Tiểu sử sơ lược
Phan Bội Châu (1867-1940)
I
Lịch sử giải phóng dân tộc Việt
Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San), hiệu Sào Nam, sinh ngày 26-12-1867 tại quê mẹ ở Sa Nam, huyện Nam Đàn, cách quê chính là Đan Nhiễm chừng 3km, nằm sát tả ngạn sông Lam. Ông cụ thân sinh Phan Văn Phổ là nhà Nho nghèo, sống bằng nghề “lấy nghiên làm ruộng, lấy bút làm cày”. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nhàn, một bà mẹ rất mực hiền hậu.
Lúc nhỏ, Phan Bội Châu nổi tiếng thông minh. Sáu tuổi theo cha đi học, ba ngày thuộc hết cuốn Tam tự kinh. Bảy tuổi đã hiểu kinh truyện, có thể sử dụng chữ Hán đùa nghịch viết Phan tiên sinh chi Luận ngữ để chế giễu bạn bè. Tám tuổi đã làm thông thạo các loại văn cử tử. Mười ba tuổi đi học ở huyện, đỗ đầu, làm được thơ văn lối cận cổ, các thầy đồ ít đọc sách trong địa phương không hiểu nổi. Mười sáu tuổi đỗ đầu xứ, nên cũng gọi là “đầu xứ San”.
Phan Bội Châu không những là một thanh niên học giỏi, nết na, hiếu đễ, mà còn là một người rất gần gũi cuộc sống của nhân dân lao động và từng là một tay hát phường vải có tài. Nhưng điểm đặc sắc nhất ở Phan Bội Châu là sớm có tinh thần yêu nước: lên chín tuổi, khi phong trào Bình Tây nổ ra khắp nơi, đặc biệt là phong trào của Trần Tấn, Đặng Như Mai... Phan Bội Châu liền tập hợp các bạn bè cùng trường “Lấy ống tre làm súng, lấy hột vải làm đạn, giả đùa làm quân Bình Tây”. Mười bảy tuổi, được tin ở Bắc Kỳ nghĩa binh nổi dậy như ong, Phan Bội Châu lòng tràn đầy nhiệt huyết, hăm hở muốn ra quân, bèn nửa đêm khêu đèn thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc. Mười chín tuổi (1885) kinh thành Huế thất thủ, tỉnh thành Nghệ An cũng rơi vào tay giặc. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, thân hào Nghệ Tĩnh nổi lên khắp nơi. Phan Bội Châu vì đại nghĩa kích thích, liền tổ chức ngay một đội “thí sinh quân” gồm 60 người chuẩn bị lên đường ứng nghĩa, giết giặc cứu nước. Nhưng chưa kịp hành động thì đã bị tan rã sau một trận địch kéo về làng càn quét. Công việc tuy chưa thành nhưng chí hướng diệt thù cứu nước của Phan Bội Châu đã chuyển mạnh từ đây.
Phan Bội Châu tiếp tục rèn tâm, luyện chí. Ngày đêm Phan chuyên tâm đọc Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch và các bản điều trần tiến bộ của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phụ Thứ... Phan ham mê những tân thư, tân văn từ Trung Quốc đưa sang, Phan lại ngấm ngầm tìm kiếm, nghiên cứu các binh thư, binh pháp xưa để dự bị mô phỏng thực hiện trong tương lai.
Tiếp đến mười năm Phan Bội Châu khoác áo thầy đồ dạy học cũng là mười năm “tu dưỡng ngấm ngầm”, hòa mình trong quần chúng, gây giống trồng cây, tuyên truyền yêu nước trong đồng bào và giáo dục rèn luyện một lớp thanh niên ưu tú sẵn sàng xả thân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Giai đoạn này Phan đã mở rộng giao du, tìm những người đồng tâm đồng chí kết thành vây cánh, bí mật liên kết với các dư đảng Cần Vương và với cả “khách vong mạng lục lâm” nữa. Phan đã sớm gây được ảnh hưởng, chiếm được lòng tin của tầng lớp sĩ phu và cả đông đảo quần chúng nhân dân. Còn bút nghiên khoa cử đối với Phan lúc này chỉ là phương tiện hoạt động nhằm mục đích cuối cùng là cứu nước.
