Diễn đàn

Nghĩ về văn hóa quan quyền

Trong lịch sử nước nhà, có lẽ, chưa bao giờ  chuyện quan, nghề quan, văn hóa quan, tệ nạn quan (tham), nguy họa từ quan, miệng quan (trôn trẻ)…; lại trở thành chủ đề chính của mọi quan ngại, lực cản chính của nhu cầu phát triển và, gần như chắc chắn, là tai họa lớn nhất trong mọi nghĩ suy chính thức cũng như phi chính thức, xuôi hay ngược chiều…

Lịch sử nhiều ngàn năm của nhân loại chỉ ra rằng, thời thịnh trị luôn song hành với vô cùng nhiều tấm gương sáng của các quan thanh liêm.

Chưa thấy dẫn chứng ngược lại, bao giờ.

Các vị quan đó, dù sống ở Biển Tây hay Trời Đông,  đều ôm ấp, chiêm nghiệm triết lý làm quan khá giống nhau: Đem hết sức mình ra để phụng sự, đặng giúp ích cho giống nòi, mong muốn vô cùng, tìm mọi cách để trăm họ đỡ khổ, đất nước thái bình.

Họ ít quan tâm đến tiền bạc, tư lợi bởi họ biết rõ lòng tham đi liền với tha hóa, sự giàu có quá mức của giới quan quyền là “bạn đường nhơ bẩn” của nỗi cực của muôn Dân.

Họ có chất SĨ đích thực.

Thầy Cao Xuân Huy giảng rằng, chữ Sĩ chỉ có 3 nét nhưng khó viết vô cùng. Viết sao cho thẳng, cho cân không phải do cách cầm bút mà là do nội lực từ thẳm sâu của TÂM, từ sự triết minh của TRÍ – để hiểu đúng, đủ về lẽ công bằng, chính trực, thẳng ngay. Nét ngang thứ nhất, ở trên của Sĩ nói lên rằng phải luôn coi đạo đức, thanh danh, hiểu biết cao hơn, đáng quý hơn nét ngang ngắn, ở dưới – ám chỉ nhu cầu kiếm cơm áo gạo tiền… Sĩ phải biết đứng thẳng giữa đất trời, không luồn cúi, bẻ cong lưng để  tích trữ sang giàu, không ngập ngừng, chông chênh về lý tưởng, bỏn phận. Nếu chưa tính nét dưới thì 2 nét ngang + sổ làm thành chữ Thập – ý ngầm định Sĩ luôn phải tu thân,tích đức hướng tới 10 phân vẹn mười (cho dù khó vô cùng và, chưa có ai làm được). Một nửa chữ Sĩ là chữ Nhân – không có Nhân thì Sĩ chỉ là tên lưu manh vô cùng nguy hiểm bởi nó có đủ trí óc để lừa đảo, gian ngoan khiến Dân đen muôn phần khổ lụy…

Rõ ràng, phải có Sĩ rồi mới trở thành quan là nguyên tắc của bao đời.

Mặc định đó của chân lý từ cổ chí kim, khắp cả gầm trời này hết thảy giống nhau trừ… nước ta!

Đã bao giờ các vị lãnh đạo cao cấp nhất giật mình rằng một trong những nguyên nhân đầu tiên để xảy ra nạn tham quan kém cỏi thời nay là do chưa thành Sĩ đã làm Quan?

Cái sai trầm trọng trên đây tạo ra vô số hệ lụy khôn lường bởi các quan ấy (nhiều vô kể) chưa thấm đủ chữ Nhân, chưa học đủ chữ Nghề, chưa nuôi đủ chữ Chí, chưa hấp thụ được nguyên lý bí ẩn, diệu tuyệt của chữ Liêm và, chưa bao giờ các vị ấy hiểu cái chữ Danh (thơm) muôn thuở sẽ sống mãi với đất trời cho dù của cải có tích trữ nhiều bao nhiêu đi nữa cũng chẳng có mảy may giá trị nào trong thế giới bên kia…

Vì không bao giờ có đủ (nếu có thì sứt mẻ, mập mờ, bẻ cong, uốn méo) 5 chữ ấy nên không ít các quan ngày nay, cứ như thể được lập trình, chỉ có vơ và lấy!

