Ở Nghệ An, bên cạnh các chế độ quy định chung, tỉnh đã có những cơ chế, những chương trình riêng để hỗ trợ người có công và thân nhân của họ như đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở; các chương trình vay vốn, giải quyết việc làm, v.v...
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện thường xuyên thay đổi, thiếu tính thống nhất, đồng bộ; các thủ tục ưu đãi về đất đai, nhà ở chưa được quy định cụ thể. Một số chế độ, chính sách còn bất cập, cần điều chỉnh như: chế độ hỗ trợ cho người thực hiện thăm viếng mộ đối với liệt sỹ không còn thân nhân chủ yếu, trợ cấp đối với gia đình; dòng họ được tặng Bằng khen có thành tích tham gia kháng chiến…
Đểcông tác chính sách người có công hiệu quả và thiết thực nhất trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách đối với người có công; Tập trung giải quyết chế độ đối với những người có công chưa được hưởng ưu đãi do hồ sơ chưa đầy đủ với phương châm " thấu lý, đạt tỉnh"; Đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa để huy động nguồn lực hỗ trợ người có công cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống đặc biệt là hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng.
Ông Nguyễn Đình Lan – Đại tá, phó Ban Tổ chức Chính sách Hội Cựu chiến binh Nghệ An
Qua tiếp xúc các đối tượng chính sách nói chung và là người bảo vệ quyền lợi chính sách cho hội viên CCB tôi thấy việc thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ ở tỉnh ta nói chung đảm bảo đầy đủ, kịp thời đến đối tượng. Những ưu đãi, ưu tiên đối với đối tượng chính sách đã được quan tâm hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cán bộ làm công tác ở cấp xã, vùng miền núi vẫn có những biểu hiện lợi dụng trong thực hiện các chế độ đối với người có công với cách mạng. Một số những người này đã bị phát hiện và bị xử lý.
Tôi muốn đề xuất hai nội dung:
Cần phải giáo dục cho đội ngũ làm công tác chính sách ở các cấp, nhất là ở cấp xã, phường về thái độ làm việc, về lịch sử các cuộc kháng chiến để họ có thái độ khiêm tốn, hướng dẫn tận tình khi tiếp xúc với các đối tượng tới làm việc, cái gì các bác không hiểu, không biết thì cần hướng dẫn cẩn thận, khiêm nhường. Thời gian vừa qua có nhiều người đã phản ánh, phàn nàn về vấn đề này. Tôi đơn cử như, trong hồ sơ quân nhân kháng chiến chống Mĩ hoặc bản khai cá nhân ghi đơn vị lâm trường, nông trường, K8... không được chấp nhận, thậm chí có người còn nói “bác không đi bộ đội bác mới kê khai thế này” làm cho một số người rất bức xúc, và có khi hồ sơ cũng không được tiếp nhận giải quyết.
Thứ hai, chế độ tiếp nhận con liệt sĩ, con thương binh hạng 1 (thương binh nặng) chưa thực sự được quan tâm không chỉ ở Nghệ An mà trong cả nước. Tôi đề nghị nên có chính sách ưu tiên cụ thể hơn nữa cho hai đối tượng con liệt sĩ và thương binh loại 1.
Tôi cũng có một điều ước: Hiện nay Bộ LĐ,TB&XH đã có chủ trương giải quyết chế độ cho những đối tượng tham gia kháng chiến chống Mĩ (những người tham gia chống Pháp không còn sống nữa) không có giấy tờ gì để làm chế độ khác ngoài chế độ phục viên, xuất ngũ. Những đối tượng này trong thời gian kháng chiến thường họ phải sống trong vùng địch tạm chiếm nên để đảm bảo quy định về an toàn bí mật họ không được mang theo giấy tờ, hồ sơ. Vì vậy cần giao cho từng xã, phường lập danh sách; ở tỉnh nên thành lập một tổ công tác có nghiệp vụ, có người đã từng tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mĩ để thẩm tra trực tiếp các đối tượng khi thực hiện chính sách này cho họ.
Ông Nguyễn Trọng Thành, thương binh ¼, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Nghệ An:
Chính sách đãi ngộ cho thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ đã được nâng lên so với trước đây, nhiều người thấy đó là một nguồn lợi nên đã tìm cách để được hưởng. Không chỉ riêng tôi, còn nhiều người khác nữa bức xúc với nạn chạy chọt để được công nhận thương binh hạng này hạng kia và với nạn làm hồ sơ thương binh giả hiện nay. Cũng có người có vết thương trên cơ thể, có thời gian nhập ngũ thật, nhưng vết thương đó không phải do quá trình chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ mà bị thương, song vẫn cố chạy chọt làm hồ sơ để được thương binh và hưởng chế độ. Chúng tôi bức xúc vì việc làm này đã làm tổn thất một khoản tiền không nhỏ của nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. Và trong tâm lý, những người thương binh thật cũng cảm thấy bị xúc.
Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng phải làm chặt chẽ hơn, minh bạch hơn trong quá trình thực thi các chính sách về người có công với cách mạng. Mà trước hết, phải xử lý nghiêm khắc những người sai phạm đã cố tình gây ra thực trạng này để sớm lấy lại niềm tin cho người dân, trong đó có những người thương, bệnh binh như chúng tôi.
Ông Đặng Sỹ Ngọc, thương binh ¼:
Đời sống của những người thương, bệnh binh đã được nâng lên nhưng vẫn không theo kịp được nhịp sống hiện đại. Những gia đình này vẫn còn gặp khó khăn hơn trong khi đời sống xã hội đang thay đổi, tiến triển nhanh chóng. Vậy nên thiết nghĩ nhà nước cần đổi mới chính sách đối với thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Cần điều chỉnh chính sách sao cho theo kịp cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ rằng, trong chiến tranh, có những người ở phía bên kia chiến tuyến đã có những việc làm cứu giúp các chiến sĩ, không may mà bị thương thì hiện nay cũng cần quan tâm đến đối tượng này. Như vậy chính sách đối với người có công với cách mạng sẽ càng có ý nghĩa, thiết thực hơn trong cuộc sống hôm nay.