Năm 1900 Phan Bội Châu dự kỳ thi Hương và đỗ thủ khoa trường Nghệ. Thế là đã có “cái hư danh để che mắt đời”. Đến đây, tâm đã mạnh, chí đã hùng, vây cánh đã đông đảo, việc nhà tạm ổn. Phan Bội Châu chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng, chiến đấu cho độc lập, tự do của nước nhà. Phan mang bầu máu nóng đi khắp Trung -
So với các tổ chức chống Pháp trước kia của phong trào Văn Thân và Cần Vương thì tổ chức Duy Tân hội của Phan Bội Châu có một bước tiến rõ rệt, đây là một tổ chức chặt chẽ, có một tôn chỉ rõ ràng, có chương trình hành động khá cụ thể.
Đầu năm 1905, theo kế hoạch hành động của Duy Tân hội, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật Bản, sang Trung Quốc rồi sang Xiêm. Lòng yêu nước nồng nàn của Phan bao giờ cũng rộng mở đón gió muôn phương, bất kỳ ai, bất luận thuộc khuynh hướng chính trị nào, hễ họ chỉ cho điều hay lẽ phải để cứu nước là Phan sẵn sàng tiếp thu ý kiến với tất cả chân tình. Lương Khải Siêu khuyên nên dùng thơ văn để tố cáo tội ác của thực dân Pháp với thế giới và kích động lòng yêu nước của mọi người, tức thì Phan Bội Châu đã lần lượt viết luôn hàng chục tác phẩm: Việt Nam vong quốc sử, Khuyến quốc dân tư trợ du học văn, Hải ngoại huyết thư, Tân Việt Nam, Sùng bái giai nhân, Việt Nam quốc sử khảo v.v... có sức thuyết phục rất lớn. Các chính khách Nhật khuyên nên đưa nhiều người du học, Phan về nước đã xốc lên một phong trào Đông du hết sức sôi nổi (1905-1909). Hàng trăm thanh niên đã vứt bỏ mộng khoa bảng, từ biệt xóm làng, gia đình thân yêu hăm hở xuất dương sang Nhật Bản, Trung Quốc học tập kiến thức khoa học tiến bộ, trù tính việc đánh Tây giành độc lập cho nước nhà.
Đáp lời kêu gọi cứu nước của Phan Bội Châu, thế hệ thanh niên Nghệ Tĩnh hồi đó đã có trên ba chục người tham gia vượt biển Đông du như Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Thức Đường, Hoàng Trọng Mậu, Nguyễn Quỳnh Lâm, Bùi Chính Lộ, Trần Đông Phong v.v... Thời gian từ 1906-1908 là “giai đoạn đắc ý” nhất của Phan. Trên đất Nhật Bản, Phan Bội Châu với tư cách là người đứng đầu tổ chức Đông du, đã thu hút được gần hai trăm thanh niên trong nước xuất dương cầu học. Phan đã khéo tổ chức họ lại sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ gọi là Công Hiến hội. Hội này có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo đám lưu học sinh học tập chuyên môn, chính trị, tu dưỡng đạo đức, tư cách, cũng như sinh hoạt văn nghệ trong thời gian sống ở nước ngoài. Phan Bội Châu cũng đã lần lượt liên hệ với các nhà chính khách, kể cả Chính phủ Nhật Bản, sắp xếp cho anh em thanh niên Việt Nam được vào học ở các trường văn hóa, chính trị, quân sự của Nhật Bản rất chu đáo.