Trớ trêu và cay đắng vô cùng khi các quan thời quá độ luôn hành xử quá mức độ của dốt, kém, tham, si. Chẳng thể nào biện minh được cái sai không thể thứ tha khi đặt bút ký cấp phép cho Dân được hát… Quốc ca! Vô trách nhiệm đến mức tận cùng và dốt kém đén thế, sao có thể làm quan.

Bạn đã bao giờ chứng kiến chuyện bi hài này chưa? Có một ông nghị nổi tiếng, luôn tuyên bố trước báo chí, diễn đàn cao nhất rằng ông không sợ tham nhũng, chỉ sợ các quan nói không đi đôi với làm. Ai cũng tin ổng và khen ổng nức trời. Có lần, trước một sự việc động trời, ông đặt bút ký “bảo lãnh” một lời hứa của một vị quan to với những nụ cười thật tươi. Chưa đầy hai tháng sau, “tin đâu như sét đánh ngang”, đùng một cái, ông nhấm nhẳng rằng, “Kể cả lời hứa cũng là lời hứa về mặt tinh thần”?!

Chẳng cần sự thật, thích thì nói cho vui, uốn cong bẻ thẳng thành nghệ thuật thì còn gì là Tín và Nghĩa trên trái đất này?...

Những nỗi buồn và đau xung quanh quan trường thời nay nhiều không kể xiết. Tất nhiên, ngay cả rượu nhạt uống lắm cũng vẫn say, huống hồ chi nói mãi những chuyện buồn.

Làm thế nào để đổi thay?

Khó vô cùng.

Triết lý quan trường tốt đẹp sẽ biến thành sự ngô nghê khi quan làm sai chỉ bị cái “tội” duy nhất là kiểm điểm sâu sắc rồi, hoán đổi vị trí. Chỉ khi nào đuổi thẳng tất cả các vị quan không xứng đáng với trọng trách, thưởng hậu cho người tài, phạt nặng kẻ kém mới có thể dổi thay.

Nếu các ngạch quan được bổ nhiệm công tâm theo đúng nguyên tắc “nồi nào, vung nấy” thì không thể có chuyện sai trái ngập tràn từ Bắc chí Nam. Ví dụ: hàng chục vụ “cả nhà làm quan” đồng nghĩa rằng đó không còn là chuyện nhỏ nữa mà cả nước đang bị làng xã hóa, bị gia đình – dòng họ hóa. Nhân loại đang tiến lên, sao ta lại cứ tìm về mô hình cổ xưa của thời phong kiến? Chẳng lẽ ta thích đi… giật lùi?

Đôi khi, phải tự giễu mình khi tự hỏi rằng, lúc Lê Nin viết cuốn sách nổi tiếng “Một bước tiến, hai bước lùi” có ngầm ám chỉ thêm điều gì không? Giật mình vội nghĩ, phải chăng các quan ta, thời nay, đang suy diễn sai ý của Lê Nin: Họ cứ giả vờ đổi thay, tiến thêm một bước; nhưng rồi lại kéo xã hội lùi thêm hai bước để rộng đường… ăn chia?

Đổi mới ư, cần lắm? Phải đổi thay khi thời đại thay đổi, trừ cái ghế, phải y nguyên.

Nhiều cửa, phiền Dân, phải bỏ. Thay bằng một cửa. Tốt quá. Nhưng, để mở cánh cửa ấy, nên nhớ rằng, nó vừa được ngoắc thêm 3-4 ổ khóa to đùng…

Nếu tôi có tài, nhất định tôi sẽ sáng tác bài hát “Một bước tiến, hai bước lùi” để diễn tả về bộ mặt quan trường thực tại, ngày nay…

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512429

Hôm nay

2366

Hôm qua

2389

Tuần này

2366

Tháng này

219302

Tháng qua

121356

Tất cả

114512429