Người xứ Nghệ

Nhớ Hoàng Trung Thông

Ông ngồi. Và khóc. Ly rượu trắng còn nguyên bên cái nậm cổ. Ông nói, giọng rất chậm và đứt quãng: Trung à, mình buồn lắm. Thế là các bạn mình cứ ra đi gần hết…”.

Đó là sau cái chết của Dương Bích Liên, người họa sĩ lớn và sinh thời cũng nhấm nháp đủ vị chát cay.

Rồi ông cầm ly rượu, bàn tay lẩy bẩy run, rượu sóng sánh tràn đổ… Nhưng tôi biết, chỉ sau 2 ly (ít khi ông uống đến ly thứ 3) cái bàn tay nổi màu trắng xanh ấy sẽ trở lại bình thường.

Uống suông. Bạn có mời một thức nhắm gì đó ông cũng không đụng đũa. Ông hay nói: “Trung ơi, ngồi lại với mình một chút đi”. Tôi ngồi lại, ngắm ông và buồn rầu nghĩ: có ai biết đến sự cô đơn của Hoàng Trung Thông?

Ông có một gia đình nền nếp, suôn sẻ. Đặc biệt là bà Hoa**, vợ ông. Một phụ nữ thuộc thế hệ xưa cũ. Không phải ai xưa cũng đều được như bà. Gầy, cặp mắt sâu luôn ẩn chứa những lo toan đời thường. Cứ thấy ông đi đâu, bà lại sang Trúc Viên quán và khẽ khàng, rất khẽ khàng: “Ông ơi, về nhà ăn cơm…”. Ở nhà, bà lo cho ông không thiếu gì các loại rượu ngon. Nhưng ông cứ muốn ra khỏi nhà để tìm rượu. Ông tìm rượu để tìm bạn.

Huyết áp cao. Nhiều lần phải vào “Việt Xô” dù ông rất sợ bệnh viện. Thầy thuốc và một số bạn bè khuyên ông chừa rượu. Ông cứ uống. Và cứ làm thơ. Ông nói: “Tôi có bốn cái không. Một là: không bỏ dân tộc; hai: không bỏ Đảng; ba: không bỏ vợ; bốn: không bỏ rượu”. Ông viết tặng tôi câu thơ của Bạch Cư Dị: “Túy thời tâm thắng tĩnh thời tâm” (Lòng ta lúc say hơn lòng ta lúc tỉnh). Ôi, tôi chợt nhớ thời xưa thẩm định có ba hạng rượu: có nghĩa là ba loại người uống rượu: tiên tửu, nhân tửu, cuồng tửu. Ông là bậc lưu linh tiên tửu đó chăng!?

Khi buộc phải đơn độc ngồi bên nậm rượu, ông thường lẩm nhẩm nói với hư vô (tôi dừng lại trên cầu thang nhìn trộm qua cửa sổ). Mái tóc bạc, dài thi thoảng khẽ lắc lắc. Ông không để ria. Chòm râu cằm không để nhọn mà được xén ngang rất ngoạn mục. Nguyễn Tuân lại không để râu cằm và có bộ ria thật cao ngạo và hóm hỉnh.

Tôi biết có một vài anh bạn gọi là nghệ sĩ đầy tài năng ngó nghiêng ông với ánh mắt thương hại. Những cái sọ dừa sệt tịt ấy làm sao hiểu nổi một Hoàng Trung Thông!

Trả lời chậm, coi bộ rề rà nữa. Có khi ông còn đề nghị người hỏi: “Anh cứ để… để tôi dừng lại… tôi suy nghĩ một lát… Sẽ nhớ ra thôi…”. Bạn sẽ rất hài lòng khi được ông giải đáp về ngữ nghĩa một câu tiếng Pháp hoặc một điển tích hóc hiểm Trung Hoa.

Cứ rượu, cứ thơ. Mà lại thơ tình! Sau Tiếng thơ không dứt đến Mời trăng. Cả hai tập thơ đều thấm đẫm tình yêu. Không phải cái tình yêu chung chung mơ hồ ảo giác. Đích thực là một tình yêu nổi cộm. Nổi cộm mà không dung tục. Đặc biệt tập Mời trăng - một tiếng lòng cuối cùng. Tôi được biết Hoàng Trung Thông sẽ không thể có được một giọt rượu, dẫu để mời gió hay mời trăng, nếu ông không tiền! Đành rằng ông vẫn là vị chủ soái trong hội tiệc Mời trăng. Song, cái chuyện đi chợ, bếp núc, v.v… lại phải nhờ cậy bạn bè thân hữu. Trong số đó không thể không nhắc đến Ngô Thảo: một anh chàng ngổ ngáo mà nhân hậu đến khờ khạo nên luôn được giữ chân “chủ tế” các đám ma. Nhắc đến Ngô Thảo lại day dứt nhớ một câu thơ Hải Kì:

Tôi xin đăng ký dại khờ

Để khôn ngoan chết bên bờ sông thương.

Đôi khi tôi được chứng kiến ông cũng có cái ngang khá hóm hỉnh. Một hôm đang ngồi trong “Trúc viên”, một anh chàng chức sắc chợt thấy ông và reo lên vẻ mãn khoái đầy quan trọng: “Anh Thông ơi, anh đã biết tin gì về Trần Xuân Bách chưa?”. Ông ngoái lại. Lặng im. Rồi thong thả buông từng tiếng: “Trần Xuân Bách hay ai đó nữa, tôi cũng không quan tâm. Bây giờ tôi chỉ biết nơi đây có rượu ngon, có bạn hiền…”.

Thực ra ông rất quan tâm, quan tâm một cách đau xót đến cả bình diện thế giới. Từ cuộc chiến vùng Vịnh đến sự đổ vỡ Liên Xô, Đông Âu. Cố nhiên ông không lý giải nổi căn nguyên của mọi vấn đề. Song, ông nói: “Dù sao… ừ, dù sao mình vẫn tin chủ nghĩa cộng sản là một cái gì đẹp đẽ nhất mà con người vẫn cần vươn tới”.

Tháng ngày gần đây, trước khi mất, ông sang “Trúc viên” thưa nhặt hơn. Mỗi lần sang, ông bước loạng choạng gấp gáp đầu chúi về trước.

- Anh đi chậm thôi - Tôi khuyên.

- Mình cũng muốn thế, nhưng không hiểu sao cứ như có ai đó sau lưng đẩy mình…

- Phải có một cái gậy…

- Ừ, có lẽ mình cũng phải có một cái gậy.

