Người xứ Nghệ

Nguyễn Trung Phong với dân ca Nghệ Tĩnh

Ông Nguyễn Trung Phong quê ở làng Trung Phường, nay là xã Diễn Minh, sinh năm 1929. Ông thoát ly gia đình tham gia kháng chiến từ những năm 1950s. Ông đã từng là Trưởng phòng văn nghệ của Ty văn hóa Nghệ An những năm 1960s, phó Hội trưởng Hội văn nghệ Nghệ An những năm đầu thập kỷ 70s và Phó ty/sở văn hóa Nghệ An/Tĩnh từ 1973 đến lúc về hưu, năm 1982. Ông mất năm 1998 vì bệnh hiểm nghèo và, như ông Đặng Thanh Lưu cho biết, đang lúc rất khó khăn, thiếu thốn. Có thể nhiều người biết và nhớ đến ông là một vị lãnh đạo của ngành văn hóa nhiều năm liền, tính tình rất vui vẻ, nhiệt tình, sẫn sàng chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Điều đó là hoàn toàn đúng vì ông trước, sau, là một người tốt, một cán bộ lãnh đạo tận tụy, giàu tri thức, có nghề.

Ông là một nghệ sỹ có hạng, không chỉ của/ở Nghệ An, mà có tiếng cả nước. Điều đó là rõ ràng bởi những đóng góp quan trọng của ông với nền sân khấu truyền thống.

Ở đây, chúng tôi muốn cùng mọi người định vị vị trí quan trọng và sang trọng của ông trong lịch sử sân khấu truyền thống, của Chèo và Dân ca Ví – Giặm.

1.      Điều thứ nhất phải khẳng định, ông Nguyễn Trung Phong là người của Chèo và của Dân ca Ví – Giặm, là tác gia sân khấu truyền thống có nhiều thành tựu nhất của Nghệ An kể từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay mặc dù ông chưa hề nhận được giải thưởng nào của Nhà nước và của tỉnh.

Ông có nhiều kịch bản được dàn dựng và xuất bản nhất kể từ trước đến nay. Theo thống kê năm 1999, ông là tác giả của Nhắc lại, chèo, 1952, giải nhất hội diễn tỉnh Nghệ An; Ở lại, chèo, Ty tuyên truyền, 1955. Tấc đất, tấc vàng, Dân ca (In chung với Nguyễn Hùng, Ty Văn hóa NA, 1956; Chèo Trương Viên, (sưu tầm và chỉnh lý), NGhệ An, Ty Văn hóa, 1957; Lòng Mẹ, Chèo, NGhệ An, Ty Văn hóa, 1957; Vẹn cả đôi đường, dân ca, (in chung), Nghệ An, Ty Văn hóa, 1958; Cô gái Sông Lam, Chèo 05 màn, Hà nội, Văn hóa NGhệ thuật, 1962, Đoàn chèo Nghệ An dựng, huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1962, chuyển thể dân ca 1975; Khi ban đội đi vắng, Dân ca, 1967; Chị thư ký đội sản xuất, dân ca, 1967; Chị Thảo, chèo, Chi hội văn nghệ 1968; Hạt lúa quê ta, chào, Đoàn chèo Nghệ An dựng, hội diễn sân khấu toàn quốc 1970; Vẫn còn ra trận, chèo, đoàn chèo Nghệ Tĩnh dựng năm 1976; Một cuộc đời, chèo, Đoàn chèo Nghệ Tĩnh dựng, Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980; Ngọn lửa không bao giờ tắt, cải lương, đoàn cải lương nGhệ Tĩnh dựng năm 1981; Giữa vụ cày, dân ca, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu NGhệ Tĩnh 1983; Nhóm sản xuất đồng chí Liêm, dân ca, Nhà văn hóa tỉnh, 1986.

2.      Ông có nhiều tác phẩm có nội dung  tư tưởng tốt, và, nhất là, giá trị nghệ thuật cao, có tác dụng thúc đẩy nền sân khấu tỉnh nhà phát triển.

Cô gái Sông Lamlà vở chèo có ý nghĩa mở đầu và khẳng định sân khấu chuyên nghiệp của Nghệ An. Trước vở chèo này, các tác phẩm sân khấu đều mang tính chất và trình độ nghiệp dư, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tuyên truyền và giải trí trong kháng chiến. Chỉ đến Cô gái Sông Lam, Nghệ An mới bắt đầu được dàn dựng theo các chuẩn mực chuyên nghiệp bởi đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp.