Cũng trong thời gian này, Phan Bội Châu tranh thủ thời gian sáng tác, biên khảo nhiều thơ văn, sách báo để gửi về nước làm tài liệu tuyên truyền cách mạng, cổ động đồng bào ủng hộ phong trào Đông du. Đồng thời, Phan Bội Châu cũng liên lạc với các hội, đảng yêu nước tiến bộ của tổ chức lưu học sinh các nước hiện có mặt ở Đông Kinh, nhằm trao đổi kinh nghiệm vận động cứu nước. Đặc biệt, Phan còn viết bài cho tờ Vân Nam tạp chí của tổ chức lưu học sinh Vân Nam (Trung Quốc) trong đó có những bài có ý nghĩa như Ai Việt điếu Điền; Việt vong thảm trạng v.v... có tác dụng tuyên truyền chống đế quốc chung cho cả hai nước Việt, Trung.
Những năm cuối cùng trên đất Nhật Bản, Phan Bội Châu đã chủ động cùng với các bạn lưu học sinh các tỉnh Trung Quốc lưu học ở Nhật Bản lập ra các hội có tính chất “Đoàn kết quốc tế” (theo quan điểm của Phan lúc đó) như hội Điền Quế Việt liên minh (liên minh giữa những người Vân Nam, Quảng Tây với Việt Nam) và lập hội Đông á đồng minh gồm một số người Nhật Bản, người Trung Quốc, người Triều Tiên, người ấn Độ, người Phi Luật Tân để giúp đỡ nhau chống lại bọn đế quốc.
Nhưng do dã tâm của đế quốc Nhật và âm mưu nham hiểm của thực dân Pháp câu kết với Nhật, tháng 3-1909 tổ chức Đông du của Phan Bội Châu bị giải tán và Phan Bội Châu cũng bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất. Trở về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu, Phan Bội Châu sau đó đã cùng với các đồng chí của mình tìm đường sang Xiêm mở trại cày ở Bạn Thầm, tính kế lâu dài “gieo hạt giống lâu dài ở nơi non xanh nước biếc” ấy, để đợi ngày trở về nước hoạt động.
Nhưng chỉ hơn một năm sau, tiếng súng Vũ Xương bùng nổ, cách mạng Tân Hợi (10-1911) thành công đã lôi cuốn Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc. Hướng theo tấm gương cách mạng Trung Quốc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, Phan Bội Châu quyết tâm bỏ xu hướng quân chủ, chuyển hẳn sang xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Phan Bội Châu tập hợp số anh em còn lại tuyên bố giải tán Duy Tân hội và thành lập Việt Nam Quang Phục hội mà tôn chỉ duy nhất là: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam.”
Việt Nam Quang Phục hội ra đời đánh dấu thêm một bước tiến mới của cách mạng Việt Nam. Hội đã cử người về nước nhằm gây ra những tiếng vang “kinh thiên động địa” để làm “tỉnh hồn nước” như ám sát Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn (12-4-1913), ném tạc đạn ở khách sạn Hà Nội (26-4-1913) v.v... Hội còn liên hệ với các nhóm hoạt động vũ trang đánh úp các đồn lẻ, phối hợp với các cuộc nổi dậy của lính tập ở một số địa phương. Hoạt động chống Pháp của Việt Nam Quang Phục hội đang có cơ phát triển, thì kẻ thù tìm cách đàn áp dã man, Phan Bội Châu cũng bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam ngày 24-12-1913. Năm 1917, khi Phan Bội Châu ra tù, thì Chiến tranh lần thứ nhất sắp kết thúc, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sục sôi khắp thế giới, đặc biệt là ở phương Đông, đã tiếp sức cho hi vọng “phục quốc” của Phan Bội Châu và Phan dần dần “thiên về cách mạng thế giới”. Phan tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười, viết