài ra “Chăm Awal” còn có tên gọi khác là “Chăm Hồi giáo cũ”, để phân biệt với bộ phận Chăm theo Hồi giáo mới (Gah Birau), tức Islam chính thống. Đây là “thuật ngữ” trước 1975 hay dùng. Gọi là “Hồi giáo cũ”, vì nó có mặt từ thế kỉ XVII, còn Hồi giáo mới” là Islam du nhập vào cộng đồng Chăm Ninh Thuận từ đầu thập niên 1960.
Theo Imưm Đạo Văn Tý, lẽ ra nên gọi Cham Bà-ni là Hồi giáo mới, vì Hồi giáo [cũ] vào Champa thế kỉ XIV mới được cải biến thành Bà-ni, tức nó mới hơn. Ở đây phân biệt cũ/ mới là nhìn từ góc độ Ninh Thuận, chứ không phải nhìn tổng thể.
Do sự lẫn lộn này mà “thuật ngữ” “Hồi giáo cũ”/ “Hồi giáo mới” ngày nay không còn được dùng nữa. Đó là nguyên do gần, còn đây là nguyên do xa.
Tại sao gọi là “Hồi giáo” hay “đạo Hồi”?
Islam là tôn giáo ra đời vào thế kỉ VII tại bán đảo Ả Rập, còn tín đồ Islam được gọi là Muslim. Chữ “Hồi giáo” xuất phát từ tên gọi dân tộc Hồi Hột mà ra. Đây là nước ở bắc Trung Quốc (616-840), có lúc lãnh địa mở rộng đến tận Mãn Châu. Sau đó dân tộc Hồi Hột được gọi thành “Hồi Hồi”. Ở đời nhà Nguyên (1260-1368), chữ “người Hồi Hồi” được dùng để chỉ định cả người Trung Á, bất kể họ theo tôn giáo nào (theo Wiki).
Do đa số người dân Hồi Hồi theo Islam, nên Islam thành quốc giáo; tuy thế việc đồng hóa “người Hồi Hồi” với Muslim là sai. Mãi qua đời nhà Minh (1368-1644), người ta mới phân biệt rõ tín đồ Islam với “người Hồi Hồi” là hai khái niệm khác nhau.
“Bởi vì tên gọi này hay các tên gọi khác tương tự không phải là dịch nghĩa của từ Islam trong tiếng Arab (tạm dịch: "vâng mệnh, quy phục Thượng đế"), nên ngay từ năm 1335, thời nhà Nguyên, đã có người đề ra cụm từ Thanh Chân giáo (清真教) để thích nghi hơn với tiếng Hán. Đề nghị này được hưởng ứng rộng rãi nên ngày nay Thanh Chân giáo là cụm từ được ghi trong nhiều từ điển tiếng Hán. Tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay cũng có nhiều "Thanh Chân tự" (清真寺) (thánh đường Islam) và "Thanh Chân thực đường" (清真菜堂) (quán ăn, nhà ăn halal).” (Phan Tuấn Quốc, “Khảo cứu ngắn: Về vấn đề mục ghi tôn giáo Bà Ni trên thẻ căn cước của công dân Việt Nam sắc tộc Chăm”, FB 24-6-2017).
Người Islam có mặt ở Champa từ thế kỉ X, nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ không đáng kể. Mãi thế kỉ XIV, Islam mới có thế đứng ở Champa, để đến thế kỉ XVI, tôn giáo này thực sự tạo ảnh hưởng quan trọng trong vương quốc.
Thời Po Rome (1627-1651), Islam được bản địa hóa thành Bà-ni, Bà-ni tồn tại đến ngày nay [ở Pangdurangga và một phần ở Cambodia].
Trong khi người Chăm An Giang, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh hoàn toàn theo Islam, thì Chăm Pangdurangga vẫn theo tôn giáo dân tộc là: Ahiêr [Chăm Bà-la-môn] và Awal [Chăm Bà-ni]. Chỉ từ đầu thập niên 1960, Islam mới được truyền trở lại cố quận, để hiện nay một bộ phận Chăm ở 3 palei Ninh Thuận thành Muslim.
Kết luận. Islam: là từ dùng mang tính quốc tế; Bà-la-môn phiên âm từ Brahmanism; còn Bà-ni phiên âm từ Bani [hay Bini]. Để chính danh, cần thống nhất tên gọi: Tôn giáo: ISLAM (hay Hồi giáo, nếu đã quen dùng từ này), Tôn giáo: BÀ-NI (chứ không phải Hồi giáo Bà-ni), Tôn giáo: BÀ-LA-MÔN.
2366
2389
2366
219302
121356
114512429