Diễn đàn

Hướng tới sự cân bằng về đời sống tinh thần của xã hội

1.Các cộng đồng xã hội, từ xa xưa, tùy vào trình độ phát triển, đã có các công cụ, công trình, thiết chế văn hóa làm phương tiện để thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan và đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, trong đó có nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng/tôn giáo. Người Việt/Kinh có miếu thờ thổ công, thần sông, thần núi…về sau có chùa thờ Phật, có đền thờ các thần/thánh, có giáo đường thờ Chúa, có đình thờ thành hoàng. Người Chăm, tùy vào các cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng khác nhau mà có thánh đường hoặc tháp để thờ các thần linh hoặc các vị vua đã được thần linh hóa. Trong không gian cư trú của các cộng đồng  còn có các công trình dân sinh gắn bó với đời sống dân cư và theo năm tháng đã có ý nghĩa của một thiết chế văn hóa  như giếng nước, cổng làng, sân đình… Bên trong lũy tre làng là cả một “hệ thống thiết chế văn hóa” , bình dị, khiêm nhường nhưng gắn bó không thể tách rời với tình cảm, tâm hồn của các các thế hệ dân làng. Điều đáng nói, tất cả, từ đình đến chùa, đền, miếu mạo… đều do dân làng chung sức lập nên, thi thoảng mới có một vài công trình, chùa, hoặc đền, do công quả của các bậc vua, chúa, quan lại, nhà giàu hảo tâm… Nhưng, dù là thế thì tất cả vẫn đều là phi vụ lợi, mọi người dân làng đều đều bình đẳng ở chốn linh thiêng. Có lẽ, dân chủ công xã nông thôn ngày xưa thể hiện sâu sắc nhất ở chốn này. Dù cho xã hội có bất công thì  trước thần linh người dân làng vẫn được bình đẳng nhiều hơn. Nhà chùa, nhà đền không sính nhà giàu mà chê nhà nghèo.

2. Xã hội luôn chuyển động bằng các động lực tinh thần và vật chất. Trong sự chuyển động hiện nay, các thiết chế văn hóa cũng đổi thay nhất là các công trình phục vụ sinh hoạt tâm linh, tôn giáo/tín ngưỡng, không chỉ về quy mô, kích thước mà cả về cơ chế, tính chất hoạt động của nó. Chùa Bái Đính cổ được Thánh Nguyễn -  Nguyễn Minh Không lập từ đời nhà Lý, gắn liền với không gian Hoa Lư và lịch sử Đinh – Tiền Lê – Lý của dân tộc đã bị các kỷ lục ghi – nét của chùa mới làm cho khuất dần trong vốn liếng và ký ức văn hóa của người hôm nay. Bây giờ, khắp chốn,  người ta bàn và làm du lịch văn hóa tâm linh. Hóa ra, các công trình này, đã có, mới được tu sửa hay tạo lập mới đều lấy đích đến là làm kinh tế du lịch chứ chưa hẳn hàng đầu là vì đời sống tâm linh, nhu cầu văn hóa của cộng đồng. Phải chăng vì thế mà đã và đang có nhiều nơi có nhiều nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch văn hóa tâm linh… Nếu theo đà này, rất có thể,  sẽ đến lúc dày đặc các khu du lịch dạng này!?

3. Một dân tộc sẽ bất hạnh và không thể phát triển bình thường nếu không có niềm tin tín ngưỡng/tôn giáo. Lịch sử dân tộc Việt Nam ta cũng đủ chứng minh điều đó. Đạo Phật là nền tảng văn hóa – tinh thần của thời đại Lý Trần. Sự bền vững của làng Việt, văn hóa Việt là nhờ người dân Việt tin vào thần Nông, thần Núi, vào Tứ bất tử… Niềm tin tín ngưỡng giúp cho con người tin vào nhau, nương tựa vào nhau mà sống, mà tiến vào tương lai. Nhưng, đó là niềm tin đích thực, niềm tin không vụ lợi. Nếu niềm tin bị lạm dụng sẽ có ngày đổ vỡ.

4. Một điều tra cho thấy, người Việt mình đang dành một quỹ thời gian rất lớn cho sinh hoạt tâm linh, cho việc đi lễ chùa, lễ đền, các cơ sở thờ tự tín ngưỡng/tôn giáo. Trong lúc đó, các rạp chiếu phim rất vắng khách, các thư viện thưa thớt người đọc, phần lớn thanh niên không biết nhạc lý...

Sự bất cân xứng này có thể xem như một chỉ dấu rất cần làm sáng tỏ của hiện trạng văn hóa nước nhà.

Phải chăng, cần có một sự điều chỉnh để hướng tới sự cân bằng về đời sống tinh thần của xã hội. Và, trong đó, có vai trò của các nhà quản trị xã hội bằng các nhận thức và chính sách phù hợp.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512427

Hôm nay

2364

Hôm qua

2389

Tuần này

2364

Tháng này

219300

Tháng qua

121356

Tất cả

114512427