báo ca ngợi lãnh tụ Lênin vĩ đại, ca ngợi Nhà nước công nông của Liên Xô v.v... Những năm này tuy phải sống bằng nghề viết báo ở Hàng Châu, nhưng Phan vẫn không quên lợi dụng báo chí để tuyên truyền chống Pháp và tiếp tục tìm con đường cứu nước đúng đắn. Giữa năm 1924, phỏng theo Trung Quốc Quốc Dân đảng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Việt Nam Quốc Dân đảng. Sau khi được tiếp xúc với Nguyễn ái Quốc, người cộng sản Việt Nam đầu tiên và là đại biểu của Quốc tế Cộng sản từ Liên Xô về công tác ở Trung Quốc, Phan Bội Châu tiếp thu sự góp ý của Nguyễn, dự định sang năm sau (1925) sẽ cải tổ lại Việt Nam Quốc Dân đảng theo hướng tiến bộ nhất. Nhưng ngày 30-6-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu để nhóm họp anh em, Phan Bội Châu vừa đến ga Bắc Thượng Hải thì bị thực dân Pháp bắt cóc đem về nước. Kẻ thù dân tộc đã chặn đứng khả năng của Phan Bội Châu muốn vươn tới một phương hướng cứu nước theo hệ tư tưởng mới. Chúng âm mưu bí mật thủ tiêu Phan Bội Châu, nhưng việc bị bại lộ nên phải đưa ra xử ở tòa Đề hình tưởng có thể thanh toán Phan Bội Châu, kẻ tử thù về chính trị của thực dân Pháp. Tính mạng “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” bị uy hiếp, gây ra một phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị rầm rộ khắp cả nước. Lần đầu tiên, công nhân, học sinh đứng lên hoạt động chính trị cùng với nhân dân khắp nơi đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Có người ra trước tòa án tình nguyện chết thay cho Phan. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ đó, thực dân Pháp bối rối, phải tuyên bố tha bổng Cụ nhưng bắt buộc phải sống ở Huế mà không được về quê hương xứ Nghệ.
II
Từ năm 1926 trở đi, Phan Bội Châu phải sống cuộc đời “cá chậu chim lồng” bị cách li với thực tế đấu tranh của dân tộc. Tuy vậy, Cụ vẫn cố vươn lên, vẫn hi vọng tiếp tục hoạt động cứu nước. Thời gian đầu khi mới về Huế, Cụ đã có nhiều lần tuyên bố trước quốc dân, nhiều buổi diễn thuyết tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước cho nam nữ học sinh các trường Quốc học, Đồng Khánh, Đông Ba... Cụ tự coi mình vẫn có trách nhiệm tiếp tục sự nghiệp cách mạng, tuyên truyền giác ngộ nhân dân. Từ nay không còn được tự do, sống cuộc đời “xông pha gió bão mưa ngàn”, thì Cụ làm thơ, viết truyện, biên khảo các sách vở theo cái sở học và cái độ uyên bác của mình. Trong hoàn cảnh bao vây của địch, Phan Bội Châu đã tìm một hình thức chiến đấu trên một mặt trận thích hợp: Mặt trận văn hóa. Trong mười lăm năm cuối đời, Cụ được quốc dân đồng bào gọi bằng cái tên xiết đỗi thân thương “Ông già bến Ngự”, cũng là mười lăm năm già, bệnh, nghèo, đói với những eo xèo thị phi của cuộc sống hàng ngày, Cụ đã viết gần 1000 bài thơ, phú, văn tế... hàng chục tác phẩm như Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri, Cao đẳng quốc dân, Thuốc chữa bệnh dân nghèo, Luân lí vấn đáp, Vấn đề Giáo dục và Văn chương, Vấn đề Phụ nữ, Thuốc hoàn hồn, Việt Nam Quốc sử bình diễn ca... Trong số hơn chục ngàn trang Cụ để lại, có những bộ sách biên khảo, nghiên cứu hết sức công phu và giá trị như bộ Khổng học đăng, bộ Quốc văn Chu Dịch diễn giải, Phật học đăng, Nhân