Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong xây dựng và kiến tạo đất nước, dường như chủ nhân tính của người cầm quyền càng cao thì khoảng bao dung của họ càng rộng. Và vì thế họ sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để kiến thiết đất nước.
Ngô Sĩ Liên là một nhà sử học thời Lê sơ sống vào thế kỷ XV, đã viết trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: “Trước kia người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”. Quả thật chỉ có phẩm chất chủ nhân đất nước rất sâu đậm, hoàng đế Trần Nhân Tông (1258-1308) mới đạt đến độ khoan dung như vậy.
Chiến tranh Hán-Sở (206-202 TCN), được kết thúc bởi chiến thắng cuối cùng của Lưu Bang (256-195 TCN) trước Hạng Tịch (232-202 TCN). Tại sao Hạng Tịch một anh hùng cái thế hơn hẳn Lưu Bang về nhiều mặt, nhưng cuối cùng đã thất bại thảm hại? Nhiều học giả đã trả lời cho câu hỏi này, nhưng có lẽ câu trả lời ngắn gọn nhất, rằng đó là vì phẩm chất chủ nhân của Lưu Bang trội hơn hẳn phẩm chất chủ nhân của Hạng Tịch.
Hạng Tịch đã là vua nước Sở, thì đáng lẽ ra ngài phải biết trọng dụng hiền tài, và mọi chiến công của tướng lĩnh dưới quyền ngài, ngài phải coi là của chính mình mà tuyên dương phong thưởng cho họ. Tuy nhiên ngài lại coi thường tướng tài, không muốn phong thưởng cho ai, thì ngài đâu còn đủ tư cách của chủ nhân nước Sở, bởi vậy ngài thất bại là phải (xem những đoạn nói về tính cách của Hạng Vũ trong Sử ký Tư Mã Thiên (109-91 TCN)).
Trong khi đó Lưu Bang thì sao? Trong Hạng Vũ bản kỷ (Sử ký Tư Mã Thiên), Tư Mã Thiên (145-86 TCN) ghi rằng: “Dòng họ Hạng Vương đều không bị Hán Vương giết. Hán Vương phong Hạng Bá làm Xạ Dương Hầu. Đào hầu, Bình cao hầu, Huyền vũ hầu đều người họ Hạng cho đổi họ làm họ Lưu”. Như vậy mặc dù bị Hạng Tịch đánh cho thập tử nhất sinh bao lần, nhưng khi thống nhất giang san, Lưu Bang không hề trả thù họ Hạng. Rõ ràng chỉ có tâm thế của một chủ thiên hạ thực sự, Lưu Bang mới có được hành xử như vậy. Bởi vậy ngai vàng thiên tử quả là đúng chỗ của ngài.
Trong lịch sử đã không thiếu gì những vị vua, không đủ tư cách chủ nhân thực sự ở mỗi quốc gia mà họ trị vì. Vì thế mà mới có bao cảnh đau lòng, đất nước lầm than, lòng người ly tán… Đối nội thì thiếu khoan dung, dung nạp, đối ngoại thì mang về cái nhục quốc thể. Mặc dù với quyền lực tối cao, nhưng họ lại thiếu cái tâm, cái tầm của một ông chủ đất nước.
Tranh công đổ lỗi, luôn là hành xử của những kẻ “tôi tớ”, chứ quyết không thể có ở những người mang tư cách chủ nhân. Tư cách chủ nhân, cao nhất có thể là quốc gia, thấp hơn có thể là một bộ, một ngành, một cơ quan, hay một gia đình, thậm chí chỉ là một công việc cụ thể được giao. Nhưng nó đều giống nhau ở một điểm, là tính trách nhiệm, và làm tốt nhất có thể.
Từ trong thực tế cũng như trong cuốn sách “10 điều khác biệt giữa kẻ làm chủ và người làm thuê” của Keith Cameron Smith, người ta đã rút ra rằng: Kẻ làm chủ học nhiều hơn tiêu khiển, còn người làm thuê tiêu khiển nhiều hơn tự học. Kẻ làm chủ nhận trách nhiệm khi thất bại, còn người làm thuê thì đổ lỗi. Kẻ làm chủ tìm kiếm giải pháp lâu dài, người làm thuê thì tìm kiếm vấn đề trước mắt…
Một vị thủ trưởng không có đủ tư cách chủ nhân, vì nhiều lý do khác nhau, sớm muộn cũng sẽ bộc lộ sự phá phách, mà cao hơn là sẽ trở thành kẻ làm tan nát cơ quan. Chủ nhân tính càng thấp, thì việc hành xử của chủ thể càng thụ động, chộp giật, ngắn hạn… Ngược lại nếu người đứng đầu một đơn vị, như một người chủ thực sự, thì chắc chắn mục đích tối thượng của họ, phải là làm sao để cơ quan, cũng như mỗi cá nhân trong đó, được phát triển tốt nhất. Hệ quả tất yếu là sẽ đảm bảo thực thi dân chủ, biết dùng đúng người đúng việc, trọng dụng nhân tài… Và tất nhiên sẽ không bao giờ sử dụng quyền lực bừa bãi.
Những tướng tài, những mưu sĩ xuất sắc, gặp phải Hạng Tịch, họ đã bỏ đi theo Lưu Bang, dẫn đến cái thất bại thảm hại của Sở Bá Vương. Cũng như vậy, những công ty tư nhân, nếu người đứng đầu không làm được cái việc của một chủ nhân, thì chắc cũng sẽ rơi vào thảm cảnh của họ Hạng.
Nhưng nếu bạn đang phải làm việc ở một cơ quan nhà nước, mà vị thủ trưởng của nó, lại thiếu phẩm chất chủ nhân, thì bạn chỉ nên coi vị đó, như một kẻ làm thuê thiếu trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, bạn càng cần phải nâng cao tính độc lập, tự chủ, cũng như củng cố tâm thế chủ nhân cho chính mình, để làm việc và xem xét. Bên cạnh đó bạn nên nỗ lực góp phần giúp công chúng và các cấp có thẩm quyền cao hơn, sớm nhận ra để thay thế hoặc vô hiệu hóa vị thủ trưởng không xứng đáng đó, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ lợi ích chung.
Cần nói thêm rằng, những kẻ đứng đầu một đơn vị công mà thiếu tư cách chủ nhân, thì chắc chắn chỉ biết dùng quyền lực để ban ơn, để thao túng, để vơ vét, và không có chính kiến bảo vệ cơ quan hay cá nhân của cơ quan khi bị o ép, hoặc bị xâm phạm quyền lợi, thậm chí sẽ sống theo kiểu “nịnh trên nạt dưới”… Họ sẽ chỉ biết hành xử như những kẻ “tôi tớ”, bất biết tương lai của cơ quan đi về đâu. Đặc biệt họ chỉ tập chung quanh mình những kẻ bợ đỡ. Điều này sẽ gây ra tổn thất rất lớn cho cơ quan đó!
Đất nước đang cải cách thể chế, nhưng dù bất luận như thế nào, thì cái điều quan trọng nhất, là phải hạn chế được tối đa cái cảnh, trao quyền cho những cá nhân, mà bản thân cá nhân đó thiếu tư cách chủ nhân, hoặc không đủ phẩm chất chủ nhân. Rằng đó cũng nên coi là một phẩm chất tiên quyết của những người đứng đầu bất cứ một cơ quan nào.