Khi ban đội đi vắng,được Nguyễn Trung Phong sáng tác, là kịch bản đầu tiên cho kịch hát dân ca. Kịch bản này lần đầu tiên, vào năm 1967, được đội văn nghệ Diễn Bình dàn dựng. Sau đó, đoàn chèo – dân ca NGhệ An tiếp nhận, phát triển và dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp vào năm 1970. Như vậy có thể nói, Khi ban đội đi vắng là vở diễn chính thức mở đầu cho quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Ví – Giặm thành kịch hát dân ca NGhệ Tĩnh.

Hai tác phẩm tạo ra hai tình huống phát triển mới cho sân khấu chuyên nghiệp của Nghệ An là một đóng góp không hề dễ, không hề nhỏ của ông Nguyễn Trung Phong. Điều đó cũng không là ngẫu nhiên “bắt gặp” mà cái chính là vì ông Nguyễn Trung Phong đã nắm bắt và ý thức được nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi sự phát triển của nghệ thuật và ông đã có ý thức đáp ứng điều đó;  và, may mắn,  ông có năng lực thực hiện được điều đó.

3.      Năm 1967, ông Trung Phong không chỉ là tác giả kịch bản Khi ban đội đi vắng mà ông còn cùng các ông Nguyễn Trung Giáp, Nguyễn Trung Đính dàn dựng vở này cho đội văn nghệ xã Diễn Bình, Diễn Châu. Như vậy, từ đầu, ông đã có vai trò một đạo diễnđối với kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.Theo ông Đặng Thanh Lưu và các nghệ sỹ cùng thời cho biết, tất cả các vở diễn, nếu là kịch bản của mình, ông Nguyễn Trung Phong đều theo dõi và có nhiều đóng góp ý kiến với các đạo diễn trong quá trình dàn dựng. Không chỉ vậy, với tư cách là trưởng phòng văn nghệ và về sau là phó ty/sở văn hóa, phụ trách khối nghệ thuật biểu diễn, ông thường  xuyên sâu sát các đoàn nghệ thuật sân khấu dàn dựng các vở mới và các ý kiến chỉ đạo, góp ý của ông đều thiết thực, phù hợp, thể hiện kiến thức sân khấu của ông rất vững mặc dù ông không hề được đào tạo về sân khấu.

4.      Trong quá trình thể nghiệm xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, khó khăn nhất là các  làn điệu Ví và Giặm không đủ sức để diễn đạt, để thể hiện các tình huống kịch, các trạng thái tinh thần, tình cảm của các nhân vật. Đây là khâu khó khăn nhất khi dàn dựng các vở kịch dân ca, từ trướcđến nay.  Năm 1967, khi dàn dựng vở Khi ban đội đi vắng cho đội văn nghệ Diễn Bình, đến lớp kịch người vợ ngăn chồng đi buôn lậu với tâm trạng rối bời vừa thương yêu chồng, lại phải lễ phép với chồng, lại vừa không muốn chồng vi phạm luật pháp thì các làn điệu đã có của Ví, Giặm không thể diển tả được. Nếu vậy, thông điệp của vở diễn sẽ không được chuyển tải đến người xem. Ông biết vậy nhưng thật khó có cách để giải quyết khi đã “huy động” tất cả các làn điệu cổ truyền của Ví, Giặm nhưng đều không phù hợp, đều “bất lực”. Cái khó ló cái khôn. Ông xác định phải tìm cho ra một hình thức hát cho ra tình huống kịch khó khăn này. Và ông đã thành công. Nhạc sĩ Đặng Thanh Lưu cho biết: “Thế rồi sau những đêm trằn trọc, anh đã “phịa” ra điệụ “trăn trở” cho nhân vật ngừi vợ hát. Nghe qua, nhạc sĩ Mai Hồng và nhạc sĩ Thanh Tùng rất thích, liền góp ý với tác giả nên chỉnh sửa vài chi tiết và đề nghị đổi tên bài thành “Giận mà thương”cho phù hợp với sắc thái tình cảm của nhân vật và chủ đề bài hát”. Rõ ràng làn điệu này còn là phù hợp với thông điệp của tác phẩm kịch. Bài hát và làn điệu này rõ ràng là hoàn toàn mới nhưng ai cũng nhầm tưởng là “dân ca cổ truyển” và trước đây rất ít người biết rằng đó là tác phẩm của tác giả Nguyễn Trung Phong. Cho đến nay, sau hơn 50 năm xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, đã có đến hơn 2 thế hệ nhạc sỹ miệt mài nhưng cũng chỉ được khoảng trên mười  làn  điệu mới có khả năng hòa nhập vào kho tàng di sản dân ca Ví, Giặm như các điệu Tứ hoa của Đình Bảo, Hát khuyên của Đặng Thanh Lưu, Giữ lời nguyền của Văn Thế, Hò bơi thuyền của Lê Hàm – Vi Phong… Thế mà ông Nguyễn Trung Phong không hề là một nhạc sỹ, không hề là một nhạc công mà đã có một làn điệu mới “cũ” nhất là một thành công có thể nói là ngoài giả định. Điều đó chúng tỏ ông đã ngấm, đã được ngấm dân ca đến mức nào. Với bài/làn điệu này Nguyễn Trung Phong đã xứng đáng có tư cách một nhạc sỹ sáng tác.

