5. An Lộc Sơn, Sử Tư Minh dấy loạn đời Đường.
A. An Lộc Sơn:
5. An Lộc Sơn, Sử Tư Minh dấy loạn đời Đường.
A. An Lộc Sơn:
An Lộc Sơn, cha thuộc dân tộc Hề Túc Đặc; mẹ thuộc bộ tộc Đột Quyết. Mô côi cha lúc nhỏ, mẹ cải giá lấy viên quan Đột Quyết An Diên Yển; bèn dùng họ An và đổi tên là Lộc Sơn. An Lộc Sơn thông hiểu 6 thứ tiếng, nên lúc khởi đầu giữ chức Hỗ thị nha lang với nhiệm vụ thông dịch trong việc buôn bán. Làm con nuôi Tiết soái Trương Thủ Khuê, được thăng chức Thiên lô Tướng quân. Đường Khai Nguyên thứ 28 [740], An Lộc Sơn giữ chức Binh mã sứ Bình Lô [Triều Dương thị, tỉnh Liêu Ninh], tính nhanh nhẹn mẫn tiệp nên được tiếng khen; y dùng lễ vật hối lộ cho các quan, đem tiếng khen đến tai vua Huyền Tông, nên được nhà vua yêu thích. Năm Thiên Bảo thứ nhất [742] Đường Huyền Tông lập Tiết độ sứ Bình Lô, giao cho An Lộc Sơn làm Tiết độ sứ. Từ đó An Lộc Sơn có dịp vào triều tấu bàn, được Đường Huyền Tông sủng ái thêm. Năm Thiên Bảo thứ 3 [744] thay Bùi Khoan giữ chức Tiết độ sứ Phạm Dương [Bắc Kinh]; vẫn kiêm nhiệm chức Thái phỏng Hà Bắc, Tiết độ sứ Bình Lô. Sau này An Lộc Sơn xin làm con nuôi Dương Quí Phi, mỗi lần đến triều kiến Đường Huyền Tông đều bái yết Dương Quí Phi trước; Huyền Tông lấy làm lạ bèn hỏi, Lộc Sơn tâu:
“Thần là người Hồ, theo tục người Hồ đặt mẹ lên trước, cha sau.”
Huyền Tông nghe rất vui, mệnh anh em nhà họ Dương kết bà con, xưng anh chị em với An Lộc Sơn. An Lộc Sơn càng cao tuổi càng mập, bụng phệ xuống gần đầu gối, nặng 330 cân [115 kg], lúc đi phải chuyển dịch bằng 2 vai mới động thân được; nhưng khi múa vũ dân tộc Hồ cho vua Huyền Tông xem thì nhanh như gió. Năm Thiên Bảo thứ 10 [751] An Lộc Sơn đến kinh sư triều kiến vua Huyền Tông, xin đảm nhiệm Tiết độ sứ Hà Đông [Sơn Tây], được chấp thuận; Lộc Sơn có 11 con: con trưởng An Khánh Tông giữ chức Thái bốc lang, em là An Khánh Tự giữ chức Hồng lô khanh; An Khánh Tông lấy con gái Hoàng thái tử.
1. Chuẩn bị nổi loạn
An Lộc Sơn ngầm chuẩn bị làm loạn, tại phía bắc thành Phạm Dương cho xây thêm thành Hùng Vũ, ngoài mặt bảo rằng để chống giặc phương bắc, nhưng thực chất dùng để tích trử nhiều vũ khí, lương thực, ngựa chiến 1 vạn 5 ngàn con, dê cũng có số tương đương. Một mình Lộc Sơn kiêm nhiệm Tiết độ sứ 3 trấn Bình Lô, Phạm Dương, Hà Đông; tương đương với 3 tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Tây ngày nay.
