Xứ Nghệ ngày nay

Đội quy tập hài cốt liệt sỹ Nghệ An: Đạo lý & Trách nhiệm

Năm 1984, Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh (từ 9.1991 thuộc Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An) được thành lập, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ quân tình nguyện và các chuyên gia về nước. Địa bàn hoạt động của đội ở Nghệ An và 3 tỉnh thuộc nước Lào là Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Xỏm Bun.

Trong hơn 33 năm hoạt động, Đội đã thu thập thông tin, tìm kiếm và quy tập được 12.027 bộ hài cốt liệt sĩ từ Lào, riêng mùa khô 2016-2017 Đội đã quy tập được 104 bộ hài cốt liệt sĩ, quy tập được 465 hài cốt ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An về các nghĩa trang hoặc bàn giao cho các gia đình thân nhân. Trong đó, 1665 hài cốt có thông tin về họ tên, quê quán của liệt sĩ; đã bàn giao 924 bộ hài cốt về các địa phương là quê hương hay các gia đình thân nhân liệt sĩ. Hài cốt các liệt sỹ chưa rõ thông tin thì được đưa về an táng tại nghĩa trang quốc tế Việt Lào ở huyện Anh Sơn, và một số nghĩa trang khác.

Để đạt được những kết quả đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tham gia vào công việc này đã phải vượt qua nhiều gian khổ và hiểm nguy. Trước hết, khó khăn lớn nhất mà các chiến sĩ trong Đội quy tập gặp phải là vấn đề thông tin về các liệt sĩ và địa điểm chôn cất liệt sĩ. Nguồn thông tin quan trọng nhất để tìm kiếm hài cốt là tin tức và sơ đồ từ các cựu chiến binh, những người từng tham gia chiến đấu ở chiến trường này. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh càng lùi vào quá khứ thì những chứng nhân, những người từng tham gia vào cuộc chiến cũng ngày càng ít dần. Một số mất đi do tuổi tác, một số thì sức khỏe yếu dần nên trí nhớ kém dần đi, không còn minh mẫn để cung cấp thông tin cần thiết. Trong nhiều năm qua, nhiều cán bộ cựu chiến binh đã tích cực cung cấp thông tin về các liệt sĩ, về hoạt động chiến đấu của các đơn vị và về vị trí của hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, những nguồn thông tin này ngày càng hiếm hoi hơn và độ chính xác cũng giảm đi. Đã vậy, trải qua mấy chục năm với nhiều biến động, địa hình, địa vật thay đổi, rất khó để xác định, tìm kiếm. Thậm chí có nhiều khu vực chôn cất liệt sỹ đã bị trở thành lòng hồ các công trình thủy điện.

Khó khăn thứ hai là sự hiểm trở về địa hình, sự khắc nghiệt về thời tiết, khí hậu ở địa bàn tìm kiếm. Hầu hết đều thuộc vùng rừng núi hiểm trở. Có những vùng là núi đá tai mèo, đá vôi, các khu rừng rậm, đường sá đi lại khó khăn, có những đoạn đường dốc cao ngàn mét, xe đi lên rất khó khăn và hay xẩy ra tai nạn. Có khi phải làm việc trên các đỉnh núi cao trong điều kiện thiếu nước uống, các chiến sĩ phải chặt các cây nứa hay các cây chuối để lấy nước uống. Mùa mưa kéo dài nhiều tháng liền cũng ảnh hưởng lớn đến công việc của đội.