Chưa kịp có một cái gậy thì ông đã đi rồi. Còn gậy thì người con trai ông cầm chống sau quan tài. Ai mà chẳng thế, nếu may mắn có con trai.

Sáng sớm nay như lệ thường tôi xuống “Trúc viên”. Tôi giật mình thấy ông ngồi im phắc bên cái nậm rượu quen thuộc chỉ dành riêng ông. Quay nhìn tôi ông mỉm cười và nói: “Trung ơi, ngồi lại với mình một chút đi”. Rồi ông đọc tôi nghe câu thơ Đường:

Khuyên anh uống cạn một chén rượu

Cùng tôi quên hết sầu muộn xưa…

Ôi, tôi mừng quá. Ra ông chưa tịch! Ít nhất là đối với tôi.

Như Bình, trên trang mạng: angtgct.cand.com.vn viết:

Hoàng Trung Thông thèm đến nơi đông vui, đến nơi có bạn hữu thì thứ men say mới đủ sức quyến rũ làm cho ông thăng hoa. Ông có thói quen uống rượu từ từ chậm rãi. Nếu gặp bạn chuyện, một ly rượu của ông có thể kéo dài cả giờ đồng hồ, dường như mượn rượu để trò chuyện nhiều hơn là uống rượu…

Nhà thơ Hoàng Trung Thông rất thân với Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Riêng với Xuân Diệu, ông có bài thơ nổi tiếng Mời trăng tặng bạn: Đã đến lung linh một ánh trăng rằm/ Thu thực thu, trăng thực trăng, trăng nguyệt cầm còn đó/ Bạn sẽ sống thêm, cứ làm việc thêm, dù thêm được một năm/ Nâng chén thưởng trăng trăng tỏ/ Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó/ Thế rồi ta cất chén cùng tri âm/ Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm.

Tháng 6-1988, trong một bức thư gửi cho nhà thơ Chế Lan Viên ở thành phố Hồ Chí Minh, ông viết: “Thông định vào trong kia một chuyến và trò chuyện với Hoan nhưng không có tiền. Yếu lắm. Yếu cả về tiền bạc và thể lực. May mà viết xong được cái truyện thơ. Nhà xuất bản đang giục cố gắng để ra được vào năm 1990. Không biết mình còn sống được đến năm đó không”.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông không viết nhiều thơ tình yêu. Trong đời thực, khác với những người bạn thân cùng thời hào hoa phong nhã nhiều người yêu, lắm người tình, lắm nỗi si mê, Hoàng Trung Thông là thi sĩ chung thủy vào loại nhất nhì nước.

Khổ cho bà Hồ Thị Hoa người vợ hiền yêu quý của nhà thơ Hoàng Trung Thông, biết ông hay rượu, trong nhà bà bao giờ cũng chăm chút ngâm trữ nhiều loại rượu ngon để chiều chồng và đãi bạn của chồng. Kèm với rượu ngon là những thứ đồ giã rượu phòng khi ông say.

Khổ nỗi, Hoàng Trung Thông lại không thèm rượu ở nhà. Ông thèm đến nơi đông vui, đến nơi có bạn hữu thì thứ men say kia mới đủ sức quyến rũ làm cho ông thăng hoa.

Ngót những năm dài, rượu đã trở thành gánh nặng cho vợ con ông, và trước tiên là bản thân ông. Nhiều khi ông không còn giữ được phong độ của mình, làm cho căn bệnh huyết áp của ông thêm trầm trọng.

Khi còn đang là Viện trưởng Viện Văn học, ông hay uống rượu ở 91 Bà Triệu. Bạn bè và nhân viên cũ của ông kể lại: Mỗi buổi sáng, ông thường đi sớm tạt qua 91 Bà Triệu uống rượu và trò chuyện với bè bạn trước khi đến cơ quan. Buổi chiều đã thấy ông ở đó.

Hoàng Trung Thông có thói quen uống rượu từ từ chậm rãi, dường như mượn rượu để trò chuyện nhiều hơn là uống rượu. Rất khác với một nhà văn cũng nổi tiếng về rượu là Tô Hoài. Tô Hoài vào quán lặng lẽ kín đáo. Ngồi uống rượu hồi ấy Tô Hoài ít nói chuyện. Mà có lẽ không có thời giờ để nói chuyện. Vì vào quán Tô Hoài gọi một vài chén, mỗi chén làm một hơi là ra đi.

Còn Hoàng Trung Thông, một ly rượu có thể kéo dài cả giờ đồng hồ, nếu gặp bạn chuyện. Ngày mới nghỉ hưu, ông thường đến cơ quan cũ. Những bạn bè yêu quý ông thường hay mời thủ trưởng cũ ra quán cóc đãi rượu. Có rượu vào, ông nói chuyện rất phiêu. Chuyện đông tây kim cổ, các tri thức uyên bác, bao nhiêu hiểu biết về tinh hoa văn hóa Trung Quốc, thơ Đường, v.v… ông đều đem hết vào những tiệc rượu.

Với những người vốn kiến văn không đủ để mê ông nói chuyện thường tìm cớ cáo lui ra về. Chỉ vài ba người hiểu ông, mê tri thức uyên bác của ông mới ở lại cùng ông cho đến phút cuối. Khi môi đã mềm, bàn chân đã bước đi không vững nữa ông mới chịu để anh em dìu về nhà.

Nhân viên ở Viện Văn học kể: Không biết ông kết thân với rượu từ bao giờ. Chỉ biết trước khi về làm Viện trưởng, ông đã dùng rượu như nhu cầu thường nhật. Cái sự rượu cũng làm cho hình ảnh của ông trở nên bé nhỏ, dị mọ đi trong con mắt của người đời, những ai không hiểu ông, không hiểu nhân tình thế thái trong cuộc đời.

Tôi tin những lúc không say, ông nhận biết được điều đó, ông nhận ra những gì mà rượu mang lại cho mình, nhưng đã trót say nhau rồi, ông không bỏ được, để rồi ông lại say nhiều hơn.

Rồi ông không hay đến cơ quan cũ nữa. Căn bệnh huyết áp buộc ông phải kiêng rượu, thế nhưng làm sao ông bỏ được rượu. Rượu như một người tình quyến rũ ông đắm say quên hết đường về.

