Diễn đàn

Tri ân tiền nhân là đặt nền móng đạo lý cho tương lai

Lịch sử hiện đại Việt Nam khởi đầu và gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm mà đỉnh cao là hơn 40 năm chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn bành trướng Trung Quốc cùng đồng bọn tay sai Khơ Me đỏ. Người Việt Nam đã giành và giữ được được Nước; nhưng, máu đã chảy thành sông, xương chất cao thành núi, hàng triệu người đã phải hy sinh, hàng triệu người đã chịu thương vong, tổn thất vì công cuộc thiêng liêng và vĩ đại đó. Chiến tranh kết thúc, Nhân dân, Đảng, Nhà nước và Quân đội  đã nỗ lực hết mình để làm dịu những vết đau của Dân Tộc, của những ai đã góp máu xương cho Đất Nước. Truyền thống đạo lý của Dân Tộc được phát huy trong/bằng muôn vàn những việc làm thiết thực của rất nhiều mọi người. Nhiều chính sách tri ân những  người có công, các liệt sỹ, thương binh, thân nhân liệt sỹ, thương binh của Nhà nước, của các địa phương được ban hành và thực hiện; Các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ được xây dựng; Các công  trình lịch sử được nghiên cứu, biên soạn; Các tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác và phổ biến….

Vết thương đã liền da nhưng nỗi đau chưa hết. Gánh nợ với các liệt sỹ, thương binh, với những người có công vẫn còn đó. Ít nhất vẫn còn hơn 200.000 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt. Nhiều người có công, nhiều thương binh, nhiều thân nhân liệt sỹ…vẫn chưa được tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng. Trong lúc đó, nhiều kẻ xấu lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi... Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống và cống hiến.

Điều quan trọng nhất, là phải làm cho tinh thần của yêu nước, sẵn sàng cống hiến và hy sinh vì đất nước của các anh hùng, liệt sỹ sống mãi và tỏa sáng, trở thành giá trị định hướng phẩm chất của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Công việc này phải làm thường xuyên, liên tục, làm một cách căn cơ, không hình thức phô trương, chiếu lệ mà phải tự giác sâu sắc; không chỉ là các đợt tuyên truyền, các phong trào bề nổi mà phải là sự giáo dục, hướng dẫn hàng ngày ở bất cứ môi trường nào, từ gia đình đến nhà trường, từ cơ quan, đoàn thể đến hội hè; không chỉ bằng văn học nghệ thuật mà cả những cử chỉ tri ân, nhân ái.

Điều thứ hai, cần tiếp tục phát huy tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân, đãi ngộ các thương binh, liệt sỹ, những người có công giữ nước bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức, hời hợt và giả tạo; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, công bằng, công khai các chính sách của Nhà nước với những người có công, với thương binh, liệt sỹ, các đối tượng chính sách; Kịp thời nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách để đem lại những điều tốt đẹp nhất có thể cho các đối tượng chính sách. Kiên quyết ngăn ngừa và chống lại các biểu hiện tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách.

Để làm được những điều đó, cần nhất và khó nhất là một đội ngũ những người tốt, có tâm, có tầm và gương mẫu. Phải chân thành, trung thực để thực hiện tốt các chính sách. Phải có trí tuệ sáng suốt, có tầm nhìn xa, nhìn rộng để xây dựng các chính sách mới. Phải gương mẫu để giáo dục, động viên, làm gương cho cộng đồng noi theo. Nếu cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà ai cũng như cựu bí thư tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn thì chỉ có hủy diệt truyền thống đạo lý của dân tộc.

Tôn vinh lịch sử, tri ân tiền nhân là đặt nền móng cho tương lai. Làm tốt chính sách với người có công, với thương binh, liệt sỹ cũng chính là củng cố nền tảng đạo lý và pháp lý cho chế độ, cho sự lãnh đạo của Đảng./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512423

Hôm nay

2360

Hôm qua

2389

Tuần này

2360

Tháng này

219296

Tháng qua

121356

Tất cả

114512423