sinh triết học, Xã hội chủ nghĩa, Phan Bội Châu niên biểu... Phan Bội Châu thật đã không bỏ phí một khoảnh khắc thời gian nào của cuộc sống “vô liêu” lúc bấy giờ để sống một cách có ích nhất. Với những công trình trứ tác và biên soạn này, Phan Bội Châu như là một học giả đích thực, một nhà tư tưởng tầm cỡ của thời đại, đã dồn hết sức lực và tâm huyết để nghiên cứu thêm, để giải thích lại một số thành tựu của văn hóa phương Đông và văn hóa thế giới để dành cho các thế hệ con cháu mai sau. Hơn nữa, trực tiếp và thiết thực hơn, khi “diễn giải” lại Kinh Dịch hoặc “diễn dịch” lại bộ Tư thư, Phan Bội Châu đã bám chắc quan điểm cách mạng tiến bộ, liên hệ với lịch sử Trung Quốc, Việt Nam và với lịch sử một số nước khác trên thế giới, đồng thời chỉ ra cái hay, cái tích cực, phê phán những cái tiêu cực có liên quan đến tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, rút ra bài học kinh nghiệm, đem ứng dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó chính là nội dung quan trọng nhất của phép “biến dịch” trong Dịch học, Khổng học, Phật học..., cũng là những điều tâm đắc, tâm huyết của Phan Bội Châu, là thiện chí của nhà chí sĩ, khi buộc phải chọn lẽ sống “tối hạ” là lập ngôn, vì con đường “lập đức, lập công” của Cụ coi như đã không thành! Sự nghiệp trước tác văn chương âu cũng là “thiên cổ sự”. Với khối lượng thơ văn đồ sộ mà Cụ để lại, cũng thật đáng cho “phường hậu tử” chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và suy ngẫm về một bậc vĩ nhân. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng với hai mươi năm bôn ba ngược xuôi của Phan Bội Châu, được Bác Hồ ca ngợi là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”, thì một Toàn tập Phan Bội Châu gồm 10 tập, đã được xuất bản năm 2000 vừa rồi, cũng là một đóng góp không nhỏ của nhà chí sĩ yêu nước chân chính. Toàn tập thơ văn Phan Bội Châu đã góp phần làm phong phú kho tàng văn thơ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Những sách biên khảo của cụ Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, đặc biệt là mấy bộ Chu dịch, Khổng học đăng, Phật học đăng, về giá trị nghiên cứu khoa học mà nói, thì có lẽ đến nay, ở Việt Nam cũng chưa dễ có mấy ai vượt qua.
Những tháng ngày cuối đời, nhà chí sĩ Phan Bội Châu lòng vẫn chứa chan biết bao nỗi niềm ưu ái, biết bao niềm hi vọng ở đồng bào, đồng chí. Cho đến trước khi nhắm mắt xuôi tay ngày 29-10-1940 tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự, cụ vẫn có lời nhắn gửi:
“...Nay đương lúc tử thần chờ trước cửa,
Có vài lời ghi nhớ về sau:
Chúc phường hậu tử tiến mau!”
Và để lại Lời từ biệt đồng bào cả nước:
“Cứu quốc tồn chủng, hữu chí vô tài, Kim cánh dữ quốc dân trường từ tội thậm, khất thứ”.
(Lo cứu nước, bảo tồn giống nòi, tôi có chí nhưng không có tài. Nay đã đến lúc từ biệt quốc dân, tôi thật có tội lớn, mong được tha thứ!)
Cái băn khoăn ray rứt của một tâm hồn chứa chan tinh thần trách nhiệm thật vô cùng cao cả và cảm động!
Phan Bội Châu - với tất cả con người, cuộc đời và sự nghiệp cứu nước, sự nghiệp văn thơ, tư tưởng của Cụ - để lại cho lịch sử dân tộc nhiều vấn đề cần được tiếp tục ghi nhận, nghiên cứu và học tập rút kinh nghiệm.