Con trai út của ông, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ kể lại rằng: Những năm trước khi ông già bệnh nặng, ông hay đi uống rượu sáng. Cứ bốn giờ sáng là ông thức dậy và đạp xe ra bến xe, ga tàu. Chỉ ở những nơi người ta đợi tàu, đợi xe mới có rượu bán từ sáng sớm. Và cũng chỉ ở những nơi đó uống rượu khi trời chưa sáng mà vẫn đông vui, vẫn có mặt người để trò chuyện.

Ông uống rượu xong lóc cóc đạp xe về nhà. Lúc đó tôi đi chơi thâu đêm mới trở về nhà. Hai cha con gặp nhau ở chân cầu thang, ông nhìn tôi cười và bảo: “Mình trông cậu quen quen”.

Rồi anh kể những năm tháng cuối cùng của bố mình, nhà thơ Hoàng Trung Thông gần như bị một căn bệnh ảo giác do rượu mang lại. Ông rất hay nói chuyện một mình, nói suốt đêm cùng với cái bóng của mình trên tường, ông băn khoăn khi chiếc quạt treo tường bỗng phát ra tiếng người, nhìn vào bóng đèn lại thấy có người đang đối thoại.

Lắng nghe thật kỹ, ông chưa bao giờ nói những điều gì vô nghĩa. Ông nói những điều hiền minh, về chuyện đông tây kim cổ, cho dù không có người nghe.

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ nói rằng, cũng chẳng hiểu vì sao ngày đó chúng tôi sống trong một gia đình mà mẹ thì “hiền nhất nước”, bố cũng “hiền nhì nước” vì tất cả năm chúng tôi lớn lên rồi trưởng thành không bao giờ bị bố hoặc mẹ đánh đòn, cũng không áp đặt, không định hướng công việc hay xin cho con cái nghề nghiệp sau khi học hành ra trường.

Chúng tôi, những đứa trẻ tự lớn lên trong tình yêu của mẹ, của cha, nhưng phải tự mình tìm đường để tồn tại, để sống trong cuộc đời. Thật may là cả nhà đều tử tế và đàng hoàng.

Hoàng Phượng Vỹ ngậm ngùi khi nhớ lại một kỷ niệm với bố: Có một lần, bố tôi mượn xe đạp của nhà văn Nguyễn Văn Bổng đạp ra ga tàu uống rượu sớm. Ông uống rồi say đến nỗi khi ra về, ông đẩy nhầm một chiếc xe đạp khác đã khóa bánh mà vẫn đẩy về được đến tận nhà. Sau này, công an vẫn tìm ra được xe của nhà văn Nguyễn Văn Bổng và trả lại chiếc xe bị bố tôi đẩy nhầm về nhà.

Cũng theo báo Tinh Hoa Việt đã dẫn, nhà thơ Phạm Tiến Duật cho biết thêm:

Năm ấy cũng là năm Tuất, 1982, tôi được hầu rượu nhà thơ ở lớp tuổi thầy tôi, ông Hoàng Trung Thông. Những chức vụ văn nghệ mà Hoàng Trung Thông ngồi thì đạo mạo lắm. Ông còn là một nhà Trung Quốc học, dịch giả uyên thâm. Ấy vậy nhưng cả đời ông sống nghèo. Một lần, sáng sớm tôi gặp Hoàng Trung Thông đi bộ trên phố Bà Triệu, tôi hỏi ông đi đâu thì ông bảo, đi uống. Mới bảnh mắt mà đã đi uống rượu là sự lạ. Ông nói: “Lâu rồi mình không được say. Uống rượu lúc ăn rồi thì mất nhiều tiền lắm mới say được. Hôm nay đi uống khi trong bụng không có gì”. Tôi nghe mà thấy xót. Rượu mà Hoàng Trung Thông nói là rượu quán, do một bà già khoảng tuổi 60 ở phố Bà Triệu tự nấu. Rượu gạo tẻ, nhưng không bị pha phách gì, lành. Đấy là một bà già từng trải, đã từng sống ở Thượng Hải. Thức nhắm chỉ có mấy thứ chả bì và lạc rang. Rồi đến một bữa, Hoàng Trung Thông đi với mấy cây bút trẻ, gương mặt thầy trò rất tưng bừng, Hoàng Trung Thông mới đi thăm Trung Quốc về. Gặp tôi, ông nói ngay về bài báo in trên Văn nghệ là nơi tôi làm biên tập: “Các cậu xỏ mình. Mình viết: Họ mang cúc đỏ cúc trắng đến tặng, thì các cậu in : “Họ mang khúc đỏ khúc trắng đến tặng”. Khúc đỏ, khúc trắng tức là dồi và lòng lợn chứ gì. Khích thằng uống rượu thế là giỏi”. Tôi chỉ biết cười. Một nhà thơ vườn mở túi thịt cầy nướng, gói giấy báo, đặt lên bàn. Tiệc rượu bắt đầu. Tôi hỏi Hoàng Trung Thông một câu xã giao, thậm chí nhạt nhẽo, rằng ở Trung Quốc có gì lạ. Hoàng Trung Thông cười bảo tôi uống đi. Rồi ông kể, câu chuyện làm tôi giật mình.

- Buổi tối, tớ đi uống ở một ngõ nhỏ, ám khói của Thượng Hải. Cái quán cũ kỹ và cũng ám khói. Ông chủ quán râu tóc đều bạc cả. Góc nhà là một cái bếp lò. Trên bếp là một cái chảo gang to bằng cái bàn, đang ninh một thứ gì đó, hơi nước bốc lên nghi ngút. Tớ ngẫu hứng làm mấy câu thơ về cái bếp tặng ông chủ (Hoàng Trung Thông đọc lại bài thơ bằng chữ Hán rồi dịch nghĩa cho chúng tôi nghe, bây giờ tôi chỉ nhớ ý hai câu cuối: Khách đến lúc thưa, lúc đông, nhưng hầu hết là người quen. Tóc ông chủ lúc đen, lúc trắng, nhưng bếp lúc nào cũng đỏ). Ông chủ khoái mình quá, bảo đợi, ông sẽ cho xem báu vật của dòng họ. Ông ta trèo lên cái góc nhỏ, lần tìm rất lâu rồi mang ra một tờ giấy đã ố vàng. Đấy là bản di chúc của ông nội ông ta. Bản di chúc viết: “Họ hàng nhà ta có một cái bếp quý do các cụ tổ để lại. Đời ta đã không bao giờ để bếp tắt. Sau này, họ hàng ta có thể có người chết đi, có thể có người sinh thêm. Vạn vật có thể thay đổi, nhưng cái bếp ta giao lại không bao giờ được tắt lửa”.

