1.Các cộng đồng xã hội, từ xa xưa, tùy vào trình độ phát triển, đã có các công cụ, công trình, thiết chế văn hóa làm phương tiện để thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan và đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, trong đó có nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng/tôn giáo. Người Việt/Kinh có miếu thờ thổ công, thần sông, thần núi…về sau có chùa thờ Phật, có đền thờ các thần/thánh, có giáo đường thờ Chúa, có đình thờ thành hoàng. Người Chăm, tùy vào các cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng khác nhau mà có thánh đường hoặc tháp để thờ các thần linh hoặc các vị vua đã được thần linh hóa. Trong không gian cư trú của các cộng đồng còn có các công trình dân sinh gắn bó với đời sống dân cư và theo năm tháng đã có ý nghĩa của một thiết chế văn hóa như giếng nước, cổng làng, sân đình… Bên trong lũy tre làng là cả một “hệ thống thiết chế văn hóa” , bình dị, khiêm nhường nhưng gắn bó không thể tách rời với tình cảm, tâm hồn của các các thế hệ dân làng. Điều đáng nói, tất cả, từ đình đến chùa, đền, miếu mạo… đều do dân làng chung sức lập nên, thi thoảng mới có một vài công trình, chùa, hoặc đền, do công quả của các bậc vua, chúa, quan lại, nhà giàu hảo tâm… Nhưng, dù là thế thì tất cả vẫn đều là phi vụ lợi, mọi người dân làng đều đều bình đẳng ở chốn linh thiêng. Có lẽ, dân chủ công xã nông thôn ngày xưa thể hiện sâu sắc nhất ở chốn này. Dù cho xã hội có bất công thì trước thần linh người dân làng vẫn được bình đẳng nhiều hơn. Nhà chùa, nhà đền không sính nhà giàu mà chê nhà nghèo.