Tháng 6 năm Thiên Bảo thứ 11 [752] An Lộc Sơn mang trên 5 vạn kỵ binh đánh Khiết Đan, quân viễn chinh tiến xa, cách thành Bình Lô hàng ngàn dặm; cuối cùng bị Khiết Đan đánh kẹp, phân tán tháo chạy trở về thành Bình Lô. Sau đó lại cố lập công, mang quân đánh các bộ tộc Hề, Khiết Đan, thu thắng lợi; Đường Huyền Tông cho y là tướng giỏi như thành luỹ vững giữ nước, nên ban lời khen “An biên trường thành”. Nhưng Thừa tướng Dương Quốc Trung nhiều lần tâu rằng An Lộc Sơn nhất định sẽ phản loạn; nên năm Thiên Bảo thứ 12 [753] Huyền Tông sai Hoạn quan Phụ Tốc Lâm đến dò xét, Viên này nhận hối lộ của An Lộc Sơn nên trở về tâu rằng An Lộc Sơn lòng trung thành sáng tỏ.
Tháng giêng năm Thiên Bảo thứ 13 [754] An Lộc Sơn đến cung Hoa Thanh yết kiến Đường Minh Hoàng, thừa dịp khóc than:
“Thần là người dân tộc Hề, không biết chữ Hán; được Hoàng thượng vượt cấp đề bạt, nên Dương Quốc Trung muốn giết.”
Đường Huyền Tông nghe vậy, lại tỏ ra tin cẩn thân thiết hơn, thăng thêm chức Tả bộc xạ. Lúc này ai mà nói An Lộc Sơn âm mưu tạo phản, Huyên Tông bèn nỗi giận lôi đình, bắt trói giao cho Lộc Sơn!
2. An Lộc Sơn Sơn nổi loạn
Thời vua Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên bước sang Thiên Bảo, vận nước bắt đầu từ thịnh chuyển sang suy. Do vấn đế quản chế quân tại biên thuỳ buông lỏng, cấm quân tại trung ương thì bạc nhược; khiến thực lực biên trấn mạnh hơn trung ương. An Lộc Sơn đặt mật báo tại kinh đô, nắm rõ nội tình, nên càng khinh thường triều đình. Sau khi Tể tướng Lý Lâm Phủ mất, trong triều An Lộc Sơn không còn kiêng kỵ ai nữa; lại bất hoà với tân Tể tướng Dương Quốc Trung, nên hai họ Dương, An tranh nhau đả kích, dành sủng ái từ nhà vua. Ngoài ra do bất hoà với Thái tử Lý Hanh [vua Túc Tông sau này], An Lộc Sơn cảm thấy bất an trong tương lai, thúc đẩy tham vọng sẵn trong lòng dấn thân vào cuộc nổi dậy.
Năm Thiên Bảo thứ 14 [755] Đường Huyền Tông triệu Lộc Sơn vào kinh, y cáo bệnh từ chối. Tháng 11 cùng năm, An Lộc Sơn từ Phạm Dương [Bắc Kinh] khởi binh làm phản; gian trá tuyên bố rằng phụng chiếu chỉ của Đường Huyền Tông, đánh dẹp bè đảng ngỗ nghịch Dương Quốc Trung. Lộc Sơn đốc suất kỵ binh, bộ binh 15 vạn, xuất phát lúc nữa đêm, một ngày tiến được 60 lý; dùng Cao Thượng, Nghiêm Trang làm mưu chủ; Tôn Hiếu Triết, Cao Mạo, Hà Thiên Niên làm thành viên chủ chốt. Bấy giờ trong nước bình yên đã lâu, dân chúng không quen việc chinh chiến; nghe tin An Lộc Sơn phản loạn bùng nỗ, triều đình quan quân giao động sợ sệt. Những lính bảo vệ cung đình phần lớn tuyển từ con cái dân buôn tại kinh thành, không có lòng quyết chí chiến đấu; trước sau triều đình dùng những người như Cao Tiên Chi, Phong Thường Thanh làm Đại tướng lo việc chống cự.
Tháng 12 quân An Lộc Sơn vượt sông Hoàng Hà tấn công vào quận Trần Lưu [Khai Phong thị, Hà Nam];Tiết độ sứ Hà Nam tử trận, con trai lớn của An Lộc Sơn là An Khánh Tông cũng bị giết; việc này khiến Lộc Sơn tức giận bắt quân đầu hàng chia làm 2 phe chém giết lẫn nhau. Khi đến thành Trần Lưu, Thái thú Quách Nạp chống cự một lúc, rồi mở cửa thành ra hàng.