5.      Ông Nguyễn Trung Phong, với Ví, Giặm NGhệ Tĩnh, không chỉ nổi bật với tư cách nghệ sỹ, tư cách tác giả, ông còn là nhà lãnh đạo, quản lý nhiệt thành bảo vệ dân ca và thúc đẩy xây dựng sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Bắt đầu từ Chèo, là tác giả Chèo, từ những năm 1960s ông đã viết kịch bản sân khấu dân ca Ví Giặm, mà tiêu biểu nhất là Khi ban đội đi vắng. Càng về sau ông càng dành nhiều hơn sự quan tâm và thời gian cho dân ca, cho kịch hát dân ca. Ông là nhà quản lý luôn cỗ vũ  và ủng hộ cho việc thể nghiệm sân khấu dân ca. Năm 1973, khi trưởng ty văn hóa  Trần Nguyên Trinh có chủ trương xây dựng đề án tách đoàn chèo – dân ca thành hai đoàn, là Phó Hội trưởng hội văn nghệ, ông đã nhiệt thành ủng hộ ý tưởng và chủ trương này. Sau khi trở lại ty với cương vị Phó ty phụ trách khối nghệ thuật biểu diễn, ông càng có điều kiện và tích cực hơn với chủ trương xây dựng kịch hát dân ca. Với những tư liệu và ký ức còn lại, chúng ta có thể khẳng định, Nguyễn Trung Phong là một trong số không nhiều người tiên phong trong việc xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh từ chủ trương, chiến lược đến thực hành sáng tác, xây dựng chính sách….

6.      Với tình yêu sâu nặng với dân ca và tầm nhìn xa cho sự tồn tại và phát triển của dân ca, Nguyễn Trung Phong đã yêu và thế hiện mạnh mẽ trách nhiệm với các nghệ sỹ, diễn viên dân ca và kịch hát dân ca. Ông chủ trương tạo nhiều điều kiện thuận lợi tìm kiếm, thu hút, đào tạo và bồi dưỡng các nhân tố có năng khiếu, tài năng cho sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, phát triển dân ca, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Về sau ai cũng biết tài năng của NSUT Danh Cách nhưng chắc chắn ít người biết rằng để anh thanh niên làng chài (ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên) thành tài, thành danh vậy đó, ông Nguyễn Trung Phong đã ký cùng lúc cả quyết định cho cô vợ của anh này cùng nhập đoàn dân ca để  “hợp lý hóa gia đình”. Phải trọng người, trọng tài, yêu người, yêu tài, yêu dân ca xứ sởlắm thì ông Phong mới làm được những điều như thế.

7.      Khi nói về ông Nguyễn Trung Phong với dân ca Nghệ Tĩnh không thể quên được rằng ông là con đẻ của làng Trung Phường. Tên gọi của làng đã đủ biết ông sinh ra ở đất của những câu hát, Chèo và Ví, Giặm.  Trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình, ông đã đi từ CHÈO đến VÍ, GIẶM. Và, như nhiều người cùng thời xác nhận, ông hát Chèo rất hay và hát Ví, Giặm rất mượt. Những câu hát đã làm nên đời ông và những câu hát đã lưu danh ông cùng VÍ, GIẶM với năm tháng.

      *****

Có nhiều người hỏi như là bâng quơ (vì không biết hỏi ai) rằng cớ sao ông Nguyễn Trung Phong không được giải thưởng gì của Nhà nước cả. Họ trọng và thương ông mới hỏi vậy chứ tôi biết họ tin rằng tác phẩm thật thì sống lâu bền hơn giải thưởng. Huống hồ tác phẩm của ông đã trở thành của Dân gian – muôn năm. Chuyện giải thưởng đúng là không cần giận mà cũng chẳng thể thương nổi. Ở bên kia chắc ông cũng chẳng bận tâm điều đó. Ông đã có chỗ sang trọng trong nền nghệ thuật Xứ Nghệ. Thế là quá đủ rồi. Chắc chắn thế./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511928

Hôm nay

2254

Hôm qua

2337

Tuần này

22302

Tháng này

218801

Tháng qua

121356

Tất cả

114511928