Hoàng Trung Thông kể đến đó thì dừng. Tôi và bạn bè trố mắt nhìn ông vì quá ngạc nhiên về cái bản di chúc kỳ lạ mà có lẽ chỉ người Trung Hoa mới có. Hoàng Trung Thông nói tiếp, rằng ông chủ quán nói, qua bao loạn lạc, có lúc ngôi nhà đã tốc mái, nhưng cái bếp không tắt. Hoàng Trung Thông bảo, văn hóa Trung Hoa chính là cái bếp ấy. Nó có sự bảo thủ, nhưng cái khăng khăng nhất mực giữ gìn thì ta phải học. Ông nói rồi nhìn tôi và tủm tỉm cười. Ông cười nhưng lòng tôi se lại. Tôi hiểu những cô đơn, những trăn trở trong ông. Hoàng Trung Thông có hai người bạn tâm giao là Xuân Diệu và Hoàng Trung Nho. Ngày giỗ trọng của gia đình ông, tôi chỉ thấy hai người khách ấy. Xuân Diệu từng bảo tôi: Anh Thông rất trăn trở về cái nếp truyền thống bị phá vỡ. Câu chuyện về cái bếp Trung Hoa mà ông kể, ông bàn, chắc cũng để nhắc nhở chúng tôi. Tôi biết, trong lồng ngực Hoàng Trung Thông cũng có một cái bếp bền bỉ như vậy.

Những năm tháng cuối đời, khi sức đã kiệt, Hoàng Trung Thông thường đi bộ lẩn mẩn trên vỉa hè phố Ngô Quyền ra Trúc viên thi quán ở 41 Trần Hưng Đạo. Tại đây bạn ông, người chủ quán trẻ tuổi đã chia sẻ với ông biết bao nhiêu bữa rượu cho đến bữa rượu cuối cùng trong đời.

Trong bài viết về ông, chủ Trúc viên thi quán viết: Tập thơ Mời trăng là tiếng lòng cuối cùng của ông, được viết chủ yếu ở Trúc viên thi quán, một tập thơ cuối của cuộc đời ông, thấm đẫm tình yêu, một thứ tình chung chung, mơ hồ và ảo giác. Tôi được biết Hoàng Trung Thông sẽ không thể có được một giọt rượu, dẫu để mời gió hay mời trăng, nếu không có tiền! Đành rằng ông vẫn là vị chủ soái trong hội tiệc Mời trăng.

Sau cái chết của họa sĩ Dương Bích Liên, Hoàng Trung Thông cũng đã yếu lắm rồi, ông đi lại không vững nữa nhưng vẫn lần ra Trúc viên thi quán. Có những hôm buộc phải đơn độc ngồi độc ẩm bên nậm rượu. Ông thường lẩm nhẩm nói một mình trong hư vô.

Mới 68 tuổi, nhưng rượu đã làm cho ông già lụ khụ, mái tóc bạc dài, thi thoảng khẽ lắc. Bạn bè ông xếp ông vào hạng lưu linh tiên tửu. Bữa rượu cuối cùng hôm đó, nhìn thấy ông đi liêu xiêu trên hè phố, đầu ngật ngưỡng ngã chúi về phía trước. Tôi lo lắng dặn khẽ: bác đi từ từ thôi. Ông Thông trả lời: Mình đã đi đâu mà nhanh, cứ như thể ai xô mình từ phía sau.

Cũng một ngày đầu tháng, đầu năm mới, Hà Nội rét ngọt và giá lạnh như lúc này, tôi ngồi trên căn gác tầng hai, 70 phố Ngô Quyền lặng nhìn lên bàn thờ ông và đặt bút viết những dòng chữ này. Xin được kết thúc bài viết bằng những câu thơ của ông viết về cái chết:

Nếu tôi chết/ Đừng có ai khóc lóc làm gì/ Thế là hết/ Đừng có ai bi/ Nằm dưới mồ/ Tôi ngượng ngùng/ Chỉ nhớ khúc tình si.

Ông sống một cuộc sống nghèo nàn thanh bạch như một hàn sỹ suốt cả cuộc đời. Có vẻ như ông chấp nhận sự bần bạc đó, để khỏi phải bon chen, để khỏi phải lụy mình và để được sống đúng với tư chất nghệ sĩ của ông đồ gàn xứ Nghệ.

Trở lại với người vợ hiền của Hoàng Trung Thông và chuyện rượu của ông, trên trang mạng congannghean.vn, Phương Thủy viết:

Nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh năm 1925, vợ là bà Hồ Thị Hoa sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An; nhưng phần lớn cuộc đời sinh sống tại đất Hà Thành. Về làng Quỳnh Đôi bây giờ, các thế hệ con cháu vẫn truyền tai nhau câu chuyện về mối tình đặc biệt của nhà thơ Hoàng Trung Thông và vợ. Đặc biệt bởi hai ông bà đều không biết mặt nhau, hai người nên duyên từ sự mối lái của cha mẹ. Thế nhưng, về sau tình yêu ông bà dành cho nhau ngày càng đậm sâu. Là thi sĩ nổi tiếng vốn mang danh “đào hoa”, nhưng ông vẫn luôn một lòng với người vợ tảo tần.

Bà Hồ Thị Hoa sinh ra trong gia đình danh giá bậc nhất ở làng Quỳnh Đôi, là cháu ngoại quan Thượng thư, cháu nội ông Nghè. Thời ấy, với sự giáo dục khắt khe của gia đình, bà nổi tiếng một vùng bởi sự dịu dàng, mẫu mực, giỏi nữ công gia chánh. Chuyện tình cảm, lấy chồng của bà cũng do cha mẹ quyết định, theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Thi sĩ Hoàng Trung Thông ngày ấy cũng là một trong hai người của làng đỗ Trường Quốc học Vinh, là ngôi trường nổi tiếng bậc nhất của Nghệ An lúc bấy giờ. Cả nhà thơ Hoàng Trung Thông và bà Hoa đều không hề biết rằng, gia đình hai bên đã gặp gỡ, bàn bạc về chuyện đám cưới.