Phong Thường Thanh bố trí chặn địch tại phía đông cố đô Lạc Dương, cho đốn cây làm chướng ngại vật, nhưng không ngăn chặn được. Quân An Lộc Sơn tiến vào thành Lạc Dương, giết bọn Ngự sử Tưởng Thanh, rồi gọi Hà Nam duẫn Đạt Hề Tuần cho coi thành. Sau khi thất bại, Phong Thường Thanh mang bại binh rút về Thiểm quận [Tam Môn Hiệp thị, Hà Nam]; bấy giờ Cao Tiên Chi mang quân giữ Thiểm thành cũng sợ rút về Đồng Quan [giáp giới Hà Nam-Thiểm Tây], quan quân sợ hãi quân An Lộc Sơn truy cản, dẫm đạp vào nhau tắc nghẽn cả đường sá.
Tháng Giêng năm Thiên Bảo thứ 15 [756] An Lộc Sơn xưng Đế, đặt tên nước là Yên, niên hiệu Cảnh Vũ; dùng những người như Dạt Hề Tuần giữ các chức như Thừa tướng. Tháng 5, Tiết độ sứ Nam Dương Lỗ Linh mang 10 vạn quân Kinh Châu, Tương Châu, Kiềm Trung, Kiềm Nam đánh nhau với tướng Vũ Linh Tuần thuộc phe nỗi dậy tại phía bắc sông Phân Hà thuộc huyện Diệp [Hà Nam], nhưng toàn quân bị sụp đổ. Tháng 6, Lý Quang Bật, Quách Tử Nghi từ Thổ Môn Lộ mang quân đánh; bại quân làm phản tại Gia Sơn thuộc quận Thường Sơn [Thạch Gia Trang, Hà Bắc] khiến cho một số châu quận tại Hà Bắc xin hàng triều đình; việc này khiến cho An Lộc Sơn lo lắng, muốn mang quân về giữ căn cứ Phạm Dương [Bắc Kinh]. Gặp lúc Ca Thư Hàn bị Đường Huyền Tông ép, mang 8 vạn kỵ binh từ Đồng Quan đến Linh Bảo [Linh Bảo thị, Hà Nam] giao chiến với phản tướng Thôi Càn Hữu, đạo quân bị đánh sụp gần toàn bộ; Ca Thư Hàn về đến Đồng Quan, bị quân lính dưới quyền bắt giao cho quân làm phản. Đồng Quan thất thủ, Đường Huyền Tông cùng Cung phi, Tôn thất hốt hoảng chạy loạn. Trên đường qua đất Thục, tại gò Mã Ngôi quân sĩ làm reo không chịu cất bước, kết tội Dương Quí Phi tư thông với An Lộc Sơn. Trước sự đòi hỏi của quan quân, vua đành gạt nước mắt để cho Dương Quí Phi bị xử thắt cổ; rồi theo đoàn quân đi lên ải Kiếm Các vào đất Thục. Tấn thảm kịch được Thi sĩ Bạch Cư Dị ghi lại trong thi phẩm Trường Hận Ca [长恨歌] như sau:
…漁陽鼙鼓動地來,
驚破霓裳羽衣曲。
九重城闕煙塵生,
千乘萬騎西南行。
翠華搖搖行復止,
西出都門百餘里。
六軍不發無奈何,
宛轉蛾眉馬前死。
花鈿委地無人收,
翠翹金雀玉搔頭。
君王掩面救不得,
回看血淚相和流。
黃埃散漫風蕭索,
雲棧縈紆登劒閣…..。
…Ngư Dương bề cổ động địa lai,
Kinh phá Nghê Thường vũ y khúc.
Cửu trùng thành khuyết yên trần sinh,
Thiên thặng vạn kỵ tây nam hành.
Thuý hoa giao giao hành phục chỉ,
Tây xuất đô môn bách dư lý.