Trong cuốn tự truyện Phan Bội Châu niên biểu, Cụ tự nhận là “trăm thất bại mà không một thành công”. Lời tự phê phán nghiêm khắc đó, chúng ta có thể hiểu là cuối cùng chưa đạt được mục đích: giành độc lập, tự do cho nhân dân, Tổ quốc, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan chi phối. Không vì thế mà chúng ta có thái độ “bất cận nhân tình” đối với Cụ. Vì rằng, thời thế đã tạo nên con người anh hùng Phan Bội Châu chưa thành đạt, nhưng không phải người anh hùng chưa thành đạt đó không có tác dụng tích cực đối với lịch sử. Bằng cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu là cái cầu nối liền thế hệ cha anh kiên cường đấu tranh chống thực dân Pháp theo lập trường phong kiến với thế hệ những người yêu nước chống thực dân Pháp sau này đi theo ngọn cờ của giai cấp công nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại.
Mặc dù Phan Bội Châu có “thất bại một trăm lần”, nhưng ngày nay, mỗi lần nói đến sự thành công của Đảng ta trong công cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, chúng ta vẫn không quên nhắc đến công lao của Cụ và của các nhà yêu nước tiền bối khác. Bởi vì Sào Nam Phan Bội Châu để lại cho những người cộng sản Việt Nam bài học thất bại cay đắng của đời mình. Đồng thời, Cụ cũng đã sớm thấy đường lối cứu nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta là đúng đắn và đã ủng hộ đường lối đó ngay từ đầu. Chính vì vậy mà trên tờ báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam nhân kỉ niệm 120 năm ngày sinh Phan Bội Châu (26-12-1987) đã trân trọng viết về “Phan Bội Châu, nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn” rằng:
“Tấm gương yêu nước thương nòi, xả thân cuộc đời vì độc lập cho quốc gia, vì quyền sống cho đồng bào của Phan Bội Châu là cây đuốc sáng giữ ngọn lửa yêu nước, chống Pháp đương thời, và những hoạt động cách mạng của Cụ và của phong trào Đông du, của Quang Phục hội góp phần tích điện cho đám mây dông đầu thế kỉ XX mà sau đó, thế hệ cách mạng mới do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc dẫn dắt, tiếp nhận và phát triển thành phong trào cứu nước dưới ngọn cờ vô sản.
Là chiến sĩ cách mạng, là lãnh tụ một thế hệ bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Phan Bội Châu cũng là một nhà văn hóa lớn mà tầm vóc làm đầy đặn những thập kỉ đầu thế kỉ XX trên lịch sử văn hóa nước nhà. Cụ để lại một di sản trước tác đồ sộ và có giá trị gồm tới số nghìn áng văn thơ bao quát nhiều lĩnh vực lịch sử, triết học, chính trị, xã hội, văn xuôi, văn vần, diễn ca, thơ... chính là vì với Cụ, văn thơ, chữ nghĩa là vũ khí thức tỉnh đồng bào, tiếp lửa yêu nước, gợi lên khí phách anh hùng, kết tội thực dân lang sói, là phương tiện để Cụ hòa mình vào dân chúng, cùng xả thân vì nước. Văn thơ của Cụ làm chấn động hàng triệu đồng bào, bởi nó nhào quyện tim óc chiến sĩ giàu nhiệt huyết nơi Cụ và mang hơi gió thời đại. Đồng bào cả nước hướng về Cụ và cả một thế hệ trẻ đương thời bước trên nhịp cầu văn thơ nóng bỏng của Cụ mà theo Cụ làm nên cốt cách văn hóa cho thế hệ trẻ đương thời khao khát độc lập và cách tân đất nước. Chủ nghĩa yêu nước, khí phách chiến đấu, tinh thần bình đẳng công dân, hoài bão duy tân và tinh thần lạc quan lịch sử, thấm nhuần trong di sản văn hóa Phan Bội Châu làm nên sức sống, giá trị nhân văn bất hủ cho văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX. Cùng với gia tài văn thơ đồ sộ, quý báu đó, nhân cách lớn của Phan Bội Châu tiêu biểu cho một thế hệ cách mạng đương thời cũng là một di sản văn hóa.”
2172
2359
21547
218046
121356
114511173