Địa bàn tìm kiếm là chiến trường cũ nên còn nhiều bom, mìn chưa được xử lý, là mối nguy hiểm luôn cận kề với những người tham gia công việc này. Mỗi chuyến đi đều phải có sự phối hợp chặt chẽ với quân và dân ở các địa phương nước bạn. Họ thuộc địa hình, hiểu khí hậu nên giúp đỡ được rất nhiều cho các chiến sĩ trong đội. Tuy nhiên, quá trình làm việc, đối diện với nhiều hiểm nguy khiến nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Thông thường, khi đi qua các vùng nguy hiểm, thường có một đội đặc công quân đội Lào đi trước mở đường, tiếp đến là người dẫn đường, sau đó là các cán bộ, chiến sỹ trong đội và sau cùng còn có các bộ đội Lào bảo vệ. Thế nhưng sự hy sinh vẫn không tránh khỏi. Từ khi thành lập đến nay, đã có 9 chiến sĩ hy sinh, 10 chiến sĩ bị thương, 3 người mắc bệnh hiểm nghèo. Hầu hết cán bộ, chiến sỹ của đội mắc bệnh sốt rét và giảm sức khỏe nhanh chóng sau các chuyến công tác dài ngày. Các đơn vị của Lào cũng gặp nhiều mất mát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hợp tác và giúp đỡ cho đội. Có 5 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị thương. Đó là những tổn thất lớn mà quân, dân hai nước đã phải chịu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ là khó khăn lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội. Địa bàn hoạt động của Đội quy tập khá rộng lớn, là vùng có nhiều bộ tộc thiểu có văn hóa và ngôn ngữ riêng/khác  nên việc tiếp xúc, giao dịch rất khó khăn. Trung tá Phạm Xuân Tám, chính trị viên Đội quy tập chia sẻ: “Để thu thập thông tin từ người dân địa phương cũng như các cựu chiến binh của quân đội Lào thì các chiến sĩ trong đội cũng phải học tiếng Lào và tìm hiểu văn hóa địa phương của họ. Phải cùng sống, cùng làm việc, cùng ăn ở với người dân địa phương thì mới có thể làm được việc. Do vậy việc học tập, tập huấn và công tác dân vận trở thành một phần quan trọng đối với công việc của đội”.

Đối diện với những khó khăn gian khổ nên việc lựa chọn được những người có tâm huyết và năng lực để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ là không dễ. Không chỉ về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, những chiến sĩ tham gia phải chấp nhận khó khăn, gian khổ, phải tôn trọng công việc, có tâm và trân trọng các liệt sĩ. Nếu không tâm huyết, chắc chắn ít người lựa chọn nhiệm vụ này vì yêu cầu công việc cao, đối diện với nhiều gian khổ, nguy hiểm trong khi các chính sách hỗ trợ với công việc này vẫn còn hạn chế.

Hơn 30 năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta đã quyết tâm rất cao, hành động rất tích cực để thực hiện nghĩa vụ đạo lý với các liệt sỹ và  đã có kết quả tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các đội quy tập nói chung và đội quy tập tỉnh Nghệ An nói riêng.  Để có kết quả đó, sự hợp tác và hỗ trợ tích cực, hiệu quả của nhà nước, nhân dân và quân đội Lào anh em là vô cùng quan trọng. “Từ đầu công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã được Quân khu cũng như Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh quan tâm và xác định rằng để làm việc này hiệu quả thì việc hợp tác với nước bạn Lào là vô cùng quan trọng. Do vậy mà lãnh đạo tỉnh đã thành lập Ban công tác đặc biệt để tổ chức các hội nghị với các tỉnh thuộc nước bạn nhằm ký kết hợp tác và tổ chức, giúp đỡ nhau trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó là sự quan tâm về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với những chiến sĩ tham gia vào công tác này”. Trung tá Nguyễn Trọng Ngân, phụ trách Ban Chính sách của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết.

Chúng ta đã tìm kiếm và đón được hàng chục ngàn hài cốt liệt sỹ về nước nhưng vẫn còn rất nhiều các liệt sỹ chưa được tìm thấy để đón về Đất Mẹ. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm đạo lý với các liệt sỹ, với thân nhân liệt sỹ mà còn có ý nghĩa khích lệ những người đang tiếp nối con đường tranh đấu bảo vệ Tổ Quốc. Trách nhiệm còn rất nặng nề, nhiệm vụ còn lại sẽ còn nhiều khó khăn hơn đối với các cán bộ chiến sỹ đội quy tập.

Nhiệm vụ mà các anh đang thực hiện rất đáng trân trọng.

Với tinh thần đồng đội cao cả, với trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, tin tưởng chắc chắn tập thể cán bộ, chiến sỹ Đội quy tập liệt sỹ của tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục hoàn xuất sắc nghiệm vụ trong thời gian tới. Các anh đã, đang và sẽ là người trực tiếp thay mặt Nhân dân, Đảng, Nhà nước thực hiện đạo lý của dân tộc với các liệt sỹ./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434895

Hôm nay

2166

Hôm qua

2349

Tuần này

21545

Tháng này

211943

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434895