Lục quân bất phát vô nại hà,
Uyển chuyển nga mi mã tiền tử.
Hoa điền uỷ địa vô nhân thâu,
Thuý kiều kim tước ngọc tạo đầu.
Quân vương yểm diện cứu bất đắc,
Hồi khan huyết lệ tương hoà lưu.
Hoàng ai tán mạn phong tiêu tác,
Vân sạn oanh vu đăng Kiếm Các….
(Tiếng trống nỗi dậy tại quận Ngư Dương [Bắc Kinh] đánh dồn dập.
Phá hỏng đêm truy hoan thưởng thức vũ khúc Nghê Thường của nhà vua.
Kinh thành khói lửa dấy lên,
Đứng chí tôn và vạn quân kỵ từ Trường An di chuyển theo hướng tây nam,
Ngọn cờ Thuý hoa phất phơ, hết đi rồi lại đứng.
Ra khỏi kinh đô đến hơn 100 lý,
Lục quân [quân dưới quyền vua] không chịu đi, không biết làm sao đây!
Người đẹp mày ngài Dương Quí Phi đành phải chết trước lưng ngựa.
Lược ngọc hoa điền cùng cặp tóc kim tước của nàng rơi xuống đất, mà không ai dám nhặt.
Nhà vua đau khổ che mặt không cứu được.
Khi quay lại, thì thấy ngài nước mắt đẫm máu tuôn ra.
Bấy giờ bụi trần bay mù mịt, gió rít thê lương,
Đoàn quân theo con đường dốc quanh co lên ải Kiếm Các…)
Lúc này Thái tử Lý Hanh [Túc Tông] tập trung quân chống phản loạn tại Linh Vũ [Linh Vũ thị, Ninh Hạ]. An Lộc Sơn sai Trương Thông Nho giữ tây kinh Trường An; tháng 11 sai Ha Sử Na Thừa Khánh đánh chiếm Dĩnh Châu tại phía đông [Khai Phong thị, Hà Nam].
3. An Lộc Sơn bị con giết
An Lộc Sơn thân thể phì mập, bị viêm da lâu năm; lúc bắt đầu làm phản thì mắt mờ, rồi trầm trọng hầu như mắt không thấy. Vào mồng một tết năm Chí Đức thứ 2 [757], An Lộc Sơn tiếp nhận triều bái của bầy tôi, vì thân thể bị đau nên nữa chừng phải bỏ dở. Do bệnh đau nên hay phiền giận; bất như ý là trách phạt nặng nề, ngay cả mưu chủ như Nghiêm Trang cũng bị đánh bằng gậy. Nghiêm Trang ôm hận, thông đồng với con Lộc Sơn là An Khánh Tự, cùng Hoạn quan Lý Trư Nhi; giết An Lộc Sơn. Chúng để cho An Khánh Tự đứng cửa ngoài, riêng Nghiêm Trang và Lý Trư Nhi mang đao vào phòng ngũ của An Lộc Sơn; Trư Nhi vung đao đâm vào bụng, Lộc Sơn mắt mù không vươn tay lấy được thanh bảo kiếm để trên đầu, chỉ kịp kêu lên:
“Tên này là giặc trong nhà ư!”
Kêu la xong rồi tắt thở. Thi hài An Lộc Sơn được bao bằng chăn lông thú, rồi đem chôn ngay dưới chân giường; mọi việc đều giấu kín. Nghiêm Trang lập tức tuyên cáo rằng An Lộc Sơn truyền ngôi cho An Khánh Tự, xưng là Thái thượng hoàng. An Khánh Tự đam mê tửu sắc, tôn xưng Nghiêm Trang bằng anh, việc bất kỳ lớn nhỏ đều xin ý kiến.
Sau này Sử Tư Minh giết An Khánh Tự, lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Yên, phong thuỵ hiệu cho An Lộc Sơn là Quang Liệt Hoàng đế.