Đến năm Hoàng Trung Thông tròn 18 tuổi, đang học tại Trường Quốc học Vinh, còn bà Hoa mới 15. Lúc này, một đám cưới giản dị diễn ra trong không khí ấm cúng, dù không có mâm cao cỗ đầy và không có… chú rể vì đang bận học xa, chỉ có họ hàng hai bên và chén nước chè nhạt. Phải hơn một năm sau khi chú rể tốt nghiệp và cô dâu bước sang tuổi 16 thì bên nhà trai mới đón dâu về ở cùng. Đêm tân hôn, cô dâu và chú rể lần đầu biết mặt nhau nên ai cũng ngượng ngùng.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông vô cùng bất ngờ vì không nghĩ vợ mình trẻ tuổi đến vậy, bởi trước đó, cha mẹ ông đã “dạm” cho vài ba “mối” nhưng ai cũng đáng tuổi chị, bởi họ quan niệm con trai nên lấy vợ lớn tuổi để tiện bề chăm sóc cha mẹ già. Câu chuyện tâm tình trong đêm tân hôn khiến bà Hoa ngay trong lần đầu gặp mặt chồng đã thật sự đem lòng yêu thương người con trai rất đỗi chân thành ấy. Cưới nhau được một thời gian ngắn, Hoàng Trung Thông tham gia cách mạng, đến khi giải phóng thủ đô thì đưa cả vợ con ra Hà Nội sinh sống để phục vụ chiến đấu. Cũng từ đó, hai vợ chồng ông gắn bó với đất Hà thành cho đến nay.

Căn gác nhỏ tầng hai ở 70 Ngô Quyền (Hà Nội) là nơi sinh sống của vợ chồng ông bà cùng năm người con. Cả năm người con đều được ông bà đặt tên của những loài hoa: Bích Hồng, Bích Liên, Bích Hà, Hướng Dương và Phượng Vĩ. Hoàng Trung Thông là nhà thơ nổi tiếng thành đạt bởi ông đã từng giữ rất nhiều chức vụ, thế nhưng cuộc sống của gia đình vẫn kham khổ. Bà Hoa phải làm thuê đủ thứ việc để nuôi năm người con ăn học trưởng thành nhưng không một lời ca thán, ngược lại, bà luôn cảm thông, chia sẻ với chồng. Nhà thơ Hoàng Trung Thông là người tự lập, không thích luồn cúi và ông luôn hướng con cái đến phẩm chất này.

Khi con trai duy nhất tốt nghiệp trường kiến trúc, ông để cho cậu đi bốc vác thuê, trong khi ông là Viện trưởng, với mối quan hệ của mình thì có thể dư sức xin cho con vào một cơ quan Nhà nước. Nhà thơ Hoàng Trung Thông chỉ mê thơ, làm bạn với rượu, còn chức tước, bổng lộc, ông chẳng màng. Ông nghiện rượu nhưng bà chẳng chê trách, bởi bà hiểu “tâm can” ông, nên dù vất vả đến đâu vẫn dành tiền mua rượu và đồ nhắm cho chồng, đến nỗi con trai bà là họa sĩ Phượng Vĩ đã từng phải thốt lên: “Cả đời bà phải chịu đựng hai kẻ nghiện rượu đó là chồng và con trai”.

Sau khi Hoàng Trung Thông qua đời, bà Hoa hiện vẫn sống ở một căn gác nhỏ trong một biệt thự cũ của phố Ngô Quyền[2]. Nhưng hàng xóm và những gánh hàng rong cũ trên phố Ngô Quyền không mấy khi còn gặp lại dáng hình bé nhỏ, run rẩy, mỏng tựa như một chiếc lá cuối mùa đi liêu xiêu trên phố để ra quán rượu đầu ngõ tìm gọi chồng về. Nhà thơ Hoàng Trung Thông, đã sống một cuộc sống khó khăn bí bách nhiều bề trong một gia đình đông con thời bao cấp. Cơm áo không đùa với khách thơ. Dẫu khó khăn, dẫu chạy bữa nhưng bà Hoa không bao giờ để cho chồng mình tiếp bạn bữa rượu suông mà không có thêm một đĩa lạc rang hay đĩa dưa hành để chồng nhắm rượu với bạn. Quanh năm suốt tháng tảo tần, dành dụm cốt sao cho mỗi lần bạn thơ, bạn văn, bạn rượu của chồng đến nhà, bữa rượu dọn ra cho chồng đãi khách có thêm đĩa mồi đạm bạc kẻo chồng tủi phận nghèo. Cuối đời, nhà thơ Hoàng Trung Thông mắc bệnh mộng du, lại say rượu hoài ở quán, bà Hoa lại sấp ngửa đi tìm chồng, sẽ sàng gọi chồng và giục chồng đứng dậy ra về khi quán đã tàn, khách khứa đã về nhà hết. Giờ đây, mấy chục năm ông đi xa, bà sống bằng những hoài niệm trong căn nhà cũ. Bà sống bằng những cuốn thơ, những tác phẩm ông để lại. Ngày nào, bà cũng để chúng gối đầu giường, hễ nhớ ông, bà lại đọc đi đọc lại đến thuộc lòng những bài thơ ông thích.

Cũng như nhiều thi sĩ xứ Nghệ khác, dù sống ở thủ đô nhiều năm nhưng ông vẫn giữ được chất “gàn” trong tính cách. Trong giới văn nghệ sĩ cùng thời kỳ, Hoàng Trung Thông là nhà thơ có sự nghiệp vẻ vang nhất khi giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Biên tập báo Văn nghệ và tạp chí Tác phẩm mới, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn học từ năm 1976-1985. Ông cũng là nhà thơ có nhiều bài thơ được nhiều thế hệ biết đến qua sách giáo khoa như “Bài ca vỡ đất”, “Bài ca báng súng”, “Bộ đội về làng”, “Những cánh buồm”…

 

Hoàng Trung Thông là nhà lãnh đạo duy nhất của Viện Văn học và tất cả các cơ quan từ xưa đến nay không có phòng làm việc. Ngày ấy, tòa nhà Pháp 20 Lý Thái Tổ, tầng một dành cho Viện Văn học, tầng hai là Viện Ngôn ngữ học (Viện trưởng là GS. Hoàng Tuệ, thân sinh nhà văn Bảo Ninh). Mỗi khi trao đổi, chỉ đạo, ký duyệt gì, ông lại đến từng phòng. Ông kiến nghị nâng lương cho cán bộ, còn mình đạp xe Thống Nhất đi làm, cuốc bộ từ 70 Ngô Quyền đến cơ quan, dù tiêu chuẩn có xe ôtô Lada trắng đưa đón. Hoàng Trung Thông sống cuộc đời thanh bạch, không chút điều tiếng. Ông quan tâm đến đời sống của tất cả anh em cán bộ, không màng tư lợi, thế nên cuộc sống của gia đình lúc nào cũng thiếu thốn.

