PV: Kính chào Giáo sư (GS), cám ơn GS đã nhận lời mời phỏng vấn của Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Thưa GS, được biết thời gian qua ông đã nỗ lực không mệt mỏi vì sự phát triển của khoa học và giáo dục nước nhà như sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam; xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn; thuyết phục Giáo sư - Tiến sĩ Odon Vallet dành 1/10 quỹ học bổng của mình để giúp các em học sinh, sinh viên giỏi tại Việt Nam,..v…v. Ngoài ra, gia đình ông còn có nhiều chương trình hoạt động từ thiện khác. Vậy, đâu là động lực khiến ông quyết định làm tất cả những công việc trên thay vì trở về quê hương để an dưỡng, nghỉ ngơi?
GS Trần Thanh Vân: Thực ra, chúng tôi chẳng làm gì quan trọng cả. Chỉ có một điều là chúng tôi tin tưởng dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học.Các em học sinh, sinh viên Việt Nam rất ham học và có khả năng nên bổn phận của chúng tôi là làm sao giúp các em tiến tới được con đường chúng tôi đã đi.Chúng tôi chỉ nhắm vào một mục tiêu ấy thôi, không nghĩ đến chuyện khác.Chính vì thế mà chúng tôi mới có thể tiến tới được như hôm nay.
PV: Trong thời gian trở về và hỗ trợ các hoạt động khoa học, giáo dục trong nước, GS đánh giá thế nào về giáo dục và môi trường phát triển khoa học hiện nay tại Việt Nam?
GS Trần Thanh Vân: Nói thật thì sợ mất lòng nhưng thú thực, cách đây 50 năm chúng ta có những nhà lãnh đạo đã đưa lại cho giáo dục Việt Nam một tinh thần rất cao. Lúc đấy Trung Hoa giáo dục còn rất kém do lãnh đạo của họ có chính sách để các giáo sư về quê làm ruộng. Nhưng giờ này nhìn lại giáo dục Việt Nam như thế nào so với Trung Hoa?Điều ấy chúng ta cần phải suy nghĩ.Vì sao mình lại đi xuống dữ tợn như vậy? Chúng tôi ở ngoại quốc thì không thể nắm rõ nhưng tôi muốn nhắc lại câu GS Nguyễn Văn Hiệu nói với chúng tôi: “Việt Nam có sức mạnh để đánh Mỹ không khó khăn lắm. Nhưng giờ này chúng tôi đánh Đô la không nổi.”Điều đó có nghĩa là phải làm thế nào đừng để cho tiền bạc khiến mình sai lầm.Giáo dục Việt Nam có thể tiến tới rất cao nếu mình không đưa giáo dục đi vào kinh doanh. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Giáo dục là nền tảng của quốc gia. Trồng cây thì 10 năm nhưng trồng người phải một trăm năm. Đầu tư giáo dục không thể nóng vội, không phải đầu tư hôm nay là ngày mai có kết quả. Chúng ta phải chấp nhận đầu tư mọi mặt, để cho tương lai Việt Nam sáng sủa hơn trong 10, 20 năm sau hay lâu hơn nữa. Đó phải là sự kết hợp giữa sự quan tâm của gia đình, sự tâm huyết và hy sinh của các thầy cô.
PV: Thưa giáo sư, một trong những vấn đề tồn tại của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay còn là tính hiệu quả của giáo dục. Chúng ta đào tạo nặng về lý thuyết, không đáp ứng tốt thực tiễn.Chính vì thế mà tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp rất cao.Giáo sư nghĩ gì về con số hơn 200.000 cử nhân, thạc sỹ Việt Nam thất nghiệp hiện nay?
GS Trần Thanh Vân: Thú thực, tôi không ở trong nước nên không biết rõ ràng lắm. Tuy nhiên qua một số trường hợp chúng tôi nhận thấy một số em đi học nhưng không biết doanh nghiệp làm việc như thế nào. Vì thế khi đi học xong các em không biết cách làm việc, các doanh nghiệp cũng “sợ” các em vì dù có kiến thức nhưng không biết cách áp dụng để làm việc trong các công ty.
PV: Vậy ở nước ngoài, các trường đào tạo và liên hệ đầu ra cho sinh viên như thế nào, thưa ông?
GS Trần Thanh Vân: Ở Pháp, các trường ĐH luôn có chương trình hợp tác với các doanh nghiệp để học sinh ra có công ăn việc làm. Họ có rất nhiều trường kỹ sư.Các trường này luôn tạo điều kiện cho học sinh thực tập, tập sự ở các doanh nghiệp để hiểu cách làm việc ở đó.Tiếc là ở Việt Nam không có những trường như thế.Ở Việt Nam cũng có trường như trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhưng ĐH Bách Khoa có đến hàng chục nghìn sinh viên trong khi mỗi trường kỹ sư của Pháp chỉ có 300 - 500 em nên cách dạy rất khác nhau.Tôi cảm tưởng, đại học ở Việt Nam chưa có sự liên lạc mật thiết với doanh nghiệp.Chương trình dạy đại cương là nhiều.Hơn nữa, số sinh viên đại học của mình quá đông.Em nào cũng có thể vào đại học cả.Cha mẹ luôn muốn con em mình đi học ĐH, dù đại học kém hay giỏi, chỉ cần tên đại học là đủ.Tôi nghĩ, chúng ta nên có những trường đào tạo nghề, nhất là những nghề đòi hỏi trí tuệ nhiều.Điều đó rất quan trọng cho tương lai.