B. Sử Tư Minh
Sử Tư Minh [703-761] tên lúc nhỏ là Tốt Can, người dân tộc Đột Quyết, dung mạo xấu xí, biết 6 thứ tiếng, cùng làng với An Lộc Sơn. Đầu năm Thiên Bảo, mấy lần lập công lên đến chức Tướng quân, giữ chức Tri Bình Lô quân sự [Triều Dương thị, Liêu Ninh]. Theo An Lộc Sơn đánh Khiết Đan, trở về được giữ chức Bình Lô Binh Mã sứ, rồi được Đường Huyền Tông ban tên là Sử Tư Minh.
1. Theo An Lộc Sơn làm phản.
Những năm cuối thời Huyền Tông, nhà vua tin dùng các Tể tướng Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, chính trị hủ bại; tự cho là nước mạnh có ý đồ mở mang biên cương, lập thêm 10 Tiết độ sứ, ủng binh 49 vạn, khiến bên ngoài mạnh, mà bên trong thì yếu. Vào tháng 11 năm Thiên Bảo thứ 14 [755], An Lộc Sơn, Sử Tư Minh giả trá tuyên bố rằng nhận mật chỉ đánh dẹp Dương Quốc Trung, dùng 15 vạn quân phản nhà Đường, nhanh chóng chiếm vùng Hà Bắc. Rồi quân phản biến đánh xuống nam, vượt sông Hoàng Hà, năm thứ 2 đánh chiếm Lạc Dương, An Lộc Sơn xưng Đế tại đây; riêng lệnh Sử Tư Minh kinh lược Hà Bắc, được phong làm Tiết Độ sứ Phạm Dương, chiếm 13 quận, nắm hơn 8 vạn quân.
Sau khi An Lộc Sơn tạo phản, Sử Tư Minh hoành hành vùng Hà Bắc, quân đi đến đâu đều thu hoạch thắng lợi. Cho đến đầu năm thứ 15 [756], đạo quân của Sử bị Lý Quang Bật, Quách Tử Nghi đánh bại tại Thường Sơn [Thạch Gia Trang, Hà Bắc], thua chạy đến Bác Lăng. Quân Sử Tư Minh ở tình thế sắp bị tiêu diệt, khiến An Lộc Sơn chuẩn bị mang quân về cứu; thì hốt nhiên tin báo quân nhà Đường do Ca Thư Hàn chỉ huy, thất bại tại Đồng Quan, quân tạo phản trên đường vào chiếm kinh đô Trường An, bọn Lý Quang Bật phải mang quân trở về cứu. Lợi dụng dịp này, Sử Tư Minh bèn quay gót truy kích, đại phá quân Đường dưới quyền Lưu Chính Thần. Quân Sử Tư Minh thừa thắng đánh chiếm Thường Sơn, Triệu Quận [huyện Tán Hoàng, Hà Bắc], Hà Gian [Thương Châu thị]. Sau đó Sử Tư Minh mang quân đánh chiếm Thanh Hà [huyện Hạ Hạt, Hà Bắc]; đến năm Chí Đức đời Túc Tông [757] bao vây Lý Quang Bất tại thành Thái Nguyên [Sơn Tây], bị Bật dùng chước địa đạo (1) đánh bại. Vào năm này An Lộc Sơn bị con là An Khánh Tự giết, Sử Tư Minh chuẩn bị tự lập.
2. Hàng nhà Đường
Sử Tư Minh từ khi vây thành Thái Nguyên bị Lý Quang Bật đánh thua, bèn rút về đóng tại Phạm Dương; được An Khánh Tự phong làm Xuyên vương, kiêm Tiết Độ sứ Phạm Dương. An Lộc Sơn khi đánh chiếm hai kinh đô Lạc Dương và Trường An, phần lớn những đồ trân quí đều đem về trữ tại Phạm Dương, chồng chất như núi; Sử Tư Minh muốn chiếm tất cả làm của riêng.
Sau khi An Khánh Tự thất thủ Lạc Dương bèn rút về Nghiệp Thành [Hà Bắc], gọi quân từ các châu quận xung quanh, được khoảng 6 vạn; riêng Sử Tư Minh đã không gửi binh, lại không gửi Sứ giả đến, khiến An Khánh Tự nghi là có hai lòng. Bèn sai Ha Sử Na Thừa Khánh, An Thủ Trung, Lý Lập Tiết mang 5.000 kỵ binh đến Phạm Dương với danh nghĩa đòi quân, nhưng thực chất là dò xét, để chuẩn bị đánh.