Hoàng Trung Thông “gàn” đến nỗi đã từng được đề nghị phong hàm Giáo sư nhưng lại từ chối, bởi ông tâm niệm: “Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi”. Năm 1976, ông viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và Bí thư Đảng đoàn khối Văn học nghệ thuật Hà Huy Giáp xin thôi vào Ủy viên Trung ương Đảng khi tự nhận mình “chuyên môn vững vàng nhưng sinh hoạt bê tha”. Sự bê tha ấy là nghiện rượu, bởi ông thích được tự do “chén chú chén anh” với những người bạn. Vậy nên có ai đó nói “Cuộc đời ông khắc nghiệt nhất khi phải làm quan” có lẽ không sai, bởi ông chỉ yêu thơ và rượu. Ngoài thời gian làm việc nước, ông dành trọn thời gian còn lại cho thơ. Thi sĩ Hoàng Trung Thông để lại cho đời 9 tập thơ và nhiều bút ký. Trong đó những câu thơ như “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” đã trở thành châm ngôn sống của biết bao thế hệ.

Ông yêu thơ và rượu nhưng vẫn “không quên” yêu thương vợ, cả cuộc đời một mực thủy chung với bà. Với ông, bà là người đã chia ngọt sẻ bùi, hy sinh cả cuộc đời để ông được sống với cái “gàn” của mình. Cuối đời ông đã viết tặng cho bà rất nhiều vần thơ, trong đó có những câu mới chỉ đọc, ta đã thấy hiện rõ hình ảnh người vợ tảo tần của ông cũng như cảm được tình yêu sâu nặng mà ông dành cho bà: Còn anh chơi rượu, em xuôi ngược/ Lo lắng ngày đêm không nghỉ ngơi/ Cả một đời anh chỉ một người/ Yêu anh rất mực, giận rồi cười/ Bạn bè, con cái em săn sóc/ Chỉ nói thương em dạ chẳng rời.

Nhà thơ Ngô Văn Phú cho rằng: Hoàng Trung Thông là một người năng động, ưa hoạt động, một phong cách rất phương Đông.

Rất hiếm khi thấy ông quần áo chỉnh tề ngồi trong văn phòng. Ông thích hòa đồng với mọi người, thích đám đông, thích trò chuyện trong những lúc người ta hồn nhiên hồ hởi, vô tư nhất. Đó là những lúc ở quán trà, quán rượu hoặc thư giãn, ưa bù khú, sau một buổi làm việc căng thẳng.

Ông có lối sống bình dân. Ăn mặc không chú ý, ưa giản dị. Quần áo, hầu như không bao giờ là. Thường tránh những cuộc tiếp xúc, lễ nghi long trọng, hoặc có phải sắm vai, thì cũng mong chuyện đó qua đi thật nhanh.

Hoàng Trung Thông, mặt khác lại là người rất nghiêm túc trong văn chương, học thuật. Ông tự học rất nhiều. Vốn chữ Hán, chữ Pháp, khiến ông dịch thơ Đỗ Phủ, thơ Pêtôphi, thơ Quách Mạt Nhược, thơ Putxkin, H.Hainơ và nhiều nhà thơ khác. Vậy mà, có lần đến nhà, tôi còn thấy ông cầm sách tiếng Anh đọc và học khá chăm chú…

Đời ông, không được lúc nào rảnh rỗi, dành thì giờ cho sáng tác. Được tin cậy, nên ông luôn giữ những cương vị lãnh đạo… Ở cương vị nào, ông cũng làm việc hết mình và được anh em trong cơ quan cảm mến…

Ông có thể vừa nêu ra yêu cầu bài vở cần có một nội dụng, nghệ thuật sâu sắc trong dịp đồng bào miền Bắc đón phái đoàn Mặt trận giải phóng miền Nam gồm giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu đến thăm văn nghệ sĩ ở 51 Trần Hưng Đạo, thì buổi trưa, ông đã cùng Trang Nghị đến quán rượu nhỏ, quán La Phôngten (máy nước) ở phố Huế, ngồi uống rượu chen chúc với cùng các tay bợm rượu…

Người ta vừa thấy ông cùng thường vụ Ban Chấp hành tiếp đoàn nhà văn Liên Xô, ông thường ngồi lùi ở chỗ ít ai để ý, nhường để các bạn khác là Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Như Phong nói… và khi tan cuộc đã thấy ông nhấp nhổm cùng cụ Tuân và Marian, nhà văn, kiêm dịch giả người Nga, rất yêu Việt Nam, hẹn hò nhau một cuộc nhậu ở đâu đó…

 

Khi về làm Viện trưởng Viện Văn học, và cả sau này khi về hưu, ông thường hay đến Trúc viên quán, một quán rượu có nhiều văn nghệ sĩ hay lui tới, vì tính cách phương Đông và thanh nhã. Chính ông cũng là người cho chữ ở quán Trúc viên… Cuối đời có lẽ ông thích quán này nhất, và hầu như mọi người trong quán đều thích và mến ông…

Một đời ông hiến trọn cho văn chương. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm, và ở thể loại nào cũng có giá trị. Về lý luận phê bình có các cuốn Chặng đường mới của văn học chúng ta (Văn học, 1961), Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (Văn học, 1984)… Về thơ từ năm 1955 đến năm 1992, ông in cả thảy 9 tập thơ, trong đó có các tập: Đường chúng ta đi (Văn học, 1960), Những cánh buồm (Văn học, 1964), Tiếng thơ không dứt (Tác phẩm mới, 1989), Mời trăng (Hội Nhà văn, 1992) nổi trội hơn cả…

Khi đắm công việc, ông nghiêm cẩn, chu đáo, chuẩn mực thì trong đời riêng, ông sống một cuộc sống thi nhân phóng khoáng, lấy thơ và rượu làm lẽ sống…

Chẳng phải ngẫu nhiên mà họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, một người bạn rât thân với ông đã ký họa một chân dung khá đẹp về Hoàng Trung Thông. Với mái tóc bồng và gương mặt say, trông ông như có phong cách của Lý Bạch… một thi hào Trung Hoa cũng nổi tiếng về Thơ và Rượu. Ông thả mình trong rượu, có lẽ tìm thấy ở rượu chính là cái phút thực nhất của con người. Ông là người của phương Đông, tự tạo cho mình một cuộc sống thanh bần, dốc lòng vì đất nước, vì mọi người xung quanh… Nhưng ông đâu có được như Lý Bạch, như Thôi Hiệu… Hàng ngày ông còn phải gồng mình trong sứ mạng của một đảng viên cộng sản, một cán bộ văn nghệ chủ chốt của Đảng. Trách nhiệm, suy tư, những cuộc đấu tranh phức tạp và tế nhị trên mặt trận văn nghệ, luôn luôn ở trên vai ông… Chỉ có khi đến với thơ, với rượu, Hoàng Trung Thông mới thật là mình…

