Gần gũi hơn trong cộng đồng Mỹ gốc Việt, nhiều người thắc mắc tại sao cần giúp đỡ thân nhân ở Việt Nam khi giá nhà ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẳng, Nha Trang, v.v… tăng vọt, giúp tài sản của dân thành phố lên đến hàng trăm ngàn hay nhiều triệu đô-la? Xuất khẩu, du lịch, tiêu thụ nội địa, tiền gởi về Việt Nam và địa ốc không những tạo ra một tầng lớp đại gia tư bản mới mà còn giúp cho giới trung lưu thành thị trở nên vô cùng khá giả, số người đi du lịch và cho con du học nước ngoài ngày thêm đông lại tự hào rằng có tiền sống ở Việt Nam sung sướng hơn phải đi cày bên Mỹ rất nhiều. Trừ những người bỏ thôn quê lên đô thị kiếm sống vô cùng khổ cực, những ai có gốc gác lâu đời ở thành phố nhưng vẫn chật vật đa số vì lo ăn chơi hay không biết toan tính làm ăn chớ không phải do thiếu cơ hội.
Thế giới ngày này rạn nứt theo hai tỷ lệ 50% và 30%. Tại nhiều nước như Trung Quốc và Việt Nam dưới 1/3 dân chúng khá giả trong khi 2/3 còn lại vô cùng nghèo khổ. Ở Âu-Mỹ khoảng 1/2 dân chúng ở các đô thị và vùng ven biển hưởng lợi từ toàn cầu hóa trong lúc 1/2 còn lại bị thiệt thòi. Khoảng cách từ lương bổng cho đến sở hữu địa ốc và chứng khoán tăng vọt khiến chênh lệch giàu nghèo và sự phẫn nộ ngày thêm trầm trọng. Ở tại Hoa Kỳ và Tây Âu dân chúng đã phản ứng bằng lá phiếu chống toàn cầu hóa.
Đây là vấn nạn toàn cầu trong thế kỷ 21.