Sử Tư Minh nghe tin mấy người này cùng đến, biết rằng đối phương không có hảo ý, bèn đặt quân mai phục tại bản doanh, rồi mang mấy vạn quân ra ngoài cửa thành đón. Khi thấy bọn Sứ giả, Sử Tư Minh lập tức xuống ngựa chào hỏi, nắm tay ân cần tâm sự, rồi mời Sứ giả vào nhà khách, mệnh tấu nhạc thiết yến rất ân cần; giữa tiệc rượu Sử Tư Minh dằn ly xuống bàn ra hiệu, thì phục binh sau trướng lập tức xông ra bắt giữ 3 Sứ giả và đám tuỳ tùng. Sau đó Sử Tư Minh dâng thư triều đình nhà Đường xin qui hàng, nội dung nguyện ý đem 13 quận và 13 vạn quân dưới quyền đầu hàng. Vua Túc Tông nhận được tờ tâu, rất lấy làm cao hứng, lập tức phong Sử Tư Minh tước Qui Nghĩa vương, kiêm Tiết Độ sứ Phạm Dương, 7 người con đều được ban chức quan hiển hách. Nhận được tước phong, Sử Tư Minh lập tức giết An Thủ Trung và Lý Lập Tiết, để chứng tỏ thành ý với triều đình; riêng Ha Sử Na Thừa Khánh vì có giao tình cũ thâm sâu nên không nỡ giết.
3. Lại phản Đường rồi xưng Đế
Sử Tư Minh tuy bên ngoài ra vẻ tuân mệnh triều đình, nhưng không ngừng thông đồng với giặc, chiêu tập binh mã; khiến Đường Túc Tông phải đề phòng. Tháng 5 năm Càn Nguyên thứ nhất [758] dùng Ô Thừa Ân làm Phó sứ, đến doanh quân Sử Tư Minh sách động các tướng làm phản [sách phản], cùng thừa dịp giết Sử. Ô Thừa Ân nhiều dịp vào buổi tối giả trang làm đàn bà, đến gặp riêng các tướng để rỉ tai sách động làm phản. Việc phát giác bị bắt; Sử Tư Minh rất giận, giết Ô Thừa Ân, cùng con trai và 200 thuộc hạ. Ngay sau đó vào tháng giêng năm Càn Nguyên thứ 2 [759], Sử Tư Minh lại phản Đường tự xưng là Đại Thánh Chu vương.
Vua Túc Tông mệnh Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật chỉ huy 9 Tiết độ sứ đánh An Khánh Tự. Bấy giờ Quách Tử Nghi mới bị thua bại, nên Sử Tư Minh được dịp thu thập tàn quân trú đóng tại phía nam Nghiệp Quận [Hà Bắc]. Riêng An Khánh Tự thu thập được số lương do quan quân để lại, nên không chịu mua quân dụng hàng hoá của phe Sử Tư Minh. Sử Tư Minh bèn sai người đến khiển trách, khiến An Khánh Tự lo sợ, thậm chí xưng thần với Sử Tư Minh! Sử Tư Minh phúc đáp hãy bỏ lễ quân thần, cải xưng là anh em; rồi dụ dỗ An Khánh Tự đến uống máu tuyên thệ; khi 4 anh em An Khánh Tự đến, Sử Tư Minh đổi thái độ bắt tự tử.
Sau đó Sử Tư Minh vào thành Nghiệp chiêu an, rồi giao cho con là Sử Triều Nghĩa trấn thủ, tự rút về thành Phạm Dương. Tháng 5 đổi quốc hiệu là Đại Yên, xưng là Ứng Thiên Hoàng đế, niên hiệu Thuận Thiên, phong cho con Sử Triều Nghĩa làm Hoài vương.