Ông uống, ông nói, hòa đồng cao thấp với chung quanh… có phút hiếu thắng, lại cũng có cái phút buồn mông lung trong những cuộc rượu đông vui hay uống một mình… Cũng có lúc đấu rượu với tay rượu cự phách của Tỉnh ủy Lao Cai, hay ở một nhà sàn Thái Tây Bắc… ông đi thực tế cũng thích mang theo bạn rượu là Trang Nghị và Lê Chính ở báo Văn nghệ. Ở những cuộc rượu, ông cho chữ. Ông là một nhà thư pháp đáng nể trong những năm bảy mươi, tám mươi… Có khi đang cơn say, ông xuất thần có được một đôi câu đối rất Hoàng Trung Thông. Đó là câu đối ông tặng Đỗ Nhuận, nhạc sĩ, trong một cuộc rượu:

“Cậu tỉnh, cứ tình ca, chắc chẳng lang bang đấy chứ!

Mình say thường chuếnh choáng, đã từng quỵ lụy ai đâu!”

Phút được uống rượu là phút ông lãng mạn nhất!

Thế rồi cất chén cùng tri âm

Không phải chén quỳnh đâu, đừng trầm ngâm

Một mình ta mời trăng, mời bạn

Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm

Bạn uống rượu lòng ta không thể chán

Ta thương ta, thương người xa, thương thầm…

(Mời trăng)

Ông tự thú, mình không thể nào bỏ thơ và rượu được:

Ngày xuân ta chừa rượu

Uống rượu có ích gì!

Thà sáng mai tản bộ

Không rượu có cần chi

 

Này con tỳ, con vị

Có thèm thuồng mặc mi

Nhưng rồi tôi nói lại

Uống rượu không việc gì

 

Ngày xuân đôi ba chén

Chỉ uống một tí ti

Thế rồi ngẫm nghĩ lại

Vất bầu, làm thơ đi

 

Ai bảo thơ phải rượu

Mà cứ uống tì tì.

(Bài Chừa rượu)

Ông sống hết mình cho đời, cho thơ, cho rượu. Vậy mà suốt đời vẫn thanh bạch. Đến tập thơ chót đời, ông không có tiền, phải để bè bạn xúm lại, tìm cách in cho ông. Mà tập thơ có dày dặn gì cho cam chỉ có 48 trang. Đó là tập Mời trăng. Và đây là lời cảm ơn của ông:

“Thật là may mắn cho tôi, không biết tập thơ này là tập thơ cuối cùng của tôi chưa, nhưng nó đã ra đời được và khá sớm. Tôi chỉ biết lấy tấm lòng mình để cảm ơn sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình, vô tư của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, nhà phê bình văn học Ngô Thảo, nhà thơ Ngô Thế Oanh, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm và cám ơn các cơ quan đã giúp cho ra tập thơ nhỏ này. Tôi thật xúc động khi thấy tập thơ đã được in ra trong một hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Sự nhận xét và đồng cảm với tập thơ xin dành riêng cho bạn đọc”.

Thơ và đời của Hoàng Trung Thông, đã ghi lại dấu ấn trong lòng mọi người.- Báo Văn nghệ, số ra ngày 23-8-2003.

Nhà văn Phạm Khải cho rằng: Bản thân nhà thơ đã từng nhận xét về mình trong bài “Nếu tôi chết”: Nếu tôi chết/ Đắp điếm ngôi mồ tôi/ Và anh hay chị sẽ viết/ Giữ lòng trong suốt đời. Đúng vậy, cả đời Hoàng Trung Thông đã giữ được cái sự “trong” ấy. Ông yêu đời, tin đời, và có lúc đời làm ông buồn. Nhưng, nói như nhà thơ Nga Bunhin “Dẫu có buồn trong thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp”. Suốt đời Hoàng Trung Thông đã có cách nhìn cuộc đời, nhìn con người một cách đầy nhân ái, vị tha như thế, bởi ông nằm trong số không nhiều những nhà thơ đã giữ được “lòng trong suốt đời”.

Hoàng Trung Thông trước sau vẫn là nhà thơ của đời thường cơm áo, của những thân phận “thấp cổ bé họng” trong xã hội. Ông lắng nhìn, cảm nghe và cảm thông với từng tiếng thở dài của họ. Chỉ có nhất mực yêu thương con người, lấy con người làm “chuẩn” cho thơ ca, một tác giả mới có thể viết nên những câu ngậm ngùi cảm thương đến vậy. Trong bài “Quét lá”, nhà thơ ghi lại hình ảnh một bà đi quét lá sấu rụng. Ba đi xiên xẹo, vì bị lá to hơn người, chốc chốc lại phải ngồi nghỉ. Và nhà thơ kết luận: Ôi tôi ngồi làm thơ/ Sấu chín nhìn vui sướng/ Có biết ai mong chờ/ Lá sấu vàng rụng xuống. Một sự cảm thức chỉ có ở người giàu lòng trắc ẩn và luôn biết tự vấn lương tâm.

Thơ Hoàng Trung Thông trước kia có phần dàn trải, thì càng về cuối đời, ông càng viết chắt lọc, cô đúc. Cả hai bài có cùng tên gọi “Tứ tuyệt” này đã có sự hàm súc của Đường thi: Ngọn mướp luồn qua cửa sổ/ Vầng trăng tỏa ánh vào nhà/ Người không thong thả trăng thong thả/ Trăng có vầng mướp có hoa; Tôi muốn uống rượu trong/ Lại phải uống rượu đục/ Chao! Sông cũng như người/ Có khúc và có lúc.