3. Sử Tư Minh bị bộ hạ và con mưu giết
Tháng 2 năm Thượng Nguyên thứ 2 [761] Sử Tư Minh dùng kế đánh bại quân Quang Bật tại Bắc Mang, quân nhà Đường phải bỏ Hà Dương [huyện Mãnh, Hà Nam], Hoài Châu, khiến kinh đô chấn động. Nhân Sử Triều Nghĩa bị thua trận, khiến Tư Minh rất tức giận; sau đó lại ra lệnh xây thành tam giác, không hoàn thành đúng qui cách, bèn bắt Triều Nghĩa và các Đại tướng đến trình diện, doạ giết để lập quân uy. Sau sự kiện này khiến Sử Triều Nghĩa rất hận, bọn Lạc Duyệt lại khuyên Triều Nghĩa phải hạ thủ trước, Triều Nghĩa không dám quyết; bọn Lạc Duyệt uy hiếp nếu không theo sẽ đầu hàng nhà Đường, Triều Nghĩa đắn đo tư lự cuối cùng bằng lòng.
Rồi một đêm, bọn Lạc Duyệt mang đao đột nhập vào cung, nghe tiếng động Sử Tư
Minh lén trèo qua tường, nhưng bị bắn trúng tay ngã xuống, rồi bị bắt giam. Bọn phản biến nguỵ tạo chiếu thư của Sử Tư Minh truyền ngôi Sử Nguyên Nghĩa kế vị. Sau đó nhắm tuyệt mối lo về sau, Lạc Duyệt cho dùng giây thắt cổ Sử Tư Minh.
C. Ảnh hưởng của loạn An, Sử
Loạn An, Sử trải qua 7 năm 2 tháng thì bình định; đây không chỉ là khúc quẹo vận mệnh [turning point] của nhà Đường từ thịnh chuyển sang suy; nhưng còn ảnh hưởng đến Trung Quốc lâu dài về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá. Tư Mã Quang trong Tư Trị Thông Giám viết “ Từ đó hoạ loạn tiếp tục xảy ra, binh cách không ngừng; nhân dân đồ thán, không có chỗ kêu cứu hơn 200 năm”. Nay có thể tóm tắt một vài điểm nỗi bật như sau:
-Nhà Đường muốn kết thúc chiến tranh mau hơn, không ngừng chiêu dụ các hàng tướng An, Sử như bọn Lý Hoài Sơn, Điền Thừa Tự vv…rồi phong làm Tiết Độ sứ, cho giữ binh quyền; tự tuyển quân, chọn tướng. Tình trạng cát cứ xưng Vương, Hầu, càng về sau càng trầm trọng, cho đến lúc nhà Đường mất, còn kéo dài đến thời Ngũ Đại, Thập Quốc.
-Từ nhà Đường trở về trước, Trường An và Lạc Dương thay phiên làm kinh đô là trung tâm chính trị của cả nước. Sau loạn An, Sử, hai đô bị tàn phá; bởi vậy từ thời Ngũ Đại trở về sau, ngoại trừ nhà Hậu Đường định dô tại Lạc Dương, các triều đại khác không dùng Trường An và Lạc Dương làm kinh đô nữa.
-Loạn An Sử khiến kinh tế miền Hoa bắc, Quan Trung bị tàn phá nặng nề, riêng lưu vực sông Trường Giang tương đối được bảo toàn, nên phần lớn dân chúng di cư về nam, khiến kinh tế miền nam mỗi ngày một phát đạt.
-Do dẹp loạn An, Sử; triều đình nhà Đường thường mượn quân các ngoại tộc như Hồi Hột; khiến Hồi Hột tự thị có công trong việc bình loạn mấy lần đòi hỏi nhà Đường cấp tiền bạc. Vùng đất Tây Vức trước kia thuộc Đường, trong thời gian loạn An, Sử trở về sau bị Thổ Phồn [Tây Tạng], Hồi Hột chiếm lãnh, khiến con đường tơ lụa sang phía tây dần dần bị cắt đứt.
Kỳ sau: Khiết Đan
Chú thích:
1.Chước địa đạo: mưu chước chiến tranh bằng đường hầm.
2201
2337
22249
218748
121356
114511875