Những năm cuối đời, Hoàng Trung Thông được biết đến như một… tửu đồ. Ông thích rượu, ham uống và men say cũng đã phảng phất đi vào thơ ông. Có những bài ông viết tặng người thân, nói những điều gan ruột, có những cái líu ríu, va vấp của giọng… rượu. Nhưng cũng nhờ nó mà một số bài thơ của người từng giữ cương vị Vụ trưởng này đã có cái duyên riêng mà trước đây chưa từng phát lộ. Bài “Nhìn” ông viết tặng họa sĩ Mai Văn Hiến là một ví dụ: Bên kia đường một người bơm xe/ Bên này đường một người bét nhè/ Còn tôi/ Không bơm xe, vá xe/ Không say rượu/ Tôi ngẩn ngơ trông/ Dưới gốc hòe mát rượi - Thoạt nghe thấy cứ lơ vơ chẳng đâu vào đâu, vậy nhưng cái kết thì lại bất ngờ, đáng yêu: Xe có thể bơm/ Rượu có thể say/ Tôi một mình nhìn và nhớ bạn/ Thấy đời mình bớt nỗi đắng cay. Vẫn “say” nhưng cái chính là tâm thế rất hiền lành, đáng yêu. - Báo Văn nghệ công an, ngày 4-4-2011.

Trước đó, cũng báo Văn nghệ công an số ra ngày 16-8-2010, Phạm Thành Chung viết:

“Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi” - nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu có lẽ đã có cách nhìn nhận đúng khi cho rằng, việc lãnh đạo Viện Văn học là công việc mà Hoàng Trung Thông “cần phải làm, bởi được giao phó”, còn “hứng thú của ông có lẽ lại ở chén rượu và câu thơ”. Ở đây, Nguyễn Văn Lưu đã có một sự liên hệ thông minh: “Có lẽ câu châm ngôn nước ngoài: Hãy nhanh chóng làm cái phải làm để làm cái ta thích làm lại có vẻ thích hợp với Hoàng Trung Thông”. Và khi đã đối diện với chén rượu, câu thơ, Hoàng Trung Thông hoàn toàn trút bỏ chiếc áo Viện trưởng. Nhà văn Phong Thu từng kể: Một lần, ông và người bạn cùng trang lứa được thi nhân họ Hoàng đãi rượu ở một tửu quán trên phố Bà Triệu. Khi nâng cốc, anh bạn lên tiếng: “Xin chúc thủ trưởng”. Hoàng Trung Thông nghe vậy thì ngồi yên, giọng lạnh tanh hỏi: “Cậu chúc gì ai đấy?”. Anh bạn vội giải thích: “Chúc anh”. Hoàng Trung Thông vẫn ngồi im. Phải đến vài giây trong tư thế ấy, ông nhìn chằm chằm vào người vừa buông ra lời chúc, cười nhạt bảo: “Thơ - không có thủ trưởng. Uống đi!”.

Nhân nhắc đến chuyện Hoàng Trung Thông và rượu, tôi lại nhớ tới nhận xét của nhà thơ Hoàng Cát nhân một lần gặp ông hồi tháng 8-1992: “So với những thi sĩ cao niên khác trong làng văn thì nhà thơ Hoàng Trung Thông có hình thể già lão và suy yếu hơn tuổi tác rất nhiều. Râu tóc ông đều bạc trắng như tuyết từ nhiều năm nay. Có người cho rằng vì ông uống nhiều rượu. Nhưng theo tôi hiểu, nếu có tại cái đó, thì cũng chỉ là một phần - thậm chí là một phần rất nhỏ và là rất bề ngoài của con người và của tâm hồn thi sĩ ấy mà thôi. Mà cái chính là do bầu tâm sự về nhân tình thế thái trong sâu kín trái tim nhà thơ”.

Tôi cho ý kiến này của nhà thơ Hoàng Cát không phải không có lý. Hãy đọc những câu thơ nhắc đến rượu của Hoàng Trung Thông: Tôi muốn uống rượu trong/ Lại phải uống rượu đục/ Chao! Sông cũng như người/ Có khúc và có lúc (bài “Tứ tuyệt”), hoặc Nâng chén thưởng trăng, trăng tỏ/ Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta như thế đó/ Thế rồi ta cất chén cùng tri âm/ Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm/ Một mình ta mời trăng mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm (bài “Mời trăng”). Rất nhiều tâm sự, ký gửi trong những câu thơ “lệ đầm” ấy.

Cũng nhắc nhiều đến thú uống rượu của thi sĩ họ Hoàng, song với nhà thơ Ngô Văn Phú, khi tác giả “Bài ca vỡ đất” tìm đến rượu, ấy là lúc ông được sống “cái phút thực nhất của con người”. Theo Ngô Văn Phú, vì Hoàng Trung Thông từng giữ cương vị quản lý văn nghệ, nên “trách nhiệm, uy tín, những cuộc đấu tranh phức tạp và tế nhị trên mặt trận văn nghệ luôn luôn ở trên vai ông”. Chỉ khi rời bỏ những cương vị đó, được trở về với thơ, với rượu, ông mới thấy “mình thật là mình”.

.....................................................

Nguồn: Giáo dục và Thời đại, số 7 ra ngày 15-2-1992/www.trieuxuan.info

 


 

[*] Trong khi biên tập bài này, Triệu Xuân đã mất nguyên một ngày đêm điện thoại hỏi những người yêu quý nhà thơ Hoàng Trung Thông để tìm tên họ đầy đủ của tác giả Trung. Nhưng sau rất nhiều chục cú phone, kể cả Ngô Thảo, cũng không ai biết! Suốt đêm, tôi gõ tìm trên Facebook, tình cờ tìm ra một Status trên trang của học sinh trung học Tứ kỳ Hải Dương, viết về ông nội mình là Trần Chí Hiền, nguyên Đại sứ toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Phó Thanh tra Nhà nước. Người viết Stt là HiếuOrion, cháu nội ông Hiền, cho biết ông nội mình ở 41 Trần Hưng Đạo, chuyển vô sài Gòn rồi mất tại Sài Gòn, ngày 15-4-5-2001; mai táng ở nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, cạnh những chính khách hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Từ manh mối này, Triệu Xuân phone, trò chuyện với cháu Hiếu Orion, biết được Tác giả tên Trung - bố của cháu Hiếu - là bạn rượu của Hoàng Trung Thông, rất trân quý nhà thơ, được nhà thơ coi là bạn thân thiết. Anh tên khai sinh là Trần Chí Thắng, khi viết lách, lấy bút danh Trần Trung, là chủ của Trúc Viên Thi Quán ở 41, Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Chú thích của Triệu Xuân).

[**] Bà Hồ Thị Hoa đã từ trần đầu năm 2011 (Chú thích của Triệu Xuân).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511926

Hôm nay

2252

Hôm qua

2337

Tuần này

22300

Tháng này

218799

Tháng qua

121356

Tất cả

114511926